Nghiên cứu giáo dục đại học mở ra toàn cầu

Hans de Wit

Hans de Wit là giáo sư và giám đốc tại Trung tâm Giáo dục đại học quốc tế tại Boston College, Hoa kỳ. E-mail [email protected]

Cho đến gần đây, việc nghiên cứu về giáo dục đại học cũng như các phương diện quốc tế hoá của nó cũng mới chỉ gói gọn trong nhóm nhỏ các trung tâm và học giả nghiên cứu, và chủ yếu ở các nước phát triển. Mà ngay cả tại đó thì đầu tư và nguồn lực vẫn chỉ ở mức độ rất hạn chế. Dẫu vậy, hai nỗ lực mới gần đây cho thấy những tín hiệu tích cực và thể hiện sự phát triển của nghiên cứu đối với chủ đề này. Hai nỗ lực này là kết quả của “Công bố Thượng Hải: Tương lai của giáo dục đại học. Sự cần thiết của nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực giáo dục đại học” năm 2013. Phản ánh quan điểm của 33 nhà nghiên cứu và làm chinh sách về phát triển nghiên cứu, chính sách và đào tạo trong giáo dục đại học, bản công bố này viết: “Lĩnh vực nghiên cứu này hiện đang quá hạn chế trong nhóm nhỏ một số nước”. Bản công bố cũng kêu gọi có thêm nhiều nghiên cứu, thêm nhiều trung tâm tại các trường đại học trên toàn thế giới, thêm nhiều chương trình đào tạo tiến sỹ về quốc tế hoá giáo dục đại học cũng như có đầu tư kinh phí thoả đáng.

Trung tâm Giáo dục đại học toàn cầu

Lễ ra mắt chính thức của Trung tâm Giáo dục toàn cầu (Centre for Global Higher Education), hay CGHE trực thuộc ESRC/HEFCE được tổ chức ngày 2-3 tháng 2 năm 2016 tại London. CGHE là tổ chức nghiên cứu lớn nhất thế giới chuyên về nghiên cứu giáo dục đại học cũng như tương lai của nó. Tổ chức này hiện nhận được hơn 6 triệu bảng Anh (tương đương 8.7 triệu USD) tài trợ từ Ủy ban nghiên cứu Kinh tế và Xã hội ESRC, Anh Quốc cho giai đoạn 2016-2020, và có hợp tác với 3 trường đại học tại Anh và nhiều trường khác trên toàn thế giới.

CGHE là liên minh được điều hành bởi Viện Giáo dục thuộc College London, cùng với Đại học Lancaster, Đại học Sheffield và các trường đại học quốc tế như Đại học Quốc gia Australia (Australia), Viện công nghệ Dublin (Ailen), Đại học Hiroshima (Nhật), Đại học Leiden (Hà Lan), Đại học Lingnan (Hồng kong), Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) và Đại học Cape Town (Nam Phi).

Mục tiêu chính của CGHE là tối đa hoá ảnh hưởng từ các công trình nghiên cứu của họ vào chính sách và thực tế. Giáo sư Simon Marginson là người lãnh đạo trung tâm, cùng với một vài học giả khác trong lĩnh vực giáo dục đại học như Giáo sư Peter Scott và Giáo sư Ellen Hazelkorn.

Các trung tâm toàn cầu nghiên cứu về giáo dục đại học quốc tế

Cũng trong lộ trình tương tự, ngày 14-15 tháng 1 vừa qua, cuộc họp đầu tiên của Nhóm điều hành thuộc “Các trung tâm toàn cầu nghiên cứu về giáo dục đại học” (Global Centers for International Higher Education Studies – GCIHES) đã được tổ chức tại Santiago, Chile. Nhóm này được thành lập trên cơ sở nỗ lực của Trung tâm nghiên cứu chính trị và thực tiễn về giáo dục (Centro de Estudios de Políticas y Prácticas en Educación – CEPPE) thuộc Đại học Pontifical Catholic Chile và Trung tâm Giáo dục đại học quốc tế (Center for International Higher Education – CIHE) thuộc Boston College, Hoa kỳ.

Nhóm này còn có 4 đối tác khác là Trung tâm nghiên cứu quốc tế thuộc Trường Kinh tế, Đại học  nghiên cứu quốc gia Nga; Trường Giáo dục thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc; Trung tâm phát triển giáo dục đại học, Đại học KwaZulu-Natal, Durban, Nam Phi và Trung tâm Quốc tế hoá giáo dục đại học, Đại học Cattolica del Sacro Cuore, Ý. Nhóm do CEPPE, Chile điều phối.

Cuộc họp ra mắt của GCIHES diễn ra cùng với cuộc họp thượng đỉnh về giáo dục đại học lần thứ XII được CEPPE tổ chức hàng năm. Nhóm đã quyết định tập trung vào các hợp tác nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp cũng như phổ biến các nghiên cứu đó. Trong số các dự án đang được nhóm khởi động, có nghiên cứu so sánh về đào tạo tiến sỹ trên thế giới, với ưu tiên tập trung vào các quốc gia mới nổi và đang phát triển; nghiên cứu về mô hình trường đại học thiên chúa giáo – đặc tính và quá trình quốc tế hoá; một chương trình đào tạo mùa hè trong năm 2017 dự kiến sẽ được tổ chức tại Thượng Hải, một hội thảo có tên gọi “Diễn đàn giáo dục đại học tại Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Á” sẽ được Giáo sư Damtew Teferra, giám đốc Trung tâm phát triển giáo dục đại học tổ chức vào 19-20, tháng 8, 2016 tại Durham.

