Manail Anis Ahmed
Manail Anis Ahmed là Giám đốc phát triển tài nguyên toàn cầu tại Đại học Habib tại Karachi, Pakistan. E-mail: manailahmed@gmail.com.
Trường đại học đầu tiên ở Ả Rập Saudi được thành lập năm 1957. Kể từ đó, nước này đã chứng kiến những bước phát triển học thuật nhanh chóng; phần lớn giảng viên và nhân viên được tuyển dụng để thiết lập và vận hành trường là người nước ngoài. Tuy nhiên, trước tình trạng số lượng thanh niên Ả Rập Saudi đến tuổi học đại học tăng mạnh và họ mong muốn có được bằng cấp, cần một thị trường lao động để tiếp nhận các công dân này vào các lĩnh vực kinh tế, trong đó có cả giáo dục đại học. Việc nội địa hóa lực lượng lao động đã gây ra những hậu quả khác nhau đối với các trường đại học ở Ả Rập Saudi trong tuyển dụng và quản trị, trong thực hiện và hỗ trợ nghiên cứu và trong đào tạo sinh viên.
Saudi hóa: bối cảnh, áp lực và vấn đề
Chính sách thay thế người lao động nước ngoài bằng công dân Ả Rập Saudi được biết đến như là quá trình Saudi hóa. Cho đến rất gần đây, ở vương quốc Saudi giàu dầu mỏ này mọi công việc chủ yếu được thực hiện bởi người nước ngoài. Tuy nhiên hiện nay, nước này đang đối mặt với sự bùng nổ dân số trẻ, những người cần tìm được việc làm tốt. Một số lượng lớn chưa từng thấy thanh niên Ả Rập Saudi cũng đang quay trở lại đất nước sau khi kết thúc học tập ở nước ngoài theo Chương trình Học bổng Vua Abdullah (KASP). Chính quyền Saudi đang tích cực tiếp nhận lực lượng lao động có trình độ cao này. Cũng như ở mọi khu vực kinh tế khác, điều này ảnh hưởng rõ rệt đến giáo dục đại học, một ngành công nghiệp dịch vụ quan trọng trong nước.
Bộ Lao động Saudi trong những năm gần đây đã nhanh chóng triển khai các đạo luật mới về Saudi hóa trong giáo dục đại học, và các trường đại học cả công và tư cũng nhanh chóng thích nghi. Quá trình nội địa hóa lực lượng lao động với một tốc độ nhanh như vậy quả là chưa từng có ở quốc gia này, tuy nhiên, các viện, trường vì những lý do khác nhau không được chuẩn bị để đối phó với một sự chuyển dịch đột ngột như vậy.
Hoạt động của đại học đã bị ảnh hưởng như thế nào
Trong lúc cán bộ giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học Saudi vẫn có tỷ lệ tương đối cân bằng giữa công dân Saudi và công dân nước ngoài, các vị trí hành chính chủ yếu do người Saudi nắm giữ. Cho đến gần đây, phần lớn nhân sự quản lý của trường đại học – trợ lý hành chính khoa, cán bộ phát triển chương trình đào tạo, giám đốc trung tâm nghiên cứu, quản lý hoạt động quốc tế, nhân viên đảm bảo chất lượng… đều là công dân nước ngoài. Đây là những người đã từng thành lập, phát triển, vận hành, duy trì, cũng như phát triển các phòng ban học thuật và đơn vị hành chính trong trường. Ngược lại, bộ phận nhân sự của các trường đại học cũng dễ dàng thuyết minh hơn cho việc tuyển dụng và giữ lại đội ngũ giảng viên không phải người Saudi, bởi vì khó tìm được ứng viên người Saudi có bằng cấp chuyên môn đáp ứng yêu cầu và có kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy đại học. Do đó, khác với vị trí giảng dạy, các vị trí quản lý ở đại học được Saudi hóa khá nhanh.
Chính sách thay thế người lao động nước ngoài bằng công dân Ả Rập Saudi được biết đến như là quá trình Saudi hóa.
