Tự do học thuật trong nền dân chủ lớn nhất thế giới

William G. Tierney và Nidhi S. Sabharwal

William G. Tierney là giáo sư đại học, giáo sư danh hiệu Wilbur-Kieffer về giáo dục đại học, đồng giám đốc Trung tâm Pullias về Giáo dục đại học tại Đại học Nam California. Ông hiện đang làm việc tại Ấn Độ theo Chương trình học giả Fulbright. E-mail: wgtiern@usc.edu. Nidhi S. Sabharwal là phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách giáo dục đại học tại Đại học Quốc gia về Kế hoạch và Quản trị giáo dục tại New Delhi, Ấn Độ. E-mail: nidhis@nuepa.org.

Ngày 9 tháng 2 năm 2016, một chương trình văn hoá được tổ chức tại Đại học Jawaharlal Nehru (JNU), trung tâm New Delhi, Ấn Độ. JNU, trường đại học chủ yếu đào tạo sau đại học với 8000 sinh viên, được xem là một trong các đại học tốt nhất Ấn Độ. Giảng viên và sinh viên được coi là thuộc phe cánh tả và có tiếng nói đối lập với chính phủ hiện tại của Narendra Modi. Ở đây còn có một nhóm nhỏ sinh viên có tiếng nói khác là thành viên của Akhil Bharatiya Vidyarthi Parishad (ABVP), một tổ chức bảo thủ liên minh gần gũi với Rashtriya Swayamsewak Sangh (RSS), một nhóm bảo thủ cực đoan khác theo tinh thần dân tộc, cũng thuộc đạo Hindu.

Sự kiện do Liên minh Sinh viên dân chủ tổ chức và ban đầu đã được giới cầm quyền cấp phép. Tuy vậy, ABVP kháng nghị và giới cầm quyền sau đó đã huỷ sự kiện này. Tuy nhiên, sinh viên vẫn tiến hành những hoạt động mà họ mô tả là một chương trình văn hoá. Mục tiêu chương trình là thông qua thơ, nhạc, và nghệ thuật kỷ niệm cái chết của Afzal Guru – người bị kết tội khủng bố vì đánh bom quốc hội năm 2001. Các nhà tổ chức cũng thảo luận về cuộc đấu tranh đang diễn ra ở Kashmir, về quyền con người tại khu vực này và tầm quan trọng của quyền tự quyết. Kanhaiya Kumar, chủ tịch của Liên minh sinh viên, tham gia sự kiện để thể hiện ủng hộ.

Ba ngày sau sự kiện, hiệu trưởng của trường cho phép cảnh sát vào khu học xá và bắt giữ Kanhaiya Kumar vì tội xúi giục nổi loạn. Nhiều người trong nước tin rằng các diễn giả đã vượt quá giới hạn khi đề cập đến vấn đề độc lập của Kashmir.

Tấn công quốc gia hay tấn công tự do học thuật?

Các hành động diễn ra trong và ngoài khu học xá của đại học JNU đã xuất hiện trên mặt báo suốt 2 tháng. Cánh hữu kết tội cuộc phản kháng. Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ tuyên bố: “Bất cứ ai đưa ra khẩu hiệu chống lại Ấn Độ, nêu lên vấn đề về sự thống nhất và toàn vẹn của đất nước đều không được tha thứ”. Một số ủng hộ sử dụng bạo lực chống lại bất kỳ ai phát ngôn chống lại đất nước; một số khác cho rằng cần phải đóng cửa trường đại học – và những sự kiện như vậy không bao giờ được phép tổ chức tại các đại học công. Thẩm phán toà án tối cao, người cho phép Kanhaiya được bảo lãnh, nói rằng “toàn thể JNU đang bị phá hoại bởi những kẻ không yêu nước và chống phá quốc gia, sự can thiệp của cảnh sát là cần thiết để quét sạch bọn chúng”.

Một số người cho rằng việc bắt giữ Kanhaiya và làn sóng phản đối tiếp sau đó là một cuộc tấn công khác vào tự do học thuật. Từ khi chính phủ của Modi nắm quyền vào năm 2014, đã có hơn 50 học giả trả lại các huy chương và danh hiệu – một phần là để phản đối những đàn áp đối với tự do học thuật tại các đại học Ấn Độ. Một số khác nhận định rằng bầu không khí học thuật ngộp thở là hậu quả của việc chính phủ đã buộc nhiều hội đồng, tổ chức hàn lâm và học giả phải từ chức. Sự bổ nhiệm mới đây của vị trí Chủ tịch Nhà xuất bản National Book Trust, Uỷ ban Cố vấn Giáo dục Trung ương và Hội đồng nghiên cứu lịch sử Ấn Độ là các ví dụ về những cá nhân và tổ chức ủng hộ các chính sách của chính phủ. Những người bị thanh lọc khỏi vị trí là các học giả được tôn trọng vì không phải lúc nào cũng đồng ý với các chính sách của chính phủ. Một số cho rằng những hành động như vậy là không phổ biến trong quá khứ.

