Cấp kinh phí cho các trường đại học đẳng cấp thế giới

Alex Usher

Alex Usher là chủ tịch tổ chức Liên kết Chiến lược Giáo dục Đại học, Toronto, Ontario, Canada. E-mail: [email protected].

Các chính phủ luôn phải đối mặt với sự lựa chọn giữa việc mở rộng giáo dục đại học và sự xuất sắc: nguồn lực nên được tập trung cho một vài tổ chức để họ đạt được “đẳng cấp thế giới”, hay phải được phân phối rộng rãi hơn nhằm xây dựng năng lực và mở rộng cơ hội tiếp cận? Trong thời buổi khó khăn, lựa chọn càng trở nên gay gắt hơn. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, thập kỷ 1970 là giai đoạn khi ngân sách liên bang liên tục bị thâm hụt, kết hợp với sự tăng trưởng chậm, khiến chính phủ phải cắt giảm ngân sách dành cho giáo dục đại học. Các trường đại học thường xuyên phải lựa chọn giữa chức năng cung cấp dịch vụ giảng dạy và chức năng nghiên cứu, và nghiên cứu không phải lúc nào cũng giành chiến thắng.

Trong nhiều nghĩa, kể từ năm 2008 thế giới cũng ở trong tình huống tương tự; tỷ lệ tăng trưởng chậm kết hợp với thâm hụt tài chính đang buộc các quốc gia phải lựa chọn hoặc mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục hoặc tăng cường nghiên cứu (hiển nhiên nghiên cứu vẫn là nền tảng để phấn đấu đến “đẳng cấp thế giới”). Câu hỏi đặt ra là: thực tế các quốc gia khác nhau đang lựa chọn thế nào?

Để giải bài toán này, tôi tập hợp số liệu chi phí của giáo dục đại học tính theo đầu sinh viên trong mười quốc gia: Australia, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Mười nước này đóng góp 91 trường trong số 100 trường đại học đứng đầu trong Bảng xếp hạng các trường đại học thế giới (ARWU, còn được gọi là “Bảng xếp hạng Thượng Hải”) và như vậy có thể cung cấp cho chúng ta một bức tranh tương đối chính xác về những gì đang diễn ra trong các tổ chức nghiên cứu tốt nhất thế giới. Chúng tôi quyết định chọn chi phí, mà không chọn doanh thu làm thước đo năng lực tài chính bởi vì doanh thu thường không ổn định và dễ biến động đột ngột (đặc biệt ở những trường có doanh thu từ các khoản hiến tặng), nên có thể ảnh hưởng tới sự phân tích xu hướng dài hạn. Trong chừng mực có thể, và để giảm thiểu các tác động tiềm năng của phương pháp báo cáo và định nghĩa về chi phí khác nhau, tôi sử dụng định nghĩa chung nhất về chi phí, dựa vào các dữ liệu thu thập được.

Dữ liệu của các trường đại học ở các nước khác nhau là không đồng đều về mức độ sẵn có. Các trường ở Australia, Canada, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ có thể cung cấp dữ liệu nhất quán hợp lý theo năm; tuy nhiên, dữ liệu cấp trường ở Đức, Nhật Bản và Hà Lan thiếu sự liên tục, Pháp không có sẵn dữ liệu. Với sáu quốc gia đầu tiên, có thể so sánh tài chính giữa các trường đại học “đỉnh” (tức là những trường nằm trong tốp 100 của ARWU) và các trường đại học khác; với bốn nước còn lại, chỉ có thể đưa ra những đánh giá ở cấp quốc gia.

