Đặt cược cao vào thi đầu vào: Góc nhìn từ Brazil

Simon Schwartzman và Marcelo Knobel

Simon Schwartzman là chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Instituto de Estudos do Trabalho e Sociedade (IETS), Rio de Janeiro, Brazil. E-mail: simon@iets.org.br. Marcelo Knobel là giám đốc Phòng thí nghiệm công nghệ nano quốc gia Braxin (LNNano) và giáo sư của Viện Vật lý GlebWataghin, Đại học Campinas (Unicamp), Campinas, Brazil. E-mail: knobel@ifi.unicamp.br.

Tại Brazil, sự thống lĩnh ngày càng tăng của việc sử dụng các kỳ thi quốc gia cho giáo dục trung học như là kỳ thi tuyển sinh chung áp dụng thống nhất cho đại học dẫn đến một số hậu quả bất lợi. Bên cạnh việc định hình một cách rõ rệt chương trình học phổ thông với bất lợi rõ ràng cho những người sẽ không học đại học, nó còn hạn chế sự đa dạng và đặc điểm khu vực của bậc học cao hơn. Hậu quả tương tự cũng nhìn thấy ở các nước khác sử dụng kỳ thi tuyển sinh quốc gia. Bài viết sẽ đưa ra một số gợi ý về những thay đổi cần thiết.

Trên thế giới, hàng triệu học sinh và gia đình họ đang phải gánh chịu quá trình căng thẳng của việc thi vào đại học. Một số nước sử dụng các bài kiểm tra quốc gia để xác định ai được vào học, hệ thống kiểu này thường được cho là dân chủ và trọng dụng nhân tài, vì tất cả thí sinh cùng dự một kỳ thi. Tại Brazil, các kỳ thi quốc gia cho giáo dục trung học (Exame Nacional do Ensino Medio – ENEM) được tổ chức tương tự như kỳ thi Gaokao ở Trung Quốc, hoặc các kỳ thi tuyển sinh tương tự cực kỳ hệ trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Chile, Nga và các nước khác. Các cuộc tranh luận công khai hiện nay về ENEM nhấn mạnh những nhược điểm của nó, song song với các cuộc tranh luận tương tự diễn ra ở những nước khác.

Giáo dục đại học của Brazil gồm một mạng lưới nhỏ các trường đại học của liên bang (quốc gia) có chọn lọc, được tài trợ khá tốt, sinh viên được miễn học phí với 1.1 triệu sinh viên – và một khu vực đại học tư lớn hơn với 5.4 triệu sinh viên. Ngoài ra, có 0.6 triệu sinh viên đăng ký học tại các trường đại học vùng cũng được miễn học phí. Ngược lại với nhiều nước Mỹ Latinh khác, số chỗ học trong các trường đại học công lập ở Brazil là khá ít; sinh viên (trước đây) cạnh tranh suất học trên kết quả của kỳ thi tuyển sinh được tổ chức bởi từng trường. Các trường tư thường cung cấp các khóa học buổi tối, chi phí thấp cho những người không vào được các trường công lập. Ngoại trừ một vài trường đại học tư nhân ưu tú, việc nhập học vào khu vực tư thục này chỉ bị giới hạn bởi khả năng chi trả của người học, và ENEM là không cần thiết.

Kỳ thi trung học quốc gia (ENEM)

ENEM được bắt đầu thực hiện từ năm 1998 như là một kỳ thi tự nguyện của giáo dục trung học để đo chất lượng của học sinh khi ra trường. Vào năm 2010, Bộ Giáo dục và các trường đại học liên bang đã đồng ý rằng kết quả kỳ thi này sẽ trở thành tiêu chí lựa chọn nhập học chính. Phương thức thi cử hiện tại bao gồm các bài kiểm tra ngôn ngữ Bồ Đào Nha, toán học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và ngữ văn, được tổ chức hàng năm trong hai ngày và đồng thời tại các địa điểm khác nhau trên khắp đất nước. Học sinh vượt qua kỳ thi có thể nộp đơn vào hai trường đại học liên bang. Kết quả thi cũng được dùng để cấp học bổng và tín dụng cho các sinh viên thuộc gia đình có thu nhập thấp để vào học tại các cơ sở tư nhân, để xác định điều kiện đầu vào cho các khóa học dạy nghề miễn phí, và để cấp giấy chứng nhận hoàn thành bậc trung học cho những người đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu.

