Creso M. Sa
Creso M. Sa là giáo sư đại học và là giám đốc của Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học Canada và Quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Giáo dục Ontario, trường Đại học Toronto, Canada. E-mail: c.sa@utoronto.ca.
Chương trình “Khoa học không biên giới” của Brazil thu hút được sự chú ý đáng kể khi nó được đưa ra vào năm 2011, với lời hứa hỗ trợ cơ hội học tập trên bốn năm cho 100 ngàn sinh viên trong các lĩnh vực STEM (khoa học – công nghệ – kỹ thuật – toán học). Được chính Tổng thống Dilma Rousseff đứng đầu với ngân sách ban đầu là 1,2 tỷ USD, chương trình dường như thể hiện một quyết tâm đầu tư táo bạo. Brazil chịu sự thiếu hụt sinh viên tốt nghiệp STEM trong một thời gian dài và có một hệ thống giáo dục đại học tương đối cô lập. Với trọng tâm rõ ràng là đưa sinh viên vào các trường đại học được xếp hạng cao, một số người coi chương trình như là một sáng kiến quan trọng để thúc đẩy việc quốc tế hóa.
Chưa đầy 5 năm, tương lai của chương trình đã trở nên thật mong manh. Sự mất giá của đồng real Brazil so với đôla Mỹ, cùng với những hạn chế trong ngân sách quốc gia, đã dẫn đến việc đình chỉ tài trợ cho chương trình vào mùa thu năm 2015. Một số học bổng đã bị hủy bỏ, và chương trình chỉ tiếp tục hỗ trợ cho những sinh viên đã ở nước ngoài. Khả năng lớn là chương trình “Khoa học không biên giới” sẽ không tiếp tục trong hình thức hiện tại của nó. Tuy nhiên, vấn đề đau đầu duy nhất không phải là tình hình ngân sách hiện nay mà là câu hỏi rất khó và cần được trả lời: chương trình đã làm được những gì?
Nhu cầu thực tế đầu tiên phát sinh – và nhanh chóng trở nên rõ ràng là trình độ tiếng Anh của sinh viên đại học nói chung là thấp
Nghi vấn về việc thiết kế chính sách
Chương trình “Khoa học không biên giới” đã được xây dựng theo sáng kiến của tổng thống. Không có quá trình tham vấn hoặc thảo luận công khai về các hạng mục ưu tiên hoặc về cấu trúc chương trình. Bất chấp vai trò đã có từ lâu của các cơ quan liên bang trong việc quản lý các chương trình học bổng cho nghiên cứu sau đại học trong nước và nước ngoài, “Khoa học không biên giới” đã được thực hiện với quy mô và định dạng hoàn toàn khác các sáng kiến trước đó. Phần quan trọng nhất của chương trình được tập trung vào sinh viên đại học. Gần 79% học bổng của chương trình “Khoa học không biên giới” được trao dưới dạng “sandwich”, tức hỗ trợ cho một năm học ở nước ngoài cho sinh viên đại học. Điều này làm cho các cơ quan liên bang – nơi phụ trách nghiên cứu sau đại học và nghiên cứu – phải tập trung vào một công việc hoàn toàn mới.
Nhu cầu thực tế đầu tiên phát sinh – và nhanh chóng trở nên rõ ràng là trình độ tiếng Anh của sinh viên đại học nói chung là thấp. Các cơ quan liên bang đã phải vất vả để sắp xếp đào tạo ngôn ngữ cho những sinh viên không đủ trình độ ngoại ngữ, hoạt động này được hợp thức hoá như một sáng kiến nhằm “tạo điều kiện tiếp cận” tới các cơ hội học tập ở nước ngoài (xem http://isf.mec.gov.br). Rõ ràng, không hề có các phân tích nghiêm túc nào được thực hiện về các ứng viên trước khi tiến hành chương trình, dẫn đến các nỗ lực hỗ trợ cho việc học ngoại ngữ đều mang tính hết sức chắp vá.
Một vấn đề khác đến từ khu vực tư nhân. Các doanh nghiệp dự kiến tài trợ 26 ngàn suất học bổng trong tổng mục tiêu 100 ngàn, nhưng điều đó đã không bao giờ thành hiện thực. Bất đồng về mục đích và tiêu chí giữa các doanh nghiệp tài trợ tiềm năng và các cơ quan liên bang khiến nhiều công ty đã chối bỏ cam kết hỗ trợ của mình.
Về cơ bản, học bổng đại học kiểu “sandwich”không có bất kỳ khớp nối thực sự nào giữa các trường đại học trong nước và chương trình học nước ngoài của sinh viên. Một số vấn đề phát sinh từ đây: sinh viên được nhận vào các trường đại học trong các lĩnh vực khác, theo học các môn học không liên quan đến nhau và các khóa học không được công nhận tín chỉ tại trường đại học ở quê nhà.
Trải nghiệm sinh viên
Chương trình “Khoa học không biên giới” thực sự là một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý hành chính. Các cơ quan này đã không được chuẩn bị để đáp ứng một khối lượng cực lớn các đơn xin và số học bổng được cấp bởi chương trình, khiến họ không có khả năng cung cấp hỗ trợ cho sinh viên, đồng thời theo dõi và quản lý đúng cách các hồ sơ cá nhân. Cũng có những vấn đề trong việc thanh toán kịp thời tiền sinh hoạt phí, các khoản tài trợ di dời và học phí của sinh viên, tạo ra những khó khăn nghiêm trọng đối với một số người được cấp học bổng.
