Aurélien Casta và Daniel C. Levy
Aurélien Casta là Giảng viên Đại học de Lille – Pháp, và là cộng tác viên của PROPHE (Program for Research On Private Higher Education – Chương trình Nghiên cứu Giáo dục Đại học Tư). E-mail: aureliencasta@wanadoo.fr. Daniel C. Levy là Giáo sư Xuất sắc (Distinguished Professor) của Đại học bang New York tại Albany, và là giám đốc PROPHE. E-mail: Dlevy@uamail.albany.edu.
Tạp chí Giáo dục đại học quốc tế dành mỗi số một bài cho PROPHE, tổ chức có trụ sở chính tại Đại học Albany. Xem http://www.albany.edu/~prophe.
Nhiều người xem Pháp là thủ phủ của một nhà nước hùng mạnh và tập trung hóa, đang cai quản xã hội và áp dụng các quy định cho tất cả các loại tổ chức bao gồm cả giáo dục đại học. Nhìn từ bên ngoài, không một quốc gia nào như nước Pháp lại liên quan nhiều đến mô hình “Continental Model” đến thế – một mô hình xã hội từng chiếm ưu thế ở châu Âu, được cấy ghép vào châu Mỹ Latinh và nhiều khu vực khác trên thế giới. Nhưng 200 năm kể từ khi kết thúc thời đại Napoleon (1815), trong nền giáo dục đại học Pháp đã có một bộ phận đáng kể đại học ngoài công lập – chiếm đến 19% tổng số sinh viên. Hơn thế nữa, phần giáo dục đại học tư vì lợi nhuận hoạt động hợp pháp đang ngày càng tăng cùng với sự hiện diện đầu tư lớn từ phía nước ngoài.
Từ cái nhìn ban đầu, thực tế này có vẻ chứng tỏ rằng truyền thống vẻ vang của nước Pháp đã bị vứt bỏ hoàn toàn. Nhưng sự tồn tại và tăng trưởng của giáo dục đại học tư nhân – và thậm chí vì lợi nhuận – lại là phù hợp với chính sách điều tiết của nhà nước.
Con số đẹp và mô tả đối tượng
Tỷ lệ 19% sinh viên tư thục – tức là 436 ngàn trong số 2.3 triệu sinh viên theo học năm 2013 của Pháp – không chỉ gây ấn tượng bởi số lượng lớn mà cả về tỷ trọng. Tỷ lệ sinh viên tư thục tại Tây Âu chỉ là 12% (15% đối với toàn bộ châu Âu). Trong thực tế, tỷ trọng sinh viên tư thục của Pháp lớn hơn so với những nước trong khu vực cho thấy đóng góp lớn nhất cho giáo dục tư thục của Pháp là các trường đại học “tư nhân độc lập” – một thuật ngữ chính thức của châu Âu dành cho các trường tư mà hầu hết nguồn tài chính là từ khu vực tư nhân – trong khi giáo dục tư thục ở một số nước láng giềng phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách công. Hơn nữa giáo dục đại học tư nhân ở Pháp phát triển nhanh chóng, con số 19% hiện nay là tăng đáng kể so với con số 12% vào năm 2000, trong khi cũng giai đoạn này, giáo dục đại học tư ở Tây Âu lại khá trì trệ.
Các phương tiện truyền thông đang tập trung chú ý vào sự tăng trưởng đáng kể của giáo dục đại học tư tại Pháp, và đặc biệt là lĩnh vực vì lợi nhuận đang tăng trưởng đột biến. Thực ra ở Pháp cũng như ở các khu vực ngoài nước Mỹ, bất cứ lĩnh vực giáo dục nào do tư nhân (và không phải do tôn giáo) đầu tư thì thường được coi là phi lợi nhuận, thậm chí cả khi được tuyên bố chính thức là vì lợi nhuận. Hiện nay đang có sự xuất hiện ấn tượng trên sân khấu giáo dục đại học Pháp các công ty cổ phần tư nhân và công ty đa quốc gia, và việc thâu tóm các tổ chức giáo dục đại học được các báo chí tài chính và giáo dục đưa thành các câu chuyện “nóng” kích thích sự quan tâm của công chúng. Trong năm nhóm giáo dục đại học lớn nhất ở Pháp hiện nay, chỉ có một nhóm quốc gia (mang tính chất gia đình), bốn nhóm còn lại là quốc tế, gồm Laureate (chuỗi giáo dục đại học vì lợi nhuận lớn nhất thế giới) và ba công ty cổ phần tư nhân đa quốc gia của Pháp và Anh (Apax, Bregal và Duke Street).
Giống như các nước khác, các trường đại học tư vì lợi nhuận đều cảnh giác với sự quan tâm của công chúng và e ngại việc lan truyền thông tin, sợ rằng sẽ bị nhà nước kiểm soát kỹ lưỡng hơn và áp đặt các quy định khắt khe hơn. Tuy nhiên, ít ra bây giờ các trường tư vì lợi nhuận ở Pháp cũng có lý do để chào đón sự chú ý của công chúng , khi sự chú ý này đang hỗ trợ “đặt tên trường lên bản đồ”, cung cấp thông tin cho khách hàng và cán bộ nhân viên tiềm năng.
