Các phân hiệu đại học ở Kenya

Ishmael I. Munene

Ishmael I. Munene là phó giáo sư công tác tại Phòng Lãnh đạo Giáo dục, Trường Đại học North Arizona, Hoa Kỳ. E-mail: [email protected]

Vào ngày 19 tháng Giêng năm 2016, với một sự cương quyết chưa từng có, Uỷ ban Giáo dục Đại học Kenya (CUE) đã chỉ thị cho Đại học Kisii, một trường công lập, đóng cửa 10 trong số 13 phân hiệu và chuyển 15 ngàn sinh viên về học xá chính của trường. Việc này nâng số lượng các phân hiệu đại học bị chính phủ đóng cửa lên con số 20. Đây là kết quả của một chuỗi các nỗ lực phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước Kenya nhằm điều chỉnh hướng phát triển đại học, từ hiện trạng có rất nhiều phân hiệu chất lượng thấp được thành lập để đáp ứng nhu cầu đại chúng, quay về với mô hình đại học truyền thống gồm hệ thống các cơ sở đào tạo chuyên sâu, chất lượng cao. Đây là một hành động phản ứng trước những lo ngại về sự suy giảm chất lượng sau một thời gian thương mại hoá giáo dục đại học. Mạng lưới các phân hiệu của các trường đại học lớn đã xuất hiện từ lâu trên thế giới; tuy nhiên ở Kenya đây là hiện tượng đột biến trong thập niên vừa qua.

Bức tranh giáo dục đại học Kenya, đặc biệt là hệ thống công lập, lúc này là một tập hợp các phân hiệu rải rác khắp nơi trên cả nước, tranh dành cùng một đối tượng khách hàng sinh viên. Mới một thập kỷ trước, mô hình phân hiệu đại học được xem là phương thuốc thần kỳ đáp ứng nhu cầu học đại học của đại chúng và đa dạng hoá nguồn thu trong thời kỳ tân khai phóng (neo-liberal), mô hình này giờ đây đang bị hoài nghi. Đây là một tình trạng tiêu biểu của xu hướng tăng trưởng đại học tồi tệ dưới tác động của nhu cầu xã hội và thương mại hoá trong bối cảnh quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng.

Động lực phát triển phân hiệu

Có 3 yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng các phân hiệu đại học của khu vực công lập trong thập kỷ qua, đó là ngân sách hạn chế, nhu cầu học đại học tăng và bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học.

Động lực chính để các trường công Kenya phát triển hệ thống nhiều phân hiệu không gì khác hơn là đa dạng hoá nguồn thu cho trường. Ngân sách nhà nước trở nên eo hẹp từ cuối những năm 1990, dẫn đến việc cắt giảm nguồn tài trợ dành cho giáo dục đại học, buộc các trường công lập phải tìm nguồn thu bổ sung từ thị trường. Các trường đã tăng nguồn thu bằng cách triển khai mô hình phân-hiệu-chi-phí-thấp nhắm đến các đối tượng đóng-học-phí (học sinh tốt nghiệp trung học không được học bổng của chính phủ hoặc người đi làm). Phần lớn các phân hiệu loại này nằm ở các thị trấn nhỏ vùng nông thôn, đào tạo các ngành dễ ăn như nhân văn, giáo dục, kinh doanh; sử dụng giảng viên bán thời gian và chất lượng kém. Những sinh viên tự-trả-học-phí này đóng góp một tỷ lệ quan trọng vào nguồn thu bổ sung của các trường. Đầu tư thấp, nguồn thu tốt đã khuyến khích các trường đại học mở ra vô số phân hiệu.

Mặc dù số lượng trường đại học ở Kenya đã tăng từ chỉ có một trường đại học công lập lên đến 43 trường hiện nay được phép hoạt động (trong đó có 33 trường công và 10 trường tư), nhưng vẫn không đủ đáp ứng được nhu cầu xã hội. Hiện nay tổng số sinh viên đại học vào khoảng 324 ngàn, chỉ chiếm 30% dân số đủ điều kiện. Số học sinh tốt nghiệp trung học hàng năm vượt xa khả năng tiếp nhận của các trường đại học, chưa kể số người đang làm việc nhưng muốn học đại học cũng ngày càng tăng. Lãnh đạo các trường đại học coi việc đi thuê cơ sở vật chất để mở phân hiệu là cách tiếp cận thực tế nhất để mở rộng khả năng đáp ứng người học, trong bối cảnh ngân sách đầu tư của nhà nước cho phát triển trụ sở chính của trường bị cắt giảm.

Phần lớn các đại học, cả công và tư, đều tập trung ở các đô thị lớn và khu vực nông nghiệp trù phú ở miền trung và miền tây, phần còn lại của đất nước không có trường đại học nào. Những vùng bất lợi này cũng là khu vực nghèo nhất nước. Vì thế, các cơ quan giáo dục quốc gia đã cho rằng giải pháp phân hiệu chi-phí-thấp ở vùng sâu vùng xa sẽ cùng lúc giải quyết được hai vấn đề: tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận giáo dục đại học và xoá bỏ những bất lợi kinh tế. Do đó, không có gì lạ khi nhiều phân hiệu đại học mọc lên ở các vùng biển nghèo ở miền đông và đông bắc Kenya.