ENEM đã bị chỉ trích vì tổ chức tốn kém và có nhiều lỗ hổng cho tham nhũng, cũng như về chất lượng và định kiến ​​ý thức hệ của các câu hỏi trong đề thi, đặc biệt là trong các ngành khoa học xã hội. Kỳ thi này tiêu tốn khoảng 100 triệu US$ của chính phủ, và hầu hết các sinh viên có thu nhập thấp hoặc đến từ các trường công lập được miễn lệ phí thi (15 US$). Trong quá khứ, đề thi đã từng bị rò rỉ hoặc bị đánh cắp, và các biện pháp an ninh cần được triển khai để hạn chế việc sử dụng các thiết bị di động để nhận/chia sẻ đáp án cho các câu hỏi. Ngoài ra, còn có quan ngại ngày càng tăng về tác động tiêu cực tiềm năng của nó đến giáo dục trung học và đại học.

Trong năm 2015, có 9.5 triệu thí sinh vừa học xong hoặc đã học xong phổ thông tham gia kỳ thi. Trong số này, 2.8 triệu thí sinh sẽ cạnh tranh cho 205 ngàn chỉ tiêu tại các trường đại học liên bang. Các dữ liệu cho thấy rằng các sinh viên đến từ các gia đình có học vấn cao và các trường tư hoặc công chất lượng tốt có xu hướng đạt được điểm số cao nhất, và do đó làm cho việc nhập học của học sinh địa phương càng trở nên khó khăn hơn.

Tác động tiêu cực của ENEM

Chương trình giáo dục trung học ở Brazil bao gồm hơn 15 môn bắt buộc, không có môn học tự chọn và không có thời gian linh động dành cho các môn học nghề (các môn này chỉ có sau khi hoàn thành chương trình giảng dạy truyền thống). ENEM củng cố tiêu chuẩn cứng nhắc này, biến một cách hữu hiệu tất cả các trường trung học thành trung tâm luyện thi, mặc dù hầu hết các học sinh đi thi sẽ không bao giờ vào học đại học, hoặc sẽ học đại học tại trường tư, nơi nhu cầu về một kỳ thi loại như vậy hiếm khi được đặt ra.

Mặc dù các trường đại học rất khác nhau về quy mô và chất lượng, từ các trường đại học công định hướng nghiên cứu chuyên sâu cho tới các trường tư nhân nhỏ định hướng nghề nghiệp học buổi tối, tất cả đều cấp chung một loại bằng cấp. Luật quốc gia cho phép cấp bằng cho các khoá ngắn hạn, dạy nghề, và những bằng này đôi khi cho cơ hội việc làm tốt hơn so với bằng đại học của một số trường đại học chất lượng thấp. Nhưng hệ thống thiếu một lộ trình học nghề sau trung học, hiện số tham gia học nghề sau trung học chỉ chiếm gần 14%. ENEM cũng đã làm suy yếu mối liên kết giữa các trường đại học liên bang và các cộng đồng địa phương. Mục đích của việc thành lập các trường trong cả nước chính là tạo cơ hội cho người dân địa phương và góp phần phát triển khu vực thông qua công tác khuyến nông và nghiên cứu ứng dụng. ENEM đã được chờ đợi là sẽ làm cho việc tiếp cận giáo dục bậc cao một cách dân chủ hơn, vì nó cho phép học sinh từ bất cứ nơi nào cũng có thể nộp đơn vào bất kỳ trường đại học liên bang nào trong cả nước. Tuy nhiên việc thiếu sự hỗ trợ tài chính để chuyển nơi ở cho sinh viên nghèo đã làm cho mục tiêu trên trở nên không hiện thực. Hơn nữa tính toàn quốc của kỳ thi quốc gia đã làm cho hệ thống mang tính chất tinh hoa hơn. Các trường đại học nằm ở vùng xa đã lấp chỗ trống bằng các học sinh đặc quyền từ các khu vực giàu có (những người có đủ khả năng tài chính để di chuyển), đẩy điểm đầu vào lên cao hơn và làm sai lệch bức tranh nguồn lực địa phương.

