Brexit và định hình châu Âu trong tương lai

Fiona Hunter và Hans de Wit

Fiona Hunter là Phó Giám đốc Trung Tâm Quốc tế hóa Giáo dục Đại học (CHEI), Università Cattolica del Sacro Cuore, Milan, Ý. E-mail: fionajanehunter@gmail.com.

Hans de Wit là Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế tại Boston College, Mỹ. E-mail: dewit@bc.edu.

Brexit đã xảy ra và các trường đại học ở Vương Quốc Anh, cũng như hệ thống giáo dục đại học ở châu Âu vẫn đang choáng váng vì sốc, không dám tin vào điều đó. Cộng đồng học thuật bao gồm cán bộ, giảng viên, và sinh viên, đều ủng hộ Ở Lại. Các thành phố nơi họ sống cũng thể hiện mạnh mẽ mong muốn ở lại, nhiều nơi phe ủng hộ chiếm hơn 70%. Câu hỏi mấu chốt đặt ra là việc nước Anh rời bỏ Liên minh châu Âu (EU) có dẫn đến việc chất xám chảy khỏi nước Anh hay không. Hiện nay, khoảng 5% sinh viên ở Anh đến từ EU, và là nhóm sinh viên quốc tế lớn nhất, không chỉ mang lại sự đa dạng cho các trường đại học mà còn tạo ra thu nhập khoảng 3,7 tỷ bảng cho nền kinh tế nước Anh. Tuy nhiên, những bất ổn xung quanh các quy định về visa cùng với mức phí sẽ khiến cho số lượng sinh viên quốc tế giảm dần. Mười lăm phần trăm lực lượng làm việc trong lĩnh vực học thuật tại Anh là công dân EU, giờ phải tìm kiếm sự bảo đảm cho vị trí công việc và tương lai của họ. Đáng lo ngại là trong các trường đại học Anh, thậm chí trong các trường thuộc phe ủng hộ Ở Lại, tình trạng phân biệt chủng tộc có chiều hướng tăng lên, điều này có thể làm nản lòng nhiều cá nhân đang theo đuổi sự nghiệp học thuật tại Anh. Cộng thêm giọng điệu mạnh mẽ chống nhập cư của phe ủng hộ Ra Đi khiến cho các học giả và sinh viên đến từ những nước ngoài EU trở nên bi quan hơn về tương lai của họ trong Vương Quốc Anh. Đây thực sự là một chiến dịch tồi tệ, và mặc dù những người thuộc phe ủng hộ Ra Đi không chủ ý nhắm vào đại học khi đánh dấu chéo trên lá phiếu của họ, nhưng việc này đã và sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến các trường đại học, cả ở nước Anh và toàn châu Âu.

Vào lúc này, những gì các trường có thể làm là tìm cách giảm thiểu sự gián đoạn bằng cách đưa ra sự đảm bảo, dù chỉ ngắn hạn cho sinh viên và giảng viên, về quyền được học và được làm việc. Tuy nhiên, vẫn còn có quá nhiều câu hỏi chưa được trả lời. Như mối quan ngại về kinh phí cho nghiên cứu sẽ tăng cao, bởi vì các trường đại học Anh đang hoạt động tốt nhờ vào các chương trình của EU, thực tế một số trường đại học của Anh phụ thuộc vào nguồn kinh phí nghiên cứu từ EU. Tương tự, tương lai tiếp cận Erasmus+ cũng không chắc chắn. Có lẽ giải pháp sẽ là bắt chước theo mô hình của Thụy Sĩ và Na Uy, sử dụng nguồn lực quốc gia để trả phí tham gia vào chương trình này, tuy nhiên ở thời điểm hiện nay không có gì là chắc chắn, nhất là tình trạng kinh tế Anh khó sánh được với hai quốc gia kia.

Những quan ngại này dẫn đến các vấn đề lớn hơn về trao đổi học thuật, hợp tác và chia sẻ; về tự do dịch chuyển chất xám; và về sự tham gia vào mạng lưới quốc tế. Khu vực giáo dục đại học châu Âu không còn nước Anh sẽ làm thay đổi cục diện đối với tất cả các bên.

Vì sao nên nỗi?

Vào đầu thế kỷ này, khi châu Âu dường như đang nổi lên như một thực thể mạnh mẽ hơn và tích hợp hơn, không ai có thể hình dung một kết cục thế này sẽ xảy ra. Vào thời điểm hiện nay, Liên minh châu Âu đã phát triển từ 15 thành 28 quốc gia, đồng euro được coi là tiền tệ duy nhất ở 19 quốc gia, và khu vực Schengen đã mở rộng biên giới ra 20 nước EU và 6 nước nằm ngoài EU (mặc dù nước Anh không áp dụng cả hai chính sách trên). Khi dự án châu Âu đang tiến triển thuận lợi, các thế lực nội bộ và bên ngoài đã bắt đầu làm suy yếu nền móng của nó. Ở cấp độ toàn cầu, cuộc tấn công vào tòa tháp đôi ở New York vào năm 2001 gây ra sự bất ổn và sợ hãi trước chủ nghĩa khủng bố, và một châu Âu đoàn kết hơn được một số người nhìn nhận như một giải pháp, còn số khác lại coi đó là vấn đề. Cử tri Pháp và Hà Lan bác bỏ Hiến pháp châu Âu năm 2005, và cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ năm 2008 tạo ra nhiều căng thẳng và lo ngại mới. Châu Âu trong gọng kìm của cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị, và tình trạng khẩn cấp về vấn đề tị nạn diễn ra trong biên giới EU trên một quy mô chưa từng có đã khiến cho quá trình hội nhập bắt đầu đổ vỡ. Những vấn đề này ngày một lớn hơn và tình hình ngày càng căng thẳng hơn. Tinh thần hợp tác suy giảm và sự thiếu tin tưởng vào châu Âu tăng lên, khi các đại học EU không đưa ra được giải pháp đáng tin cậy cho các vấn đề họ phải đối mặt. Tâm lý chống EU ngày càng lan rộng giữa các nước thành viên, và Brexit chính là kết cục bi thảm nhất.

