Rachael Merola
Rachael Merola là nghiên cứu viên cấp cao tại tổ chức Quan sát Giáo dục đại học không biên giới (OBHE). Bài viết này xuất hiện lần đầu trên trang web OBHE: www.obhe.ac.uk. E-mail: rachael.merola@obhe.org.
Giáo dục đại học xuyên quốc gia (Transnational Education – TNE) là một con quái vật to lớn, chậm chạp. Mô tả một cách ngắn gọn những hình thức thể hiện của nó, hay đưa ra một định nghĩa cụ thể sự tiến hoá liên tục của nó là một sự liều lĩnh. Các phân hiệu đại học quốc tế (IBC), nói riêng, cũng phát triển và trở nên vô cùng đa dạng cả về quy mô, phạm vi, quyền sở hữu và hình thức hỗ trợ trong quãng đường 150 năm qua. Nhưng giữa những hình thái phong phú của TNE trên khắp thế giới, điều gì làm nên sự khác biệt của một IBC?
IBC là gì (và không là gì)?
Tổ chức Quan sát Giáo dục đại học không biên giới (OBHE), cùng với Nhóm Nghiên cứu Giáo dục Xuyên biên giới (C-Bert) tại SUNY Albany đã định nghĩa một phân hiệu đại học quốc tế là “một thực thể thuộc sở hữu, ít nhất một phần, của một nhà cung cấp dịch vụ giáo dục nước ngoài; hoạt động dưới danh nghĩa của nhà cung cấp dịch vụ giáo dục nước ngoài đó; và cung cấp quyền tiếp cập vào một chương trình học tập đầy đủ, chủ yếu được tiến hành tại chỗ, để đạt đến trình độ đào tạo được nhà cung cấp giáo dục nước ngoài đó cấp bằng“.
Hiện tại trên thế giới có khoảng 250 nhà cung cấp giáo dục đại học phù hợp với mô tả này, và nhiều tổ chức khác chỉ đáp ứng một số, mà không phải tất cả các yêu cầu để được coi là IBC. Những nhà cung cấp này có những đặc điểm chung nhất định có thể giúp xác định một số loại phổ biến các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài không phải là IBC.
Ví dụ, một trường đại học, dù là chủ tác giả của một chương trình cấp bằng, vẫn không được coi là một IBC, nếu chỉ một phần chương trình đó được thực hiện tại chỗ, còn phần lớn được thực hiện ở phân hiệu khác. Mô hình kiểu này thường áp dụng cho các trung tâm đào tạo đại học thành lập ở nước ngoài, hoặc cho các chương trình EMBA/MBA có giai đoạn học tập tại nước ngoài. Bởi vì một phần đáng kể của chương trình đào tạo cấp bằng được thực hiện ở nơi khác, mô hình này không được coi là IBC.
Ví dụ khác, những cơ sở đào tạo không yêu cầu sinh viên học tập tại trường cũng bị loại trừ khỏi định nghĩa về IBC. Điều này giúp loại bỏ nhiều chương trình đào tạo từ xa ở cả bậc đại học và sau đại học đang được nhiều trường cung cấp; trong trường hợp này các cơ sở nước ngoài của các trường đại học được sử dụng chủ yếu cho mục đích tuyển sinh, ghi danh, kiểm tra đầu vào, hoặc các mục đích phi học tập khác, rất ít khi hoặc hoàn toàn không có các hoạt động giảng dạy trực tiếp.
Mô hình thứ ba khá phổ biến của giáo dục đại học xuyên quốc gia (TNE), nhưng không phải là IBC là khi bằng cấp tại cơ sở ở nước ngoài được cấp bởi một thực thể không phải là trường đại học chủ tác giả chương trình đào tạo; ví dụ, Chương trình đôi ở Ấn Độ, hay Yale-NUS, trường đại học khai phóng ở Singapore phối hợp với Đại học Quốc gia Singapore. Những cơ sở này bị loại trừ khỏi định nghĩa của phân hiệu đại học quốc tế bởi vì toàn bộ hoạt động kinh doanh do đối tác nước ngoài kiểm soát.
Những đặc điểm của IBC
Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Quan sát Giáo dục Đại học Không biên giới, trong 5 năm qua đã có hơn 60 IBC được thành lập. Nghiên cứu các phân hiệu này cho thấy một số đặc điểm đáng chú ý. Đặc biệt, nhiều phân hiệu bắt đầu hoạt động với một danh mục chương trình đào tạo hạn chế, theo một chiến lược phát triển có cân nhắc và thận trọng thăm dò nhu cầu thị trường. Theo số liệu hiện nay, chỉ 21 IBC mới thành lập trong 5 năm qua cung cấp nhiều hơn 5 chương trình đào tạo có cấp bằng, và chỉ 9 IBC cung cấp nhiều hơn 10 chương trình. Trong tương lai những phân hiệu nhỏ này có thể phát triển bằng các tổ chức mẹ về kích thước và quy mô hay không, hoặc vẫn tiếp tục chỉ là các phân khúc thị trường, điều này phụ thuộc vào chiến lược của tổ chức mẹ cũng như sự thành công của các phân hiệu.
