Hai trở ngại chính đối với nền học thuật xuất sắc của nước Nga

Philip G. Altbach

Philip G. Altbach là giáo sư nghiên cứu và giám đốc sáng lập Trung tâm Giáo dục đại học quốc tế tại Boston College. E-mail: [email protected].

Trong vài năm qua, chính phủ Nga đã đầu tư kinh phí đáng kể để nâng cấp 15 trường đại học tốt nhất nhằm cạnh tranh với các trường đại học nghiên cứu hàng đầu trên thế giới và để vươn lên các vị trí cao trong bảng xếp hạng toàn cầu; đây là một phần Dự án Học thuật Xuất sắc của nước Nga, được biết đến như là Dự án 5-100.Trong một cuộc họp gần đây ở Mátxcơva, mỗi trường trong số bảy trường đại học đứng đầu đã được nhận 0,9 tỷ rúp (khoảng 15 triệu đô la Mỹ) cho năm 2016, những trường khác nhận được ít hơn. Hầu hết các trường đại học đều có những tiến bộ đáng kể từ khi Sáng kiến Xuất sắc này được triển khai từ năm 2013, như cải cách hành chính, hợp lý hóa quản trị, khuyến khích nghiên cứu liên ngành, và đặc biệt là cải thiện kết quả nghiên cứu.

Mặc dù nước Nga có truyền thống học thuật ưu tú, nhiều học giả tài năng, và mong muốn gia nhập nhóm các trường đại học nghiên cứu toàn cầu hàng đầu được chính phủ ủng hộ, vẫn có hai rào cản cơ bản về mặt cấu trúc trên con đường dẫn đến thành công, đó là truyền thống tách riêng “khoa học hàn lâm” và “nghiên cứu y học” ra khỏi các trường đại học và đặt chúng vào các học viện chuyên ngành. Cũng còn nhiều thách thức khác, nhưng hai thực tế này bắt rễ sâu trong cấu trúc học thuật của nước Nga, và nếu không thay đổi chúng, các trường đại học Nga không đủ sức cạnh tranh ở tầm quốc tế.

Thách thức chủ yếu về mặt cấu trúc

Trở ngại đầu tiên và cơ bản nhất là hệ thống “viện hàn lâm khoa học” vẫn quen coi nghiên cứu là nhiệm vụ của các viện riêng biệt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Các trường đại học, theo truyền thống, có nhiệm vụ giảng dạy và chỉ nhận được ngân sách nghiên cứu rất khiêm tốn: kinh phí công dành cho nghiên cứu của các trường đại học chỉ bằng một phần ba ngân sách dành cho các viện hàn lâm. Trở ngại cơ bản thứ hai thuộc về cấu trúc là sự tách biệt trách nhiệm đào tạo và nghiên cứu y tế ra khỏi các trường đại học. Bộ Y tế của Liên bang Nga (mà không phải là Bộ Giáo dục và Khoa học – cơ quan giám sát phần lớn các trường đại học) kiểm soát cả hệ thống chăm sóc y tế, các trường đại học chuyên ngành đào tạo cán bộ y tế và hầu hết các nghiên cứu liên quan tới y học.

Tuy nhiên, đang có những dấu hiệu thay đổi. Bộ trưởng Giáo dục và khoa học Dmitri Livanov đã dự thảo một đạo luật liên bang mới để thay thế các quy định hiện hành, trong đó nhấn mạnh vai trò của khoa học và nghiên cứu triển khai (R&D) dựa vào trường đại học – trong mối liên quan đến vai trò của các ngành Khoa học Hàn lâm Nga – và giảm bớt sự quan liêu trong quản lý chính sách khoa học và thực hiện, một vấn đề rất nghiêm trọng hiện nay đối với lĩnh vực giáo dục đại học. Bộ trưởng Livanov đã có một số thành công trong những cố gắng cải tổ nhằm hạn chế quyền lực của Viện Hàn lâm Khoa học. Chắc chắn là sáng kiến ​​mới này sẽ gặp phải sự phản đối từ những bên có lợi ích cố hữu.

