Trả lại danh tiếng đúng người đúng chỗ

Philip G. Altbach

Philip G. Altbach là giáo sư nghiên cứu và giám đốc sáng lập của Trung tâm Giáo dục đại học quốc tế tại Boston College. E-mail:altbach@bc.edu. Một phiên bản khác của bài viết này có thể tìm thấy trong tạp chí The Conversation.

Trên trang nhất của tờ China Daily ngày 6 tháng 10 năm 2015 xuất hiện một tiêu đề thật ấn tượng “Trung Quốc đoạt giải Nobel y học đầu tiên”. Trên thực tế, Tiến sĩ Tu Youyou của Viện Hàn lâm Y học cổ truyền Trung Quốc giành được giải thưởng, chứ không phải quốc gia quê hương ông. Cùng ngày hôm đó, trên trang 4 của tờ New York Times, dưới cái tít “3 người nhận chung giải Nobel cho công trình nghiên cứu cách điều trị các bệnh nguy hiểm do nhiễm ký sinh trùng”, bài viết chỉ nhắc thoáng qua tên các quốc gia quê hương của ba người chiến thắng là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản. Ăn mừng số lượng huy chương Olympic do các vận động viên cùng một đất nước giành được là một chuyện, suy cho cùng, các huy chương được trao tặng với quốc kỳ tung bay và quốc ca ầm ĩ, nhưng thành tựu khoa học là một cái gì đó hoàn toàn khác. Một khía cạnh phi lý khác của khoa học hiện đại là sự bùng nổ số lượng đồng tác giả của các bài viết trong tạp chí khoa học. Các giải Nobel khoa học và số lượng đồng tác giả là minh họa hai mặt của một đồng xu: hệ thống danh tiếng khoa học đang được gán lung tung.

Cuối cùng thì Ủy ban Nobel trao giải gì?

Giải thưởng Nobel được trao cho những thành tựu cụ thể và cao quý, ngầm hiểu là công trình khoa học cả đời người. Tiền thưởng là dành cho nhà nghiên cứu hoặc đôi khi cả một số đồng nghiệp hoặc các nhà khoa học làm việc độc lập về một chủ đề tương tự. Các quốc gia nơi các nghiên cứu được thực hiện có rất ít công lao, thậm chí hoàn toàn không có, trong những thành công này. Thực tế, và thường là như vậy, các nhà khoa học có thể xuất thân từ một nước nhưng lại làm việc ở nước khác. Tiến sĩ William Campbell, công dân Mỹ, đồng nhận giải Nobel về y học, là một ví dụ. Ông sinh ra ở Ireland, học đại học ở Ireland và nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Wisconsin. Công trình nghiên cứu phương pháp điều trị các bệnh nhiễm ký sinh trùng đem đến cho ông một phần giải thưởng Nobel được tiến hành trong thời gian ông làm việc tại Merck, một công ty dược phẩm của Mỹ. Thật vậy, nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel, đặc biệt là người Mỹ, xuất thân và được đào tạo một phần hoặc hoàn toàn ở các nước khác. Trong số họ nhiều người đã không còn làm việc tại các trường đại học nơi họ bắt đầu công việc nghiên cứu của mình.

Vì vậy, các giải thưởng Nobel là công việc của các cá nhân hoặc của nhóm. Càng ngày càng có nhiều nhóm các nhà khoa học liên kết với một phòng thí nghiệm cụ thể để tiến hành các nghiên cứu của họ. Ủy ban Nobel vẫn chưa nhận ra ý nghĩa của sự hợp tác mang tính quốc tế trong nền khoa học hiện đại – họ không trao giải thưởng cho các nhóm, và đang hạn chế số lượng các nhà khoa học có thể được nhận giải chỉ là 3 người.

Danh tiếng chạy lung tung

Nếu các quan chức Nobel đặt ra giới hạn ngặt nghèo cho việc phân bổ danh tiếng thì khoa học hàn lâm có thể đã đi theo một hướng khác. Tạp chí Physical Review Letters, một tạp chí có uy tín, mới đây công bố một bài báo của 5154 đồng tác giả. Một bài báo trong Physical Review Letters từ năm 2012 là công trình chung của gần 3000 tác giả, 21 trong số đó đã qua đời trước khi bài báo được xuất bản.

