Xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong giáo dục đại học Nhật Bản

Keiichiro Yoshinaga

Keiichiro Yoshinaga là Giáo sư về chính sách giáo dục đại học tại Viện Khoa học và Giáo dục khai phóng, Đại học Kanazawa, Nhật Bản. Email: yoshinaga@staff.kanazawa-u.ac.jp. 

Khi bước vào giai đoạn phổ cập, giáo dục đại học Nhật Bản đang trải qua một loạt thay đổi. Thứ nhất là việc thay thế các môn mang tính chất học thuật bằng các môn học nghề, thứ hai là sự chuyển đổi từ kỳ thi tuyển sinh viết sang hình thức xét tuyển hồ sơ năng lực, và thứ ba là sự nổi lên của quản lý chuyên nghiệp thay vì hình thức kiểm soát của giảng viên. Những thay đổi này, được thúc đẩy bởi nhu cầu về sinh viên quốc tế do số lượng sinh viên trong nước đang giảm sút và đây cũng là thách thức đối với những quan niệm truyền thống về giáo dục đại học.

Cùng với sự suy giảm số lượng học sinh trung học, nghề nghiệp hóa giáo dục là một vấn đề lớn trong giáo dục đại học ở Nhật Bản. Vấn đề này là một chủ đề nóng đang diễn ra trên toàn cầu, và trường hợp của Nhật Bản là một dẫn chứng cụ thể. Sinh viên ngày càng quan tâm đến việc học các môn học mang tính thực tiễn, có mối liên hệ trực tiếp với thị trường lao động, hơn là các môn mang tính chất học thuật, nuôi dưỡng trí tò mò học thuật và rèn luyện tinh thần. Xu hướng này đặc biệt xảy ra chủ yếu ở sinh viên quốc tế tại Nhật Bản, những người tập trung vào khoa học xã hội và kỹ thuật (xem kết quả khảo sát JASSO 2022).

Ngày nay, các trường đại học tư thục, nơi vốn đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn các trường đại học công lập, đang bổ sung các trường chuyên về đào tạo công nghệ thông tin, khoa học thể thao, khoa học sức khỏe, khoa học thực phẩm, quản trị kinh doanh, phát triển cộng đồng và du lịch vào chương trình đại học của họ. Đi trước xu hướng này, Bộ Giáo dục (MEXT) đã giới thiệu “giáo sư thực hành” vào năm 2003, thay thế thành tích học tập bằng kinh nghiệm làm việc. Họ đã hoạt động tích cực trong các trường đào tạo sau đại học chuyên nghiệp và hiện đang chuyển sang giáo dục đại học.

Sự phổ biến của giáo dục đại học nghề

Các công ty Nhật Bản theo truyền thống thường thờ ơ với giáo dục đại học, ngoại trừ trong các lĩnh vực có tính chuyên môn cao. Điều này là do quá trình đào tạo trong doanh nghiệp từng rất nghiêm ngặt trong suốt sự nghiệp của từng cá nhân do hệ thống tuyển dụng trọn đời. Các công ty thường sàng lọc ứng viên bằng tên trường đại học của họ, chứ không phải bằng các môn học mà họ đã học. Điều này là do các ngành công nghiệp đã thay đổi hoạt động kinh doanh theo xu hướng công nghiệp và coi trọng năng khiếu hơn là chuyên môn. Kết quả là, sinh viên ít chú ý đến các môn học mà họ đã học, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học nhân văn và khoa học xã hội. Tình hình hiện đang thay đổi nhanh chóng, khi tầm quan trọng của chuyên môn tại nơi làm việc ngày càng gia tăng và các công ty có ít nguồn lực để đào tạo nhân viên.

