Trung Quốc tìm một chuẩn mới phù hợp hơn cho các đại học đẳng cấp quốc tế

Qiang Zha

Qiang Zha là phó giáo sư tại Khoa Giáo dục, Đại học York, Toronto Canada.E-mail: [email protected].

Trung Quốc đã tiến một bước mới trong chiến dịch xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế của họ. Ngày 24 tháng 10 năm 2015 vừa qua, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã chính thức công bố cuốn sách xanh trong đó thể hiện rõ ràng và cụ thể tham vọng có được đại học đẳng cấp quốc tế bao gồm cả thời gian biểu thực hiện. Trong các vấn đề được nêu ra, tài liệu này hướng tới mục tiêu phá bỏ ranh giới giữa các chương trình “xuất sắc” lẻ tẻ đang tồn tại (các dự án 985, 211, và 2011) và điều chỉnh, thống nhất các nguồn lực để nâng cao hiệu quả.

Đứng đầu các bảng xếp hạng vào giữa những năm 2000

Với mục tiêu này, tài liệu đã đưa ra thời gian cụ thể: vào năm 2020, một số trường đại học Trung Quốc và ngành học sẽ đạt đẳng cấp quốc tế; vào 2030, sẽ có nhiều trường và nhiều ngành học hơn đạt được vị trí này và một vài trường trong số đó sẽ chiếm lĩnh vị trí hàng đầu của các bảng xếp hạng toàn cầu; vào 2050, Trung Quốc sẽ vượt trội trên toàn thế giới về số lượng đại học và số lượng các lĩnh vực nghiên cứu hàng đầu.

Chính phủ trung ương và địa phương cam kết cho nỗ lực này thông qua việc đầu tư nguồn lực vào một số trường đại học đã qua lựa chọn. Từ 2016, sẽ có một chương trình tài trợ với chu kỳ xem xét sau mỗi 5 năm, nhiều hơn đáng kể so với chu kỳ tài trợ của chương trình 985 hiện nay (3 năm), và chương trình này cũng sẽ cho phép các trường đại học linh hoạt và tự do hơn trong việc sử dụng các nguồn kinh phí tài trợ. Các nguồn lực này sẽ tập trung vào các trường vượt trội trong cuộc đua hiệu suất, sức mạnh và sự khác biệt. Ngay thời điểm đầu của chương trình mới này, ngày 17 tháng 11 năm 2015, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục đã công bố việc thành lập quỹ đại học đẳng cấp quốc tế và tài trợ theo lĩnh vực cho các trường đại học trung ương. Quỹ này hợp nhất các nguồn chi trước đó vốn dành cho các chương trình thực hiện rải rác với mục tiêu so sánh, và có nhiệm vụ tập trung vào các hoạt động xuất sắc theo chuẩn mực quốc tế tại các trường đại học này.

So sánh với thực tiễn trước đây, chính sách này nhấn mạnh sự minh bạch và yêu cầu cạnh tranh để được nhận tài trợ, đây là nỗ lực nhằm tăng cường hiệu quả và kết quả đầu tư. Nó cũng đặt tầm quan trọng của trường đại học và ngành học đẳng cấp quốc tế là ngang nhau, điều này giúp nhiều đại học có tiềm năng có thể tham gia vào cuộc đua hơn so với các đề án lựa chọn trước đây (đặc biệt là dự án 985). Sáng kiến mới này đặt thách thức cho các trường phải giữ vững vị trí danh tiếng của họ, và do đó tạo nên cạnh tranh khốc liệt để đạt mục tiêu bằng các cách thức hiệu quả hơn.

Điều gì khiến các đại học Trung Quốc khác biệt trong các đại học đẳng cấp quốc tế?

Những mục tiêu này không dễ để hoàn thành. Các cuộc tranh luận về tiêu chí để xác định một đại học là đẳng cấp quốc tế vẫn còn chưa ngã ngũ. Mặc dù vậy, các bảng xếp hạng toàn cầu vẫn là minh chứng quyền năng nhất để các trường đại học – trong top 50 hoặc 100, có thể công bố vị trí đẳng cấp quốc tế của mình.

Các bảng xếp hạng toàn cầu này xếp các trường đại học theo “thứ bậc trên thế giới” căn cứ vào các tiêu chí đầu vào và đầu ra của nghiên cứu, và điều này dường như là logic và là chiến lược phía sau tham vọng của Trung quốc trở thành một quốc gia tập trung các đại học đẳng cấp quốc tế.

Thập kỷ vừa qua đã chứng kiến Trung quốc tập trung nguồn lực vào các đại học hàng đầu để củng cố cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực nghiên cứu. Năm 2014, 30 đại học giàu nhất Trung Quốc có mức kinh phí đầu tư trung bình lên tới 1 tỷ USD, chỉ kém Hoa Kỳ ở mức độ hệ thống, và chắc chắn vượt qua tất cả các nước nếu xét đến thời hạn để đạt được mức độ đầu tư như vậy. 5 năm trước, nhóm các trường đại học nhận được mức đầu tư như vậy không quá 5 trường. Một khối lượng đầu tư lớn là dành cho các dự án về nghiên cứu và liên quan đến nghiên cứu, đặc biệt trong bối cảnh các đại học Trung Quốc nhìn chung trả lương cho cán bộ giảng viên và đầu tư cho dịch vụ sinh viên ít hơn khi so sánh với các trường đại học phương Tây.

