Giáo dục đại học ở Tây Balkan: những xu hướng và thách thức gần đây

Lucia Brajkovic

Lucia Brajkovic là nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Mỹ về Giáo dục. E-mail: [email protected].

Đã có nhiều bài viết, nghiên cứu và thảo luận về những cải cách và phát triển trong giáo dục đại học châu Âu gần đây. Tuy nhiên, Tây Balkan (WB), một khu vực Đông Nam châu Âu bao gồm bảy quốc gia (Albania, Bosnia & Herzegovina, Croatia, Macedonia, Kosovo, Montenegro và Serbia) với tổng dân số 22,7 triệu người, vẫn chưa được nghiên cứu. Việc thiếu các nghiên cứu chủ yếu là do không có hệ thống dữ liệu ở cấp quốc gia và cấp trường. Bài viết này mô tả và phân tích một số thách thức nổi bật nhất và các vấn đề trong lĩnh vực học thuật mà khu vực này đang phải đối mặt.

Tuyển sinh, tỷ lệ tốt nghiệp, và các vấn đề về cấu trúc

Ở Tây Balkan, phần lớn sinh viên đại học đang theo học trong các cơ sở công. Mặc dù tỷ lệ nhập học đại học trong khu vực là tương đối cao – trung bình hàng năm gần 50% tổng số người trong độ tuổi, tỷ lệ tốt nghiệp lại khá thấp. Các ước tính cho thấy, tỷ lệ tốt nghiệp chưa đạt 40% tổng số sinh viên nhập học trong vòng 10 năm của Croatia, Macedonia, và Albania. Kết quả này, cùng với các vấn đề về cấu trúc và tỷ lệ thất nghiệp cao đang là những thách thức lớn hiện nay đối với các nước WB.

Hầu hết các nước trong khu vực phải đối mặt với giai đoạn chuyển tiếp khó khăn sau cuộc chiến hậu Nam Tư XHCN trong những năm đầu thập niên 1990. Những yếu kém về chính trị và cấu trúc (như cơ cấu quan liêu kém hiệu quả, chính phủ thiếu trách nhiệm giải trình, và tình trạng tham nhũng) đã liên tục ảnh hưởng đến ngành giáo dục của các nước, đặc biệt bởi vì lĩnh vực giáo dục lại chịu sự giám sát trực tiếp của chính phủ. Các hệ thống giáo dục đại học trong khu vực còn bị ảnh hưởng bởi các chính sách thay đổi liên tục, và thường mâu thuẫn, do sự thay đổi của các chính đảng cầm quyền (chẳng hạn, các chính phủ Bảo thủ thường muốn thay đổi các điều luật do đảng Tự do đưa ra trước đó và ngược lại). Bối cảnh chính trị-xã hội này dẫn đến tình trạng trì trệ trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia dài hạn ở các nước trong khu vực.

Ở Tây Balkan, phần lớn sinh viên đại học đang theo học trong các cơ sở công

Giáo dục đại học khu vực này vẫn được chính phủ các nước tài trợ gần như hoàn toàn, và các chính phủ tham gia rất sâu vào quá trình xem xét, quyết định phân bổ kinh phí cho các tổ chức giáo dục đại học; các trường đại học phải tuân thủ những quy định chính phủ đặt ra, thậm chí trong các vấn đề như chỉ tiêu tuyển sinh, mức lương cho giảng viên và các nhà quản lý. Trong bối cảnh như vậy, cộng đồng học thuật địa phương đã kêu gọi tiến hành các cải cách, chủ yếu liên quan đến tăng quyền tự chủ và gỡ bỏ sự giám sát trực tiếp của nhà nước, nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả nghiên cứu, tích hợp và chuyên nghiệp hóa bộ máy lãnh đạo và quản lý các trường đại học.

Một vấn đề khác liên quan đến cơ cấu là việc thiếu các đề án cấp trường hoặc cấp quốc gia để cân đối chi phí đào tạo và đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận giáo dục cho sinh viên thuộc các thành phần xã hội thu nhập thấp và thiệt thòi. Một số nước trong khu vực miễn học phí cho một tỷ lệ nhỏ sinh viên, và hỗ trợ tài chính cho sinh viên trong một số trường nhất định, cũng như cấp các học bổng quốc gia. Tuy nhiên, các khoản hỗ trợ này không bao gồm những chi phí khác của sinh viên, trong đó có lệ phí, sách vở và sinh hoạt phí. Một số nước đang thành lập những dự án để đưa ra các giải pháp và triển khai một hệ thống trợ giúp sinh viên hiệu quả hơn (ví dụ, Viện Phát triển Giáo dục đang thực hiện một dự án như vậy ở Croatia).

