Nirved Kumar và Debananda Misra
Nirved Kumar là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên ngành Đổi mới và Quản lý giáo dục tại Trung tâm Đổi mới Giáo dục Ravi J. Matthai, Viện Quản lý Ấn Độ, Ahmedabad, Ấn Độ. Email: phd20nirvedk@iima.ac.in. X: @Nirved_k
Debananda Misra là Trợ lý Giáo sư tại Trường Chính sách Công, Viện Công nghệ Ấn Độ Delhi, Ấn Độ. Ông cũng là Phó Giáo sư danh dự tại Viện Thịnh vượng Toàn cầu, University College London, Vương quốc Anh, và là Cộng tác viên của Trung tâm Nghiên cứu Đổi mới, Đại học Lund, Thụy Điển. Email: debananda@berkeley.edu. X: @debmisra
Các quốc gia thuộc Nam bán cầu vốn đang “xuất khẩu” một lượng lớn sinh viên ra nước ngoài du học. Ngày càng có nhiều trường đại học nước ngoài muốn mở rộng quy mô hoạt động quốc tế sang các nước Nam bán cầu, bao gồm các hoạt động như nghiên cứu, gắn kết cộng đồng và hợp tác chính phủ. Lấy trường hợp của Ấn Độ làm ví dụ, chúng ta sẽ khám phá một phương thức quốc tế hóa mới ở Nam bán cầu, bằng cách thành lập “trung tâm quốc tế” tại các quốc gia sở tại. Chúng ta sẽ thảo luận về lý do vì sao các trung tâm như vậy đang hoạt động khá hiệu quả.
Các trường đại học nói chung luôn có khát vọng toàn cầu, luôn tìm cách mở rộng sang các quốc gia khác, tiếp cận sinh viên bản địa và thực hiện giảng dạy, nghiên cứu gắn liền với bối cảnh địa phương. Mặc dù các quốc gia thuộc Nam bán cầu là những địa điểm chính để có thể tuyển sinh viên quốc tế, nhưng có khá ít các trường đại học muốn mở rộng phạm vi hoạt động bằng cách cung cấp các chương trình giáo dục tại các quốc gia sở tại thông qua các cơ sở chi nhánh (ví dụ: Đại học Monash ở Malaysia và Đại học New York ở Abu Dhabi là một trong những số đó). Tại Ấn Độ, mặc dù quy định cho phép các trường đại học nước ngoài thành lập cơ sở chỉ được thông qua vào năm 2023, nhưng các trường đại học nước ngoài đã thực sự hiện diện từ sớm bằng cách thành lập các “trung tâm quốc tế”, mặc dù không tập trung vào giảng dạy mà tập trung vào nghiên cứu và các hoạt động liên quan. Các trung tâm quốc tế đang ngày càng trở nên phổ biến như một phương tiện để quốc tế hóa và hợp tác với các quốc gia thuộc Nam bán cầu. Ví dụ: Đại học Chicago có các trung tâm ở Bắc Kinh, Hồng Kông, New Delhi và Paris. Các trung tâm này cho phép các trường đại học nước ngoài hòa nhập vào các quốc gia sở tại và theo đuổi các chương trình nghị sự đa dạng trong khi vẫn có thể tránh được vấn đề pháp lý của giáo dục đại học. Có một số điều kiện giải thích tại sao các trung tâm quốc tế có thể được mở ra và khiến chúng có thể hoạt động hiệu quả ở Ấn Độ.
Trung tâm quốc tế của các trường đại học nước ngoài tại Ấn Độ
Trước quy định năm 2023 cho phép các trường đại học nước ngoài thành lập cơ sở tại Ấn Độ, họ đã duy trì “sự hiện diện” tại quốc gia này thông qua việc thành lập các trung tâm quốc tế. Trái ngược với các trung tâm nghiên cứu của Ấn Độ hoặc các quốc gia Nam Á khác được đặt tại các trường đại học nước ngoài, các trung tâm quốc tế có không gian và nguồn lực vật chất tại Ấn Độ, một số trong số đó thậm chí còn được đăng ký như các thực thể độc lập. Một trong những trung tâm quốc tế đầu tiên ở Ấn Độ là Viện Nghiên cứu Cao cấp về Ấn Độ (Advanced Study of India), do Đại học Pennsylvania thành lập năm 1997. Hiện có khoảng 20 trường đại học nước ngoài có trung tâm tại Ấn Độ, mặc dù họ sử dụng danh pháp khác nhau để đặt tên cho các trường. Chúng bao gồm các trung tâm các trường đại học Bắc Âu, Đại học Cornell, Đại học Columbia, Đại học Indiana, Đại học Harvard, Đại học Cambridge và Đại học Chicago. Bên cạnh đó, một số trường đại học nước ngoài hoạt động tại Ấn Độ thông qua quan hệ đối tác với các trường đại học Ấn Độ như Học viện Nghiên cứu IIT Bombay – Monash University và Đại học Queensland – IIT Delhi. Hơn nữa, một số trung tâm như J-PAL Nam Á của Viện Công nghệ Massachusetts và Trung tâm Kinh tế Hòa nhập Ấn Độ của Đại học Yale hoạt động trong các trường đại học tại đây.