Điều này đã tác động ngay lập tức tới hoạt động của trường đại học. Trong hầu hết các bộ phận, mọi việc bị chậm lại. Một nguyên nhân là ảnh hưởng của văn hóa làm việc ở Saudi, nguyên nhân khác là các nhân viên quản trị người Saudi thiếu kinh nghiệm làm việc trong môi trường đại học và không được đào tạo phù hợp. Phải thừa nhận một điều là các nhà lãnh đạo đại học Saudi đã hành động nhanh chóng và nghiêm túc để đối mặt với thử thách. Đội ngũ quản trị viên được cung cấp những cơ hội tốt nhất để phát triển nghề nghiệp. Các chuyên gia tư vấn, chủ yếu từ các nước phương Tây, các nước nói tiếng Anh được mời đến đào tạo và phát triển đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp cho Saudi. Ngoài ra, nhiều cán bộ nhân viên người Saudi được gửi đi đào tạo tại chỗ và chuyên sâu ở nước ngoài trong nhiều tuần. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, điều này làm tăng thêm gánh nặng hành chính, quan liêu và tài chính cho các trường đại học.
Thực hiện và và hỗ trợ nghiên cứu
Theo luật lao động đang thay đổi của đất nước, các vị trí hành chính then chốt như quản lý nguồn nhân lực và quản lý tài chính đòi hỏi tuyển dụng 100% nhân viên người Saudi. Điều này đã gây ra những thay đổi văn hóa quan trọng trong các trường đại học, đặc biệt là đối với hệ thống hỗ trợ thực hiện nghiên cứu học thuật. Mọi công việc tài chính và hậu cần cho nghiên cứu giờ đây đều do nhân viên hành chính văn phòng là người Ả Rập Saudi, vốn không quen với chuẩn toàn cầu, giải quyết. Ví dụ, phụ cấp tham dự hội nghị và các khoản chi nghiên cứu dần dần giảm bớt. Những khoản này thường bị nhân viên Saudi xem như là ưu đãi đặc biệt được ban cho như ân huệ, chứ không phải là phụ cấp quy định cho tất cả học giả đủ điều kiện để thực hiện công trình nghiên cứu.
Trong bài “Làm thế nào để Ả Rập Saudi có thể tạo ra một ốc đảo học thuật” (Times Higher Education, ngày 22 tháng 5 năm 2014), Philip Altbach chỉ ra rằng các học giả người Saudi được tuyển làm cơ hữu ngay lập tức trong các trường đại học công, không cần điều kiện tiên quyết về kết quả học thuật và nghiên cứu. Mặt khác, giảng viên nước ngoài, vẫn đang chiếm đến 42% cán bộ giảng dạy trong các trường đại học Saudi, không thể đủ điều kiện để trở thành cơ hữu, cho dù hiệu suất làm việc của họ thế nào đi nữa. Những quy định này không khuyến khích sự trung thành lý tưởng đối với trường hoặc khuyến khích hiệu năng làm việc trong cả hai nhóm. Cơ chế đảm bảo chất lượng vừa mới được triển khai theo hướng dẫn của Ủy ban Quốc gia về đánh giá và kiểm định học thuật (NCAAA), cũng thiết lập một bộ tiêu chuẩn học thuật và nghiên cứu, nhưng chưa có nhiều giảng viên hoặc nhân viên người Saudi nắm rõ hay cảm thấy thoải mái với những tiêu chuẩn đặt ra này.
Thiếu kỹ năng cơ bản cho giáo dục đại học
Các trường đại học ở Ả Rập Saudi liên tục kêu gọi tập trung vào đảm bảo chất lượng và cải tiến theo các tiêu chuẩn toàn cầu. Đây là điều này đáng khen ngợi. Tuy nhiên, có một sự chênh lệch căn bản giữa kiến thức học thuật của các sinh viên chuẩn bị vào đại học ở Saudi và yêu cầu đặt ra của các chương trình đào tạo đại học, vốn được thiết kế và phát triển dưới sự tư vấn của chuyên gia nước ngoài. Sinh viên không được chuẩn bị trước các kỹ năng cơ bản như kỹ năng viết, định lượng và phân tích, để có thể thành công trong một khóa học đại học. Điều này thuần túy là hậu quả của sự thiếu kết nối giữa một bên là hệ thống giáo dục phổ thông công lập định hướng địa phương và bên kia là các chương trình đào tạo đại học định hướng rộng hơn và chịu ảnh hưởng của phương tây. Để bù đắp lại, các trường đại học công và một số trường đại học tư đưa ra những chương trình đào tạo cơ bản bổ sung cho sinh viên mới vào trường.
