Tầm quan trọng của Giáo dục đại học tư ở châu Mỹ Latinh

Dante J. Salto

Dante J. Salto là thực tập sinh sau tiến sĩ tại trường Universidad Nacional de Cordoba (Argentina) và tham gia vào chương trình nghiên cứu về Giáo dục đại học tư (PROPHE), Đại học tại Albany. E-mail: [email protected]. (IHE thường xuyên xuất bản các bài báo từ PROPHE, xem http://www.albany.edu/~prophe).

Từ ngày 4 đến 7 tháng Ba, năm 2016, các học giả và chuyên gia đầu ngành về giáo dục đại học ở châu Mỹ Latinh đã tổ chức một hội nghị “thượng đỉnh” để xem xét chi tiết những đường lối phát triển và các xu hướng chính trong lĩnh vực này. Giáo dục đại học tư nhân (PHE) không phải là trọng tâm duy nhất của hội nghị, nhưng đã trở thành chủ đề của nhiều cuộc thảo luận quan trọng. Bài báo này viết về PHE và các vấn đề liên quan, như tư nhân hóa và so sánh hai khu vực công và tư, là những nội dung được nhấn mạnh tại hội nghị thượng đỉnh.

Một vấn đề trọng tâm được hội nghị nhấn mạnh nhiều lần là bất kỳ cuộc thảo luận nghiêm túc và toàn diện nào về những phát triển quan trọng trong giáo dục đại học ở châu Mỹ Latinh và chính sách liên quan đều tất yếu phải đề cập tới PHE. Điều này không làm ai ngạc nhiên vì thực tế hơn 40% số lượng tuyển sinh giáo dục đại học của châu Mỹ Latinh thuộc về khu vực tư nhân (theo dữ liệu của PROPHE). Vai trò quan trọng của PHE thể hiện trong một loạt vấn đề, ​​bao gồm chất lượng, tiếp cận giáo dục, mở rộng, công bằng, chính sách điều tiết (bao gồm cả kiểm định), quản lý công mới, xếp hạng học thuật và uy tín, tham nhũng, và nhiều khía cạnh khác.

Cần thiết cho sự phát triển của khu vực

Nhiều thay đổi mang tính lịch sử và xu hướng được đề cập trong hội nghị thượng đỉnh liên quan đến việc mở rộng hệ thống giáo dục đại học của khu vực, tạo ra sự đa dạng hóa trong cả hai khu vực công và tư. Francisco Marmolejo, diễn giả chính, điều phối viên và chuyên gia hàng đầu về Giáo dục đại học của Ngân hàng Thế giới, đã chỉ ra những thách thức mà nền giáo dục đại học trong khu vực đang phải đối mặt, do “cửa sổ nhân khẩu” đang mở rộng, số người ở độ tuổi lao động tiếp cận giáo dục đại học ngày càng tăng. Nhu cầu đối với giáo dục đại học hiện nay không chỉ phát sinh trong giới trẻ đến tuổi vào đại học như trước đây, mà cả trong nhóm những sinh viên phi truyền thống – những người trước đây vốn không được các trường công và tư chú ý đến. Nhóm đối tượng phi truyền thống này ngày càng được các cơ sở đào tạo tư nhân – không nhất thiết là đại học hoặc có cấp bằng – cũng như một số cơ sở đào tạo công mới thành lập quan tâm. Như vậy, khu vực tư nhân đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc thu hút những nhu cầu không được các cơ sở truyền thống đáp ứng.

Đa dạng hóa giáo dục đại học đặt ra những thách thức với chính sách điều tiết, ví dụ đảm bảo chất lượng. Một hiện tượng mới, nhưng khá phổ biến ở các nước châu Mỹ Latinh là hệ thống đảm bảo chất lượng chính thống thường chỉ dựa vào một mô hình thể chế “tối ưu”, căn chỉnh theo các trường đại học công lập uy tín nhất của quốc gia. Sự cần thiết thích nghi với những sứ mệnh đa dạng của các trường mới hiện nay là thách thức đối với hệ thống đảm bảo chất lượng, và sự xuất hiện các hình thức giáo dục tư nhân mới càng làm cho thách thức này trầm trọng hơn.