Vì tỷ lệ theo học đại học ở Nhật Bản đã vượt quá 50%, nên việc chuyên nghiệp hóa giáo dục đại học không phải là điều khó hiểu. Điều này là do các trường đại học tư thục, vốn đã góp phần mở rộng cơ hội giáo dục đại học và chiếm 80% giáo dục đại học của đất nước, sẽ có thể dễ dàng thực hiện quá trình chuyên nghiệp hóa hơn các trường đại học công lập. Theo thống kê của MEXT, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học làm việc chuyên nghiệp là 30% vào năm 1990 và 40% vào năm 2023. Những con số này tương ứng với sự gia tăng của ngành khoa học thông tin, khoa học sức khỏe và khoa học thể thao. Sự gia tăng này có thể do thực tế là sinh viên tốt nghiệp đại học tư thục quan tâm hơn đến việc làm trong những ngành nêu trên. Các trường dạy nghề (trong tiếng Nhật gọi là “senmon gakkō”) và các trường cao đẳng cơ sở từng dạy các môn học thực hành và chuẩn bị cho sinh viên thi lấy bằng quốc gia. Giờ đây, họ đang mất sinh viên vào các trường đại học và cố gắng lấp đầy chỗ trống của họ bằng những người lớn tuổi nhận trợ cấp thất nghiệp từ chính phủ.

Giáo dục đại học nghề chuyên sâu và quản lý đại học

Giáo dục đại học nghề chuyên sâu có ba hệ quả. Một là sự suy giảm của các trường đại học theo hướng khai phóng nơi ít tập trung hơn vào kỹ năng nghề nghiệp. Một ví dụ về các cơ sở bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi giáo dục nghề chuyên sâu là trường nữ sinh, thường có quy mô nhỏ, theo truyền thống tập trung vào nội dung nhân văn. Các trường này từng khá phổ biến khi tỷ lệ theo học đại học còn thấp, việc thụ đắc các ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh là một lợi thế và tấm bằng đại học được coi là sự chứng nhận về sự tinh tế văn hóa gắn liền với khía cạnh hôn nhân. Tuy nhiên đây lại là môi trường chỉ gồm nữ sinh, quy mô nhỏ và định hướng học thuật cũng thường kém hấp dẫn với đối tượng là học sinh trung học hiện đại. Ngày nay, một số cơ sở này đang cố gắng chuyển đổi từ trường mang tính chất khai phóng thành các trường đại học có tính tổng hợp bao gồm các môn học nghề như quản trị kinh doanh, khoa học dữ liệu, thiết kế, kiến trúc và kinh tế gia đình. Một số trường trong đó đã phải đóng cửa do số lượng tuyển sinh thấp.

Một hệ quả khác là sự suy giảm của các trường đại học quốc gia nằm ngoài các khu vực đô thị. Các trường này gặp khó khăn trong việc thu hút đủ số lượng sinh viên cho các chuyên ngành học thuật, không giống với các trường đại học quốc gia hàng đầu, nơi đào tạo ra những lao động có nền tảng học thuật. Ngoài ra các trường đại học nằm ở ngoại ô khó có thể chuyển sang mô hình giáo dục nghề nghiệp chuyên sâu do các yếu tố liên quan đến cấu trúc chương trình giảng dạy, nguồn lực hạn chế – điều này thường ít xảy ra hơn đối với các trường đại học tư thục. Thay vào đó, các trường đại học quốc gia nằm tại các thành phố nhỏ lại tăng số lượng chương trình liên ngành bằng cách hợp nhất các chương trình hiện có. Các trường này chịu ảnh hưởng bởi sự tập trung sinh viên đại học ở khu vực đô thị, đặc biệt là khu vực đô thị Tokyo, nơi chiếm 40% lượng sinh viên theo học đại học. Các trường đại học tư thục lớn ở khu vực đô thị đang thu hút nhiều sinh viên từ khắp cả nước bằng cung cấp chương trình học mang tính thực tiễn và tạo ra nhiều cơ hội phát triển các kỹ năng xã hội và nghề nghiệp bên ngoài trường do ưu thế về vị trí địa lý của họ. Mạng lưới cựu học sinh, sinh viên cũng là một lợi thế của các trường đại học tư thục lớn.

