Thay đổi tương quan công-tư trong giáo dục đại học Ba Lan

Marek Kwiek

Marek Kwiek là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách công, Đại học Poznan, Ba Lan và là Chủ tịch Chương trình UNESCO về Nghiên cứu thể chế và chính sách giáo dục đại học. E-mail: kwiekm@amu.edu.pl.

Ba Lan là một ví dụ thú vị cho thấy sự suy giảm nhanh về nhân khẩu học tác động đến mối tương quan công tư trong giáo dục đại học như thế nào. Từ quan điểm quốc tế, trường hợp Ba Lan cho thấy sự mong manh của giáo dục đại học tư khi phải đối mặt với những thay đổi nhân khẩu học và mức độ đầu tư tài chính lớn cho khu vực công; nó cũng cho thấy mối quan hệ phụ thuộc giữa hai lĩnh vực công và tư. Ba Lan cung cấp một bài học tốt về chính sách cho những hệ thống giáo dục đại học, trong đó khu vực công được tài trợ bằng tiền thuế và khu vực tư dựa trên nguồn thu từ học phí, và những hệ thống mà dự báo nhân khẩu học cho thấy không có gì đảm bảo là số lượng sinh viên tiềm năng sẽ tăng đều trong tương lai.

Bức tranh của thập kỷ vừa qua được mô tả ngắn gọn như sau: số lượng sinh viên khu vực công tăng so với số lượng sinh viên khu vực tư, doanh thu từ khu vực công tăng so với doanh thu từ khu vực tư. Trong khu vực công, số sinh viên được chính phủ tài trợ học phí từ “tiền thuế” tăng lên và số sinh viên phải tự trả học phí giảm xuống. Số lượng các trường tư cũng giảm. Như vậy, Ba Lan đã chuyển từ một hệ thống hoàn toàn là trường công dưới chế độ cộng sản (1945-1989) sang một hệ thống công-tư song hành (hay hỗn hợp) trong giai đoạn mở rộng 1990-2005, và sang hệ thống giảm-dần-tư-nhân, trong đó cả khu vực tư và khu vực do tư nhân tài trợ đang đóng vai trò ngày càng giảm (2006-2016 và các năm tiếp theo); và có lẽ, sẽ chuyển sang hệ thống hoàn toàn phi tư nhân, với vai trò rất hạn chế của khu vực tư nhân và vai trò chủ đạo của khu vực công và tài chính công (từ khoảng năm 2025 trở đi).

Giai đoạn mở rộng

Lịch sử giáo dục đại học Ba Lan sau năm 1989 có thể được chia thành hai giai đoạn tương phản: giai đoạn mở rộng trong thời gian 1990-2005 và giai đoạn thu hẹp bắt đầu từ năm 2006. Trong khi giai đoạn mở rộng được đặc trưng bởi yếu tố tư nhân hoá (tăng trưởng khu vực tư nhân và nguồn thu học phí giữ vai trò đáng kể trong ngân sách của các trường công), giai đoạn thu hẹp đặc trưng bởi quá trình giảm-dần-tư-nhân. Giảm-dần-tư-nhân diễn ra ở cả hai kênh bên ngoài và bên trong: tuyển sinh cho khu vực tư nhân suy giảm kéo dài cả thập kỷ; nguồn thu từ học phí của các trường đại học công cũng giảm xuống. Sự sụt giảm số lượng tuyển sinh ở quy mô quốc gia, do nhân khẩu giảm, được dự báo là có mức độ nghiêm trọng nhất ở châu Âu, ngang với các nước hậu cộng sản khác như Bulgaria, Romania, Slovakia, Lithuania và Latvia.

Khu vực tư nhân bùng nổ trong giai đoạn mở rộng khi Ba Lan bắt kịp với Tây Âu về tỷ lệ nhập học: lượng nhập học tăng gấp năm lần trong một khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với bất cứ nơi nào khác ở Tây Âu. Nhưng nó đã giảm dần kể từ khi hệ thống Ba Lan bước vào kỷ nguyên “phổ cập” (universalization – thuật ngữ của Martin Trow). Khu vực tư nhân chiếm 51,1% trong năm 2007, so với chỉ 10% vào năm 1989.

Giai đoạn thu hẹp

Tác động đầu tiên của xu hướng nhân khẩu học đảo ngược mạnh mẽ hiện nay có thể nhìn thấy trong việc giảm số lượng sinh viên trả học phí ở cả hai khu vực công và tư, bắt đầu từ năm 2006. Ngược lại, số lượng sinh viên “được tài trợ từ tiền thuế” ngày càng tăng trong suốt thập kỷ qua, và trong giai đoạn 2009-2014 đã tăng từ 43,6% lên đến 57,9%. Khi nhân khẩu giảm, sự thay đổi tỷ lệ giữa số lượng sinh viên được tài trợ và tự chi trả, giữa khu vực công và khu vực tư thật đáng kinh ngạc. Đó là trò chơi có-tổng-bằng-không: khu vực công tăng đồng nghĩa với khu vực tư giảm.

