Megan Clifford và Kevin Kinser
Megan Clifford là một nhà tư vấn độc lập tại thành phố Oklahoma, bang Oklahoma, Hoa Kỳ. E-mail: megan.e.clifford@gmail.com. Kevin Kinser là giáo sư, giám đốc Vụ Nghiên cứu Chính sách Giáo dục tại Đại học bang Pennsylvania, và đồng giám đốc của Nhóm Nghiên cứu Giáo dục Xuyên Biên Giới (C-BERT), Hoa Kỳ. E-mail: kpk9@psu.edu.
IHE thường xuyên xuất bản các bài của C- BERT. Xem http://www.cbert.org
Trong hai thập kỷ qua, chính phủ của nhiều nước đang phát triển, trong đó có Qatar, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Trung Quốc, đã sử dụng công quỹ để hỗ trợ việc thành lập và vận hành các phân hiệu đại học quốc tế (International Branch Campus – IBC). Chính phủ các nước này tài trợ cho các IBC không phải vì lợi ích của các trường đại học nước ngoài trong quá trình quốc tế hoá, cũng không phải để quảng cáo cho thứ hạng quốc tế của chúng. Lý do hỗ trợ đơn giản là vì các IBC đã có những đóng góp vào sự phát triển nhân lực và kinh tế của đất nước. Đặc biệt, các IBC giúp các quốc gia chủ nhà nâng cao trình độ học vấn, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động địa phương, và giảm bớt chảy máu chất xám. Những điều đó có ý nghĩa quan trọng đối với nước chủ nhà. Các mục tiêu của trường mẹ là thứ yếu.
Chính vì mong đợi các IBC phục vụ những mục tiêu của quốc gia chủ nhà, nên chính phủ các nước đặt ra những yêu cầu và quy định cụ thể mà các trường cần đáp ứng. Ví dụ, Malaysia yêu cầu các IBC cung cấp các chương trình đào tạo chuyên biệt và hợp tác với các đối tác địa phương, cũng như hạn chế sử dụng lợi nhuận trường thu được. Mặc dù về nguyên tắc trường mẫu quốc có thể đàm phán các điều khoản, thực tế cho thấy phần lớn các quyết định cơ bản nhất của IBC về tài chính, học thuật và quản trị được xác định, hoặc chịu nhiều ảnh hưởng từ nước chủ nhà. Do đó các IBC hiếm khi có đủ quyền tự chủ để đưa ra các quyết định cốt lõi, khác với các trường mẹ có toàn quyền kiểm soát các quyết định của mình.
Những hạn chế quyền tự chủ thường bắt đầu ngay từ quá trình xin giấy phép thành lập. Yêu cầu về hợp tác buộc các IBC phải tính đến lợi ích của đối tác. Tự chủ tài chính bị hạn chế và tự chủ học thuật, bất chấp sự bảo đảm, buộc phải phản ánh chương trình nghị sự của nước chủ nhà.
Chính vì mong đợi các IBC phục vụ những mục tiêu của quốc gia chủ nhà, nên chính phủ các nước đặt ra những yêu cầu và quy định cụ thể mà các trường cần đáp ứng
Nhận diện cơ hội
Trong quá trình xin phép thành lập các phân hiệu đại học quốc tế, cơ chế giới hạn những quyết định độc lập được hình thành ngay từ đầu. Các nước chủ nhà sẽ chỉ cung cấp các nguồn tài nguyên như đất đai, chi phí hoạt động, hoặc hạ tầng cho những IBC sẵn sàng đáp ứng mục tiêu và yêu cầu của họ. Ví dụ, Hàn Quốc đã xây dựng một công viên đại học đầy đủ với công suất phục vụ 20.000 sinh viên để mời gọi các phân hiệu đại học quốc tế. Các trường mẹ chỉ còn việc chấp nhận các điều khoản và điều kiện của công viên, trong đó, dĩ nhiên bao gồm cả vị trí của nó, cách thủ đô Seoul 2 giờ ô tô. Mặc dù trường mẹ có thể tích cực đàm phán để bảo vệ lợi ích riêng của mình, và thậm chí có thể từ chối các thỏa thuận không có lợi, những gì nước chủ nhà mang đến bàn đàm phán chắc chắn đã hạn chế quyền tự chủ của IBC ngay từ giai đoạn đầu của quá trình.
Quan hệ đối tác
Không chỉ có vậy, một khi các trường mẹ chấp nhận thành lập phân hiệu ở nước ngoài, gần như chắc chắn họ không thể bỏ qua các đối tác địa phương. Ở các nước như Trung Quốc, quan hệ với đối tác địa phương thậm chí là bắt buộc. Các đối tác này giúp các tổ chức mẹ lách qua được mê lộ phức tạp về học thuật, pháp lý, kinh doanh và văn hóa của nước sở tại. Đồng thời họ duy trì sự đảm bảo cho lợi ích của nước chủ nhà trong các liên doanh này. Như vậy, sự thành công của các IBC thường phụ thuộc vào khả năng các đối tác địa phương duy trì các điều khoản của thỏa thuận và tiếp tục cung cấp các hướng dẫn cần thiết. Và quyền tự chủ của IBC, do đó tiếp tục bị kiềm chế bởi sự cần thiết phải dựa vào đối tác địa phương.
