Phân tích văn hóa tham nhũng trong giáo dục đại học Ấn Độ

William G. Tierney và Nidhi S. Sabharwal 

William G. Tierney là giáo sưđại học, giáo sư danh hiệu Wilbur-Kieffer về giáo dục đại học, đồng giám đốc Trung tâm Pullias về Giáo dục đại học tại Đại học Nam California, Hoa kỳ. Ông vừa kết thúc Chương trình học giả Fulbright tại Ấn Độ. E-mail: [email protected]. Nidhi S. Sabharwal là phó giáo sư của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách giáo dục đại học tại Đại học Quốc gia về Kế hoạch và Quản trị giáo dục New Delhi, Ấn Độ. E-mail: [email protected].

Trường đại học nào cũng có những cá nhân có hành vi không thể chấp nhận. Sinh viên gian lận trong kỳ thi. Giáo sư làm giả dữ liệu thử nghiệm. Hiệu trưởng trường đại học làm giàu bằng lừa gạt. Mặc dù những hành vi gian dối này là không thể chấp nhận và cần phải lên án, chúng vẫn chỉ bị phán xét như lỗi cá nhân, mà không phải là tham nhũng có hệ thống. Tham nhũng có hệ thống xảy ra khi toàn bộ hệ thống sa lầy trong những ý đồ phi đạo đức và vi phạm ở mức độ thể chế, toàn hệ thống.

Nhiều người lo ngại rằng hệ thống giáo dục sau trung học phổ thông của Ấn Độ là một ví dụ hoàn hảo cho hiện tượng tham nhũng hệ thống. Ấn Độ thu hút sự chú ý của toàn thế giới khi một vụ bê bối gian lận thi cử bị vạch trần, liên quan đến hàng ngàn người tham gia các kỳ thi ngành y thay cho sinh viên. Đáp án các bài kiểm tra đầu vào của những khóa học chuyên môn thường xuyên bị rò rỉ. Hình ảnh các thành viên gia đình trèo tường để giúp con em mình gian lận được khắc sâu trong ký ức quốc gia.

Những vấn đề này thuộc về cấu trúc. Trước đây hơn một thế hệ, chính phủ Ấn Độ phải đối mặt với một tình thế khó xử: muốn tăng đáng kể số lượng sinh viên được đào tạo sau trung học nhưng lại thiếu nguồn tiền tương xứng. Do đó, các trường đại học tư, phi lợi nhuận trở nên hấp dẫn. Theo Bộ Phát triển nguồn nhân lực, Ấn độ có 35,357 cơ sở giáo dục đại học và 32,3 triệu sinh viên. 22.100 cơ sở là trường tư. Hơn 60% trường đại học công và tư có dưới 500 sinh viên, và 20% có dưới 100 sinh viên. Mặc dù nhiều người nói rằng hệ thống này đầy tham nhũng, nhưng phần lớn họ lo ngại về 22.100 trường đại học tư. Những báo cáo chủ yếu liên quan tới những trường có dưới 500 sinh viên.

Ấn Độ thu hút sự chú ý của toàn thế giới khi một vụ bê bối gian lận thi cử bị vạch trần, liên quan đến hàng ngàn người tham gia các kỳ thi ngành y thay cho sinh viên

Không ai khẳng định rằng tất cả các trường tư đều có tham nhũng; nhưng các cuộc điều tra quy mô lớn cũng không công bố dữ liệu về thực trạng gian lận. Liệu có ai thừa nhận rằng họ có tham nhũng khi trả lời khảo sát? Tuy nhiên, những hoạt động mà chúng tôi thảo luận dưới đây nói chung được những người liên quan đến giáo dục đại học ở Ấn Độ thừa nhận. Các cơ sở đào tạo tư, theo luật, là phi lợi nhuận. Tuy nhiên, cách thức quản lý cho phép các cơ sở này kiếm lợi nhuận thông qua “tiền đen” hoặc hối lộ. Các trường đại học tư giúp nhiều người kiếm được thu nhập cho bản thân và cho người khác.

Đầu mối tham nhũng

Đại lý: sinh viên thường không tiếp cận trường đại học trực tiếp, mà thông qua các “đại lý”, hoặc người trung gian. Các trường đại học cũng phụ thuộc vào đại lý để tuyển đủ số lượng sinh viên. Các đại lý thu tiền hoa hồng của sinh viên cho dịch vụ hỗ trợ nhập học và đàm phán với hiệu trưởng trường đại học để giảm học phí. Các đại lý cũng được trường đại học trả phí cho việc cung ứng một số lượng nhập học lớn.

Sinh viên: sinh viên trả tiền và kỳ vọng sẽ kiếm được một tấm bằng, nhưng không có ý định tham dự các lớp học. Họ thường tự gọi mình là “sinh viên không cần đến lớp”. Các tổ chức đào tạo, trong thực tế, cũng ủng hộ mong muốn đó. Lý do cho việc không đến lớp của họ rất khác nhau. Có thể vì trường quá xa, hoặc sinh viên đang có việc làm. Sinh viên có thể chỉ đến trường vào kỳ thi hoặc thực hiện những nhiệm vụ tối thiểu. Ví dụ, giảng viên gửi bài học cho sinh viên qua thư điện tử. Đôi khi, sinh viên cũng đến trường khi họ thấy thuận tiện. Họ cũng ghi chép, nộp bài làm cho giảng viên, nhận bài tập về nhà, và cũng cố gắng để hiểu bài. Sau đó, giảng viên cho điểm cuối học kỳ để họ có thể tham dự các kỳ thi của đại học. Tỷ lệ đạt ở trường đại học hầu như là 100%.

