Chính sách quốc gia về quốc tế hóa có hiệu quả không?

Robin Matross Helms và Laura E. Rumbley

Robin Matross là phó giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Trung tâm Giáo dục đại học quốc tế và tương tác, Ủy ban giáo dục Mỹ. E-mail: rhelms@acenet.edu. Laura E. Rumbley là phó giám đốc tại Trung tâm giáo dục đại học quốc tế tại Boston College. E-mail: rumbley@bc.edu. Bài viết này dựa trên nghiên cứu “Quốc tế hóa giáo dục đại học toàn thế giới: các chính sách và chương trình hành động cấp quốc gia” của nhóm tác giả được Ủy ban giáo dục Mỹ xuất bản tháng 10/2015, và có thể truy cập tại https://www.acenet.edu/news-room/Pages/CIGE-Insights.aspx.

Để đáp lại nhu cầu và cơ hội của một thế giới đang lên cơn sốt toàn cầu hóa, chính phủ tại nhiều nước trên thế giới đưa ra nhiều chính sách và chương trình nhằm quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học của mình. Những sáng kiến này được thúc đẩy bằng những động cơ đa dạng như học thuật, kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Đôi khi, chính sách đặt mục tiêu rõ ràng là tập trung vào giáo dục đại học; nhưng trong đa phần các trường hợp khác, chính sách nhắm đến những hoạt động mang tính rời rạc hoặc hướng tới mục tiêu rộng hơn ở cấp độ quốc gia.

Nghiên cứu mới đây của Ủy ban Giáo dục Mỹ (ACE) và Trung tâm giáo dục đại học quốc tế tại Boston College (CIHE) tập trung xem xét các chính sách nói trên. Bản báo cáo “Quốc tế hóa giáo dục đại học toàn thế giới: các chính sách và chương trình hành động cấp quốc gia” đưa ra hàng loạt các ví dụ cụ thể, qua đó cung cấp một cái nhìn tổng thể về chủ đề này. Phân tích của chúng tôi chỉ ra 5 nhóm chính sách chính đang được áp dụng trên toàn thế giới dựa trên ưu tiên hàng đầu của từng chương trình:

Nhóm 1: Du học sinh. Những chính sách được thiết kế nhằm khuyến khích và điều tiết du học được chọn làm nội dung trọng tâm trong việc thực thi chính sách về quốc tế hóa giáo dục đại học. Ả rập Saudi, Chile, Kazakhstan và Brazil là các nước thực hiện những chính sách này triệt để nhất, với việc ban hành một loạt các chương trình học bổng nhằm tài trợ cho du học sinh.

Nhóm 2: Trao đổi học thuật và hợp tác nghiên cứu. Chính sách này được thực hiện ở hàng loạt nước trên thế giới cũng như ở những khu vực trọng yếu, ví dụ châu Âu – nơi Liên minh châu Âu đang đổ rất nhiều kinh phí vào nội dung này thông qua sáng kiến Horizon 2020, và đặc biệt là chương trình Marie Skłodowska-Curie. Nội dung thường thấy trong các chương trình này gồm hỗ trợ các học giả, tài trợ các chương trình trao đổi giảng viên, khuyến khích các nhà khoa học kiều bào hồi hương và tài trợ nghiên cứu theo các dự án.

Nhóm 3: Giáo dục xuyên biên giới. Các chính sách và chương trình cấp quốc gia liên quan đến đào tạo trực tiếp – mở phân hiệu tại nước ngoài hay những hình thức đào tạo trực tiếp khác, hoặc đào tạo dưới hình thức ảo – các khoá học đại trà trực tuyến mở (MOOC) đều là những nỗ lực thúc đẩy hợp tác nhằm xây dựng năng lực, kiến tạo các trung tâm giáo dục, khuyến khích các trường đại học trong nước mở phân hiệu nước ngoài, xây dựng chương trình liên kết quốc tế và nâng cao chất lượng điều tiết các chương trình xuyên biên giới.

Nhóm 4: Quốc tế hóa trong nước (Internationalization at Home – IaH). Quốc tế hóa trong nước là một hiện tượng mới nhưng càng ngày càng được xem như trọng tâm của quốc tế hóa giáo dục đại học. Chưa có nhiều văn bản chính sách liên quan đến chủ đề này. Chiến lược quốc tế hóa của Ủy ban châu Âu vào năm 2013, với tên gọi Giáo dục Đại học châu Âu trong lòng thế giới là một trường hợp ngoại lệ. Nhưng chắc chắn đây là một nội dung quan trọng cần được quan tâm trong các chính sách phát triển tương lai.

Nhóm 5: Chính sách quốc tế hóa toàn diện. Có thể kể đến một số sáng kiến bao gồm một loạt các tư tưởng, chương trình hành động, lĩnh vực và khu vực ưu tiên hơn là chỉ tập trung vào một vài hoạt động cụ thể. Chính sách về quốc tế hóa của Uỷ ban châu Âu, thêm một lần nữa, là một ví dụ điển hình; ngoài ra có thể kể đến các ví dụ khác như “Chiến lược quốc tế hóa giáo dục của Canada vào năm 2020” và “Chính sách quốc tế hóa giáo dục đại học Malaysia vào năm 2011”.

Đo lường hiệu quả

Với chính sách và chương trình quốc tế hóa cấp quốc gia đang nở rộ trong nhiều bối cảnh và theo nhiều hình thức, câu hỏi về hiệu quả vừa là vấn đề hàng đầu và vừa là vấn đề trung tâm. Liệu những chính sách đó có tác động tích cực tới định hướng và quá trình quốc tế hóa trong hệ thống giáo dục đại học? Trong dài hạn, liệu các chính sách này có đem lại thành công trong các mục tiêu học thuật, kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa đã đặt ra?

