Henry Fram Akplu
Henry Fram Akplu, giảng viên cao cấp đã nghỉ hưu của Đại học công lập Cape Coast, ông cũng là cựu chủ tịch của một trường đại học tư thục ở Ghana. E-mail: hakplu@gmail.com
Trong một phần tư thế kỷ, giáo dục đại học khu vực Hạ Sahara châu Phi đã tăng vượt bậc về số trường và số sinh viên nhập học, phần lớn nhờ vào sự bãi bỏ các quy định hạn chế mở trường. Hệ thống giáo dục đại học của Ghana đã phát triển từ con số 2 trường đại học và gần 3 ngàn sinh viên vào năm 1957, lên 133 trường và xấp xỉ 290 ngàn sinh viên vào năm 2013, với đỉnh điểm tăng trưởng diễn ra vào giữa thập niên 1990. Kinh nghiệm của Ghana cho thấy các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng giáo dục đại học bao gồm: chính sách phù hợp, đổi mới giáo dục đại học, quản lý chất lượng trường tư thục và quá trình quốc tế hoá sâu sắc các trường đại học ở châu lục này.
Áp lực quốc tế và trong nước thúc đẩy khối tư thục vào cuộc
Từ khi Ghana giành được độc lập vào năm 1957 cho đến đầu thập niên 1990, có nhiều yếu tố hạn chế sự mở rộng giáo dục đại học, dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu. Trước khi các trường bách khoa kỹ thuật và một số trường đào tạo sau trung học khác được “nâng cấp” vào những năm 1990, giáo dục đại học được hiểu một cách giới hạn là chỉ bao gồm các trường đại học. Định kiến về đẳng cấp thấp hơn khiến những trường loại này không hấp dẫn bằng các trường đại học. Việc gộp thêm các trường được “nâng cấp” vào hệ thống giáo dục đại học là một nguyên nhân khiến số lượng sinh viên đại học ở Ghana tăng đột biến. Ngoài ra còn những nguyên nhân khác góp phần làm gia tăng nguồn cầu cho giáo dục đại học: dân số tăng nhanh, các kỳ sát hạch khắt khe như kỳ thi tuyển sinh chung làm hạn chế cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, chi phí đào tạo trên mỗi sinh viên cao, ngân sách không ổn định, tư tưởng xã hội dị ứng với tư thục và chưa có lộ trình đào tạo nghề hấp dẫn người học như một lựa chọn thay thế. Trong bối cảnh như vậy, nhu cầu học đại học vượt quá cung đến mức tại một số thời điểm, có đến 51% thí sinh đủ điều kiện vẫn không được nhập học. Trong giai đoạn từ 1966 đến 1990, trong các trường đại học của Ghana – lúc đó tất cả chỉ có ba trường – thường xuyên diễn ra các cuộc biểu tình, đình khoá của sinh viên, hoặc đóng cửa trường và lịch học thường xuyên bị gián đoạn. Thay đổi chính sách là điều không thể tránh khỏi.
Đến những năm đầu thập niên 1990, những sức ép toàn cầu buộc Ghana phải cho phép tư nhân tham gia vào giáo dục đại học. Sức ép này được tạo nên bởi quá trình dân chủ hóa và đại chúng hóa giáo dục, sự sụp đổ của hệ tư tưởng xã hội, sự mở rộng các nền kinh tế thị trường tự do và sự xuất hiện khái niệm công tư hợp doanh. Những thành phần đã chủ động cung cấp giáo dục tiếu học và trung học trong nhiều thập kỷ là các tổ chức tôn giáo phi lợi nhuận, các tổ chức và cá nhân vị lợi cũng sẵn sàng tham gia đáp ứng nhu cầu giáo dục đại học đang tăng cao.
Mở cửa giáo dục đại học cho khu vực tư nhân
Một phần của những biện pháp cải cách giáo dục sâu rộng ở Ghana từ năm 1987 là mở cửa giáo dục đại học cho khu vực tư nhân, đồng thời thu hẹp dần khu vực công lập. Một cơ quan pháp định về đảm bảo chất lượng – Hội đồng Kiểm định Quốc gia (NAB) – được thành lập vào năm 1993 để hướng dẫn và giám sát quá trình tăng tư giảm công nói trên. Trước năm 2000, khu vực này có chưa đến 15 trường đại học tư thục, nhưng sau năm 2015, con số này tăng lên 106 trường so với 83 trường đại học công lập. Chưa kể đến vô số trường mở ra chưa được kiểm định, 55 trường trong số này đã bị NBA xác định và công bố tên trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Chuyển đổi
Từ giữa thập niên 1990, tự do hoá kinh tế và sự tham gia của khu vực tư nhân đã thay đổi toàn cảnh giáo dục đại học Ghana. Số trường tư nhiều hơn trường công nhưng chỉ chiếm 25% tổng số sinh viên tuyển mới – giờ đây là khoảng 340 ngàn sinh viên mỗi năm. Các đại học tư thục đã mang lại sự năng động và tính cạnh tranh cho nền giáo dục đại học, làm cho giáo dục đại học có định hướng thị trường, không như thời chỉ có trường công độc quyền. Ví dụ, giáo dục đại học lúc này cung cấp dịch vụ không chỉ cho sinh viên toàn thời gian như trước đây. Các trường tư khai giảng mỗi năm hai lần, mở lớp vào buổi tối và cuối tuần, hướng đến đối tượng là người đi làm. Họ còn chủ động tuyển sinh quốc tế và xây dựng các chương trình đào tạo mới nhằm tạo ra những phân khúc thị trường cho riêng mình. Tuy nhiên, rất ít trường tư thục đào tạo khoa học và kỹ thuật; phần lớn tập trung vào các chương trình không cần đầu tư nhiều như quản trị kinh doanh, quản lý doanh nghiệp. Các trường công lập cũng hưởng ứng chính sách tự do hoá bằng những hành động định hướng thị trường. Chẳng hạn như mở ra các chương trình có thu học phí và chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách cho nhóm đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học không đủ điểm để nhận học bổng đại học của chính phủ. Một trong những chuyển biến đáng chú ý nhất trong khu vực công là sự lột xác của Viện Quản trị và Hành chính công Ghana (GIMPA) từ một trường đại học công lập hưởng ngân sách nhà nước thành một đơn vị tự chủ tài chính. Trong hai thập niên qua, nhìn chung chính sách tự do hoá đã giúp giáo dục đại học Ghana trở nên bền vững hơn, năng động hơn và đáp ứng điều kiện của thị trường.
