Cải cách quản trị đại học ở Kazakhstan

Darkhan Bilyalov

Darkhan Bilyalov là cán bộ nghiên cứu Trường Cao học Giáo dục thuộc Đại học Nazarbayev, Astana, Kazakhstan, và là nghiên cứu sinh tiến sĩ của Đại học bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. E-mail: dyb5296@psu.edu

Chính phủ các nước khắp thế giới đang nỗ lực đưa quản trị doanh nghiệp theo kiểu phương Tây vào các trường đại học, xem đây là cách thức tăng cường tính tự chủ và hiệu quả của nhà trường. Các nước thuộc Liên Xô cũ cũng không nằm ngoài trào lưu này. Trong số đó, Kazakhstan là quốc gia có sự thay đổi hết sức mạnh mẽ toàn cảnh nền giáo dục: từ cơ chế kiểm soát ngặt nghèo trong một nền kinh tế mệnh lệnh trở thành một cấu trúc quản trị hiện đại, hướng thị trường và theo kiểu doanh nghiệp. Đó là nhờ tiến trình phi tập trung hoá các chức năng quản lý của bộ chủ quản, chuyển giao quyền hạn cho trường bằng cách thành lập và trao quyền cho Hội đồng Quản trị nhà trường. Các nhà làm chính sách lập luận rằng cơ chế này giúp tăng cường cho nhà trường tính tự chủ, quyền quyết định về tổ chức, học thuật (chương trình đào tạo, định hướng nghiên cứu) và tài chính. Quá trình cải cách phải vượt qua vô vàn thử thách sẽ được trình bày dưới đây, nhằm chia sẻ những bài học quý giá về cải cách quản trị giáo dục đại học, nhất là với các nước hậu xô viết có hoàn cảnh tương tự.

Quản trị truyền thống

Ở Kazakhstan trước đây, Bộ Giáo dục và Khoa học có vai trò chủ chốt trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Ngay từ thuở đầu hình thành chính phủ, Bộ có quyền quyết định mọi công việc quản trị của các trường thông qua các chính sách, quy định công việc cụ thể, kể cả chương trình đào tạo, tuyển sinh, nhân sự và các lĩnh vực quan trọng khác trong hoạt động của nhà trường. Hệ thống đào tạo đại học có tính tập trung hoá: hiệu trưởng đại học công lập báo cáo trực tiếp cho Bộ – là cơ quan toàn quyền bổ nhiệm, đánh giá và miễn nhiệm hiệu trưởng. Hiệu trưởng là người điều hành cao nhất, chịu trách nhiệm pháp lý toàn diện cho nhà trường. Điều này trong nhiều trường hợp dẫn đến độc tài, thiếu minh bạch và thiếu hợp tác đồng thuận trong các quyết định quan trọng của trường. Giảng viên/học giả tham gia vào công tác quản trị thông qua Uchenyi Sovet (Hội đồng học thuật) cơ quan quản trị tối cao của tổ chức giáo dục đại học do hiệu trưởng chủ trì. Tuy nhiên thực tế không như vậy. Hội đồng thường đóng vai “con rối”, hoặc đơn thuần chỉ là bộ phận tư vấn cho hiệu trưởng.

Cấu trúc quản trị mới

Chương trình Quốc gia về Phát triển Giáo dục 2011-2020 quy định đến năm 2020, 90% các trường đại học công phải chuyển sang “cơ chế qoanh nghiệp” và thành lập Hội đồng quản trị. Hội đồng sẽ bao gồm nhiều đại diện của xã hội: các nhà lãnh đạo dân sự, người sử dụng lao động, các cơ quan doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và đại diện truyền thông đại chúng.

Trong vòng vài năm kể từ khi Chương trình Quốc gia về Phát triển Giáo dục 2011-2020 được ban hành, các Hội đồng quản trị đã được thành lập trong tất cả các trường đại học công lập. Tuy nhiên trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng chưa được thực sự xác định. Theo luật, Hội đồng quản trị chỉ được đề xuất, thảo luận và cố vấn, không có thực quyền. Cho đến nay, việc chính của Hội đồng quản trị là đại diện cho tiếng nói của cán bộ – giảng viên, cộng đồng dân cư, thông qua việc góp ý cho chương trình đào tạo, giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, cung cấp cơ hội thực tập doanh nghiệp và hợp tác nghiên cứu.