Những trình bày sau đây nhấn mạnh rằng sự đa dạng hóa và tư nhân hóa liên quan đến nhiều vấn đề hơn là sự phát triển của PHE. Những cải cách thân thiện với thị trường đã đẩy mạnh quá trình tư nhân hoá nội bộ trong các cơ sở công lập trong khu vực. Theo xu hướng toàn cầu, các cơ sở công lập áp dụng một loạt chiến lược tư nhân hóa. Những nỗ lực tạo ra doanh thu đóng một vai trò quan trọng và thường gây tranh cãi. Các trường đại học công lập từng bước tìm kiếm nguồn tài trợ bên ngoài và thiết lập quan hệ đối tác công-tư, giảm dần sự phụ thuộc lâu đời của họ vào nguồn cung cấp tài chính và trách nhiệm duy nhất là nhà nước. Tương tự, nhóm chuyên gia tham gia hội thảo đã đưa ra những minh họa về cách thức các trường đại học công lập thích ứng với thực tiễn quản trị của khu vực tư nhân, điều này được nhìn nhận như một cải cách trong quản lý công và cũng làm mờ nhạt ranh giới giữa hai khu vực công và tư. Một số diễn giả bày tỏ sự ngạc nhiên trước mức độ doanh nghiệp hoá trong các trường đại học công mà những xu hướng này có thể dẫn đến, khi các trường công tìm cách thích ứng với môi trường đang thay đổi.

Các hình thức tư nhân hóa: truyền thống và đổi mới

Các vấn đề khác nhau của PHE ở châu Mỹ Latinh, bao gồm cả cố hữu lẫn mới xuất hiện, trong hầu hết các trường hợp, đều nảy sinh dưới tác động của các yếu tố hoàn cảnh, như thay đổi dân số, hay xu hướng chính trị và kinh tế. Nghiên cứu về lịch sử phát triển và xu hướng hiện tại chủ yếu tập trung vào những thay đổi của khu vực tư nhân qua các giai đoạn. Một số nghiên cứu tập trung vào những chính sách công từng bỏ qua, thậm chí ngăn cấm sự mở rộng khu vực tư nhân, trong khi đó những công trình khác mô tả chính sách công từ khía cạnh thúc đẩy PHE. Đáng chú ý là, khi ranh giới giữa hai khu vực ngày càng trở nên mờ nhạt, các tổ chức giáo dục tư nhân tuyên bố mạnh mẽ hơn về việc họ đang phục vụ những mục đích công, chẳng hạn như đáp ứng mục tiêu mở rộng tiếp cận giáo dục do chính phủ đặt ra.

Tất nhiên, tăng trưởng tuyển sinh để đạt được mục tiêu mở rộng tiếp cận giáo dục vẫn là chủ đề chiếm ưu thế trong các cuộc thảo luận về chính sách của châu Mỹ Latinh suốt hơn nửa thế kỷ qua, đồng thời thu hút khá nhiều sự chú ý đến PHE, cũng trong khoảng thời gian dài như vậy, bởi vì cơ hội tiếp cận giáo dục đại học tăng lên đáng kể là nhờ vào khu vực giáo dục tư. Nhưng hội nghị lần này tập trung vào thời điểm hiện tại, vào việc nghiên cứu mức độ những hình thức PHE mới tác động đến tăng trưởng tuyển sinh. Hiện nay, một số nước trong khu vực chính thức cho phép thành lập các cơ sở giáo dục hoạt động vì lợi nhuận. Điều này phá vỡ truyền thống và các chuẩn mực truyền thống, vì thế hiển nhiên gây ra tranh cãi. Thay đổi theo hướng vì lợi nhuận diễn ra mạnh mẽ nhất là trong hệ thống giáo dục đại học Brazil, hệ thống lớn nhất của khu vực (tính theo số ghi danh tuyệt đối). Brazil không chỉ cho phép các cơ sở giáo dục đại học hoạt động vì lợi nhuận, mà còn ưu đãi về mặt tài chính để tạo điều kiện cho sinh viên nghèo vào học. Các quốc gia khác nữa tham gia vào xu hướng vì lợi nhuận là Peru, Bolivia và Chile (chỉ những cơ sở giáo dục không phải là trường đại học).

