Jason Tan
Jason Tan là phó giáo sư về chính sách và khoa học lãnh đạo tại Viện Nghiên cứu Giáo dục Quốc gia, Singapore, Email: engthye.tan@nie.edu.sg. Bài báo này cũng được in trong tạp chí Higher Education in Southeast Asia and Beyond.
Báo cáo của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore năm 2002 đã đưa ra tầm nhìn về “trường học toàn cầu”. Một trong những nội dung của báo cáo này tập trung vào ngành công nghiệp giáo dục. Bộ này cho rằng Singapore có thể sẽ giành được một phần thị trường giáo dục toàn cầu có giá trị ước tính khoảng 2,2 tỷ USD. Mục tiêu đầy tham vọng đặt ra là Singapore sẽ đạt được 150 ngàn sinh viên quốc tế theo diện tự trả học phí vào năm 2015, thời điểm này số lượng sinh viên quốc tế đang theo học ở Singapore ước tính vào khoảng 50 ngàn người.
Báo cáo này cũng phác thảo ra những lợi ích kinh tế có thể đạt được. Ví dụ, chi phí của các trường đại học và của sinh viên quốc tế tăng lên sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra những công việc có thu nhập cao. Thứ hai, lực lượng sinh viên quốc tế đông đảo sẽ đóng góp nguồn nhân lực cho các hoạt động tri thức như nghiên cứu và phát triển, phát minh sáng chế và phát triển doanh nghiệp. Tiếp đến, việc gia tăng số lượng các trường đại học cũng như các khoá học đa dạng cũng sẽ khuyến khích số lượng lớn hơn sinh viên bản xứ đi du học. Cuối cùng, sinh viên quốc tế sẽ quảng cáo cho Singapore như một nơi tập trung các tài năng và tạo ra một mạng lưới cựu sinh viên quốc tế trên toàn thế giới.
Bản báo cáo cũng đề xuất một hệ thống đại học 3 tầng tạo thành cốt lõi của trường học toàn cầu. Trên đỉnh cao nhất là các trường “đại học đẳng cấp quốc tế”. Các trường này sẽ tập trung chủ yếu vào đào tạo sau đại học, sẽ đóng vai trò “các trung tâm xuất sắc” thực thi nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển. Ở tầng hai là 3 trường đại học công đã có từ trước, vẫn đang được chính phủ tài trợ là Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) và Đại học quản lý Singapore (SMU) – đây là các trường đại học đóng vai trò trụ cột, làm nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển, cung cấp nguồn nhân lực trong nước có trình độ đại học đáp ứng nhu cầu của quốc gia, thu hút sinh viên trong khu vực thông qua học bổng, và thực hiện chức năng đào tạo như một dịch vụ công. Các trường đại học tư tạo thành nền móng của kim tự tháp này. Đại học tư tập trung vào đào tạo và nghiên cứu ứng dụng, và phục vụ số lượng dự kiến khoảng 100 ngàn sinh viên quốc tế trong ngôi trường toàn cầu này.
Bối cảnh xã hội
Tầm nhìn về trường học toàn cầu là nội dung mới nhất trong một chuỗi các sáng kiến chính sách đề cao vai trò của giáo dục trong việc nâng cao tính cạnh trạnh của nền kinh tế quốc gia. Điều này cũng thể hiện một bước tiến theo hướng thị trường hoá và thương mại hoá giáo dục. Năm 1996, Thủ tướng công bố ý định của chính phủ biến Singparore trở thành “Boston của Phương Đông”, lấy Đại học Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts làm hình mẫu để phát triển trường NUS và NTU thành các đại học đẳng cấp quốc tế. Tiếp theo, năm 1998, Hội đồng Phát triển Kinh tế (EDB), một cơ quan trực thuộc Chính phủ, công bố ý định thu hút ít nhất 10 trường đại học đẳng cấp quốc tế trong vòng một thập kỷ. Sáng kiến này đã thu hút được những trường đại học uy tín như Đại học John Hopskins, Đại học Chicago, và INSEAD, một trường đào tạo sau đại học về kinh doanh ở Pháp. Dự án trường học toàn cầu hoàn toàn phù hợp với chính sách dài hạn nhằm thu hút sinh viên quốc tế.
Những trở ngại
Ngay từ đầu, sáng kiến trường học toàn cầu đã gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, đã có một số trường đại học quốc tế danh tiếng quyết định rút các phân hiệu và chương trình đào tạo hoặc được yêu cầu chấm dứt hoạt động của họ tại Singapore chỉ sau vài năm hoạt động.
