Các trường đại học châu Âu thời hậu khủng hoảng kinh tế

Jo Ritzen

Jo Ritzen là giáo sư về kinh tế quốc tế trong khoa học, công nghệ và giáo dục đại học, Đại học Maastricht, Maastricht, Hà Lan. E-mail: j.ritzen@maastrichtuniversity.nl

Sau 7 năm, khủng hoảng kinh tế có vẻ như đã kết thúc tại thời điểm 2015: tăng trưởng kinh tế đã phục hồi tại hầu hết các nước Liên minh châu Âu (EU). Trong suốt cuộc khủng hoảng, kinh tế tăng trưởng chậm, thất thu thuế, các ngân hàng phải trông cậy vào sự trợ giúp của quỹ công, nợ công tăng và thất nghiệp trong thanh niên cũng tăng. Các chính phủ cắt giảm ngân sách nhằm thoả mãn “tiêu chí Maastricht”  về mức độ sụt giảm ngân sách và tỷ lệ nợ công / GDP. Điều này cũng tác động đến các trường đại học; chi phí trực tiếp tính theo đầu sinh viên giảm và mức hỗ trợ sinh viên (cho vay và trợ cấp) cũng giảm. Ngoại trừ trường hợp Anh Quốc, hầu hết các chính phủ EU không cho phép các trường đại học tăng mức phí để bù lại phần bị cắt giảm trong khoản hỗ trợ cho các chi phí trực tiếp từ quỹ công, mặc dù nhiều nước như Đan Mạch, Hà Lan, và Thuỵ Điển đã bắt đầu áp dụng học phí toàn bộ đối với sinh viên quốc tế ngoài EU.

Cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế gây nhiều thiệt hại cho châu Âu hơn so với Mỹ, những khoản chi để cứu trợ các ngân hàng quá lớn và GDP suy giảm. Điều này cũng tác động đến các trường đại học và sinh viên. Trong suốt cuộc khủng hoảng, chính phủ  của hơn một nửa trong số 22 nước và vùng lãnh thổ mà Hiệp hội đại học châu Âu thu thập được dữ liệu, đã cắt giảm ngân sách công dành cho giáo dục đại học (bao gồm cả quỹ hỗ trợ sinh viên), trong đó cắt giảm nhiều nhất là Hy Lạp và Hungary (hơn 40%). Các quốc gia nằm trong nhóm các nước phải trông cậy vào gói cứu trợ của Quỹ Khẩn cấp châu Âu (bao gồm Síp, Hy Lạp, Ai len, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha) gặp khó khăn trong việc tìm nguồn tài trợ cho các chi phí trực tiếp, hỗ trợ sinh viên và nghiên cứu.

Năng lực cạnh tranh của châu Âu bị giảm sút

Năm 2000,  EU công bố Chiến lược Lisbon, hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực thông qua đổi mới kinh tế bằng cách đẩy mạnh giáo dục đại học và nghiên cứu. Cuộc khủng khoảng kinh tế làm chậm lại, thậm chí còn làm đảo ngược quá trình này ở một số nước. Trong tương lai gần, do nhu cầu giảm nợ chính phủ, nhiều nước vẫn tiếp tục cắt giảm khoản ngân sách dành cho giáo dục đại học và nghiên cứu.

Cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế gây nhiều thiệt hại cho châu Âu hơn so với Mỹ, những khoản chi để cứu trợ các ngân hàng quá lớn và GDP suy giảm. Điều này cũng tác động đến các trường đại học và sinh viên

Chương trình trao đổi sinh viên Erasmus của EU tiếp tục được duy trì do vẫn đem lại lợi ích, thậm chí trong giai đoạn khủng hoảng còn tăng được số lượng sinh viên du học. Tuy vậy, tỷ lệ sinh viên dịch chuyển trong nội bộ EU (4% trên tổng số quy mô sinh viên) vẫn thấp hơn so với tỷ lệ sinh viên dịch chuyển trong nội bộ nước Mỹ. Số lượng sinh viên khá giả từ những nước đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng (chủ yếu là các nước phía nam) đến khu vực Tây Âu học tập có chiều hướng tăng, mặc dù khác biệt ngôn ngữ tại châu Âu vẫn tiếp tục là rào cản chính đối với dòng chảy du học.

