Cải cách hay là chết: Thế lưỡng nan của giáo dục đại học ở Nam Sudan

David Malual W.Kuany

David Malual W.Kuany là trưởng khoa Sư phạm trường Đại học khoa học và công nghệ John Garang, bang Jonglei, Nam Sudan. Mới đây, ông được nhân học bổng Mandela Washington tại Cambridge College, Massachusetts và trường Đại học quốc tế Florida, Hoa kỳ. Email: malualwuor@yahoo.com

Khi Nam Sudan giành được độc lập từ Sudan năm 2011, đã có hy vọng rằng giáo dục đại học và nền giáo dục nói chung sẽ đứng đầu danh sách ưu tiên trong chi tiêu quốc gia. Tuy nhiên, lĩnh vực giáo dục đã mất đi tầm quan trọng khi hai bộ giáo dục đại học và giáo dục phổ thông hợp nhất để tạo thành Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ hiện tại. Ngân sách bị cắt giảm như một phần chính sách thắt lưng buộc bụng của quốc gia, nhân viên bị sắp xếp lại và các phòng ban bị đổi tên. Vấn đề này còn trở nên tồi tệ hơn khi đất nước bước vào một cuộc chiến điên rồ ngày 15 tháng 12 năm 2013, các trường đại học công bị ảnh hưởng nặng nề, sinh viên, giảng viên và nhân viên bị di dời, tài sản bị phá hủy. Hiện tại, vào những thời điểm nhất định, ban quản trị trường đại học bị đối đầu với câu hỏi liệu có nên đóng cửa hay là tiếp tục mở cửa các trường đại học. Bài viết này phân tích những thách thức cơ bản mà các tổ chức giáo dục đại học ở Nam Sudan phải đối mặt, với hy vọng rằng thỏa thuận hòa bình gần đây giữa chính phủ và phiến quân sẽ mang tính bền vững và đưa ra được những giải pháp xác thực.

Bức tranh về giáo dục đại học

Nam Sudan, quốc gia trẻ tuổi nhất thế giới có tất cả 6 trường đại học. Năm trong số đó là đại học công lập trong khi chỉ có một trường tư. Ba vị trí quản lý hàng đầu của trường đại học do Tổng thống bổ nhiệm. Mỗi trường có 1 hiệu trưởng và 2 hiệu phó về học thuật và về quản trị và tài chính. Chỉ một trong 5 trường có nữ hiệu trưởng. Tại thời điểm của bài viết, tổng số sinh viên trong tất cả các trường đại học ước tính khoảng 25-30 ngàn.

Thách thức

Thách thức quan trọng nhất đối với giáo dục đại học ở Nam Sudan là cái vòng luẩn quẩn của sự bất ổn ở cả ngoại ô và trung tâm của đất nước. Bốn trong 5 trường đại học công lập đặt ở những bang dễ bị phiến quân hoặc những cộng đồng địa phương đang trong tình trạng xung đột tấn công. Kết quả là rất nhiều giảng viên nước ngoài có trình độ cao đã rời các trường đại học trở về nước hoặc tìm kiếm việc làm trong các tổ chức quốc tế phi chính phủ. Chính vì sự bất ổn và việc gián đoạn trong quá trình học tập, nhiều sinh viên đã rời khỏi đất nước để nhập học tại những quốc gia láng giềng như Uganda, Kenya, Ethiopia hay Sudan. Một số sinh viên và nhân viên, những người từng bị thương trong các cuộc tấn công đẫm máu, rất sợ trở lại trường và do đó đã gián đoạn việc học hoặc bỏ học hoàn toàn. Tuy nhiên, thỏa thuận hòa bình mới được ký kết ở Juba có thể giúp vượt qua nỗi sợ hãi tình trạng bất ổn này.

Chảy máu chất xám và tài chính công

Một số giảng viên giỏi trong nước đã rời bỏ Nam Sudan để tị nạn ở nước khác tìm nơi cư trú tốt hơn. Trước tháng 7 năm 2015, giảng viên đại học ở Nam Sudan nhận mức lương thấp hơn 35% so với các đồng nghiệp của họ ở Đông Phi, điều này dẫn tới việc chảy máu chất xám. Nền giáo dục quốc gia khuyến khích những người được hưởng lợi đền đáp lại cho đất nước bằng cách phục vụ cộng đồng trong lĩnh vực chuyên môn tương ứng của mình. Nhưng cũng có thể thỏa hiệp nếu những người này muốn làm việc ở nơi khác. Rút cuộc là thiếu giảng viên ở các trường đại học công lập, do đó tỷ lệ sinh viên trên mỗi giảng viên là rất lớn.