Tỷ lệ 19% sinh viên tư thục – tức là 436 ngàn trong số 2.3 triệu sinh viên theo học năm 2013 của Pháp – không chỉ gây ấn tượng bởi số lượng lớn mà cả về tỷ trọng
Phần giáo dục đại học vì lợi nhuận của Pháp lớn đến đâu? Hiện không có con số ước tính chính xác trả lời câu hỏi này. Chính phủ đã quyết định không thu thập thông tin và sắp xếp các trường là vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận, tuy nhiên chúng tôi tạm đưa ra một ước tính có sai số lớn: phần vì lợi nhuận trong giáo dục đại học tư của Pháp vào khoảng từ 20% đến 50%. Rất ít trong số gần 235 ngàn sinh viên nhập học trường tư trong năm 2000 là vào các trường vì lợi nhuận. Tỷ trọng trường tư phi lợi nhuận đã tăng trong 15 năm qua, vì vậy tỷ trọng của chúng tăng hơn đáng kể so với các trường vì lợi nhuận. Mặt khác, năm nhóm giáo dục đại học tư lớn nhất được nhắc đến ở trên có khoảng 80 ngàn sinh viên, chiếm khoảng 18% giáo dục đại học tư. Dù không có con số về tỷ trọng của trường tư vì lợi nhuận, dự kiến con số này đang ngày càng tăng.
Chính sách thoáng từ phía nhà nước
Bất kỳ sự phỏng đoán nào của người ngoài cho rằng các trường đại học tư – đặc biệt là vì lợi nhuận, sẽ tăng trưởng bất chấp chính sách hạn chế của nhà nước – hiển nhiên sẽ là sai lầm. Vì vậy, sẽ giả định rằng chính sách nhà nước hiện nay trở nên thoáng hơn, với vai trò hạn chế hơn và chấp nhận nhiều hơn yếu tố thị trường. Còn ý kiến ngược lại thì cho rằng chính sách nhà nước đã thoáng kể từ thời kỳ hậu Napoleon.
Quy định của nhà nước đã nhiều lần thay đổi hoặc được bổ sung, nhưng các thay đổi này không làm đảo lộn xu thế chung của quan điểm cởi mở. Chắc chắn rằng các quy định này đã đặt một số hạn chế, nhưng chúng cũng thể hiện sự công nhận của nhà nước, là chỗ dựa về tính hợp pháp cho giáo dục đại học tư, và giờ đây là hợp pháp hóa hoạt động vì lợi nhuận. Trong thực tế, theo thời gian một số quy định đã sửa theo xu hướng tăng quyền tự chủ. Trong nửa thế kỷ qua, các đại học tư đã giành được quyền cung cấp văn bằng quốc gia, nhận được sự mở cửa thoáng hơn từ các Bộ liên quan đến đào tạo nghề, và thậm chí hình thành quan hệ đối tác với các tổ chức công, bao gồm cả các trường đại học công lập.
Trong hai thế kỷ qua, nước Pháp chưa bao giờ cấm hoặc quốc hữu hóa các trường đại học tư – sự can thiệp thường thấy một số nước châu Âu và các nước khác. Ngược lại, Pháp thường cho phép các tổ chức tư nhân được vận hành hoạt động mang tính kinh doanh của mình. Trong thời kỳ hậu Napoleon, sự cởi mở với các trường đại học tư thực chất là cởi mở cho các trường Công giáo; ngày nay đa số các hoạt động doanh nghiệp đã mở rộng kinh doanh của mình trong giáo dục đại học tư.
Đáng chú ý, tất cả các nội dung nêu trên áp dụng cho cả đại học tư phi lợi nhuận lẫn vì lợi nhuận. Các trường vì lợi nhuận không phải là đại học cấp bằng tốt nghiệp đại học chính thức hoặc chứng chỉ diploma. Khi cho phép đại học tư hoạt động, nhiều quốc gia ở châu Âu cấm hoạt động giáo dục vì lợi nhuận, hoặc quản lý chúng chặt chẽ hơn so với đại học tư phi lợi nhuận. Chính sách công của Pháp hầu như đóng vai trung gian ở khía cạnh này.
Không có nghĩa là nhà nước Pháp không đặt hạn chế gì về giáo dục đại học tư. Có lẽ nổi bật nhất là quy định không một tổ chức giáo dục đại học tư nào được đặt tên là “trường đại học”. Cũng không phải là bất kỳ tổ chức giáo dục đại học tư nào cũng được cấp bằng đại học hoặc chứng chỉ diploma. Nhưng không kém nổi bật là cách thức hạn chế các cấm đoán. Không có hạn chế bổ sung vào áp dụng cho giáo dục đại học vì lợi nhuận và kể từ năm 1968, các tổ chức giáo dục đại học tư có thể hợp tác với các trường đại học khác để cấp bằng đại học và chứng chỉ diploma. Ngoài ra, từ năm 1999, nếu được cấp phép của Ủy ban quốc gia và Bộ, các trường kinh doanh có thể tự cấp bằng thuộc một trong ba trình độ đại học là bằng thạc sỹ. Mặc dù người tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học tư không có quyền tiếp cận các công việc dịch vụ dân sự như bạn bè học từ các trường công, đại đa số sinh viên tốt nghiệp trường tư tìm việc làm trong khu vực tư nhân và các công ty quốc tế.
Các đoàn thể và các trường đại học công đôi khi vận động hành lang nhà nước để các trường tư ít được ưu đãi hơn, và các trường hợp này thường được cộng hưởng bởi sự thiếu thiện cảm từ lâu của công chúng về quyền sở hữu và quản lý tư nhân trong giáo dục đại học. Nhưng chính sách của Pháp thực tế phần lớn vẫn là ưu đãi giáo dục đại học tư nhân, và bây giờ thậm chí ưu đãi cả giáo dục đại học tư vì lợi nhuận.