Những mâu thuẫn về mặt pháp lý không cho phép Hội đồng quản trị trường có nhiều quyền lực hơn. Để đối phó với điều này, mới đây chín trường đại học đã thành lập Hội đồng Cai quản (Board of Overseers). Các hội đồng này được thành lập căn cứ theo Luật Công sản (Law on State Assets), luật chi phối các đại học công. Sau thử nghiệm ở chín trường, cấu trúc tổ chức Hội đồng Cai quản sẽ thay thế cho cấu trúc Hội đồng quản trị hiện hành. Hội đồng theo cấu trúc mới sẽ có quyền lực giống như hội đồng quản trị ở các trường Tây phương, có quyền chọn hiệu trưởng, phê duyệt ngân sách, xây dựng chiến lược, xây dựng tiêu chí tuyển sinh, ban hành chính sách tuyển dụng giảng viên, và cả việc quy định mức lương của lãnh đạo nhà trường.

Cho đến nay, chín Hội đồng Cai quản mới thành lập đã đạt được một số kết quả ban đầu. Một số Hội đồng đã phê duyệt chiến lược, thay đổi chính sách đánh giá nhân sự, có hội đồng đã đưa ra được mô hình tài chính mới cho tổ chức. Tuy nhiên một số hội đồng vẫn chưa có đủ người làm việc.

Từ khi giành được độc lập chính phủ Kazakhstan đã nỗ lực hiện đại hoá và quốc tế hoá hệ thống giáo dục đại học bằng cách tập trung hoá việc xây dựng chính sách và quản trị

Đáp ứng cải cách

Chính phủ đã ban hành một bộ chính sách nhằm quy định nhiệm vụ cũng như thúc đẩy đổi mới và phát triển về quy mô. Chính phủ cũng giao những trách nhiệm đặc biệt cho trường Đại học Nazarbayev, là một trường mới, định hướng nghiên cứu và quốc tế hoá: đó là tổ chức đào tạo cho vài trăm thành viên Hội đồng quản trị và Ban điều hành của các trường đại học. Trong khi các trường công lập khác không có quyền phê duyệt ngân sách, quyết định học phí, bổ nhiệm/miễn nhiệm hiệu trưởng; không có quyền quyết định về chính sách tuyển dụng nhân sự (giảng viên, cản bộ quản lý), về chính sách tuyển sinh, mở ngành mới; thì trái lại Đại học Nazarbayev được phép hoàn toàn tự chủ đối với những vấn đề kể trên. Trường Nazarbayev có cấu trúc quản trị theo kiểu chia sẻ chức năng và có trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm quản trị với các trường khác thông qua đào tạo và truyền thông.

Khác với Đại học Nazarbayev, các trường đại học còn lại không có được quyền tự chủ dù ở mức độ ít nhất. Các nhà hoạch định chính sách dễ dàng nói nhiều về tự chủ đại học trong quản trị và chương trình đào tạo, nhưng ít đề cập đến tự chủ về tài chính và bổ nhiệm/miễn nhiệm lãnh đạo trường. Trong những lần hiếm hoi đề cập đến đề tài này, một số người lo ngại rằng Hội đồng trường không thể phát huy tiềm lực của mình nếu Bộ vẫn giữ quyền bổ nhiệm/miễn nhiệm hiệu trưởng. Những người khác nêu ra vấn đề về nền tảng văn hóa của quản trị giáo dục, sự cần thiết có những thay đổi trong luật, trong quy định nhà nước để tạo hành lang cho cải cách.

Nhìn chung cộng đồng giáo dục đại học háo hức về ý tưởng tự chủ và quản trị đại học theo kiểu doanh nghiệp, nhưng họ cũng dè dặt về tính khả thi cũng như tiến trình hiện thực ý tưởng. Có người còn tiên đoán về một cuộc chiến tranh dành quyền lực giữa phe bảo thủ và phe cải cách, chưa kể phản kháng của các hiệu trưởng không chịu từ bỏ chức vụ của mình.

Kết luận

Từ khi giành được độc lập, chính phủ Kazakhstan đã nỗ lực hiện đại hoá và quốc tế hoá hệ thống giáo dục đại học bằng cách tập trung hoá việc xây dựng chính sách và quản trị. Tuy nhiên cả thế giới đều thừa nhận rằng muốn thành công trong thế kỷ 21, đại học cần được tự chủ. Những bài học của Kazakhstan nhằm nỗ lực phân quyền, phi tập trung hoá để giao quyền tự chủ cho đại học sẽ rất có ích cho những quốc gia có hoàn cảnh kinh tế – xã hội tương tự, thuộc Liên Xô cũ.

Trách nhiệm giới hạn: Bài viết này là một nội dung của dự án nghiên cứu “Thúc đẩy áp dụng các mô hình thực tế tốt nhất về quản trị đại học tại các trường đại học Kazakhstan”. Dự án được tài trợ một phần bởi Đại học Nazarbayev bằng nguồn tiền của Bộ Giáo dục và Khoa học. Bài viết trình bày ý kiến riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của nhà tài trợ.