Cũng như nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục khác, xác định tính hiệu quả trong chính sách quốc tế hóa là điều khó khăn. Thường thì những nỗ lực nhằm vào mục tiêu này chỉ hướng tới những chỉ số dễ đo và những chỉ số đầu ra có thể lượng hoá dễ dàng. Liệu chính sách của nước A sẽ đạt được mục tiêu thông qua việc tuyển mới được số lượng X sinh viên quốc tế tới học tại các trường đại học của họ trong một khoảng thời gian nhất định? Bên cạnh số lượng sinh viên, các chỉ số tài chính – một đại lượng dễ đo lường khác cũng thường được sử dụng làm công cụ đánh giá.

Những chính sách được thiết kế nhằm khuyến khích và điều tiết du học được chọn làm nội dung trọng tâm trong việc thực thi chính sách về quốc tế hóa giáo dục đại học

Một số nghiên cứu của các tổ chức như Hội đồng Anh/DAAD và HEFCE (Hội đồng quỹ giáo dục đại học Anh), Uỷ ban châu Âu, Hiệp hội các trường đại học quốc tế (the Higher Education Funding Council for England) đã đưa ra một số phương pháp nhằm đánh giá hiệu quả của các chính sách này. Nói chung, vẫn chưa có nhiều thông tin cụ thể và chưa có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này. Một mặt, chính sách quốc tế hoá là vấn đề khá mới ở các nước – vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động thực sự của nó. Mặt khác, việc đánh giá tác động thậm chí còn chưa được đưa vào chương trình triển khai chính sách.

Mặc dù vậy, thông qua việc nghiên cứu các chính sách và dữ liệu hiện có về hiệu quả, đã có thể chỉ ra một số yếu tố chính có ảnh hưởng (tích cực và tiêu cực) đến hiệu quả chính sách; gồm những yếu tố gắn liền với bản thân chính sách cũng như các yếu tố bên ngoài tác động lên quá trình triển khai.

Tài trợ là yếu tố quan trọng hàng đầu. Các vấn đề như mức tài trợ, cách thức phân phối nguồn tài trợ và mức độ bền vững của nguồn tài trợ đều ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của chính sách.

Chính sách được triển khai như thế nào và do ai thực hiện cũng quan trọng. Cơ chế thông dụng “một cỡ vừa cho tất cả” (one size fits all) là không hữu dụng cho việc xây dựng chính sách cũng như thực tiễn quốc tế hoá. Vì vậy, chính sách cấp quốc gia có thể được triển khai theo nhiều cách rất khác nhau, ví dụ, có thể có sự tham gia của rất nhiều bên liên quan hoặc rất ít.

Cách thức chính sách được triển khai có thể có tác động đáng kể đối với các nội dung như tính hiệu quả, và đồng thời đề ra câu hỏi về năng lực của những người thực thi chính sách trong việc triển khai chương trình hành động và quản lý công việc.

Xem xét các chính sách như một tổng thể làm nổi lên vấn đề về sự tương tác và thứ tự ưu tiên của các chính sách. Tại phần lớn các quốc gia hệ thống chính sách đều phức tạp và chồng chéo lên nhau. Các sáng kiến được thực hiện trong lĩnh vực này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách trong lĩnh vực khác. Ví dụ kinh điển là mối liên quan giữa chính sách thu hút sinh viên và học giả quốc tế và chính sách cấp thị thực và nhập cư. Nếu mỗi chính sách được xây dựng và triển khai độc lập không tính đến mối liên quan nói trên, hiệu quả của cả hai chính sách đều bị ảnh hưởng.

Cuối cùng, mức độ tập trung của chính sách và thứ tự ưu tiên của từng trường cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của các sáng kiến cấp quốc gia. Quốc tế hoá giáo dục đại học là hiện tượng thâm nhập trực tiếp vào các trường đại học. Vì vậy, các chính sách cấp quốc gia về quốc tế hoá phải dựa trên cơ sở thấu hiểu thực tiễn của từng trường đại học. Những chính sách quốc gia không tính đến thứ tự ưu tiên của trường đại học và ngược lại, sẽ khó thu được các kết quả tích cực.

Quốc tế hoá quá trình quốc tế hoá

Chỉ thời gian mới trả lời được liệu các chính sách quốc tế hoá của từng quốc gia có đạt được mục tiêu ngắn và dài hạn đặt ra hay không. Nhưng có lẽ câu hỏi đáng quan tâm hơn là các chính sách này sẽ tác động thế nào tới hệ thống giáo dục đại học toàn cầu. Ngày càng nhiều quốc gia cam kết quốc tế hoá giaó dục đại học theo các phương thức cụ thể, chính thức và tập trung đầu tư nguồn lực; điều đó cho thấy đây là thời điểm thích hợp để tiến hành các nỗ lực chung ở mức cao hơn: “quốc tế hoá quá trình quốc tế hoá”. Các chính sách quốc tế hoá sẽ đạt được tác động tối đa nếu có được sự cộng hưởng; tức là các chính sách cần hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau.

Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng; nó đòi hỏi mức độ nhận thức rộng rãi về các chính sách đang được triển khai cũng như đối thoại ở cấp độ chính sách quốc gia cũng như ở cấp độ trường đại học. Như chúng tôi đã viết trong phần cuối của báo cáo ACE-CIHE: “Chỉ sự sáng tạo, nguồn lực to lớn và lao động nghiêm túc mới đảm bảo quá trình quốc tế hoá toàn diện, bền vững, có định hướng giá trị đem đến lợi ích cho giáo dục đại học toàn cầu”.