Thierry M.Luescher
Thierry Luescher là trợ lý giám đốc về Nghiên cứu Tổ chức tại Đại học Free State, Bloemfontein, Nam Phi. E-mail: thierryluescher@outlook.com
Bằng các chỉ trích mạnh bạo của mình, Frantz Fanon là người ủng hộ bạo lực chống thực dân, xem đây là liều thuốc tấy để giải phóng đất nước thoát khỏi mô hình xã hội với nền chính trị thuộc địa. Nhưng với thế hệ tự do sinh ra dưới thời Mandela, ông lại là nhà tiên tri báo trước tình trạng thuộc địa mới của Nam Phi trong cuốn Người cùng khổ của Trái đất: một nhân vật tinh hoa đắm mình tiêu xài xa xỉ, một đảng giải phóng chìm trong mê muội và tham nhũng, đa số nhân dân sống nghèo đói, một đất nước suy tàn về chính trị, kinh tế và văn hóa. Dân Nam Phi vỡ mộng, và người thanh niên da đen nổi giận. Một tấm bảng được sinh viên giương cao ở một trong số các cuộc biểu tình năm 2015 viết: “Năm 1994, cha mẹ tôi được người ta bán cho một giấc mơ – tôi ở đây để hoàn trả”.
#RhodesMustFall
Các phong trào mang tên #MustFall (Phải Sụp đổ) diễn ra ở Nam Phi một cách đầy bất ngờ, và bắt đầu từ ngày 9 tháng 3 năm 2015 tại Đại học Cape Town (UCT) theo một cách không được lịch sự cho lắm. Tin tức về việc một sinh viên UCT dùng phân người vấy bẩn bức tượng Cecil John Rhodes tại học xá đã lan ra toàn thế giới. Rhodes là một trong những người con hùng mạnh nhất của Cape Town: là ông trùm khai thác mỏ, cựu Thủ tướng Thuộc địa Cape, người chinh phục vùng đất “nội địa”. UCT được xây dựng trên phần bất động sản lớn của Rhodes. #RhodesMustFall trở thành sự kiện đầu tiên của phong trào sinh viên năm 2015 tại Nam Phi. Sinh viên da đen đã học cách bày tỏ trải nghiệm trở thành “người da đen trong học xá” của họ, vứt bỏ vào đống tro tàn của lịch sử chiếc mặt nạ mà nền văn hóa của trường và Rhodes đã đeo cho họ.
Tuy phong trào #RhodesMustFall kích động sinh viên yêu cầu di dời tượng Rhodes đã lắng lại sau khi bức tượng bị gỡ bỏ vào ngày 9 tháng 4 năm 2015, việc loại bỏ các “triệu chứng đau đớn” này vẫn là bước đi mang tính biểu tượng trong quá trình giải phóng thuộc địa theo thuyết Fanon, nhằm hàn gắn lại ngôi trường trong thời hậu phân biệt chủng tộc và tạo ra một không gian trí tuệ mới. Xolela Mangcu, giáo sư xã hội học tại UCT, đã viết trong tờ University World News tháng 3 năm 2015 rằng chất lượng các cuộc thảo luận tại những tòa nhà bị chiếm trong học xá “không giống bất cứ điều gì đã thấy tại trường đại học Cape Town, Cornell, Harvard hoặc bất kỳ trường đại học nào ông đã tham dự”.
