Neil Kemp
Neil Kemp là Phó chủ tịch Hội đồng Giáo dục thuộc Tổ chức các nước thịnh vượng chung, là cố vấn về giáo dục quốc tế. Ông từng giữ chức Giám đốc Giáo dục Anh quốc thuộc Hội đồng Anh. Email: neil.kemp@nkeducation.com
Số liệu của các nước có nhiều sinh viên nước ngoài đến học tập cho thấy số lượng du học sinh tiếp tục tăng. Bài viết dưới đây thảo luận một số xu thế của hiện tượng này. Riêng Anh Quốc là một trường hợp ngoại lệ; số lượng sinh viên nước ngoài đến học ở Anh giảm mạnh do ảnh hưởng của đạo luật mới về nhập cư.
Câu hỏi liên quan tới Trung Quốc
Trong 10 năm tới sẽ có bao nhiêu sinh viên Trung Quốc đi du học? Trả lời được câu hỏi này rất quan trọng vì nhiều trường trên thế giới hiện nay đang phụ thuộc quá nhiều vào tuyển sinh viên từ Trung Quốc. Tổng số sinh viên Trung Quốc du học năm 2012 là 700 ngàn, con số này gấp 3 lần số lượng sinh viên đến từ nước có đông sinh viên quốc tế thứ 2 thế giới là Ấn Độ. Trong khi năng lực đào tạo của các trường đại học Trung Quốc tiếp tục tăng dẫn đến giảm bớt xu thế du học thì thay đổi trong cơ cấu dân số có thể là yếu tố quan trọng; số lượng thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi giáo dục đại học được dự báo sẽ giảm đáng kể.Tuy vậy, hiện nay số sinh viên quốc tế là người Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng, chủ yếu ở các nước có truyền thống tiếp nhận sinh viên quốc tế như Australia 8%, Đức 8% và Mỹ 11%. Số sinh viên Trung Quốc tại Anh tăng khoảng 5% vào năm 2013, vượt hơn một nửa con số 17300 sinh viên du học theo diện chuyển tiếp vào năm thứ hai hoặc thứ ba tại các trường Anh Quốc sau một vài năm đầu học ở Trung Quốc. Thêm nữa, trong số các sinh viên chuyển tiếp này, nhiều người sẽ ở lại Anh để học tiếp chương trình thạc sĩ.
Du học sinh Ấn Độ tiếp tục tăng
Sinh viên từ Ấn Độ gần đây đã tăng gần đến mức 30% ở Mỹ, ở Australia là 20% và ở Đức là 21%. Ngược lại, tại Anh Quốc tỷ lệ này đã giảm xuống còn 12% tương đương với khoản thất thoát khoảng 700 triệu đôla cho nền kinh tế Anh Quốc vào năm 2013.
Việc lựa chọn địa điểm học của sinh viên Ấn Độ thường gắn liền với chính sách nhập cư và cơ hội kiếm việc sau khi tốt nghiệp. Điều đó không có nghĩa là thanh niên Ấn Độ tìm cách nhập cư dài hạn; chỉ đơn thuần, họ muốn củng cố các nghiên cứu học thuật của họ thông qua kinh nghiệm làm việc. Ví dụ ở Mỹ có khoảng 32 ngàn sinh viên Ấn Độ đang làm việc theo các hợp đồng ngắn hạn.
Nhu cầu đi du học của sinh viên Ấn Độ có xu hướng tăng ổn định, đặc biệt ở bậc sau đại học. Điều này thể hiện qua tổng số học sinh tốt nghiệp cấp 3 – chuẩn bị vào đại học tại Ấn Độ vào năm 2020 sẽ vào khoảng 40 triệu so với con số tương ứng 32 triệu vào năm 2014.
Sự phụ thuộc vào các chương trình học bổng có thể là một rủi ro cao, đặc biệt đối với những trường có nhiều sinh viên thuộc diện này; các chính phủ có thể cắt các chương trình học bổng chính phủ cũng nhanh như khi khởi xướng nó.