Một hệ quả nữa của giáo dục đại học nghề chuyên sâu là sự suy giảm quyền tự quyết của giáo viên, giảng viên. Vì việc hợp nhất và thành lập các trường mới phụ thuộc vào quyết định của các nhà quản lý, nên giảng viên giảng dạy các môn học thuật đang ở thế phòng thủ. Vấn đề này liên quan đến việc các quyết định đóng cửa trường đại học thường được đưa ra theo cách thức từ trên xuống. Hơn nữa, các giáo sư liên quan đến thực hành đã quen với phong cách quản lý của công ty và thờ ơ với việc tự quyết, điều vốn từng khá phổ biến trong quá khứ. Do đó, hệ thống quản trị đại học đang chuyển từ sự thống trị của giảng viên sang các nhà quản lý chuyên nghiệp và ban quản trị. Việc phân công lại lao động giữa các giảng viên cũng đang được tiến hành, với các nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu và hành chính được giao cho các chuyên gia có liên quan.

Từ những giả định học thuật cũ đến thực tế mới

Xu hướng của Nhật Bản tuân theo 3 giai đoạn phát triển giáo dục đại học của Martin Trow. Khi chuyển từ giai đoạn tinh hoa sang giai đoạn phổ cập, chương trình giảng dạy thay đổi từ tò mò trí tuệ sang tiện ích thương mại, hoặc từ các môn học thuật sang các môn học thực hành. Mối quan tâm hiện nay đối với chương trình giảng dạy được tiêu chuẩn hóa, các mô-đun và kết quả học tập rõ ràng phù hợp hơn với giáo dục nghề. Trọng tâm cũng đang chuyển từ đặc quyền của giảng viên sang nhu cầu của sinh viên.

Sự chuyển đổi của giáo dục đại học Nhật Bản không giống như giáo dục đại học Bắc Mỹ hay châu Âu. Trước đây, các cơ sở công lập đã góp phần mở rộng cơ hội giáo dục đại học bằng cách cung cấp các môn học nghề, và sau này, một lộ trình học thuật được tách biệt rõ ràng với lộ trình nghề nghiệp trong giáo dục trung học. Trong giáo dục đại học Nhật Bản, các trường đại học tư thục rất nhạy bén trong việc cung cấp nền giáo dục đáp ứng nhu cầu thị trường.

Vấn đề giáo học đại học nghề nghiệp chuyên sâu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giáo dục trung học. Cho đến gần đây, học sinh trung học Nhật Bản đã dành rất nhiều năng lượng để chuẩn bị cho các kỳ thi tuyển sinh. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay là phân biệt giữa các trường đại học. Các trường đại học quốc gia truyền thống, chẳng hạn như các trường Đại học Hoàng gia cũ, tiếp tục tập trung vào các kỳ thi tuyển sinh bằng hình thức thi viết, trong khi các trường đại học tư thục ở thành thị tập trung vào lựa chọn hồ sơ năng lực trung học, và các trường đại học tư thục địa phương hầu như tuyển sinh mở. Các trường đại học quốc gia bên ngoài các khu vực đô thị lớn đang phải vật lộn để chuyển đổi từ kỳ thi viết sang xét tuyển hồ sơ năng lực.

Sự lan rộng của giáo dục đại học nghề nghiệp chuyên sâu đang thay đổi bối cảnh giáo dục đại học ở Nhật Bản. Để thu hút học sinh trung học và sinh viên quốc tế, không chỉ cần chất lượng giáo dục và hiệu quả nghiên cứu tốt hơn mà còn cần các chiến lược tiếp thị mới. Quản trị đại học hiện đã vượt ra ngoài phạm vi của nghề nghiệp học thuật, và việc hợp nhất các chương trình hiện có và lập kế hoạch cho các chương trình mới đang chuyển sang tay của các nhà quản lý chuyên nghiệp.