EU hiện nay có cấu trúc bằng cấp ở các trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ tương đối thuần nhất; điều này xuất phát từ quá trình được khởi xướng từ Thoả thuận Bologna năm 1999. Tuy vậy, cấu trúc tổ chức của các trường đại học trong toàn EU lại có những khác biệt đáng kể, phát sinh chủ yếu từ những khác biệt pháp lý. Tại một số nước, các trường đại học vẫn bị chính phủ quản lý chặt chẽ và có rất ít quyền tự chủ, không chỉ trong các vấn đề tài chính, tổ chức, phương pháp, mà trong cả nội dung chương trình và vấn đề nhân sự. Trong suốt cuộc khủng hoảng, cải cách đại học bị chững lại, có lẽ bởi vì những bất ổn bên ngoài không phải là bối cảnh thuận lợi cho những thay đổi.

Năng lực của sinh viên tốt nghiệp có liên quan đến mức đầu tư và tổ chức của trường đại học. Cuộc suy thoái đã làm giảm sức sáng tạo của các nền kinh tế EU vốn vẫn phụ thuộc vào năng lực của sinh viên tốt nghiệp. Năng suất nghiên cứu vẫn tăng, nhưng dường như đó là kết quả của đầu tư từ trước khủng hoảng. Tương lai sẽ cho thấy cuộc khủng hoảng đã tác động đến nghiên cứu ở mức độ nào, đặc biệt là ở những nước (chủ yếu khu vực phía nam) bị lâm vào tình trạng suy thoái nặng trong gian đoạn khủng hoảng. Chương trình Hành động EU bù đắp một phần ngân sách dành cho nghiên cứu bị cắt giảm ở cấp độ quốc gia và khuyến khích sự hội tụ, trong khi các “chương trình xuất sắc” – ví dụ một chương trình tại Đức với sự đầu tư đáng kể, lại đẩy mạnh sự khác biệt.

Các đại học tại khu vực tây bắc châu Âu, tại trung và đông Âu dường như có sức đề kháng trước khủng hoảng tốt hơn so với các trường phía nam. Có thể thấy trước rằng chênh lệch trong năng lực nghiên cứu giữa các trường ở bắc Âu và nam Âu chắc chắn sẽ gia tăng trong tương lai.

Hầu như không có minh chứng cho thấy khủng hoảng đã thúc đẩy sáng tạo tại các trường đại học châu Âu, dù trong nội dung giảng dạy, trong phương pháp hay nghiên cứu.

Đảm bảo sự bình đẳng trong cơ hội

Bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học tại châu Âu không bị tác động bởi cuộc khủng hoảng, nếu đánh giá điều này từ khía cạnh nguồn tài chính hỗ trợ sinh viên luôn có sẵn, không bị cắt giảm như tổng đầu tư của nhà nước cho giáo dục đại học. Trong suốt giai đoạn khủng hoảng, phần lớn các nước châu Âu hạn chế tăng các khoản phí trực tiếp thu của sinh viên, mặc dù biện pháp này có thể bù đắp cho khoản đầu tư công bị cắt giảm. Châu Âu vốn có truyền thống đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận giáo dục đại học, với học phí thấp hoặc miễn phí và mức tài trợ sinh viên dồi dào, nhưng truyền thống này đang bị  giới thượng lưu và trung lưu (con cái của tầng lớp dân cư giàu hơn, những người có nhiều cơ hội học đại học) chỉ trích găy gắt. Từ quan điểm này, mô hình giáo dục thay thế với chi phí cá nhân cao hơn và tín dụng học tập (hệ thống này đang được áp dụng tại Anh Quốc) có vẻ sẽ là công bằng hơn. Tuy nhiên, mô hình này dường như chưa phù hợp với văn hoá chính trị của châu Âu lục địa.

Rõ ràng là, trong giai đoạn khủng hoảng, khi so sánh với Hoa Kỳ, châu Âu không gặp các vấn đề liên quan đến quyền bình đẳng tiếp cận giáo dục đại học. Hoa Kỳ với mức học phí cao hơn đáng kể, có thể mất đi lợi thế của mình trong việc thúc đẩy tính dịch chuyển giữa các thế hệ thông qua giáo dục đại học. Có vẻ như cuộc khủng hoảng đã khiến cho giới trẻ thuộc tầng lớp thu nhập thấp và trung bình ở Hoa kỳ gặp nhiều khó khăn hơn so với giới trẻ châu Âu, khi tham gia vào giáo dục đại học (với cùng mức hỗ trợ cho sinh viên trong mối tương quan với GDP).