Những xu thế du học khác
Số lượng sinh viên từ Ẩ rập Saudi theo học tại Mỹ tiếp tục tăng nhanh (khoảng 45% trong vòng 3 năm qua để đạt con số 60 ngàn sinh viên quốc tế ở thời điểm hiện tại), trong khi tại Australia và Anh Quốc sinh viên đến từ Ẩ rập Saudi giảm xuống. Tại Brazil, chương trình “Khoa học không biên giới” (Science without Borders) sắp hết kinh phí; nhiều sinh viên từ Ả rập Saudi và các nước Trung Đông khác đi du học nhờ học bổng của chính phủ, rất ít người tự túc kinh phí. Sự phụ thuộc vào các chương trình học bổng có thể là một rủi ro cao, đặc biệt đối với những trường có nhiều sinh viên thuộc diện này; các chính phủ có thể cắt các chương trình học bổng chính phủ cũng nhanh như khi khởi xướng nó.
Khảo sát một số quốc gia khác có nhiều sinh viên đang du học hoặc nhiều du học sinh tiềm năng, ta có thể thấy những hiện tượng sau:
- Số lượng sinh viên đi du học là người Hàn Quốc gần đây lên xuống thất thường (khoảng hơn 110 ngàn đang du học trên toàn thế giới), có xu hướng giảm ở Mỹ (khoảng 64 ngàn), ở Nhật Bản (16 ngàn) và Australia (gần 6 ngàn), nhưng lại tăng ở Anh (gần 4 ngàn rưỡi);
- Số lượng sinh viên du học từ Nigeria tiếp tục tăng, đông nhất là ở Anh (hơn 19 ngàn), Ghana (12 ngàn), Mỹ (10 ngàn) và một số ít ở Malaysia (2700), Canada (2500), Nam Phi (2300). Thống kê cũng cho biết có khoảng 3600 sinh viên Nigeria đang học ở Ukraina vào năm 2012;
- Số lượng sinh viên quốc tế từ Việt Nam (54 ngàn), Iran (50 ngàn), và Malaysia (gần 60 ngàn) dự báo sẽ tiếp tục tăng;
- Số lượng sinh viên quốc tế là người Nga cũng tăng (hơn 50 ngàn), chủ yếu là ở Đức (14500), tiếp theo là Mỹ (5600);
- Indonesia đáng lẽ phải là một nước có tiềm năng lớn nếu nhìn vào dân số của nước này; tuy vậy, mặc cho kinh tế phát triển khá nhanh và tỷ lệ người dân đi học đại học ngày càng tăng thì số lượng sinh viên quốc tế từ nước này vẫn còn khá khiêm tốn (xấp xỉ 40 ngàn).
Một xu hướng đáng chú ý trong sinh viên quốc tế tại các trường đại học Anh liên quan đến lựa chọn chương trình học. Trong khi số lượng sinh viên từ Nam Á sang học các chương trình thạc sĩ có thời gian đào tạo một năm giảm mạnh (trong vòng 3 năm giảm 42%), thì số lượng sinh viên từ Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông và Malaysia đến học đại học lại tăng (gần 24%). Thống kê cũng cho thấy xu hướng giảm số lượng sinh viên ở bậc đại học từ một số nước châu Âu (bao gồm Đức và Pháp) – đây liệu có phải là phản ứng với quyết định tăng học phí tại Anh, hay hậu quả của thay đổi cơ cấu dân số hoặc là thông điệp tiêu cực từ chính phủ Anh liên quan đến tư cách của họ là thành viên của EU?
Việc mở rộng năng lực đào tạo tại các nước có mức thu nhập trung bình và thấp có làm giảm sinh viên đi du học?
Không có bằng chứng cho thấy nhận định này là đúng, hơn thế thực tế còn diễn ra theo chiều ngược lại; nhu cầu đi du học tiếp tục tăng dẫn đến đa dạng hóa nội dung học, bậc học và hình thức học. Quy luật này đã được chứng minh tại các nước có nền kinh tế phát triển, cũng là các nước có số lượng sinh viên đi du học tăng trong nhiều năm qua. Nước Mỹ là một ví dụ, sinh viên Mỹ là cộng đồng sinh viên quốc tế đông thứ 2 tại Anh, và không chỉ với mục đích học tập. Tương tự, Anh cũng đang tiếp nhận ngày càng đông sinh viên từ Australia, Canada, Thụy Sĩ và Na Uy.
Vài ví dụ khác, số lượng sinh viên từ châu Âu đến Mỹ vẫn tăng đều hàng năm. Malaysia có chính sách mở rộng giáo dục đại học, nhưng số lượng sinh viên Malaysia đi học tại Anh và Mỹ vẫn tiếp tục tăng trong những năm qua.
