Hệ thống giáo dục đại học mở rộng của Luxembourg: hướng tới các chuẩn mực toàn cầu

Gangolf Braband và Justin JW Powell

Gangolf Braband là nghiên cứu sinh tại Đại học Luxembourg, E-mail: [email protected]. Justin J. W. Powell là Giáo sư Đại học Luxembourg, E-mail: [email protected].

Công cuộc mở rộng giáo dục đại học toàn cầu đã bỏ qua Luxembourg một thời gian. Vì không có trường đại học nghiên cứu ở tầm quốc gia, nên đại công quốc này thiếu năng lực giảng dạy và nghiên cứu. Điều này có vẻ càng bất thường với sự nổi lên của nền “kinh tế tri thức”, đặc biệt bởi vì Luxembourg với dân số 543 ngàn người không giống như nhiều nước nhỏ khác, là một quốc gia mang tính quốc tế cao, đa chủng tộc và thịnh vượng. Theo truyền thống, những người Luxembourg muốn có bằng đại học thường đi du học. Lúc đầu, điều này không bị coi là bất lợi mà trái lại, được xem là giúp ích cho việc hình thành một đội ngũ tinh hoa xuất sắc của quốc gia trong các mạng lưới châu Âu. Có rất ít ưu đãi dành cho việc mở rộng giáo dục đại học trong nước.

Tình hình đã thay đổi vào cuối những năm 1990, nhờ trào lưu mở rộng giáo dục đại học ở quy mô quốc tế, với các tiến trình châu Âu hóa như Tiến trình Bologna và Chiến lược Lisbon của Ủy ban châu Âu. Thực tế, Bộ trưởng Giáo dục đại học Luxembourg đã ký Tuyên bố Bologna năm 1999 – nhiều năm trước khi thành lập trường Đại học Luxembourg (UL), trường đại học quốc gia đầu tiên và duy nhất được nhà nước tài trợ.

Thành lập Đại học Quốc gia đầu tiên ở Luxembourg

Những cố gắng đầu tiên để thành lập một trường đại học ở Luxembourg trong thế kỷ 19 và 20 đều thất bại, điều đó cũng khởi đầu truyền thống đi du học bán thời gian với mô hình đặc trưng là hai năm đầu học ở Luxembourg trước khi ra nước ngoài, và sự kết nối chặt chẽ giữa sinh viên ở nước ngoài với tầng lớp thượng lưu chính trị và xã hội trong nước, tạo thành một nhóm đặc biệt và khép kín của các nhà lãnh đạo. Với môi trường này, các nỗ lực thay đổi phải đến từ bên ngoài. Chương trình khung nghiên cứu đầu tiên của EU (1984) đã cung cấp một xung lực như thế, nhưng cuối cùng ảnh hưởng của nó đối với giáo dục đại học rất hạn chế. Việc phát triển quốc tế sau đó cũng chỉ kích hoạt được những thay đổi chậm chạp. Không có bất kỳ áp lực công nào nhằm vô hiệu hóa sự thiếu thiện chí chính trị đối với đổi mới: lý do đơn giản là giáo dục đại học không phải là một vấn đề mang tính công cộng.

Trong khi đó quốc tế hóa giáo dục đại học có tác động mạnh và ảnh hưởng nhiều hơn đến sự phát triển tiếp theo của đất nước. Một vài nhân vật chính trị có quyền lực trong bộ chủ quản sử dụng Tiến trình Bologna và Chiến lược Lisbon (đặc biệt là nhu cầu tăng đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới) làm công cụ để chống lại quan điểm đối lập đang thịnh hành và để nâng cao nhận thức. Ý tưởng là tạo ra một thể chế mạnh hơn cho những nghiên cứu được tài trợ công khai, bằng cách thành lập một trường đại học tập trung vào các chương trình cấp bằng sau đại học ở một số lĩnh vực phù hợp với nhu cầu quốc gia. Trong khi vẫn duy trì truyền thống du học, một trường đại học như vậy sẽ mở rộng cơ hội giáo dục đại học, đồng thời góp phần đa dạng hóa nền tảng kinh tế của đất nước và nâng đỡ nền “kinh tế tri thức” của Luxembourg.

Cuối cùng, mục tiêu thành lập một trường đại học đã đạt được, nhưng theo một cách thức gây tranh cãi, thông qua một quy trình từ trên xuống có một không hai, thiếu sự minh bạch và rất ít nỗ lực thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Kết quả của cách tiếp cận này không được như dự kiến ban đầu. Các cơ sở giáo dục sau trung học đang tồn tại bị sáp nhập, mở rộng thêm chức năng giảng dạy, bao gồm cả các chương trình cử nhân và đào tạo nghề. Tuy vậy, sự xoay chuyển này rất đáng chú ý: chỉ trong vòng ít năm, một trường đại học định hướng nghiên cứu ở tầm quốc gia, vốn không phải là đề tài thảo luận trước đây, đã trở thành hiện thực.