Chương trình “Khoa học không biên giới” thực sự là một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý hành chính.
Bài nghiên cứu của Julieta Griecoat, Đại học Toronto, trường có số lượng học bổng tham gia“Khoa học không biên giới” lớn nhất, đã điều tra về trải nghiệm của các sinh viên một cách chi tiết. Nói chung, sinh viên không được định hướng thích hợp ở Brazil trước khi khởi hành để chuẩn bị cho bối cảnh học thuật và văn hóa mới. Họ cũng thiếu sự tư vấn học tập một cách hiệu quả ở nước ngoài, giúp họ tiếp cận với các cơ hội tại trường đại học mới cũng như thích ứng với hệ thống học thuật.
Sự khác biệt về cấu trúc của chương trình học khiến sinh viên theo học các lớp ở mức không phù hợp, hoặc là vì thiếu kiến thức về cấu trúc chương trình, hoặc là vì thiếu các chuẩn bị đầu vào cho các khóa học cao hơn. Một trở ngại lớn đối với một số sinh viên là không có cơ hội vào các trường và các khoa có ngành học của mình. Điều này thường xảy ra với các sinh viên theo các ngành có chương trình đại học ở Brazil nhưng lại chỉ được đào tạo trong các chương trình sau đại học ở Bắc Mỹ (ví dụ ngành y). Những sinh viên này thường được chuyển tới các chương trình đào tạo đại cương mang tính khai phóng (liberal arts) nói chung, nơi họ theo học các lớp không hề liên quan đến chương trình học tại quê nhà.
Chương trình “Khoa học không biên giới” cho phép sinh viên tham gia làm việc tại doanh nghiệp hoặc nghiên cứu thực tập. Tuy nhiên, không có sự điều phối chung cũng như hướng dẫn rõ ràng cho sinh viên, những người được nhận sự hỗ trợ không đồng đều trong việc làm thế nào để tìm kiếm cơ hội thực tập tại các công ty hay các phòng thí nghiệm khoa học. Mặc dù một số sinh viên có trải nghiệm tốt với việc thực tập, rõ ràng là một kỳ thực tập thành công hay không vẫn chỉ là may rủi mà thôi.
Bài học làm chính sách
Chương trình “Khoa học không biên giới” là ví dụ rõ rệt cho việc yếu tố văn hóa quốc gia đã bị bỏ qua khi thẩm định chính sách. Những rủi ro vì chính sách sụp đổ, vì chi tiêu lãng phí, vì các hậu quả xấu không lường trước được – là rõ ràng với một chương trình tầm cỡ này. Thật không may, hiện không có cơ chế nào để theo dõi, đánh giá chương trình này và tạo ra các bài học chính sách hữu ích.
Chương trình “Khoa học không biên giới”cho một ví dụ về sự thiếu năng lực của chính phủ Brazil trong việc thiết kế và thực hiện các chính sách công hiệu quả. Ra quyết định không rõ ràng về các tính năng chính của chương trình, không tham vấn với các bên liên quan, và cách tiếp cận từ trên xuống đã dẫn đến một chương trình được thiết kế kém. Những lỗ hổng lớn trong thiết kế được nhắc đến ở trên đều có thể tránh được. Tuy nhiên, đã không có nỗ lực nào được bỏ ra để đánh giá nhu cầu của các sinh viên, các cơ quan quản lý, các trường đại học, và các đối tác doanh nghiệp tiềm năng.
Thiết lập các ưu tiên thực sự
Chương trình “Khoa học không biên giới” tiêu phí các nguồn tài nguyên quan trọng mà lẽ ra có thể được sử dụng tốt hơn cho việc khác. Cuộc bàn luận về việc phân bổ 6,4 tỷ real Brazil cho chương trình này đã không được thực hiện. Đây là hậu quả của hệ thống nghiên cứu mang tính học thuật. Tài trợ cho “Khoa học không biên giới” không phải là “tiền mới”, mà là sự phân bổ lại các nguồn lực hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu và sinh viên các trường đại học. Điều này dẫn đến việc cắt giảm ngân sách, và sự chậm trễ trong việc chi tiêu ảnh hưởng đến các chương trình nghiên cứu trên khắp đất nước. Đó là cái giá phải trả cho “chi phí cơ hội” của chương trình này.
Việc quay lại với cấu trúc ban đầu của chương trình “Khoa học không biên giới”chắc là không dễ. Rất khó để biện minh về mặt học thuật cho việc tập trung ngân sách cho các sinh viên đại học của chương trình, chưa kể đến sự phản đối của các đảng đối lập. Dầu vậy, bởi đây là chương trình theo sáng kiến của chính tổng thống nên chắc là chính phủ sẽ không thể đơn giản là chấm dứt nó, bởi đó sẽ là dấu hiệu thất bại. Một sự cắt giảm quy mô thầm lặng và chuyển trọng tâm sang đào tạo sau đại học thông qua các quy trình ngân sách là khả năng có vẻ hiện thực hơn cả.