Hệ thống Viện Hàn lâm

Mặc dù Viện Hàn lâm Khoa học Nga được Peter Đại đế thành lập từ năm 1724, hình thức hiện tại của nó bắt đầu hình thành từ sau cuộc Cách mạng Nga. Ngày nay, cái gọi là hệ thống các viện hàn lâm, do Cơ quan liên bang của các tổ chức khoa học thuộc Liên bang Nga quản lý từ sau cải cách năm 2013, bao gồm 700 viện và trung tâm nghiên cứu và 51 ngàn cán bộ khoa học. Dưới thời Xô Viết, các viện này tập trung vào các lĩnh vực kiến thức cụ thể, và có rất ít cơ hội thực hiện các nghiên cứu liên ngành. Làm việc trong các viện hàn lâm là các nhà nghiên cứu tài năng nhất, họ được hưởng mức lương cao hơn và hầu như không có nhiệm vụ nào khác nghiên cứu. Nói chung, họ không phải viết các bản đăng ký để cạnh tranh tìm kiếm tài trợ cho việc nghiên cứu như những đồng nghiệp của họ ở các nước khác hoặc những đồng sự của họ ở các trường đại học của Nga, bởi vì họ mặc nhiên được nhận ngân sách từ chính phủ. Các viện hàn lâm có rất ít trách nhiệm giảng dạy và ít liên kết với các trường đại học, mặc dù nhiều viện vẫn tài trợ cho các chương trình đào tạo cấp bằng tiến sĩ nghiên cứu thuần túy. Cấu trúc cơ bản này vẫn còn cho đến nay.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, các viện hàn lâm, cũng như các trường đại học, bị thiếu vốn, và các tiêu chuẩn nghiên cứu trong một số lĩnh vực đã giảm đi đáng kể – các ngành khoa học xã hội và nhân văn bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiêu chuẩn trong các ngành khoa học tự nhiên ít bị tác động hơn. Nhiều nhà khoa học và học giả (theo một số ước tính, lên đến 70 ngàn người trong thập niên 1990) đã rời khỏi đất nước. Những người khác chuyển sang các lĩnh vực khác như giáo dục hoặc kinh doanh. Cơ sở hạ tầng rơi vào tình trạng hư hỏng, hoặc trong một số trường hợp được các doanh nghiệp thuê mướn. Do vẫn có uy tín cao và tính độc lập về mặt pháp lý, các viện nghiên cứu hầu như không có động lực thay đổi, và nhiều nhà bình luận đã chỉ ra sự sụt giảm năng suất nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, các viện sĩ cũng được bổ nhiệm ở các trường đại học, nhưng thường những vị trí đó không bao hàm sự cộng tác được nhiều hơn. Nhìn chung, hai bộ phận quan trọng của “hệ thống tri thức” Nga vẫn đang tách biệt.

Hiện nay, các trường đại học tỏ ra hiệu quả hơn các viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học trong việc đảm bảo kinh phí bổ sung trên cơ sở cạnh tranh. Ví dụ, trong lúc hầu hết nguồn tài trợ cho Viện Hàn lâm trực tiếp đến từ chính phủ, thì chỉ 37% kinh phí cho nghiên cứu ở trường đại học đến từ nguồn chính phủ, còn lại là từ công nghiệp, các tổ chức và những nơi khác.