Những mục tiêu xã hội này đã làm cho các cơ quan quản lý giáo dục không nhìn ra cạm bẫy của hệ thống đại học đặc trưng bởi nhiều phân hiệu chất lượng thấp. Các phân hiệu đại học là con dao hai lưỡi, một mặt cung cấp cơ hội và sự bình đẳng, mặt khác thoả hiệp chất lượng với sự bình đẳng.

Thách thức chất lượng và bình đẳng

Chất lượng đào tạo tại các phân hiệu đại học là điều đáng quan ngại nhất. Nhiều phân hiệu phô bày một tình trạng đối lập nghiệt ngã so với học xá chính, từ cơ sở vật chất cho đến đội ngũ nhân sự. Ở phần lớn các khu vực đô thị, các phân hiệu đại học chia xẻ địa điểm với các cơ sở kinh doanh khác như quán rượu, nhà hàng, siêu thị, nhà kho và trạm xe buýt. Những nơi này thường không có thư viện, internet, dịch vụ sinh viên, cũng như các tiện nghi giải trí khác. Ngoài giám đốc phân hiệu là cán bộ chính thức của trường, đội ngũ đào tạo thường là giảng viên không chính thức, mặc dù có bằng thạc sĩ, nhưng đôi khi khó kiểm chứng. Hiếm khi có các buổi seminar, hội thảo hay hội nghị chuyên đề. Môi trường đào tạo này không chỉ cản trở việc dạy và học tốt mà còn tách rời giảng dạy với nghiên cứu, điều này xảy ra cả trong các trường đại học hàng đầu của quốc gia. Điều đáng ngạc nhiên là, hầu hết các phân hiệu này đều ngụ ý về khả năng đào tạo thạc sĩ nghiên cứu khoa học.

Đây là một tình trạng tiêu biểu của xu hướng tăng trưởng đại học tồi tệ dưới tác động của nhu cầu xã hội và thương mại hoá – trong bối cảnh quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng.

Tất cả phân hiệu đại học đều có chung đặc điểm: chỉ đào tạo một số ít ngành. Họ chủ yếu đào tạo một số ngành có nhu cầu thị trường cao như kinh doanh, kinh tế và quản trị dự án. Tiếp đến là giáo dục, khoa học xã hội và nhân văn. Các ngành kỹ thuật, khoa học tự nhiên và y học rất hiếm được mở tại các phân hiệu. Phân hiệu đại học là chỉ là phần phụ ngoại vi được mở ra nhằm tạo thêm nguồn thu và đáp ứng nhu cầu xã hội, các nhà quản lý cơ sở chính không muốn cung cấp các chương trình có thể giúp các phân hiệu trở thành đối thủ cạnh tranh tiềm năng trong việc thu hút nguồn tài trợ và những sinh viên được chính phủ tài trợ.

Mô hình nhiều phân hiệu giúp tăng cơ hội học đại học, nhưng cũng làm bộc lộ những góc tối trong mối liên quan giữa thành phần xã hội và cơ hội tiếp cận đại học ở Kenya. Các phân hiệu ở vùng nông thôn phần lớn thu hút các sinh viên tự đóng học phí, là những thanh niên thuộc tầng lớp thấp không đủ điểm trong các kỳ thi nên không nhận được học bổng của chính phủ. Trong khi đó sinh viên thuộc các tầng lớp có ưu thế hơn dành hầu hết học bổng chính phủ, vì vậy được học ở các cơ sở chính khang trang. Mô hình phát triển phân hiệu đại học góp phần làm phân hoá các đại học công: cơ sở chính được đầu tư tốt hầu như chỉ dành cho sinh viên thuộc tầng lớp đặc quyền, còn sinh viên nhà nghèo chủ yếu học ở các phân hiệu có điều kiện đào tạo kém. Mô hình phân hiệu đại học đã góp phần vào sự thất bại của mục tiêu bình đẳng trong giáo dục đại học.

Điều chỉnh mô hình phân hiệu đại học

Mô hình đại học đa phân hiệu của Kenya vẫn tiếp tục được duy trì vì những lợi ích nó đem lại trong môi trường giáo dục đại học đã được thương mại hoá. Uỷ ban Giáo dục Đại học (CUE) đang thực hiện những biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng những nguồn lực của các trường đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu, tuy nhiên đó chỉ là giải pháp ngắn hạn, giải pháp dài hạn phải là tái cấu trúc toàn bộ hệ thống đại học. Nhà nước cần hỗ trợ cho phân hiệu đại học phát triển, không chỉ để đáp ứng nhu cầu học tập, mà còn để giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội và văn hóa ở khu vực địa phương. Điều này sẽ tác động tích cực đến việc tuyển dụng giảng viên đủ trình độ, đa dạng hoá chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và hướng dẫn học viên cao học. Trao quyền tự chủ cho phân hiệu đại học trong một số lĩnh vực nhất định như tài chính và xây dựng chương trình đào tạo sẽ nâng cao khả năng ra quyết định đối với các vấn đề quan trọng. Các yếu tố của mô hình phân hiệu đại học kiểu này có thể thấy được trong mô hình tổ chức của Đại học Nairobi.