Nhiều đối tác của GCIHES thực tế đã có hợp tác song phương trước đó, ví dụ như hợp tác nghiên cứu giữa CIHE tại Mỹ và Trường Kinh tế tại Nga về nghề nghiệp giảng viên. Nhóm này đang tiếp tục tiến hành một nghiên cứu chung, sâu hơn về phát triển nghề nghiệp. Rõ ràng, việc một nhóm nghiên cứu với sự tham gia của 6 trung tâm mạnh từ các lục địa khác nhau, chủ yếu từ các nước mới nổi và đang phát triển đã phá vỡ thế độc tôn trong nghiên cứu về giáo dục đại học của châu Âu và các nước nói tiếng Anh.

Nhóm nghiên cứu này không có được nguồn tài trợ dồi dào như của CGHE, nhưng cũng tạo được một số nguồn thu và tài trợ nhỏ, ví dụ như Tập đoàn Carnegie, New York tài trợ cho Diễn đàn giáo dục đại học tại châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á hay Quỹ Luksic tài trợ cho dự án nghiên cứu về đại học thiên chúa giáo.

Ba đại học thiên chúa giáo thuộc GCIHES đã tổ chức seminar đầu tiên tại Santiago, và trình bày ba báo cáo nghiên cứu tình huống về quá trình quốc tế hoá giáo dục đại học như một phần nhiệm vụ của họ. Nhóm này dự kiến mở rộng nghiên cứu tới nhiều trường đại học thiên chúa giáo ở các nước khác trên toàn thế giới.

Cho đến gần đây, việc nghiên cứu về giáo dục đại học cũng như các phương diện quốc tế hoá của nó cũng mới chỉ gói gọn trong nhóm nhỏ các trung tâm và học giả nghiên cứu, và chủ yếu ở các nước phát triển. Mà ngay cả tại đó thì đầu tư và nguồn lực vẫn chỉ ở mức độ rất hạn chế

Mở rộng của Tạp chí Giáo dục đại học quốc tế

Ấn phẩm của CIHE, Tạp chí Giáo dục đại học quốc tế (International Higher Education) cũng đang mở rộng toàn cầu. Bên cạnh phiên bản tiêng Anh và các bản dịch của nó sang tiếng Trung, tiếng Nga và Tây Ban Nha từ 3 đối tác của chúng tôi tại GCIHES, tạp chí này cũng đã được dịch sang tiếng Bồ Đào Nha, và ra mắt bản tiếng Việt do Đại học FPT (Việt nam) thực hiện. Bạn đọc có thể truy cập miễn phí vào tài liệu trực tuyến của tạp chí này với nhiều ngôn ngữ khác nhau tại: http://ejournals.bc.edu/ojs/index.php/ihe.

Hai dự án mới về xuất bản tập trung vào các vấn đề giáo dục đại học cấp khu vực cũng mới được thành lập. Tạp chí “Giáo dục đại học Nước Nga và hơn thế”, hiện đã hoạt động được 3 năm, do Trường Kinh tế (Nga), một đối tác khác của chúng tôi xuất bản. Trong năm 2016, một dự án xuất bản khác cũng sẽ được khởi động với tên gọi “Giáo dục đại học Singapore và hơn thế”, là một sáng kiến của Quỹ HEAD, Singapore với sự hợp tác của CIHE.

Một sáng kiến khác cũng rất phù hợp để đề cập tại đây. Học kỳ mùa thu 2016, Boston College sẽ mở một khoá thạc sỹ kéo dài 12 tháng về Giáo dục đại học quốc tế, đây là một nỗ lực của CIHE trong việc cung cấp một chương trình kết hợp các nền tảng giáo dục, nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế; khoá học này sử dụng phương pháp đào tạo kết hợp giữa bài giảng trực tiếp trên lớp và bài giảng trực tuyến của các giảng viên và học giả trên toàn thế giới, bao gồm cả các đối tác của GCIHES.

Tuyên bố Thượng Hải 2013

Tuyên bố Thượng Hải 2013 là kết quả của một cuộc thảo luận bàn tròn do CIHE khởi xướng. Sau đó, trung tâm (CIHE) đã thực hiện một đợt tổng kiểm kê số lượng các trung tâm nghiên cứu về giáo dục đại học trên toàn thế giới và công bố Danh sách kiểm kê giáo dục đại học toàn cầu; danh sách này đã được tích hợp trên website của CIHE dưới dạng bản đồ tương tác.

Việc thành lập hai mạng lưới nghiên cứu giáo dục đại học toàn cầu, việc ra đời chương trình thạc sỹ về giáo dục đại học quốc tế, và việc mở rộng Tạp chí Giáo dục đại học quốc tế IHE minh hoạ cho vai trò ngày càng quan trọng của việc nghiên cứu và triển khai giáo dục đại học trong bối cảnh toàn cầu. Giáo dục đại học trước đây, vốn chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia và khu vực, và bản thân là một lĩnh vực tách rời, ngày nay đang chuyển dịch theo hướng toàn cầu hoá. Đây là một bước tiến vô cùng quan trọng.