Tỷ lệ sinh viên trả học phí (được hiểu là tất cả sinh viên trong khu vực tư và sinh viên tại chức (part-time) trong khu vực công) trong giai đoạn mở rộng là rất lớn nếu so sánh với các nước châu Âu khác: từ 46,6% trong năm 1995 lên 58,6% trong năm 2006. Trong giai đoạn thu hẹp hiện nay, ngược lại với xu hướng toàn cầu, tỷ lệ này đã và đang giảm mạnh, chỉ còn 42,1% trong năm 2014, cụ thể là, từ 1.137.000 giảm xuống còn 618.000 sinh viên do những tác động tài chính mạnh mẽ. Bộ Giáo dục dự đoán tỷ lệ này sẽ chỉ còn khoảng 20% trong năm 2022. Sự thay đổi tương quan công-tư đặt ra câu hỏi về chia sẻ chi phí trong một bối cảnh khác: cơ hội tiếp cận công bằng sẽ khác nhau giữa tình trạng hiện nay (trong 10 sinh viên có 6 sinh viên trả học phí) và tình trạng của thập kỷ tới (trong 10 sinh viên sẽ chỉ còn 4 người trả học phí – và cuối cùng trong 10 sẽ chỉ còn 2).

Giai đoạn mở rộng 1990-2006 được hỗ trợ tài chính từ cả hai nguồn công và tư. Các dòng vốn tài trợ công cho khu vực công là quan trọng, nhưng dòng vốn tư từ nguồn học phí đổ vào cả hai khu vực cũng quan trọng không kém. Khu vực tư nhân chủ yếu vẫn dựa vào nguồn thu học phí, nhưng trong thời kỳ cao điểm của giai đoạn mở rộng, nguồn thu học phí từ sinh viên tại chức cũng là đáng kể, chiếm khoảng 16-20% ngân sách hoạt động của khu vực công. Thu nhập từ học phí giảm 17,8% (tương đương 97 triệu USD) trong khu vực công, và 28,8% (tương đương 171 triệu USD) trong khu vực tư nhân trong giai đoạn 2010-2014.

Tư nhân hoá thoái trào

Như vậy, quá trình tư nhân hoá hiện đang thoái trào: số lượng sinh viên trả học phí trong khu vực công giảm gần một nửa (47,9%) trong giai đoạn 2006-2014, tỷ trọng doanh thu từ các sinh viên này trong khu vực công cũng giảm (từ 16,2% xuống còn 9,4%). Số lượng các trường tư giảm 12,6% (từ 318 xuống còn 278), và số lượng các vụ sáp nhập và mua lại trong khu vực tư nhân đang tăng lên. Cuối cùng, lượng tuyển sinh khu vực tư đã bị thu hẹp một cách hệ thống, giảm 43,9% trong giai đoạn 2006-2014 (từ 640.000 xuống còn 359.000 sinh viên).

Lịch sử giáo dục đại học Ba Lan sau năm 1989 có thể được chia thành hai giai đoạn tương phản: giai đoạn mở rộng trong thời gian 1990-2005 và giai đoạn thu hẹp bắt đầu từ năm 2006.

Sự suy giảm của khu vực tư nhân vốn dựa vào học phí là không thể đảo ngược, khi kèm theo suy giảm nhân khẩu học là việc nới rộng chỉ tiêu trong khu vực công miễn học phí. Giáo dục đại học, đã được tư nhân hoá cao trong giai đoạn mở rộng, ngày nay đang dần dần chuyển thành công lập, và ngày càng phụ thuộc vào nguồn tài chính công. Hệ thống công-tư song hành đang tự chuyển đổi thành các trường công lập với các sinh viên “được tài trợ từ tiền thuế”. Điều quan trọng không chỉ là lựa chọn giữa học miễn phí hay mất tiền, mà còn là vấn đề uy tín học thuật và tính hợp pháp xã hội: giáo dục đại học tư hiện vẫn còn thiếu cả hai điều này.

Cùng với một số nước hậu cộng sản khác ở châu Âu, Ba Lan là trường hợp ngoại lệ trong bức tranh toàn cầu: tuyển sinh trong khu vực tư –  tính theo số tuyệt đối lẫn tỷ lệ phần trăm trong tổng số – đều giảm liên tiếp trong thập kỷ vừa qua. Khu vực đại học tư, bao gồm 278 trường, có thể sẽ còn tuyển được ít sinh viên hơn trong những năm tới.

Ba Lan không được chuẩn bị về mặt chính trị cho việc thu học phí trong các trường công hay cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cho khu vực tư, điều có thể đã giúp khu vực tư nhân tồn tại. Việc áp dụng thu học phí càng khó khăn hơn về mặt chính trị trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu ngày nay.

Kết luận

Mối tương quan công-tư đang thay đổi nhanh chóng trong một hệ thống mà lượng tuyển sinh của khu vực tư vẫn cao nhất trong Liên minh châu Âu ngày nay. Trong bối cảnh các hệ thống giáo dục đại học trên toàn cầu ngày càng mở rộng, một số hệ thống ở Trung Âu và Đông Âu – với Ba Lan đi đầu, đang đi ngược lại với xu hướng này. Việc thu hẹp này có tính chất nền tảng và bắt nguồn từ tình trạng giảm nhân khẩu. Trong khi thế giới đang chứng kiến xu thế tăng cường cơ chế chia sẻ chi phí công-tư và sự tăng trưởng của khu vực tư nhân, hệ thống giáo dục đại học Ba Lan dường như vận hành theo hướng ngược lại. Điều thú vị là, xu hướng phi-tư-nhân-hoá giáo dục đại học của Ba Lan đang đi ngược với xu hướng tư nhân hoá toàn cầu, với những tác động tài chính không thể đoán trước được trong tương lai.