Tăng giá thành, tăng cạnh tranh
Do sự cạnh tranh trong việc thu hút sinh viên quốc tế ngày càng tăng, các trường đại học phải đầu tư nhiều hơn để hỗ trợ cho tuyển sinh và điều này dẫn đến việc tăng giá thành. Tại Australia, chi phí trung bình để tuyển một sinh viên mới khoảng 4000 USD và tại Anh thì con số tương ứng là từ 3000 đến 5000 USD. Chi phí này bao gồm hỗ trợ nhân viên văn phòng hợp tác quốc tế, chi phí marketing, hoa hồng cho đại lý tuyển sinh, và với một số trường gồm cả chi phí mở văn phòng đại diện nước ngoài.
Các công ty giáo dục tư nhân cũng cung cấp các dịch vụ để hỗ trợ việc tuyển sinh quốc tế thông qua việc hợp tác với các trường đại học. Các dịch vụ bao gồm tổ chức đào tạo ở bậc dự bị đại học và dạy ngoại ngữ; các công ty hàng đầu trên thế giới về dịch vụ này gồm có Kaplan Inc (Mỹ), Navitas Ltd (Australia), và INTO University Partnerships (Anh Quốc).
Các chương trình liên thông và cầu nối
Việc tăng trưởng của giáo dục xuyên quốc gia (TNE – Transnational Education) cũng đóng góp vào việc tăng trưởng sinh viên quốc tế, với nhiều chương trình giáo dục xuyên quốc gia được thiết kế trong đó khuyến khích sinh viên học chuyển tiếp tại học xá của trường đối tác (các chương trình bao gồm cầu nối, liên thông và công nhận tín chỉ đã được học trước đó). Động lực của sinh viên và của các trường đại học bao gồm cả vấn đề liên quan đến giáo dục lẫn tài chính; thời gian học tại nước ngoài có thể dao động từ vài tuần đến 2 hoặc 3 năm. Ngoài các chương trình chuyển tiếp của sinh viên Trung Quốc sang Anh (như đã đề cập ở trên) còn rất nhiều chương trình khác. Ví dụ, ở Ấn Độ đã có khá nhiều chương trình hợp tác cấp bằng và công nhận tín chỉ với Mỹ và Anh được triển khai. Tiêu biểu là các chương trình thạc sĩ do các đại học ở Mỹ cấp bằng với một năm học tại Ấn Độ và năm tiếp theo học ở Mỹ; trong khi đó tại Anh Quốc phần lớn chương trình liên quan đến bậc đại học. Trường hợp tương tự là tại Malaysia, Đại học Sunway triển khai chương trình chuyển tiếp sinh viên sang học tại Đại học Monash của Australia.
Nhiều chương trình đào tạo theo hướng linh động cũng đã được áp dụng đối với bậc đào tạo tiến sĩ, theo đó, chương trình có thể được tách làm 2 giai đoạn, được công nhận tín chỉ hoặc theo mô hình học tại nhà với việc sử dụng triệt để các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Ví dụ, trong năm 2013 có hơn 4600 sinh viên quốc tế theo học các chương trình tiến sĩ của Anh ở ngay tại đất nước họ.
Kết luận
Tất cả các chỉ số phân tích đều cho thấy trong thập kỷ sắp tới số lượng sinh viên quốc tế sẽ tiếp tục tăng với tỷ lệ tăng khoảng 5% hàng năm hoặc hơn. Trong khi nhu cầu chủ yếu là từ Trung Quốc và Ấn Độ, số lượng sinh viên quốc tế từ các nước khác cũng sẽ tăng đáng kể. Xu hướng tăng trưởng này tạo ra nhiều cơ hội cho các nước và các trường đại học đang hướng đến tuyển sinh quốc tế. Trong khi sinh viên có nhiều lựa chọn học tập hơn thì cạnh tranh cũng khiến chi phí tuyển sinh tăng đáng kể. Nhiều nước và nhiều trường đại học ngày càng phụ thuộc vào sinh viên quốc tế, mức độ vận động và sự đa dạng của thị trường cũng nhanh hơn, cạnh tranh khốc liệt hơn; tất cả điều này cho thấy cần có những nghiên cứu sâu rộng hơn về thị trường, về trình độ cũng như lý giải việc lựa chọn quốc gia đến của du học sinh và những yếu tố tác động đến lựa chọn của họ.