Một vấn đề trọng tâm được hội nghị nhấn mạnh nhiều lần là bất kỳ cuộc thảo luận nghiêm túc và toàn diện nào về những phát triển quan trọng trong giáo dục đại học ở châu Mỹ Latinh và chính sách liên quan đều tất yếu phải đề cập tới PHE

Mặc dù không kịch tính như tăng trưởng vì lợi nhuận, xu hướng “Mỹ hóa” trong quản lý cũng giúp định hình lại nền giáo dục đại học châu Mỹ Latinh. Phong cách quản lý này, như được ghi nhận từ lâu, lan rộng trong PHE của khu vực. Ví dụ, các trường đại học tư có xu hướng thuê chuyên gia quản lý thay vì yêu cầu cán bộ giảng viên giữ vai trò quản lý. Nhưng những người tham gia hội thảo cũng đưa ra các ví dụ về việc tăng cường phong cách quản lý trong các cơ sở công lập, đặc biệt là trong một số cơ sở mới hơn. Tương tự như vậy, hiện nay ngay cả các trường đại học công lập cũng đưa nhiều người ngoài vào cơ cấu quản trị của trường. Điều này được mô tả như một sự chuyển dịch theo hướng tăng cường trách nhiệm giải trình trước các tổ chức, cá nhân liên quan bên ngoài và có lẽ trước công chúng nói chung. Những khuynh hướng đã được tư liệu hóa như vậy trong khu vực công tiếp tục làm mờ đi ranh giới truyền thống giữa giáo dục đại học công và tư.

Những nghiên cứu về khu vực giáo dục đại học tư

Cuối cùng, hội nghị thượng đỉnh ghi nhận những nỗ lực lớn trong việc nghiên cứu sự phát triển PHE ở châu Mỹ Latinh và các vấn đề liên quan đến công-tư. Các tổ chức, tập đoàn, và trung tâm nghiên cứu trong khu vực đều đóng vai trò nhất định. Trung tâm Centro Interuniversitario de Desarrollo (CINDA), do thành viên của hội nghị là José Joaquín Brunner điều phối, công bố các báo cáo về những vấn đề hiện tại trong giáo dục đại học của châu Mỹ Latinh gắn liền với vai trò của khu vực tư nhân. Ngân hàng Phát triển liên Mỹ hiệu đính lại báo cáo chính sách về PHE ở châu Mỹ Latinh. Trung tâm Giáo dục đại học quốc tế tại Boston College tham gia vào dự án quốc tế hóa các trường đại học Công giáo. PROPHE tiếp tục nghiên cứu về PHE của châu Mỹ Latinh trong bối cảnh toàn cầu.

Dù những nghiên cứu đang tiến hành sẽ đưa ra kết luận gì trong tương lai, thì các học giả và những người làm chính sách của hội nghị thượng đỉnh vẫn phải bấu víu vào những thông tin đã có trong tay. Nhìn chung, khi đề cập đến nhiều vấn đề nổi bật trong giáo dục đại học ở châu Mỹ Latinh, họ liên tục ghi nhận rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, PHE và những thực tế liên quan đến tư nhân hóa, cho thấy tầm quan trọng không thể thiếu được của giáo dục đại học tư nhân trong sự phát triển tổng thể của giáo dục đại học châu Mỹ Latinh.