Từ #RhodesMustFall đến #FeesMustFall
#RhodesMustFall – nói một cách ngắn gọn – đã trở thành nguồn cảm hứng kích động những người bài trừ thánh tượng trên cả nước. Ngay cả các trường đại học xa như ở Mỹ, các di tích về Thomas Jefferson, Woodrow Wilson, Jefferson Davis và những người khác cũng bắt đầu lung lay. Ở Nam Phi, theo lời kêu gọi nổi tiếng của Fanon “mỗi thế hệ phải thoát ra khỏi bóng tối xung quanh, khám phá sứ mệnh của mình, thực hiện nó hoặc phản bội nó”, sinh viên các trường đại học khác tự hỏi cần phải đánh đổ cái gì trong bối cảnh của họ – ở UCT đó là cần giật đổ tượng Rhodes. Tại Đại học Stellenbosch, phong trào #OpenStellies đã khơi lại việc tranh biện (taaldebat) trong học xá, gây chia rẽ sâu sắc – chủ yếu là giữa sinh viên da trắng đóng học phí theo kiểu châu Phi và đa số sinh viên da đen đóng học phí theo kiểu Anh. Rồi đột nhiên các phong trào hashtag (dấu thăng # – đánh dấu chủ đề bàn luận trên mạng xã hội – ND) mọc lên như nấm: #BlackStudents, #Luister, #PatriarchyMustFall, #ReformPukke, #SteynMustFall, #TheTransCollective, #TuksUprising, v.v…
Các phong trào mang tên #MustFall (Phải Sụp đổ) diễn ra ở Nam Phi một cách đầy bất ngờ, và bắt đầu từ ngày 9 tháng 3 năm 2015 tại Đại học Cape Town (UCT) theo một cách không được lịch sự cho lắm
Tuy nhiên, trong khi #RhodesMustFall và các phong trào mang tính phái sinh của nó thể hiện cơn thịnh nộ của trí tuệ da đen chống lại cấu trúc thượng tầng tư tưởng của nền giáo dục đại học Nam Phi, thì phong trào #FeesMustFall lại lôi kéo sự chú ý của sinh viên toàn quốc, vì nó đề cập tới việc mang tính gốc rễ là điều kiện vật chất của cuộc sống sinh viên, cùng với yêu cầu mạnh mẽ về một nền giáo dục miễn phí. Giáo dục miễn phí, hoặc tối thiểu là có được cơ hội công bằng trong giáo dục đại học cho người nghèo với học bổng và phụ cấp của nhà nước – là một lời hứa chưa được thực hiện của Hiến chương Tự do – bản tài liệu thúc đẩy phong trào chống phân biệt chủng tộc kể từ năm 1955. Sau khi Hội đồng trường Đại học Witwatersrand (Wits) tại Johannesburg công bố tháng 9 năm 2015 về việc học phí 2016 sẽ tăng hai con số, các cuộc biểu tình ngày càng leo thang tại Wits. Trong vòng vài tuần (và thêm nhiều thông báo tăng học phí), các trường đại học công ở Nam Phi trên toàn quốc đã bị sinh viên đóng cửa.
Kẻ sống sót: Học xá
Trong mọi trường hợp xảy ra, lãnh đạo trường đại học cố gắng đưa ra những giải pháp đáp ứng lại: cam kết và thể hiện thiện chí ở một mức độ nhất định, trấn áp và khẳng định quyền lực của mình, chia để trị và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động. Họ cố gắng không để tin tức bị đưa lên đầu trang và né tránh các cuộc gặp gỡ chính thứcNhiều năm trước, tôi đã gọi đùa chiến lược này là “Kẻ sống sót: Học xá”: láu cá hơn, giỏi chơi hơn, sống dai hơn (outwit, outplay, outlast). Cũng giống như các sô diễn thực tế, đây chủ yếu là một trò chơi đàm phán bí mật, thỉnh thoảng phô diễn sức mạnh cùng nhiều điều gian dối. Nhưng rồi cũng chỉ có #RhodesMustFall, #FeesMustFall là đã chơi thành công, đạt được thắng lợi đáng kể trong một thời gian ngắn. Trong sự việc được mô tả như là một “phản ứng hoảng sợ rõ ràng”, ngày 23 tháng 10 năm 2015, Tổng thống Jacob Zuma đã tuyên bố sẽ không tăng phí trong các trường đại học công năm 2016 (tuy nhiên như vậy là bất hợp pháp, vì Luật Giáo dục Đại học Nam Phi trao quyền quyết định học phí cho Hội đồng trường đại học).
