Philip G. Altbach, Georgiana G. Mihut, và Jamil Salmi
Philip G. Altbach là giám đốc sáng lập và là giáo sư nghiên cứu tại Trung tâm Giáo dục đại học quốc tế. E-mail: altbach@bc.edu. Georgiana Mihut là trợ lý nghiên cứu tại CIHE. E-mail: georgiana.g.mihut@gmail.com. Jamil Salmi là chuyên gia về giáo dục đại học toàn cầu. E-mail: jsalmi@tertiaryeducation.org. Bài viết này dựa trên nghiên cứu của Altbach, P. G., Mihut, G., Salmi, J. (2016): Hội đồng Tư vấn: Hội đồng tư vấn quốc tế tại các cơ sở giáo dục đại học. Có thể truy cập theo địa chỉ:http://www.bc.edu/content/dam/files/research_sites/cihe/pubs/CIHE_Perspective/CIHE_Perspectives_No1.pdf.
Trang bị mới nhất của các trường đại học đẳng cấp thế giới, hoặc những trường đang khao khát đạt được đẳng cấp thế giới, là một Hội đồng tư vấn quốc tế (International Advisory Council – IAC). Hội đồng tư vấn của Đại học Heidelberg, Đức, do phó chủ tịch, một cựu sinh viên trường Oxford đứng đầu; Trường đại học của Ủy ban Kinh tế tại Matxcơva, được chủ trì bởi một nhà kinh tế Mỹ đoạt giải Nobel; và một số trường đại học Ả Rập Saudi nổi bật có các ủy ban gồm các học giả hàng đầu và một vài nhà quản trị kinh doanh. Sự ra đời của các sáng kiến quốc gia xuất sắc ở các nơi khác nhau trên thế giới như Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, và những nước khác – thường liên quan với sự thành lập ban cố vấn như vậy ở cấp trường. Thực tế, một số nước đã yêu cầu những trường đại học được nhận tài trợ công phải thành lập Hội đồng tư vấn.
Chúng tôi định nghĩa Hội đồng tư vấn quốc tế là cơ quan tư vấn bao gồm phần lớn hoặc tất cả là các thành viên quốc tế, bên ngoài các tổ chức, phục vụ các cơ quan chính quyền và quản trị cấp cao.
Toàn cầu hóa đã tạo ra một môi trường trong đó chuyên môn quốc tế và các mối liên kết đã trở thành de rigueur (không thể thiếu) đối với các trường đại học có tham vọng đạt được đẳng cấp thế giới. Ý tưởng là các trường đại học phải theo đuổi các tiêu chuẩn nghiên cứu cao nhất, và trong một số trường hợp, giảng dạy và kinh nghiệm quốc tế và chuyên môn là rất hữu ích để đạt được những mục tiêu này. Các IAC được xem là một cách để có được tri thức toàn cầu về cách thức tốt nhất tổ chức và xây dựng các trường đại học nghiên cứu chuyên sâu hàng đầu. Sự hiện diện của IAC cho thấy rằng trường đại học đó là có triển vọng quốc tế, và nó nhận được lời tư vấn từ cấp lãnh đạo cao nhất và từ các học giả của các tổ chức đẳng cấp thế giới, và rằng nó có thể tự “đối chiếu” với các thông lệ quốc tế tốt nhất. Một số trường cho rằng họ cần một IAC bởi vì các trường đại học cùng trang lứa đã có. Còn hầu hết các trường muốn tận dụng uy tín của các thành viên IAC, và hy vọng rằng các thành viên sẽ là đại sứ chính thức cho trường trên phương diện quốc tế.