Tự chủ tài chính
Những hạn chế liên quan đến vấn đề tài chính củng cố quan điểm rằng các IBC không tự chủ hoàn toàn. Một số quốc gia chủ nhà thiết lập trần học phí hoặc đưa ra những quy định về việc sử dụng hoặc chuyển lợi nhuận về nước. Những vấn đề này chính là những yếu tố cốt lõi của quyền tự chủ tài chính và rất quan trọng để nâng cao chất lượng cũng như tính bền vững của tổ chức.
Thêm nữa, những hỗ trợ tài chính mà chính phủ chủ nhà và đối tác sở tại cung cấp cũng có những tác động – công khai và cả ngầm hiểu – đến quyền tự chủ của tổ chức. Một cách công khai, thỏa thuận có thể ghi rõ các yêu cầu và quy định cụ thể cần thực hiện để nhận được tài trợ. Mặt khác, có thể ngầm hiểu là bên tài trợ có quyền tác động đến các lựa chọn của IBC. Tại Qatar chẳng hạn, chính phủ cung cấp hỗ trợ tài chính hào phóng đến mức các IBC không cần lo lắng về khả năng xảy ra những thiệt hại tài chính. Tình huống như vậy có thể làm các IBC mất động lực suy nghĩ độc lập và không chủ động tìm cách nâng cao chất lượng và tính bền vững của tổ chức.
Tự chủ học thuật
Có lẽ thiếu tự chủ trong học thuật là vấn đề đáng quan ngại nhất của các IBC. Điều này đặc biệt đúng khi nước chủ nhà đề nghị thành lập IBC trong các lĩnh vực nghiên cứu cụ thể do họ chỉ định. Chẳng hạn Qatar Foundation mời Đại học Georgetown, Đại học Texas A&M và Đại học Virginia Commonwealth để cung cấp, cũng theo thứ tự này, chương trình ngoại giao, kỹ thuật, và nghệ thuật. Chính phủ Qatar, mà không phải là trường mẹ, là người lựa chọn các chương trình học.
Trong các trường hợp khác, nước chủ nhà có thể hạn chế IBC cung cấp các chương trình học tập mới hoặc can thiệp vào quá trình tuyển sinh. Trung Quốc đối xử với hầu hết các IBC như một bộ phận của một trường đại học đã có, và cho phép trường đó quyết định các chương trình học và đối tượng tuyển sinh. Trong bối cảnh như vậy, các IBC có rất ít cơ hội để phát triển chương trình giảng dạy và không bao giờ có thể trở thành một trường đại học chính thức. Điều này hạn chế sự tăng trưởng của các IBC và khiến chúng dễ bị tổn thương hơn trước những thay đổi trong bức tranh học thuật và thị trường lao động.
Kết luận
Những hạn chế đề cập đến trong bài viết này vi phạm một số hình thức tự chủ quan trọng cần có của một phân hiệu đại học đẳng cấp thế giới mà các nhà giáo dục mong đợi. Các IBC sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân giảng viên chất lượng cao và các quản trị viên nếu vẫn bị coi là các cơ sở giáo dục kém hơn. Bởi vậy, các IBC sẽ đấu tranh để đạt đến chất lượng ngang bằng với các trường mẹ.
Hạn chế quyền tự chủ có thể ảnh hưởng đến mục tiêu của chính nước chủ nhà. Trong khi các nước chủ nhà đang mong muốn thúc đẩy chất lượng và tập trung thực hiện các mục tiêu của mình, những hạn chế tự chủ do họ đặt ra có thể khiến các đối tác tiềm năng từ chối mở phân hiệu. Điều này có thể là mối đe doạ thực sự đối với sự thành công của tầm nhìn tổng thể.
Điều đáng nói nhất là, hạn chế tự chủ đe dọa tính bền vững và chất lượng của các IBC. Hạn chế tính linh hoạt trong việc thay đổi điều hành hoặc học thuật để đáp ứng các nhu cầu của sinh viên cũng như nền kinh tế địa phương có thể làm tăng khả năng thất bại của các phân hiệu quốc tế.
Trước những thách thức như thế, lãnh đạo các IBC cần cân nhắc một cách tiếp cận tập trung vào các mục tiêu chung, với sự linh hoạt trong cách thức thực hiện. Nếu không các IBC sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ giáo dục thuần tuý, phụ thuộc vào nước chủ nhà, hơn là một tổ chức giáo dục đại học có khả năng thiết lập con đường riêng của mình.