Cán bộ giảng dạy và nhân viên hành chính người Saudi đã nhanh chóng chỉ ra rằng các trường đại học quốc gia của họ hoàn toàn không sẵn sàng với các tiêu chuẩn quốc tế mà họ thiết lập cho chính mình, rằng cơ chế cải thiện chất lượng được áp dụng cho các trường đại học không đồng bộ với phần còn lại của hệ thống giáo dục quốc gia. Điều này tạo thêm áp lực cho giảng viên và nhân viên các trường đại học; đôi khi họ phải đối mặt với những lựa chọn mang tính đạo đức: hy sinh chất lượng bài giảng, hoặc nâng điểm các bài tập khó để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh viên. Các khóa học giản lược hóa và điểm số thổi phồng giúp các trường có nhiều sinh viên tốt nghiệp hơn, nhưng đó không phải là một hoạt động bền vững. Quá trình thay thế giảng viên và nhân viên hành chính nước ngoài bằng người Saudi đã kích thích các trường tìm cách tạo ra những chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và đánh giá, và những mục tiêu nghiên cứu phù hợp hơn với khả năng của sinh viên và giảng viên của họ.
Những giải pháp khả thi
Nội địa hóa việc làm tại các trường đại học Saudi đã tạo ra công việc cho nhiều công dân trẻ có trình độ. Sinh viên tốt nghiệp cả trường đại học trong nước và ngoài nước, có trong tay bằng cử nhân, thạc sĩ, và thậm chí cả bằng tiến sĩ khó tìm được công việc thích hợp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bởi vì nền kinh tế chưa được chuẩn bị đầy đủ để thay thế lực lượng lao động hiện có (chủ yếu là nước ngoài) và tiếp nhận một làn sóng nhân lực bản địa mới. Trong tình hình như vậy, các trường đại học có thể tiếp nhận được một số lượng lớn, chủ yếu là vào các vị trí hành chính, nhưng cũng có cả giảng viên thỉnh giảng, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, trợ lý nghiên cứu và các chức năng hỗ trợ khác.
Hiện tượng Saudi hóa trong các trường đại học sẽ còn mở rộng. Vương quốc Ả Rập Saudi tiếp tục dành những nguồn lực quan trọng cho sự phát triển một hệ thống giáo dục đại học đẳng cấp thế giới. Tuy nhiên, trước áp lực của thị trường lao động, việc nhanh chóng bản địa hoá lực lượng lao động cần phải được xử lý một cách thấu đáo. Bộ Giáo dục cần xây dựng các khuyến cáo riêng cho vấn đề này. Có thể là sẽ Saudi hóa từ từ những vị trí hành chính trong giáo dục đại học, và kèm theo, đào tạo kỹ lưỡng và tạo điều kiện tiếp xúc với các chuẩn mực quốc tế về giảng dạy và nghiên cứu cho nhân viên hành chính người Saudi. Cần giới thiệu với giảng viên và nhân viên cấp cao những cơ chế đảm bảo chất lượng liên quan đến ba khía cạnh chính yếu của đào tạo đại học là giảng dạy, nghiên cứu và dịch vụ; và những cơ chế này cần phù hợp với điều kiện địa phương. Cuối cùng, giáo dục ở mọi cấp, từ chương trình dự bị đến chương trình đào tạo đại học chính thức – cần phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt hơn. Đây là điều cần thiết để các trường đại học Saudi có thể làm tốt công việc của họ: đó là giáo dục các công dân trẻ tuổi của đất nước theo một chuẩn mực phù hợp và đáp ứng được yêu cầu công việc.