Nghiên cứu những dữ liệu này cho ra một số kết quả quan trọng:

  • Từ năm 2008, tổng chi phí cho mỗi sinh viên trong toàn ngành chỉ tăng ở ba quốc gia: Nhật Bản, Thụy Điển, và Vương quốc Anh. Tại Vương quốc Anh, số lượng sinh viên tăng lên, nhưng chi phí hoạt động của trường tăng nhiều hơn, nhờ vào nguồn thu học phí theo mức mới được áp dụng từ năm 2012. Tình trạng tương tự diễn ra ở các trường đại học hàng đầu và trong toàn ngành; trong cả hai trường hợp, thực tế chi phí cho mỗi sinh viên tăng khoảng 8% từ năm 2008. Tại Nhật Bản, kinh phí tài trợ cho các trường đại học tăng rất ít (chỉ hơn 3%) nhưng số lượng tuyển sinh không có biến động. Ở Thụy Điển, tỷ lệ doanh thu/chi phí của giáo dục đại học tăng ít, nhưng ổn định, nhưng những thông tin thực tế cho thấy số lượng tuyển sinh giảm nhanh chóng như một phần của cái dường như là một chính sách nhằm duy trì chất lượng; kết quả là, tính trong toàn ngành, chi phí cho mỗi sinh viên tăng khoảng 15% kể từ năm 2008. Một điều ngạc nhiên ở đây là chi phí cho mỗi sinh viên tại Đức không đổi so với năm 2008 bất chấp “Hiệp ước giáo dục đại học” của liên bang. Điều đó được lý giải một phần bởi sự lựa chọn năm làm cơ sở so sánh (nếu năm 2007 được lựa chọn thay vì 2008, chúng ta sẽ thấy một sự gia tăng đáng kể), mà còn bởi vì một trong những kết quả dự kiến của Hiệp ước – số lượng nhập học vào vào các trường đại học tăng mạnh – trong thực tế đã trở thành hiện thực, do đó đã pha loãng nguồn thu mới.
  • Chỉ ở Canada, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ các trường đại học TOP làm tốt hơn so với phần còn lại của toàn hệ thống. Tại Hoa Kỳ, các trường đại học trong số 100 trường đầu Bảng ARWU có tỷ lệ doanh thu tính theo đầu sinh viên tăng 10% tính từ năm 2008, trong khi phần còn lại của hệ thống giữ nguyên hoặc giảm nhẹ. Điều này có được chủ yếu nhờ vào khả năng tăng học phí và mở rộng nguồn tài trợ nghiên cứu của họ, đặc biệt là tại các trường đại học tư lớn. Ở Thụy Sĩ, chi phí này tăng trong toàn bộ hệ thống, nhưng các trường đại học TOP có tỷ lệ tăng trưởng trong tuyển sinh chậm hơn so với những trường khác, vì vậy chi phí tính trên đầu sinh viên của các trường ưu tú tăng nhiều hơn (10% kể từ năm 2008) so với phần còn lại của hệ thống, thậm chí ở những nơi này chi phí còn giảm nhẹ. Tại Canada, kinh phí cho mỗi sinh viên tại các trường đại học hàng đầu không đổi, nhưng như vậy vẫn là tốt hơn so với các trường khác, nơi chi phí tính theo đầu sinh viên đều bị giảm.
  • Nhìn chung, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh, và Mỹ là những nước duy nhất có các trường đại học TOP vẫn tiếp tục tăng doanh thu tính theo đầu sinh viên trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế. Ba quốc gia này độc chiếm 20 vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng ARWU; điều này, ít nhất về mặt lý thuyết, sẽ củng cố vị thế đầu bảng của họ.
  • Ở Australia và Thụy Điển, các trường đại học TOP đang hoạt động tệ hơn so với phần còn lại của hệ thống. Ở Thụy Điển, doanh thu tính theo đầu sinh viên trong toàn khu vực tăng 15% nhưng vì các trường đại học hàng đầu đã và đang thu hút nhiều sinh viên hơn, họ hoàn toàn không có sự gia tăng doanh thu tính theo đầu sinh viên. Ở Australia, toàn bộ hệ thống đang chứng kiến sự sụt giảm doanh thu tính theo đầu sinh viên, nhưng tình trạng còn tồi tệ hơn ở những trường đại học TOP (giảm15%) so với toàn ngành (giảm 10%).