Hiện tại trên thế giới có khoảng 250 nhà cung cấp giáo dục đại học phù hợp với mô tả này, và nhiều tổ chức khác chỉ đáp ứng một số, mà không phải tất cả các yêu cầu để được coi là IBC
Một đặc điểm đáng chú ý khác là các IBC có mô hình sở hữu và quản trị khác nhau. Một số nước, trong đó có những nước sở hữu nhiều IBC như Tiểu các vương quốc Ả rập thống nhất, Singapore, Qatar và Malaysia – áp dụng mô hình quản trị từ trên xuống, đôi khi do chính phủ kiểm soát, ngược lại với mô hình tự chủ thường thấy ở Hoa Kỳ, Canada, Australia và Vương quốc Anh – là những nước xuất khẩu giáo dục lớn. Cần thiết có sự nhạy cảm và nhận thức rõ những tính chất liên văn hoá này khi lựa chọn hình thức quản trị một IBC.
Một số trường đại học coi IBC là một cách để cung cấp giáo dục theo mô hình hệ thống giáo dục của đất nước họ chứ không phải là của nước chủ nhà. Đặc biệt ở những nước mà tự do học thuật bị hạn chế, những kế hoạch và hoạt động của các IBC bị ngăn cản và/hoặc vấp phải sự phản đối từ các giảng viên và các bên liên quan khác. Như trường hợp của Đại học New York ở Abu Dhabi, Đại học Duke-Côn Sơn ở Trung Quốc, Đại học Nottingham tại Malaysia và một số trường khác. Cả ba phân hiệu nói trên đã trụ lại được bất chấp sự phản đối, nhưng phải cần đến những đối thoại quan trọng với ban lãnh đạo về định hướng chiến lược của trường mẹ liên quan đến các phân hiệu.
Chỉ một số ít IBC hoàn toàn thuộc sở hữu của trường mẹ, còn phần lớn các IBC được nước chủ nhà hỗ trợ một phần về tài chính, hậu cần hoặc cơ sở hạ tầng. Một mô hình thường thấy ở nhiều nước, đặc biệt ở những trung tâm giáo dục của khu vực, là thoả thuận hợp tác với chính phủ nước chủ nhà, khi đó chính quyền địa phương hoặc quốc gia hỗ trợ chi phí cho các phân hiệu quốc tế tại địa phương trong một khoảng thời gian nhất định. Đổi lại, chính phủ có quyền huỷ bỏ sự hỗ trợ bất cứ lúc nào. Phân hiệu Incheon Toàn cầu tại Hàn Quốc đi theo mô hình này, và đến nay đã thu hút được 4 trường đại học nước ngoài đến mở phân hiệu tại đây. Chi phí xây dựng và hoạt động của phân hiệu NYU Abu Dhabi được chính phủ Abu Dhabi chi trả hoàn toàn. Tương tự như vậy, thành phố Côn Sơn cấp đất và kinh phí xây dựng cho phân hiệu của Đại học Duke Côn Sơn.
Một đặc tính khác nữa là tên riêng của các phân hiệu đại học quốc tế phải thể hiện được mối liên hệ với các tổ chức mẹ. Phần lớn hoạt động giáo dục đại học xuyên quốc gia (TNE) được thực hiện thông qua hình thức nhượng quyền thương mại, và các tổ chức được thành lập là hoàn toàn mới (ví dụ: Torrens University Australia, một trường hoạt động vì lợi nhuận, được điều hành bởi nhà cung cấp Mỹ Laureate); trong khi đó các phân hiệu đại học quốc tế đều phải giữ tên của tổ chức mẹ trong tên riêng của mình. Ví dụ, các phân hiệu của Ecolesupérieure des arts et techniques de la mode (ESMOD) đều có chữ “ESMOD” trong tên riêng, mặc dù phần còn lại của tên riêng có thể được thiết kế phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Tương tự như vậy, Logo của Penang Medical College thể hiện mối liên kết của nó với tổ chức mẹ là Royal College of Surgeons ở Ireland.
Kết luận
Khi đã xác định rõ thế nào là một phân hiệu quốc tế, chúng ta có được bức tranh đầy đủ của giáo dục đại học xuyên biên giới. Từ đây, chúng ta thấy được viễn cảnh của các phân hiệu đại học quốc tế, với một loạt hoạt động quốc tế, các mô hình sở hữu, tên đại diện, phạm vi và năng lực cung cấp dịch vụ giáo dục, tất cả những gì trong phạm vi định nghĩa về IBC. Cách nhìn mới nhất về những phân hiệu này sẽ được đề cập trong báo cáo về IBC được tổ chức Quan sát và C-Bert tại SUNY Albany phát hành vào tháng năm 2016.