Trường đại học nghiên cứu quốc gia-quốc tế

Một điều có vẻ nghịch lý là vào thời gian khi các nước châu Âu mở cửa biên giới và việc tự do đi lại được ủng hộ và ca ngợi, thì Luxembourg lại đầu tư nguồn vốn lớn và hoạch định chiến lược để cuối cùng cũng thành lập trường đại học quốc gia của mình. Mục tiêu đặt ra là cạnh tranh toàn cầu bằng cách tập trung các nguồn lực trí tuệ và tài chính, và dựa vào những thế mạnh và ưu tiên của quốc gia. Những kỳ vọng đối với việc thành lập trường đại học năm 2003 có thể là quá mức, nhưng chính quyền, dưới sự lãnh đạo của một vài nhân vật tận tâm – đã tiến được một bước trong thử nghiệm xây dựng năng lực khoa học đầy tham vọng này. Điều này cũng cung cấp thêm một lựa chọn – là học đại học trong nước – cho thanh niên Luxembourg. UL được thành lập bất chấp sự phản đối mạnh mẽ cả về mặt tài chính và ý thức hệ, do phong tục lâu đời là cần đào tạo giới tinh hoa ở nước ngoài nhằm hình thành các mạng lưới quốc tế. Nhưng việc nâng cao tính cạnh tranh quốc tế và phối hợp siêu quốc gia đã tạo ra những áp lực buộc Luxembourg phải phát triển hệ thống giáo dục đại học của mình và từ đó thúc đẩy đổi mới khoa học. UL cung cấp phương tiện để đa dạng hoá nền kinh tế – hiện chỉ bao gồm sản xuất thép và ngân hàng, và tích hợp công dân từ các nền văn hóa khác nhau thành một chính thể với thành phần thượng lưu ở địa phương chiếm ưu thế. Định hướng theo những đặc thù của đại công quốc – diện tích nhỏ, nhưng là một trung tâm thịnh vượng của cơ chế quản trị châu Âu và kinh doanh quốc tế – UL được thành lập theo nguyên tắc quốc tế, đa ngôn ngữ và liên ngành.

Với những khóa học được dạy bằng tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp, uy tín của UL đang tăng cao, vì nó cung cấp một thước đo những tác động của tiêu chuẩn toàn cầu nói chung và các nguyên tắc cụ thể được hệ thống hóa trong Tiến trình Bologna. UL minh họa cho giai đoạn thể chế hóa trường đại học châu Âu mới đây nhất. Do mới thành lập, UL chấp nhận ngay các tiêu chuẩn châu Âu – và với hơn một nửa trong tổng số 6287 sinh viên của trường (2014 – 2015) đến từ nước ngoài, UL là một trường đại học đa quốc tịch. Sinh viên từ bất kỳ quốc gia nào cũng chỉ phải trả học phí 200 euro/học kỳ. Như vậy, đầu tư nhà nước trong giáo dục đại học đảm bảo sự tiếp cận rộng rãi, thu hút sinh viên từ khắp mọi nơi. Trong một xã hội siêu đa dạng đặc trưng bởi sự dịch chuyển ở mức độ cao, quốc tế hóa là chìa khóa cho việc thành lập và mở rộng trường đại học. Để phát triển một cơ sở đào tạo dựa trên thế mạnh địa phương, nhu cầu khu vực và xu hướng toàn cầu, UL hướng tới sự xuất sắc bằng việc tuyển dụng những giảng viên hàng đầu trên toàn thế giới, và xác định trước những lĩnh vực nghiên cứu phù hợp với bối cảnh kinh tế và địa lý của Luxembourg. Tập trung vào những ưu tiên then chốt và vượt trội trong hợp tác quốc tế, chiến lược được chọn đã mang lại kết quả tích cực; hiện tại UL được xếp hạng thứ 193 trên toàn thế giới (theo bảng xếp hạng đại học thế giới của Times năm 2015-2016).

Những thách thức trong tương lai

Giáo dục đại học ở Luxembourg đã thay đổi cơ bản. Trước khi trường đại học được thành lập, các vấn đề giáo dục đại học ít liên quan đến những tranh luận xã hội và chính trị. Đây chính là một thách thức. Một trường đại học, từ khởi đầu đã gây tranh cãi, được thành lập nhờ vào cam kết tích cực của một số nhân vật chủ chốt, chứ không do các quá trình vận động xã hội từ dưới lên trên, cần được hỗ trợ mạnh mẽ mới có thể đạt được những mục tiêu xa hơn ngoài đáp ứng nhu cầu kinh tế quốc dân hoặc đơn giản được hợp thức hóa đầy đủ về chính sách. UL cần được hỗ trợ để có quyền tự chủ cao hơn, thay đổi vai trò từ chỗ là một công cụ chính trị thành một tổ chức được quản trị theo các nguyên tắc học thuật. UL đã nhanh chóng thiết lập được uy tín quốc tế nổi bật, đẩy mạnh quá trình quốc tế hóa của Luxembourg. Tuy nhiên, thành công này cũng đặt ra một thách thức; cơ cấu nội bộ và cơ chế quản trị của trường cần phải được điều chỉnh phù hợp với thành phần đa dạng của UL và hài hoà với những văn hóa giáo dục đại học khác nhau – trong khi quốc gia lại thiếu sự đồng thuận trước đó.

Một quốc gia, dù nhỏ, không thể trở thành một “xã hội tri thức” nếu không có một trường đại học nghiên cứu quốc gia-quốc tế. Cũng như nhiều quốc gia lớn hơn ở châu Âu đang đấu tranh để duy trì các trường đại học được nhà nước tài trợ trong kỷ nguyên Bologna, Luxembourg đã nắm bắt được cơ hội. Mức độ quốc tế hóa cực cao của trường cũng là một điểm mạnh, nhưng điều này tự nó không tạo điều kiện thuận lợi cho cho UL hội nhập sâu rộng hơn với xã hội, văn hóa của Luxembourg. Nếu không gắn kết trường đại học với điều kiện chính trị, văn hóa và bản sắc quốc gia, đồng thời tăng cường quyền tự chủ về mặt tổ chức, thì nó vẫn chỉ là một dự án rất dễ bị thay đổi bởi các nhà hoặc định chính sách.