Bản Báo cáo về Khoa học của UNESCO: hướng tới 2030 mới được công bố gần đây cho thấy Trung Quốc đã bước lên vị trí thứ 2 về đầu tư cho khoa học phát triển, chiếm 20% tổng giá trị toàn cầu, chỉ sau Hoa Kỳ (28%) nhưng vượt qua Châu Âu (19%) và Nhật (10%). Hơn thế nữa, Trung Quốc đang hưởng lợi từ làn sóng thế hệ trí thức mới. Những công trình nghiên cứu được công bố của Trung Quốc hiện chiếm 20% tổng số công bố của thế giới, so với tỷ lệ 5% chỉ 10 năm trước. Chỉ số Tự nhiên (Nature Index – một dữ liệu đo lường sự đóng góp về số lượng bài báo công bố tại các tạp chí khoa học hàng đầu) cho thấy sự tăng trưởng của chỉ số này trong thời gian gần đây của Trung Quốc làm lu mờ thành tích của nhiều nước khác, trong giai đoạn 2012 đến 2014 số lượng các công trình nghiên cứu chất lượng cao tăng 37% (cũng thời gian này, chỉ số của Hoa Kỳ giảm 4%). Rõ ràng là các đại học hàng đầu của Trung Quốc là lực lượng chủ lực đóng góp vào bước nhảy vọt trong nghiên cứu phát triển của đất nước. Theo thống kê vào đầu năm 2007, các nhà khoa học tại các đại học Trung Quốc đóng góp 85% số công bố quốc tế của cả nước.

Trung Quốc cần một chuẩn riêng để đo lường thành công của đại học

Các điều trên phản ánh sự phát triển đáng kể của từng trường đại học, nhưng không nhất thiết đúng với cả hệ thống. Nói cách khác, một số trường đại học Trung Quốc lọt được vào các vị trí dẫn đầu trong các bảng xếp hạng là một chuyện, việc cả hệ thống có ở vị trí dẫn đầu toàn cầu hay không lại là chuyện khác. Cụ thể hơn, các trường đại học riêng rẽ không thể làm thay đổi cuộc chơi, nhưng mô hình đại học thì có thể. Cần lưu ý rằng thành công của các hệ thống giáo dục đại học phương Tây khi so sánh với các hệ thống khác trên thế giới được tạo nên không chỉ bởi kết quả của các đại học riêng lẻ, mà còn (và quan trọng hơn) bởi sức mạnh của mô hình chuẩn mực. Mô hình đại học Anh Quốc là giáo dục khai phóng, ưu thế của mô hình Đức là ý tưởng nghiên cứu để tạo ra tri thức; và mô hình Hoa Kỳ kết hợp được cả hai đặc điểm trên và nhấn mạnh đến vai trò phục vụ xã hội của đại học.

Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã chính thức công bố cuốn sách xanh trong đó thể hiện rõ ràng và cụ thể tham vọng có được đại học đẳng cấp quốc tế, bao gồm cả thời gian biểu thực hiện.

Vậy thì, hệ thống giáo dục đại học Trung Quốc được định nghĩa thế nào? Cuốn sách xanh mới yêu cầu các đại học hàng đầu theo đuổi vị trí đẳng cấp quốc tế, trong khi vẫn phát triển “tính cách Trung Hoa”. Với sự thêm vào nhập nhằng này, Trung Quốc cần xây dựng các chuẩn mực riêng cho đại học đẳng cấp quốc tế, theo đó đại học Trung Quốc vừa hướng tới vai trò toàn cầu vừa giữ được sự khác biệt về văn hoá. Đây là mô hình đại học Trung Hoa hay Khổng tử hiện vẫn là vấn đề gây tranh cãi, nhưng đại học Trung Quốc, với hỗ trợ chưa hề có tiền lệ của một nhà nước mạnh, đang phản ánh một sự khác biệt rõ rệt với các đại học phương Tây. Ví dụ, các trường đại học Trung Quốc kết nối kế hoạch chiến lược với lộ trình phát triển quốc gia, khu vực và đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu quốc gia và địa phương. Phương cách tương tác một cách chính trị này thường thu hút được nhiều nguồn lực đáng kể, cả về con người lẫn vật chất. Các bảng xếp hạng toàn cầu hiện nay không thể đo lường được các đóng góp này – và kết quả là đóng góp của đại học Trung Quốc vào sự phát triển kinh tế xã hội thường không ước tính được hoặc bị đánh giá thiếu chính xác. Hơn thế nữa, từ khi gỡ bỏ các hạn chế du học và (theo nghĩa đen) khuyến khích điều đó cách đây 30 năm, Trung Quốc gặp phải vấn đề lớn về chảy máu chất xám với khoảng hơn 3 triệu trí thức Trung Quốc đang sống ở nước ngoài. Cho đến những năm gần đây, các trường đại học Trung Quốc bắt đầu hưởng lợi từ quá trình lưu chuyển chất xám.

Có thể nói rằng, không một hệ thống nào khác có một chương trình hành động cấp quốc gia tham vọng như vậy, dành riêng cho việc phát triển và nâng cao tính cạnh tranh học thuật, đặc biệt trong một thời gian dài. Không một chỉ số quốc tế nào có thể đo đếm được mức độ ảnh hưởng của chương trình này và những bước phát triển của nó.

Thành công của Trung Quốc có thể là đáng kể, nhưng không nhất thiết sẽ đặt các trường đại học vào vị trí cạnh tranh hơn trong các bảng xếp hạng toàn cầu hiện nay. Ý định của chính phủ phản ánh những chương trình nghị sự khác nhau trong cùng một lúc, và chính phủ được hưởng lợi từ việc những “chuẩn mực Trung Quốc” cụ thể giúp xây dựng một hướng phát triển rõ ràng hơn cho giáo dục đại học của đất nước.