Ví dụ, vào tháng 7/2006 Cục Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu, do Chính phủ Singapore tài trợ đã tuyên bố sẽ đóng cửa cơ sở nghiên cứu y sinh của Đại học Johns Hopkins vì lý do cơ sở này không tuyển đủ số lượng nghiên cứu sinh như dự kiến. Thêm vào đó, mặc dù đã nhận hơn 50 triệu dollar tài trợ của EDB từ năm 1998, cơ sở vật chất nghiên cứu đã không đạt được 8/13 kết quả chỉ tiêu đối sánh. Một trường hợp thất bại khác là, chỉ 4 tháng sau khi khánh thành Đại học New South Wales (UNSW) – phân hiệu châu Á, vào tháng 2/2007, cơ quan chủ quản tại Sydney đã công bố sẽ đóng cửa phân hiệu này vào tháng 6 cùng năm vì không có đủ sinh viên và vì những khó khăn tài chính.
Bản báo cáo cũng đề xuất một hệ thống đại học 3 tầng tạo nên phần cốt lõi của trường học toàn cầu
Trong những năm gần đây, dự án trường học toàn cầu Singapore tiếp tục gặp thất bại, thêm 3 phân hiệu khác phải đóng cửa. Năm 2012, Trường Nghệ thuật Châu Á Tisch quyết định ngừng các chương trình đào tạo thạc sỹ về phim, phim hoạt hình, truyền thông và sáng tác kịch bản. Lý do chủ yếu là vấn đề thâm hụt tài chính trong suốt 5 năm hoạt động mặc dù trường đã nhận được 17 triệu dollar từ quỹ hỗ trợ tài chính của EDB cũng như các nguồn kinh phí bổ sung từ Đại học New York.
Năm 2013, Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago công bố sẽ chuyển chương trình đào tạo quản lý giáo dục từ Singapore sang Hong Kong để gần hơn với nền kinh tế mới nổi của Cộng hoà Nhân dân Trung hoa. Cùng thời gian, Đại học Nevada tại Las Vegas công bố sẽ đóng cửa chương trình cử nhân về khách sạn, với lý do đưa ra là khó khăn tài chính. Một tranh cãi khác liên quan đến chương trình hợp tác giữa Trường Yale và NUS. Ngay từ khi được thành lập vào năm 2011 với sự đầu tư hợp tác của 2 trường đại học, chương trình này đã bị một số giảng viên đại học Yale và các nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích, họ hoài nghi về việc nền giáo dục khai phóng, vốn hoàn toàn dựa trên nền tảng tự do tư tưởng, có thể phát triển được dưới một chính quyền toàn trị với những quy định gắt gao hạn chế tự do ngôn luận và hội họp.
Ngoài những trường hợp bất đồng ý kiến đã nhắc đến, dự án trường học toàn cầu còn gặp một khó khăn thứ hai là vấn đề đảm bảo chất lượng. Hai thập kỷ đầu của thế kỷ này đã chứng kiến một vài trường đại học tư hoạt động vì lợi nhuận đột nhiên đóng cửa và bỏ mặc sinh viên mà không bồi thường những thiệt hại tài chính và học tập. Phải mất 7 năm tính khi dự án lần đầu được công bố, Quốc hội mới thông qua Luật giáo dục tư thục để đưa vào khuôn khổ các tổ chức giáo dục tư thục có cấp bằng, chứng chỉ và chứng nhận.
Thách thức thứ ba gần đây là những ý kiến gay gắt từ phía công luận về tính thuyết phục của chính sách nhập cư tự do. Trước áp lực này Đảng cầm quyền đã phải nhượng bộ bằng cách xiết chặt chính sách nhập cư trong vài năm gần đây. Những thay đổi trong chính sách nhập cư này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến kỳ vọng trở thành một trung tâm giáo dục của Singapore.
Sau 14 năm kể từ khi tầm nhìn trường học toàn cầu được công bố, mục tiêu 150 ngàn sinh viên quốc tế vẫn còn xa vời. Một báo cáo vào năm 2014 cho biết số lượng sinh viên ngoại quốc đã giảm từ 97 ngàn vào năm 2008 xuống 84 ngàn vào năm 2012 và 75 ngàn vào năm 2014. Kết quả một khảo sát của ngân hàng Hong Kong và Thượng Hải, công bố cùng năm, cho thấy sinh viên ngày càng bất an hơn về viễn cảnh nghề nghiệp và chi phí sinh hoạt tại Singpore. Hai năm trước, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp đã phát biểu tại Quốc hội rằng sáng kiến trường học toàn cầu cần tập trung vào chất lượng giáo dục và các yếu tố kinh tế hơn là số lượng sinh viên và phần trăm GDP. Tuyên bố của vị này đã ngầm thừa nhận mục tiêu 150 ngàn sinh viên quốc tế tự trả học phí do Bộ đặt ra là quá tầm với.