Phong trào sinh viên kết nối mạng trong kỷ nguyên Internet
Tầm cỡ đổi mới của phong trào #MustFall năm 2015 được mở rộng, các nhà hoạt động sinh viên và những người có cảm tình dùng đến cả truyền thông xã hội và Internet. Nếu trong cuốn Networks of Outrage and Hope, Manuel Castells đưa ra khái niệm một hình thức mới của các phong trào xã hội trong kỷ nguyên Internet (ví dụ như phong trào Chiếm phố Wall và các ví dụ khác trên thế giới), thì các phong trào #MustFall báo hiệu sự ra đời một phương thức tổ chức lực lượng sinh viên mới: phong trào sinh viên kết nối mạng, cùng lúc chiếm cả mạng máy tính và những nơi công cộng. Sinh viên sử dụng truyền thông xã hội và các nền tảng dựa trên Internet như những công cụ để truyền bá tư tưởng và huy động mọi người, phối hợp hoạt động, chia sẻ tờ rơi, bài đọc, hình ảnh, đoạn phim, tài liệu một cách không ngừng nghỉ về những gì đang diễn ra trên khắp đất nước. Ở nơi công cộng, các cuộc biểu tình tầm cỡ quốc gia đã được tổ chức ở những trung tâm quyền lực lớn nhất: Nhà Quốc hội tại Cape Town, trụ sở chính của ANC ở Johannesburg và tòa nhà Quốc hội tại Pretoria. Tương tự, các cuộc biểu tình tại học xá thường xuyên ngăn chặn cổng chính buộc trường đại học phải ngừng hoạt động trước mặt bàn dân thiên hạ, và sinh viên chiếm các tòa nhà mang biểu tượng sức mạnh đại học trong học xá, như tòa nhà hành chính của UCT và toà nhà Hội đồng trường Wits.
Con đường phía trước
Sau khi bắt đầu năm học 2016 một cách yên tĩnh, lực lượng sinh viên lại trỗi dậy vào tháng Hai với những cuộc biểu tình tại nhiều trường đại học. Các nhà quan sát như Pontsho Pilane của tờ Mail & Guardian đã dự đoán đúng rằng phong trào hoạt động sẽ nhen nhóm lại trong năm 2016 vì ba nhu cầu cốt lõi của sinh viên vẫn chưa được giải quyết: học phí không giảm mà chỉ bị đóng băng trong lúc này, việc dừng thuê nhân viên bên ngoài làm dịch vụ hỗ trợ trong các trường đại học mới chỉ có được những cam kết mơ hồ, và quan trọng nhất là việc “giải phóng thuộc địa” nền học thuật Nam Phi vẫn còn là một thách thức không chỉ dừng ở mức khái niệm. Leigh-Ann Naidoo đã đề xuất trong New Agenda một nhiệm vụ cốt lõi là tiếp tục “collective conscientization” (nâng cao ý thức phê phán tập thể), đột phá liên tục vào các chuẩn mức mang tính loại trừ đang chi phối, tái tạo lại không gian giảng dạy, học tập và các nền tảng ra quyết định của trường đại học. Phát hiện của Fanon có thể cho một vài hy vọng: tư tưởng của ông cho con đường phía trước mang tính rất dân chủ khi chấp nhận quần chúng là những người có suy nghĩ. Trong bối cảnh đại học, điều đó có nghĩa là chấp nhận trường đại học châu Phi sẽ không hồi sinh từ đội ngũ giáo sư nam giới, da trắng và nhiều tuổi, mà là từ lực lượng sinh viên, nhân viên da đen, trẻ tuổi và thông minh. Họ là những người biết suy nghĩ, họ không muốn trường đại học của mình bị sụp đổ. Lực lượng sinh viên liên kết qua mạng có năng lực tham gia mọi loại hình hoạt động dân chủ trong việc ra quyết định, thiết kế lại chương trình giảng dạy và tổ chức lại đời sống đại học.