Điều này có ý nghĩa gì đối với tương lai của các trường đại học đẳng cấp thế giới? Đáng chú ý là, trong khi tiền bạc là một thành phần quan trọng, sự thành công của các trường đại học lại không dựa hoàn toàn vào nó. Chắc chắn, tiền bạc không có nhiều tác dụng ngắn hạn đối với bảng xếp hạng ARWU: nếu có, các trường đại học của Australia hẳn đã tồi tệ hơn tình trạng hiện nay của họ. Rõ ràng là, chiến lược tổ chức, chính sách tuyển dụng, và chất lượng quản lý trường đại học cũng quan trọng không kém.

Nhưng một điều cũng rõ ràng là tiền bạc đã làm cho rất nhiều thách thức khác trong giáo dục đại học trở nên dễ dàng hơn. Nếu những xu hướng hiện nay tiếp tục, có vẻ như các trường đại học tư nhân Mỹ sẽ tiếp tục giữ vững vị trí của họ ở đầu các bảng xếp hạng quốc tế và thậm chí mở rộng vai trò dẫn đầu của họ. Những trường công tốp trên của Mỹ, cùng với các trường đại học của Anh và Thụy Sĩ, sẽ dễ dàng đối phó với khó khăn hơn.

Ở những nơi khác, một phần của vấn đề có vẻ là số tiền tăng thêm đó lại đến cùng với những sinh viên mới. Nghĩa là, các trường đại học, khi muốn có nhiều tiền hơn để theo đuổi con đường nghiên cứu chuyên sâu hơn, trước tiên phải tiếp nhận nhiều sinh viên hơn, chủ yếu là vào chương trình đại học. Các chính phủ có thể nghĩ rằng theo cách này họ đang cung cấp cho các trường đại học một món hời, nhưng, một cách thẳng thắn, điều này không phải lúc nào cũng hữu ích. Phần lớn số tiền tăng thêm phải dùng cho việc đào tạo sinh viên và chỉ còn lại rất ít “tiền dư” dành cho hoạt động theo đuổi sự xuất sắc. Nếu các chính phủ muốn các trường đại học của họ đạt được đẳng cấp thế giới thì cách đơn giản cần thực hiện là tách tăng trưởng doanh thu khỏi tăng trưởng tuyển sinh. Điều đó có nghĩa là từ bỏ quyền kiểm soát học phí, hoặc tăng mức tài trợ cho các chương trình xuất sắc, hoặc một số biện pháp khác.

Nếu các chính phủ muốn các trường đại học của họ theo đuổi đẳng cấp thế giới thì cách đơn giản cần thực hiện là tách tăng trưởng doanh thu khỏi tăng trưởng tuyển sinh. Điều đó có nghĩa là từ bỏ quyền kiểm soát học phí, hoặc tăng mức tài trợ các chương trình xuất sắc, hoặc một số biện pháp khác

Một biện pháp thay thế để các trường đại học huy động được nhiều tiền hơn phục vụ mục tiêu theo đuổi đẳng cấp thế giới là hoạt động hiệu quả hơn và có được nhiều “lợi nhuận” để tái đầu tư vào nghiên cứu. Dường như những trường đại học Australia thuộc Bảng ARWU đã thực hiện việc này một vài năm nay, và các chính phủ trên thế giới có thể quan tâm đến những cách thức thực hiện được cho là thành công nhất của họ. Với những khó khăn tài chính mà chính phủ nhiều nước đang gặp phải, đây có thể là một cách hiệu quả để các tổ chức giáo dục đại học tiếp tục phấn đấu cho đẳng cấp thế giới hơn là chờ đợi được nuôi dưỡng từ ngân sách công.

Như câu nói nổi tiếng của Ernest Rutherford: “Thưa ngài, chúng ta đã hết tiền. Đây là thời gian để bắt đầu suy nghĩ”.