Thách thức về chất lượng tư thục
Sự xuất hiện của đại học tư thục làm dấy lên những quan ngại về chất lượng. Mối quan tâm hàng đầu là nhân lực và cơ sở vật chất của các trường tư có đảm bảo được chất lượng đào tạo hay không. Một số trường tôn giáo và trường vì-lợi-nhuận đã chứng tỏ có chất lượng đáp ứng, thậm chí vượt hơn mong đợi, nhưng phần lớn trường tư vì-lợi-nhuận vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Chất lượng giảng viên trong các trường tư là điều đáng ngại nhất. Nhìn chung, chỉ có 23% giảng viên trường tư có bằng cấp chuyên ngành trên đại học (ít nhất tất cả đều có bằng cấp đại học), một số trường thậm chí không có giảng viên nào có bằng cấp chuyên ngành trên đại học. Hầu hết các trường tư sẽ cần nhiều thời gian nữa mới có thể đáp ứng được yêu cầu của NAB về tiêu chuẩn bằng cấp giảng viên. Trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn, nguồn cung cấp giảng viên đủ tiêu chuẩn tăng không đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu, nên hầu hết các trường tư đều phụ thuộc vào giảng viên bán thời gian, nhiều người trong số đó cùng lúc có hợp đồng giảng dạy bán thời gian ở nhiều nơi khác.
Để trấn an dư luận, cơ quan kiểm định triển khai chế độ đảm bảo chất lượng ngày càng khắt khe. Một trường đại học tư thục mới thành lập phải được một trường có uy tín cố vấn ít nhất trong 10 năm trước khi được phép cấp bằng của chính mình. Cho đến nay chỉ mới có 3 trường tư thục (cả ba đều là trường tôn giáo) được chính thức cấp bằng. Một trường đại học tư bắt buộc phải được kiểm định độc lập và toàn diện ít nhất 4 năm một lần. Giấy chứng nhận có thể được gia hạn hoặc bị thu hồi tuỳ thuộc vào kết quả kiểm định. Trong 15 năm qua, NAB đã thu hồi bốn chứng nhận và đình chỉ tuyển sinh tạm thời 5 trường cho đến khi họ khắc phục được những thiếu sót. Tuy nhiên, năm 2014 chủ sở hữu một trường đột ngột đóng cửa trường, lý do đưa ra là thiếu vốn; sự kiện này chỉ ra những kẽ hở trong hệ thống quản lý. Để ngăn ngừa những trường hợp tương tự, NAB giờ yêu cầu phải có bảo lãnh ngân hàng tương đương 500 ngàn USD đối với các trường mới kiểm định. Tuy vậy, chất lượng vẫn đang bị đe doạ bởi các trường tư được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu bùng phát của giáo dục đại học nhưng vẫn không được kiểm định. Mặc dầu vậy, đến nay NAB vẫn chưa có quyền đóng cửa các trường không đạt chuẩn chất lượng.
Quốc tế hoá ngày càng sâu sắc
Sự hiện diện của trường tư và tự do hoá đã góp phần quốc tế hoá sâu sắc giáo dục đại học của Ghana. Quốc tế hoá diễn ra sâu rộng ở các lĩnh vực như đa dạng hoá tuyển sinh đầu vào, cung cấp các chương trình đào tạo và học bổng nước ngoài thông qua hợp tác, cho phép các trường đại học nước ngoài đặt cơ sở đào tạo của họ tại Ghana, áp dụng hệ thống quản trị của các trường đại học quốc tế.
Một số trường tư đã thiết lập quan hệ đối tác với các trường nước ngoài như ở Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.
Trong năm học 2012-2013, sinh viên quốc tế tại các trường đại học tư thục chiếm 12,6% tổng số sinh viên, trong khi ở các trường đại học công lập tỷ lệ này là 2% (tương đối thấp, nhưng vẫn là điều khó hình dung vào hai thập niên trước). Một số trường tư đã thiết lập quan hệ đối tác với các trường nước ngoài như ở Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh để triển khai chương trình đào tạo của họ, và tạo điều kiện cho sinh viên được nhận học bổng nước ngoài trong khi vẫn học tập tại Ghana. Việc siết chặt yêu cầu cấp thị thực học tập ở châu Âu và Bắc Mỹ dường như có tác động thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa các trường đại học trong và ngoài nước, do đó làm quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học ở Ghana càng thêm sâu rộng.
Tương lai của đại học tư
Trong giai đoạn này, khu vực tư chủ yếu đáp ứng những nhu cầu vượt quá khả năng tiếp nhận của hệ thống trường công miễn học phí. Tuy nhiên, các trường đại học tư thục tinh hoa đang xuất hiện, nhắm đến đối tượng thuộc tầng lớp giàu có trong nước và quốc tế. Số lượng các trường đại học tư thục được dự đoán sẽ tăng chậm lại, bởi các quy định về đảm bảo chất lượng ngày càng nghiêm ngặt hơn.