ENEM được bắt đầu thực hiện từ năm 1998 như là một kỳ thi tự nguyện của giáo dục trung học để đo chất lượng của học sinh khi ra trường

Phê phán các kỳ thi quốc gia ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Chile

Các nước khác cũng đang đặt câu hỏi về kỳ thi quốc gia của họ. Ở Trung Quốc, việc thay đổi hệ thống thi cử Gaokao là một nội dung cải cách giáo dục đại học trong tương lai, với đề xuất đưa hàng trăm trường đại học đang định hướng học thuật hoặc dạy nghề đến gần hơn với các yêu cầu của thị trường việc làm. Tài liệu năm 2010 của chính phủ “Phác thảo cải cách và phát triển giáo dục quốc gia trung và dài hạn (2010-20)” đã chỉ trích hệ thống thi cử này vì: (1) “một cuộc kiểm tra duy nhất xác định số phận và cuộc đời một học sinh”; (2) tuyển sinh và tiêu chí lựa chọn quá phụ thuộc vào điểm số của kỳ thi quốc gia, không phải trên các tiêu chí lựa chọn toàn diện; (3) chỉ có một tập hợp các câu hỏi kiểm tra chung cho tất cả các trường đại học khác nhau; (4) nội dung và phong cách của kỳ thi không phù hợp với mục đích của giáo dục Suzhi (linh hoạt và sáng tạo hơn); (5) bất bình đẳng trong cơ hội nhập học giữa các tỉnh; và (6) các tổ chức giáo dục đại học thiếu tự chủ trong việc tuyển sinh.

Các nhà phê bình của kỳ thi ÖSS (tuyển sinh đại học) ở Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện mối quan tâm tương tự, ngoài ra còn lên án sự nhồi nhét thông qua dạy kèm tư nhân; tính chọn lọc xã hội cao và tác động của kỳ thi dẫn đến việc không ai muốn học nghề.

Tại Chile, tiêu chí để nhập học vào phần lớn các trường đại học công lập và tư thục của nước này cũng được xác định bởi kỳ thi quốc gia PSU (University Selection Test). Phần lớn những lời chỉ trích nhắm đến sự phân biệt xã hội mà kỳ thi gây ra. Một đánh giá của OECD năm 2009 về giáo dục đại học ở Chile ghi nhận: “PSU góp phần đáng kể vào sự phân bố không đồng đều cơ hội học đại học giữa các nhóm kinh tế-xã hội. Học sinh đến từ các trường công và các hộ nghèo thường ít khả năng đậu đại học hơn so với học sinh từ các trường tư và hộ gia đình giàu. Nếu có đậu, họ cũng ít có khả năng đạt được điểm số cao để được nhận vào các trường đại học tốt nhất”.

Các đề xuất cải cách

Tại Brazil, các cuộc tranh luận về ENEM được kết hợp với các cuộc tranh luận về cải cách giáo dục trung học. Đề xuất đưa ra là chuyển từ một chương trình thống nhất sang chương trình đa dạng – với khung chính tập trung chủ yếu vào ngôn ngữ và toán học, sau đó là các rẽ nhánh tự chọn cho phép tiếp tục con đường học thuật hoặc lựa chọn học nghề để có thể tham gia vào thị trường lao động trực tiếp sau khi tốt nghiệp. Các trường trung học phải cung cấp cả giáo dục phổ quát và giáo dục nghề nghiệp, chứ không phải chỉ nhằm mục tiêu là chuẩn bị cho việc nhập học vào các trường đại học công – là con đường thực ra chỉ có một số người sẽ chọn. ENEM nên kiểm tra năng lực ngôn ngữ và toán học nói chung, cùng với những đánh giá riêng biệt cho những lộ trình khác nhau mà thí sinh sẽ theo đuổi, bao gồm cả chứng nhận cho các nghề kỹ thuật. Các kết quả của những đánh giá này có thể được sử dụng bởi các tổ chức giáo dục bậc cao để chọn sinh viên, kết hợp với các tiêu chí khác phù hợp với sứ mệnh, mục tiêu học thuật và đặc điểm vùng của mình.

Cuối cùng, rõ ràng là việc tổ chức một kỳ thi giấy trên toàn quốc, mỗi năm một lần như hiện nay là một sự điên khùng. Các kỳ thi cần được tổ chức vào các thời điểm khác nhau và tại các địa điểm khác nhau, sử dụng các công nghệ và thiết bị hiện đại của thế giới. Kỳ thi quốc gia không phải là nguyên nhân gây ra sự bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận với giáo dục bậc cao, nhưng không có lý do gì để duy trì một hệ thống đang làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng này.