Trở ngại đầu tiên và cơ bản nhất là hệ thống “viện hàn lâm khoa học” vẫn quen coi nghiên cứu là nhiệm vụ của các viện riêng biệt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga

Giáo dục và nghiên cứu về y học

Theo truyền thống, giáo dục và nghiên cứu y học ở Nga là trách nhiệm của Bộ Y tế, và có 46 trường y khoa là những tổ chức chuyên ngành đứng riêng, rất ít trong số đó có mối liên kết với các trường đại học hoặc Viện hàn lâm Khoa học Nga – Viện Hàn lâm Y học là một thực thể riêng biệt trước khi hệ thống các học viện được cải cách vào năm 2013. Về mặt lịch sử, các trường đại học y cũng duy trì sự tách biệt giữa giảng dạy và nghiên cứu, các viện y học là nhà cung cấp nghiên cứu chính trong các ngành khoa học sức khỏe. Nói cách khác, các trường đại học y chủ yếu là các cơ sở dạy học, mặc dù vài trường hàng đầu có những thành tích nghiên cứu rất quan trọng.

Cùng lúc, một số trường đại học và học viện đã mở rộng chuyên môn trong nghiên cứu liên quan đến các ngành khoa học sức khỏe, trong những lĩnh vực phát triển như y sinh học, vật lý, và các ngành khác – thực sự, xu hướng này ngày càng tăng. Dường như có ít sự phối hợp hay hợp tác giữa các trường đại học y và phần còn lại của hệ thống giáo dục đại học hoặc nghiên cứu ở Nga. Khoa học và giáo dục đại học, ở thời kỳ thời Xô Viết, được tổ chức theo hình tháp, với những học viện nhỏ, chuyên sâu, gắn vào các bộ cụ thể. Lĩnh vực y tế là một ví dụ điển hình của di sản đó.

Cách tổ chức hiện nay làm cản trở việc nghiên cứu y học liên ngành trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học, dược phẩm…, những ngành lẽ ra được hưởng lợi từ những nghiên cứu được tiến hành trong những khoa liên quan ở các trường đại học và học viện. Điều này làm chậm quá trình đổi mới ở nước Nga. Nhiều trường trong số 46 trường đại học y và trường y của Nga có thể được sáp nhập, hoặc ít nhất là hợp tác với các trường đại học, theo cách có thể khuyến khích nghiên cứu tiên tiến và công trình liên ngành. Giáo dục y khoa thực sự cần có nghiên cứu, đặc biệt những nghiên cứu tập trung vào những phát hiện mới trong công nghệ sinh học và lĩnh vực liên quan.

Kết luận

Thiệt hại cho hệ thống khoa học Nga là rất lớn. Cách tổ chức như hiện nay tước đi nguồn kinh phí nghiên cứu dành cho các trường đại học, hạn chế nghiên cứu liên ngành, và tách biệt hai khía cạnh chính của việc sáng tạo và chuyển giao tri thức tiên tiến là giảng dạy và nghiên cứu. Một mối lo ngại khác là khi tạo khoảng cách với các trường đại học viện, viện hàn lâm già nua đã tự tách mình khỏi thế hệ các nhà khoa học trẻ. Tính liên ngành có tầm quan trọng đặc biệt. Tương lai của nghiên cứu và triển khai khoa học trong nhiều lĩnh vực phụ thuộc vào cách tiếp cận liên ngành. Các học viện, vì những lý do về cấu trúc và con người, có xu hướng tự giới hạn trong lĩnh vực chuyên ngành của họ, trong khi một số trường đại học hàng đầu cho phép một phạm vi linh hoạt hơn giữa các lĩnh vực nghiên cứu.

Tuy nhiên, sẽ là không ổn nếu chỉ đơn thuần sáp nhập các viện hiện có với những truyền thống và mô hình tổ chức hoàn toàn khác nhau. Cần có tư duy mới và sáng tạo về việc làm thế nào để liên kết các loại hình cơ sở khác nhau và thay đổi cách tiếp cận khoa học và nghiên cứu. Tham vọng của Nga giành được các vị trí đầu trong bảng xếp hạng toàn cầu về giáo dục đại học sẽ không thành hiện thực nếu không giải quyết những thách thức chính liên quan đến việc tổ chức này.