IAC là gì và hoạt động thế nào
Gần đây chúng tôi đã tiến hành những nghiên cứu nhằm làm rõ vai trò của Hội đồng tư vấn quốc tế IAC. IAC có thể được xem là một đóng góp vào việc quốc tế hoá quản trị học thuật, mặc dù trong mọi trường hợp, hội đồng tư vấn thực tế không có nhiệm vụ đưa ra quyết định. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hầu hết các IAC có từ sáu đến mười bốn thành viên. Các thành viên IAC thường là quản trị viên cao cấp đương nhiệm hoặc từng là chủ tịch, hiệu trưởng hoặc phó chủ tịch, các nhà nghiên cứu giáo dục đại học hoặc học giả trong lĩnh vực liên quan đến trường, các cá nhân với nền tảng kiến thức liên quan đến chính sách, hoặc đại diện của ngành công nghiệp. Các IAC dường như bị chi phối chủ yếu bởi nam giới, từ các nước phương Tây, và nói chung trực thuộc các tổ chức có uy tín. Thời hạn bổ nhiệm phổ biến trong các AIC có thể là mở hoặc cố định. Một số thành viên IAC đã có mối quan hệ với các trường đại học trước khi được bổ nhiệm – thường là thông qua các mạng xã hội, đã từng phát biểu tại tổ chức, hoặc những mối liên hệ khác.
Các thành viên đồng ý tham gia vào IAC xuất phát từ ý thức phục vụ và mong muốn giúp ích. Đôi khi họ bị hấp dẫn bởi các tổ chức cụ thể và mối quan hệ của họ với tổ chức, bởi đất nước nơi có các trường đại học đó, hoặc một lĩnh vực chuyên môn cụ thể mà họ quan tâm. Giải thích sự tham gia vào IAC, các thành viên đưa ra một số lý do chính: cơ hội học tập, phục vụ học thuật, cơ hội để tác động đến chính sách, và các mối quan hệ với các thành viên khác của Hội đồng và các đồng nghiệp tại trường đại học, và những lý do khác.
Thành viên của hầu hết các IAC họp mặt một hoặc hai lần trong một năm, đôi khi có thêm các cuộc họp ảo. Các cuộc họp thường kéo dài từ một đến ba ngày – mặc dù có ít nhất một hội đồng sẽ họp cả tuần và các thành viên được yêu cầu tham gia giảng dạy tại trường. Một số hội đồng trả thù lao cho thành viên, nhưng phần lớn dường như không trả thù lao, ngoài chi phí đi lại của các thành viên hội đồng.
Các cuộc họp thường bao gồm các thành viên IAC và nhóm lãnh đạo cao cấp của các trường đại học đứng ra tài trợ. Đôi khi, trong một số trường hợp, giảng viên và sinh viên được mời tham dự. Các cuộc họp thường do chủ tịch trường đại học chủ trì, đôi khi phối hợp với chủ tịch IAC. Chủ đề bao gồm các báo cáo về tiến triển của trường và những vấn đề mà đội ngũ lãnh đạo trường đại học muốn tham khảo ý kiến của các IAC.
Hội đồng tư vấn quốc tế làm gì?
Thành viên IAC và các đại học tài trợ Hội đồng đều nhận thức rằng chức năng chính của IAC là cung cấp tư vấn bên ngoài về việc thiết kế và thực hiện các chiến lược tổng thể của trường đại học. Đôi khi, IAC cung cấp các dịch vụ bổ sung, chẳng hạn như giải thích các sáng kiến của trường đại học để cử tri bên ngoài hoặc thậm chí giảng viên hoặc những người khác trong trường hiểu rõ. Những người tham gia dự án nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh vai trò quan trọng của IAC chính là ở việc thành viên của IAC- những nhà lãnh đạo giáo dục đáng kính và các học giả lỗi lạc có thể cung cấp một cái nhìn toàn cầu và một ý thức thực hành tốt nhất cho trường đại học. Thành viên IAC không chỉ là chuyên gia tư vấn, họ là những đồng nghiệp cấp cao có một số hiểu biết về nội bộ trường, và có sự cam kết với mục tiêu, giá trị, các kế hoạch của trường.