Tăng trưởng của khu vực giáo dục tư

Ở Tây Balkan, sự tăng trưởng nhanh chóng của khu vực giáo dục đại học tư xuất phát từ hoàn cảnh chính trị đặc biệt trong khu vực (ví dụ, quá trình chuyển đổi từ chế độ xã hội chủ nghĩa sang nền kinh tế thị trường), kết hợp với sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu học tập của sinh viên. Một số nước, đặc biệt là những nước tham gia trong cuộc xung đột vũ trang hậu Nam Tư cũ, không đủ năng lực phát triển một chính sách và chiến lược giáo dục đại học toàn diện, từ đó dẫn đến sự gia tăng của các tổ chức tư nhân (thường là vì lợi nhuận).

Trường tư ở các nước này nói chung không được đánh giá cao. Sinh viên chỉ lựa chọn trường tư khi không vào được các trường đại học công lập. Do không có quy định rõ ràng, các tổ chức tư nhân có xu hướng sử dụng chữ “đại học” trong tên của họ, ngay cả khi họ chỉ đào tạo nghề hoặc cung cấp các chương trình hai năm. Ở cấp độ hệ thống, sự xuất hiện của các tổ chức tư nhân đã không đóng góp được nhiều vào việc đa dạng hóa chương trình; hầu hết các chương trình do khu vực tư nhân cung cấp đều thuộc các lĩnh vực có lợi nhuận như kinh doanh, công nghệ thông tin, du lịch.

Các tổ chức tư nhân tại Tây Balkan thường rất thiếu các nguồn tài nguyên và phụ thuộc nhiều vào giảng viên của khối công lập, những giảng viên này cùng lúc làm việc cho cả trường chủ quản của họ và trường tư. Đặc điểm chung của các trường tư là sử dụng nhân viên khoán hay hợp đồng lao động bán thời gian, lực lượng giảng dạy của họ không có trình độ tiến sĩ. Việc giảng viên đi làm thêm cho trường tư cũng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giáo dục tại các trường đại học công lập. Tại một số nước, liên tục có những lời kêu gọi về sự cần thiết các quy định chặt chẽ và sự minh bạch trong giáo dục đại học tư.

Tài trợ từ Liên minh châu Âu

Cam kết của EU đầu tư cho các nền kinh tế “có nền tảng tri thức” cũng đã được cảm nhận tại các nước Tây Balkan. Tuy nhiên, cho dù các quốc gia Tây Balkan có đủ điều kiện để áp dụng quy chế hỗ trợ từ EU cho nghiên cứu và phát triển, việc cạnh tranh để dành được nguồn lực này là vô cùng khó khăn với các trường đại học của khu vực. Những nước này có trong tay rất ít nguồn lực để bắt đầu, không giống như các nước phát triển có khả năng đầu tư nguồn lực lớn hơn nhiều cả về chuyên môn và cơ sở hạ tầng cần thiết để có thể khai thác thành công các dòng vốn. Do đó, mức kinh phí các nước Tây Balkan nhận được từ EU vẫn rất thấp, bởi vì cơ chế tài trợ đang được EU áp dụng là duy trì hiện trạng liên quan đến sự phân bố các quỹ trên khắp châu Âu. Nếu không có những  thay đổi đáng kể, cách tiếp cận này có thể làm gia tăng khoảng cách về chất lượng và năng suất giáo dục giữa các nước phương Tây giàu có hơn và các nước ngoại vi của EU.

Những cân nhắc về chính sách

Tóm lại, điều quan trọng là những người có quyền đưa ra quyết định ở WB nên tránh áp dụng những chính sách không phù hợp với nhu cầu cụ thể và tình hình chính trị-xã hội và kinh tế của các nước trong khu vực, và cần phân bổ nguồn lực một cách hợp lý. Các nước phát triển trong khối EU, những nước có nguồn ngân sách dồi dào cho giáo dục đại học, đang được coi là tấm gương để các nước Tây Balkan noi theo. Tuy nhiên, thực tế của quá trình hậu chuyển đổi, đặc biệt là ở khu vực này, cho thấy những thách thức về thể chế và hệ thống ở đây vượt quá bất cứ điều gì mà các nước phát triển từng phải đối mặt, chẳng hạn như sự giám sát chặt chẽ của chính phủ cùng với cơ cấu quan liêu kém hiệu quả, thiếu chiến lược lâu dài, và trong một số trường hợp, cộng thêm sự tham nhũng. Nếu những yếu tố đặc thù này không được tính đến, việc áp dụng các xu hướng và chính sách chung chung có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề mà giáo dục đại học ở các nước này đang phải đối mặt.