Tiến sĩ Aad, người đứng ở vị trí số một trong danh sách các đồng tác giả của bài báo mới đây, chắc chắn sẽ được viện dẫn nhiều hơn, điều đó làm tăng danh tiếng của ông cũng như làm tăng tỷ lệ nhận biết đối với trường đại học nơi ông làm việc. Chủ đề nghiên cứu là hạt Higgs Boson – một hạt cơ bản trong mô hình chuẩn của ngành vật lý hạt, và công trình này là kết quả của sự hợp tác giữa các nhà khoa học từ nhiều nước. Đây dường như là một kỷ lục thế giới về số lượng đồng tác giả, mặc dù ngày càng có nhiều nghiên cứu được công bố có 1000 hoặc nhiều hơn các đồng tác giả.

Mặc dù nghiên cứu khoa học ngày nay mang tính cộng tác cao hơn, điều đó vẫn khó biện minh cho việc liệt kê một số lượng lớn đồng tác giả cho một bài báo. Có đúng là tất cả họ đều có phần đóng góp như nhau? Cũng giống như việc một nhà khoa học có thâm niên cao trong phòng thí nghiệm thường nghiễm nhiên có tên đầu tiên trong danh sách đồng tác giả, bất chấp việc ông ta (hoặc bà ta) tham gia rất ít, thậm chí không tham gia vào nghiên cứu; một thực tế khá phổ biến ở các phòng thí nghiệm, các viện nghiên cứu là một số nhà khoa học được đưa tên vào danh sách hàng trăm đồng tác giả có vẻ như chỉ vì lý do xã giao. Như vậy gắn tác quyền cho những người chỉ có mối liên quan mờ nhạt với công trình công bố là không thích đáng.

Đây là một vấn đề quan trọng vì một số lý do, trong số đó có việc số lượng trích dẫn các bài báo đã công bố được sử dụng để xếp hạng các trường đại học, để hoạch định chính sách trong một số quốc gia, để đánh giá các giáo sư khi xem xét bổ nhiệm hoặc tăng lương.

Mặc dù nghiên cứu khoa học ngày nay mang tính cộng tác cao hơn, điều đó vẫn khó biện minh cho việc liệt kê một số lượng lớn đồng tác giả cho một bài báo

Tất cả những điều này có nghĩa gì?

Toàn cầu hóa, cạnh tranh học thuật, chủ nghĩa dân tộc đặt không đúng chỗ, sự ám ảnh với bảng xếp hạng, yêu cầu trách nhiệm giải trình từ chính phủ ngày càng tăng và những thay đổi đáng kể trong tiến hành nghiên cứu khoa học đều góp phần tạo ra “vấn đề danh tiếng” đương đại. Mặc dù các ví dụ được nêu ra ở đây có vẻ khá tầm thường, nó thực sự có ý nghĩa quan trọng. Các nghiên cứu khoa học ngày càng được quốc tế hoá và hiệu quả hơn với đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu được đào tạo tại một quốc gia, làm việc ở quốc gia khác, thường xuyên phát triển và chia sẻ nghiên cứu với các đồng nghiệp trên toàn thế giới.

Như vậy, khoa học có tính toàn cầu và rõ ràng việc trao giải Nobel nghiên cứu khoa học cho một quốc gia hay một trường đại học là không thích đáng. Tuy nhiên, hỗ trợ cho các nghiên cứu cơ bản đang giảm đi ở khắp mọi nơi, trong khi các nghiên cứu cơ bản chính là nền tảng cho những phát hiện tầm cỡ giải Nobel. Quốc gia nào cung cấp kinh phí và quyền tự chủ cho các nghiên cứu cơ bản chắc chắn sẽ thu hút được các học giả và các nhà khoa học tốt nhất.

Đồng thời, tự thân cộng đồng khoa học phải có thái độ hợp lý với vấn đề phân phối tác quyền của các bài báo chuyên ngành. Những bài viết này, đặc biệt là những bài được công bố trong các tạp chí tham khảo bản in và tạp chí điện tử hàng đầu, vẫn là tiêu chuẩn vàng của khoa học và là phương tiện chính để phổ biến tri thức. Số lượng các tác giả nên hạn chế ở những người thực sự tham gia vào việc viết bài, mặc dù có thể một cộng đồng lớn hơn nhiều đã đóng góp những kiến thức hoặc cung cấp dữ liệu cho bài viết. Những người này nên được đề cập đến như tác giả của các tài liệu tham khảo liên quan.

Như nhiều khía cạnh khác của khoa học hiện đại và giáo dục đại học, “cuộc cách mạng khoa học” cũng dẫn đến những thay đổi trong việc công nhận khoa học, trong hỗ trợ nghiên cứu và đánh giá. Một cách tiếp cận hợp lý là cần thiết để khôi phục lại sự tỉnh táo cho một hệ thống đang ngày càng mất kiểm soát trong nhiều vấn đề, từ giải Nobel cho đến các bài báo được viết bởi hàng nghìn “tác giả”.