Xác định phạm vi tự do học thuật

Những vấn đề trên tạo thêm sức ép đối với tự do học thuật. Trừ những người mộng tưởng, tự do học thuật là một khái niệm khó nắm bắt mà ý nghĩa và cách giải thích cần được xem xét kỹ lưỡng. Ấn Độ là một nền dân chủ, nhưng những định nghĩa của nó, ví dụ thế nào là nổi loạn, khác với các nền dân chủ khác, chẳng hạn như Hoa Kỳ. Danh mục các phim và sách bị kiểm duyệt tại Ấn Độ phản ánh một môi trường bảo thủ hơn nhiều so với Hoa Kỳ. Một bộ phim mới, Aligarh, mô tả mối quan hệ giữa một giáo sư nam và một người kéo xe (cũng là nam). Dù phần lớn dựa trên một câu chuyện có thật về một nhà khoa học đã tự tử, bộ phim không được phép chiếu rộng rãi tại Ấn Độ; nhiều nhóm đã cố gắng cấm chiếu bộ phim trong khu học xá nơi giáo sư này đã từng làm việc. Tự do học thuật có phải là một khái niệm văn hoá đòi hỏi một cách hiểu chung, hay tại địa phương nơi xảy ra sự việc đang tìm cách giới hạn ý nghĩa của từ này? Nhà nước Ấn Độ vẫn đang quy định phần lớn các chương trình đào tạo sau trung học. Phải chăng Romila Tharpar, sử gia Ấn Độ và là một trí tuệ danh tiếng đã đúng khi cho rằng kiểm soát tập trung các chương trình được tiêu chuẩn hoá là sự vi phạm tự do học thuật và là ví dụ của một “xã hội toàn trị”?

Tự do học thuật trong và ngoài lớp học

Nói chung, tự do học thuật được xem xèt theo hai cách. Một mặt, những gì một học giả nói trong giảng đường và gắn liền với chủ đề nghiên cứu của ông hoặc bà ta giúp chúng ta hiểu người này muốn nói gì; bởi vì người đó nói và viết trong một ngữ cảnh tri thức đặc biệt. Mặt khác, những phát ngôn ở ngoài nhà trường định hình điều một giáo sư nói ngoài lớp học, nơi ông hoặc bà ta phát biểu không phải với tư cách một chuyên gia. Cả hai khía cạnh này đều đáng để tranh luận.

Truyền đạt trong lớp học một ý tưởng mà những người khác không đồng tình, có thể dẫn đến kết thúc sự nghiệp của một người và sự xoá bỏ một tác phẩm. Cuốn tiểu thuyết được lọt vào vòng trung khảo giải Booker của Rohinton Mistry – có tên là Một hành trình dài (Such a Long Journey) – bị loại ra khỏi chương trình khi bị một sinh viên phản đối một vài đoạn văn. Cuốn tiểu thuyết kể câu chuyện về một viên thư ký ngân hàng, người thuộc cộng đồng Parsee ở Mumbai. Một vài trang trong cuốn tiểu thuyết mô tả một cách tiêu cực về chính trị tại Ấn Độ và về một đảng phái chính trị. Bằng một hành động tự kiểm duyệt, Đại học Mumbai bỏ cuốn sách ra khỏi danh sách sách đọc. Tương tự, một giáo sư từ đại học Banaras Hindu đã bị sa thải khi ông ta trong giờ học môn Nghiên cứu Phát triển của mình, thử chiếu một bộ phim bị cấm nói về một vụ hiếp dâm xảy ra ở New Delhi, bộ phim có tên là Người con gái Ấn Độ.

Nếu xác định được đúng phạm vi thì những thảo luận loại này sẽ giúp giới học thuật xem xét thấu đáo những vấn đề hóc búa, và đến được bản chất của những gì chính phủ mong muốn từ các trường đại học.

Những sự kiện tương tự như xảy ra ở JNU đã kích thích những cuộc thảo luận gay gắt về tự do học thuật. Những cuộc tranh luận về những gì nên được dạy trên lớp phát triển thành một loạt các seminar, câu lạc bộ và hoạt động bên ngoài lớp học. Ví dụ như Trung tâm Phạn học thuộc JNU đã mời một chuyên gia nổi tiếng về Yoga Guru đến phát biểu tại một seminar khoa học. Người này được xem là ủng hộ chính phủ bảo thủ. Một nhóm sinh viên phản đối lời mời, gọi đó là “sự công kích trong im lặng của phe cánh hữu”. Vị diễn giả buộc phải huỷ bỏ bài phát biểu của mình.

Kết luận

Một số cho rằng, để có thể chỉ trích tự do học thuật ở Ấn Độ ngày nay, cần một sự hiểu biết nhất định về tự do học thuật ở Ấn Độ trước đây một thế hệ. Về bản chất, người ta đang đặt câu hỏi phải chăng những lo lắng về tự do học thuật hôm nay chỉ đơn giản là cách để chỉ trích chính phủ Modi và mô tả các thành viên chính phủ như các nhà tư tưởng bảo thủ. Lịch sử chắc chắn sẽ giúp chúng ta hiểu được vấn đề phức tạp này cũng như tự do học thuật. Tuy vậy, người ta cũng nên đặt câu hỏi, một sinh viên 28 tuổi có đáng bị tù giam 21 ngày chỉ vì anh ta tham gia một sự kiện mà những phát ngôn gây tranh cãi ở đó bị một số người cho là nổi loạn. Nếu xác định được đúng phạm vi thì những thảo luận loại này sẽ giúp giới học thuật xem xét thấu đáo những vấn đề hóc búa, và đến được bản chất của những gì chính phủ mong muốn từ các trường đại học.