Brexit và khu vực giáo dục đại học châu Âu

Sự xuất hiện của khu vực giáo dục đại học châu Âu trong thập niên đầu của thế kỷ này lại là một câu chuyện khác. Hình thành trên cơ sở sự thành công của Hợp tác Erasmus, Tiến trình Bologna đã nhanh chóng tạo đà từ 4 quốc gia vào năm 1999 mở rộng thành 48 quốc gia, với 5600 trường đại học và 31 triệu sinh viên tính đến năm 2010.Thoạt đầu, Erasmus tập trung vào việc hình thành Ngôi nhà châu Âu bằng cách tạo ra sự tương đồng về hệ thống cơ cấu bằng cấp, tín chỉ và đảm bảo chất lượng trong EU, nhưng sau đó nhanh chóng mở rộng phạm vi ra ngoài khu vực. Sự hội tụ của cấu trúc và công cụ không chỉ nhằm mục đích tăng cường hợp tác trong châu Âu, mà còn giúp cho lục địa này cạnh tranh hơn, trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn so với các quốc gia khác trên thế giới. Đây là giai đoạn các trường đại học châu Âu bắt đầu cảm thấy những làn sóng thay đổi, bởi vì toàn cầu hóa và sự xuất hiện của các nền kinh tế tri thức đòi hỏi họ phải có một hướng tiếp cận cạnh tranh hơn, tìm kiếm tài năng toàn cầu, và định vị vượt ra ngoài biên giới. Tiến trình Bologna đã đưa ra một khuôn khổ giải pháp chung cho các vấn đề chung.

Mặc dù được ca ngợi là một cuộc cải cách mang tính bước ngoặt, chỉ trong vòng 10 năm đã làm được nhiều việc mà rất nhiều chính phủ đã thất bại trong nhiều thập kỷ, Tiến trình Bologna không được triển khai theo cùng phương thức ở các quốc gia khác nhau và các trường đại học khác nhau. Có những khác biệt đáng kể về tốc độ và mức độ thành công trong quá trình hiện thực các đường hướng hành động. Xu thế khác biệt này còn được khuyếch đại bởi tốc độ toàn cầu hóa với những bất ổn và biến động chưa từng có mà nó gây ra đối với môi trường kinh tế và chính trị ở các nước thành viên EU, mặc dù các trường đại học đều tin tưởng mạnh mẽ vào Hợp tác châu Âu và cũng là những người hưởng lợi lớn nhất từ sự hợp tác này.

Câu hỏi mấu chốt đặt ra là việc nước Anh rời bỏ Liên minh châu Âu (EU) có dẫn đến việc chất xám chảy khỏi nước Anh hay không

Đi tiếp thế nào?

Có một thông điệp rõ ràng trong Brexit rằng những trường đại học quốc tế hay châu Âu, dù nỗ lực đến mấy, vẫn phải hoạt động trong một bối cảnh quốc gia, và sứ mệnh, phạm vi hoạt động của họ được xác định, đôi khi bị hạn chế bởi chính bối cảnh đó. Kết cục chính trị này tiềm ẩn một tác động tiêu cực đối với quá trình quốc tế hóa của các trường đại học, nhưng đồng thời cũng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thoát ra khỏi lý thuyết và kết nối quốc tế hóa với các giá trị học thuật một cách có chủ đích. Khi đã xác định hội nhập quốc tế là sứ mệnh của tổ chức và nhận thức rõ mục tiêu, các trường đại học có thể chứng minh giá trị và tầm ảnh hưởng của cộng đồng sinh viên và học giả quốc tế, trước tiên đối với chính bản thân họ, và sau đó đối với chính phủ trong các cuộc đàm phan sắp tới. Các trường đại học Anh đang chuẩn bị đưa ra những tuyên bố liên quan đến tầm quan trọng của đa dạng hóa, và ảnh hưởng sống còn của nó đến sự thành công của họ. Nhưng họ cũng cần xác định thế nào là hợp tác khoa học quốc tế, lớp học quốc tế và phân hiệu quốc tế, và những điều đó mang lại lợi ích gì cho tất cả thành viên trong trường đại học.

Họ cần tìm cách để thể hiện được rằng quốc tế hoá hướng đến một điều gì đó khác hơn ngoài mục đích tăng uy tín và thu nhập, và chứng minh tầm quan trọng của một cách tiếp cận thực sự toàn diện, như trong các tuyên bố của họ hiện nay. Các trường đại học Anh là những điển hình trưởng thành nhanh trong Hợp tác châu Âu, và họ vững vàng hơn, có nhiều khả năng hoàn thành được sứ mệnh của mình hơn. Con đường phía trước thực sự khó khăn, nhưng khu vực giáo dục đại học châu Âu không có nước Anh là một tổn thất đối với tất cả.