Hầu hết những người tham gia nghiên cứu đều đồng ý rằng các IAC sẽ hiệu quả, nếu được tổ chức tốt, có chương trình nghị sự với mục tiêu rõ ràng, và được cộng đồng học thuật nhìn nhận nghiêm túc – và nếu trường đại học thực hiện theo sự tư vấn của IAC.
Trang bị mới nhất của các trường đại học đẳng cấp thế giới, hoặc những trường đang khao khát đạt được đẳng cấp thế giới, là một Hội đồng tư vấn quốc tế (IAC)
Kiến nghị
Căn cứ vào những kết quả nghiên cứu, chúng tôi rút ra được một số vấn đề quan trọng. Những tổ chức giáo dục đại học quan tâm đến việc thành lập một Hội đồng tư vấn quốc tế hiệu quả và mong muốn nhận được lợi ích đầy đủ từ sáng kiến này, cần trả lời những câu hỏi sau:
- Có phải bạn đánh giá những bài học kinh nghiệm quốc tế là để công bố những quyết định chiến lược liên quan đến tương lai của trường đại học của bạn?
- Mục đích thực sự của bạn trong việc thành lập một IAC là gì? Bạn đã xác định những mục tiêu thực tế mà bạn muốn đạt được bằng cách thành lập một IAC và làm việc với các thành viên của nó chưa?
- Các thành phần của IAC mà bạn đề xuất có phản ánh sự đa dạng về tiếng nói và kinh nghiệm (giới tính, hồ sơ học thuật và chuyên môn, sự phân bố địa lý, sự cân bằng giữa các nhà thực hành và nghiên cứu, v.v..) không?
- Các thành viên IAC có khái niệm rõ ràng về các đóng góp cụ thể mà người ta mong đợi từ họ không?
- Tổ chức của bạn có quan điểm thế nào về mục tiêu nhận thức và ra quyết định của mỗi cuộc họp IAC? Chương trình nghị sự đã tập trung đúng mức vào các mục tiêu này chưa?
- Bạn có sẵn sàng/có thể chia sẻ một cách khách quan những thách thức mà tổ chức của bạn phải đối mặt không, và có lắng nghe những hướng dẫn mang tính xây dựng với một tâm trí cởi mở không?
- Bạn có một cơ chế để đảm bảo theo dõi một cách hệ thống các vấn đề thảo luận của IAC và ghi nhận kết quả của những hành động này một cách thường xuyên không?
- Bạn có những quy định rõ ràng để thay thế các thành viên IAC và bổ nhiệm các thành viên mới phù hợp với chương trình phát triển của trường bạn không?
- Ngoài những ý kiến đóng góp của các thành viên IAC trong các cuộc họp thường xuyên, bạn sẽ sử dụng thêm những phương thức nào để có được những đóng góp hữu ích từ họ, nếu bạn đang tìm kiếm sự tư vấn cho những quyết định quan trọng mà trường đại học của bạn cần phải xem xét?
- Bạn có thể tổ chức các cuộc họp IAC hiệu quả không, nếu cung cấp trước thông tin đầy đủ cho các thành viên, và giúp chuẩn bị hậu cần?
Cuối cùng, mặc dù cho đến nay chỉ những trường đại học quan tâm đến việc củng cố hồ sơ và mức độ công nhận quốc tế của họ mới thành lập IAC, không có lý do nào ngăn cản các tổ chức giáo dục đại học khác hưởng lợi từ các IAC để theo đuổi sự xuất sắc trong các lĩnh vực tương ứng với nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của họ. Thật vậy, các tổ chức mà bài viết này đề cập đến đều là các trường đại học nghiên cứu chuyên sâu, nhưng các tổ chức giáo dục đại học loại khác vẫn có thể rút ra những lợi ích tương tự từ các kiến thức chuyên môn và quan điểm quốc tế của một IAC.