Lãnh đạo trường: các nhà lãnh đạo thường vận dụng hệ thống của trường để tối đa hóa lợi ích tài chính của họ. Có hẳn một chiến lược liên quan đến việc giữ giảng viên và hiệu trưởng trường đại học “trên giấy” để đáp ứng các chỉ tiêu biên chế do các cơ quan chức năng quy định. Như vậy, giảng viên có thể được liệt kê như là cán bộ cơ hữu, nhưng thực sự không phải. Giảng viên nhận đủ lương trên giấy tờ, nhưng trả lại trường một phần đáng kể. Sổ sách của trường thể hiện đầy đủ giảng viên và giảng viên được nhận một khoản thu nhập, nhưng trong thực tế không làm gì.

Ngoài ra, giảng viên và/hoặc hiệu trưởng trường đại học có thể tham gia vào quá trình tuyển sinh, tạo ra doanh thu cho trường và cho cả sinh viên được tuyển. Hệ thống “Jaan-pehchaan” (mạng xã hội) cho phép lãnh đạo trường tiếp cận, khai thác các cơ hội và duy trì lợi ích kinh doanh của họ. Hiệu trưởng có thể thực hiện các hoạt động như một đại lý bằng cách cung ứng sinh viên, nhận hoa hồng của sinh viên, và đáp lại bằng việc thương lượng một khoản phí nhập học thấp hơn và quyền điểm danh khống.

Các đoàn kiểm tra: ban quản lý trường đại học làm việc cật lực để đảm bảo rằng cơ sở của họ phù hợp với một loạt quy định liên quan đến quản lý hàng ngày. Khi các đoàn kiểm tra của chính phủ đến đánh giá, xem xét hoặc xếp hạng trường, bộ phận quản lý trải thảm đỏ đón tiếp. Các đoàn đến làm việc tại trường được trả một khoản tiền chính thức. Tuy nhiên, với những chuyến thăm tới các tổ chức yếu kém (hoặc hoàn toàn không tồn tại), các thành viên hội đồng có thể kiếm chác gấp mười lần số tiền “Shraddha” chính thức (tiền biếu tặng)

Các trường đại học không tồn tại là những trường không có tòa nhà nào hoặc có một tòa nhà nhưng trống rỗng. Đôi khi, đoàn kiểm tra được đưa đến một tòa nhà hoàn toàn khác, nên họ không thấy không gian trống. Các trường này có thể hoạt động nhờ vào sự trao đổi tiền bạc. Nghĩa là, các cơ sở đào tạo trả một số tiền đáng kể cho cơ quan chức năng để có được giấy phép hoạt động. Một khi đã nhận được giấy phép ban đầu, họ sẽ chuyển sang trả tiền cho đoàn kiểm tra để có được một báo cáo tốt.

Kết luận

Thách thức ở Ấn độ, hay với bất kỳ quốc gia nào đang đối mặt với tham nhũng có hệ thống, là một nét đặc trưng văn hóa luôn thâm nhập vào mọi hành động cá nhân. Nếu một sinh viên gian lận trong kỳ thi và nhà trường lên án việc gian lận, thì quy trình chấn chỉnh hành vi sai lệch đó là rõ ràng. Tuy nhiên, việc cải cách sẽ khó khăn hơn trong một nền văn hóa mà “ai cũng làm điều đó”. Nếu tiền đen là phổ biến chứ không phải là ngoại lệ, thì có rất ít động lực để thay đổi. Việc sử dụng bình thường những cụm từ như “sinh viên không cần đến lớp” nhấn mạnh một hệ thống bị gian lận đến mức các cá nhân có thể trả tiền để mua bằng cấp. Khi có những cá nhân được trả tiền mà không làm việc – hoặc nhận tiền để cho điểm đánh giá cụ thể khi đến thăm hoặc kiểm tra trường–thì tham nhũng đã trở thành một căn bệnh địa phương.

Bước đầu tiên để bắt đầu quá trình cải tổ một cách hệ thống là thừa nhận sự tồn tại của vấn đề. Ấn Độ có một lịch sử giáo dục đại học xuất sắc. Trường đại học đầu tiên trên thế giới là một trường Ấn Độ, trường Nalanda ở thế kỷ thứ năm. Ấn Độ đã sinh ra tám nhà khoa học đoạt giải Nobel và có một truyền thống văn học hàng ngàn năm. Để khắc phục tình trạng tham nhũng làm suy yếu niềm tin và chất lượng, lịch sử hùng tráng của Ấn Độ nên được khai thác như một nguyên mẫu cho hệ thống giáo dục sau trung học nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển lực lượng lao động. Ở thời điểm hiện tại, nền tảng đạo đức của hệ thống giáo dục Ấn Độ đang bị xói mòn, cơ sở cho sự tin tưởng lẫn nhau và các chuẩn mực giáo dục cũng bị lung lay