Chính phủ trả lương cho nhân viên và giảng viên các trường đại học công lập nhưng rất thấp. Không có quỹ dành cho xây dựng hay bảo trì cơ sở hạ tầng, cho nghiên cứu, tổ chức thi cử và xây dựng ký túc xá sinh viên. Trước thực tế này, các trường đại học đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Cho đến nay chưa trường đại học nào làm như vậy, nhưng những kỳ nghỉ kéo dài không hiếm và đang phá vỡ nghiêm trọng quy trình học tập. Sự trì hoãn gây thất vọng và làm tăng thêm nhu cầu cải thiện điều kiện làm việc.

Nhu cầu về công nghệ và thị trường lao động

Như những quốc gia đang phát triển khác, nhu cầu của sinh viên theo học ngày nay ở các trường đại học ở Nam Sudan đang là một thách thức khó giải quyết đối với giới học thuật và quản lý trường đại học. Sinh viên cần giảng đường có các thiết bị giáo dục hiện đại, điều hòa không khí, điện áp ổn định và các phương tiện tới trường. Sinh viên dễ cảm thấy khó chịu khi thiếu điều kiện học tập thuận lợi. Giáo viên cũng phải đối mặt với những thách thức lớn, thiếu các thiết bị tiêu chuẩn lẫn kiến thức sử dụng nguồn tài nguyên kỹ thuật số.

Mục đích chính của giáo dục là nâng cao kỹ năng và giá trị để các cá nhân hòa hợp với xã hội và tham gia lao động để kiếm sống. Thị trường lao động hiện tại đòi hỏi sự hiểu biết thấu đáo về công nghệ hiện đại, tính linh hoạt, tính sáng tạo và trí tuệ xã hội. Như đã nói, việc không có đủ công cụ công nghệ có thể làm cho sinh viên đại học mất cơ hội học các kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động, kết quả là sự không phù hợp về năng lực và thất nghiệp.

Thách thức quan trọng nhất đối với giáo dục đại học ở Nam Sudan là cái vòng luẩn quẩn của sự bất ổn ở cả ngoại ô và trung tâm của đất nước

Các trường đại học nước ngoài và giáo dục xuyên quốc gia

Sự gia tăng số lượng các tổ chức tư nhân về giáo dục sau trung học tại những quốc gia láng giềng như Kenya, Uganda, Ethiopia và Sudan phản ánh một sự cạnh tranh khốc liệt cho các sinh viên trong khu vực. Điều thu hút những người Nam Sudan tới các trường đại học nước ngoài có thể là do môi trường học tập tốt hơn, thời gian học tập, chương trình giảng dạy, trình độ công nghệ, mức sống cao hơn với chi phí thấp, cơ chế hỗ trợ sinh viên đầy đủ, và sự đa dạng của các sinh viên – tạo ra những cơ hội có một không hai cho việc giao lưu quốc tế. Những điều kiện này thúc đẩy các sinh viên vượt qua các biên giới để tìm kiếm những điều kiện giáo dục tốt hơn. Những sinh viên có xu hướng tìm đến những trường đại học nước ngoài nơi mà họ chắc chắn sẽ tốt nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định, với những tiêu chuẩn tốt hơn so với những trường đại học trong nước.

Kết luận

Mặc dù giáo dục đại học ở Nam Sudan đối mặt với những thách thức to lớn, nhưng nó đang đi đúng hướng. Từ năm 2013, ngày càng nhiều giảng viên và nhân viên Nam Sudan tham gia giảng dạy và học tập ở những trường đại học nước ngoài để phát triển năng lực. Nếu trở về nước, họ sẽ cung cấp nhiều bí quyết cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục. Thỏa thuận hòa bình mới đạt được – nếu như bền vững – sẽ cung cấp những cách thức cho việc trao đổi sinh viên quốc tế giữa các trường đại học, cải thiện thiết bị học tập, gia tăng số lượng sinh viên, đặc biệt là sinh viên nữ và những nguồn lực đầu tư vào giáo dục.