Các trung tâm quốc tế được thành lập nhằm mục đích tăng khả năng hiện diện của trường đại học mẹ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác nghiên cứu, thường trong các lĩnh vực có chuyên đề cụ thể và hợp tác với chính quyền địa phương hay hợp tác quốc gia. Mặc dù các trung tâm không thể cung cấp các chương trình có cấp bằng, nhưng họ hoạt động trên một loạt các lĩnh vực liên quan đến học thuật, chẳng hạn như thu thập và phân tích dữ liệu của các dự án nghiên cứu, xuất bản nghiên cứu và các chương trình đào tạo, và các hoạt động phi học thuật, chẳng hạn như liên lạc, tư vấn và vận động. Tùy thuộc vào cơ cấu pháp lý, các trung tâm có thể gây quỹ ở Ấn Độ và nhận tài trợ từ các cơ quan quốc tế hay từ trường đại học mẹ. Trong hầu hết các trường hợp, các trung tâm có đội ngũ quản lý và nghiên cứu được tuyển dụng tại địa phương, trong khi các giảng viên và lãnh đạo của trường đại học mẹ duy trì giám sát và tham gia tùy thuộc vào từng nhiệm vụ, hoạt động và kế hoạch chung.
Động lực để thành lập trung tâm quốc tế
Kể từ cuối thế kỷ XX, sinh viên Ấn Độ đã chiếm một phần lớn trong cộng đồng người Ấn Độ ở nước ngoài tại các trường đại học nước ngoài. Nhiều sinh viên trong số này đã trở về Ấn Độ, dẫn đến việc có một số lượng cựu du học sinh lớn của các trường đại học nước ngoài tại Ấn Độ. Ví dụ: Câu lạc bộ cựu sinh viên Trường Kinh doanh Harvard (Harvard Business School) có hơn 2.800 thành viên đến từ Ấn Độ, với nhiều thành viên hiện đang nắm giữ các chức vụ quan trọng. Những cựu sinh viên này luôn muốn mang một phần trường đại học của họ đến tham gia vào Ấn Độ. Trung tâm Đại học Chicago ở Delhi (The University of Chicago Center in Delhi) được khởi xướng bởi nhóm cựu sinh viên của trường, những người đã trở thành đại sứ của trường đại học ở Ấn Độ. Tương tự như vậy, Viện Tata Cornell (Tata Cornell Institute) được thành lập tại Ấn Độ với khoản quyên góp 25 triệu USD của Ratan Tata, cựu sinh viên Đại học Cornell khóa năm 1962.
Một động lực khác để thành lập các trung tâm quốc tế là mong muốn mở rộng quy mô và sự đa dạng hóa nghiên cứu của các trường đại học nước ngoài. Ấn Độ cung cấp các cơ hội nghiên cứu độc đáo và một trung tâm có thể cho phép thực hiện chương trình nghị sự nghiên cứu của các giảng viên quan tâm đến các nghiên cứu đó. Trung tâm J-PAL Nam Á (The J-PAL South Asia) ở Ấn Độ, được thành lập vào năm 2007, hoạt động như một nền tảng thử nghiệm cho các giảng viên MIT quan tâm đến việc nghiên cứu Ấn Độ và trung tâm hỗ trợ họ bằng nguồn lực để vượt qua những thách thức khi thực hiện các nghiên cứu ở vùng đất chưa được khám phá. Các trung tâm đóng vai trò như một trại căn cứ hay điểm liên lạc – một cộng tác viên, người hỗ trợ và điều kiện cho trường đại học nước ngoài ở Ấn Độ – tham gia giúp đỡ các giảng viên trong việc khởi xướng các dự án thí điểm và tiến hành nghiên cứu.
Động lực quan trọng khác để thành lập các trung tâm là sự nhấn mạnh về mặt chính trị vào hợp tác nghiên cứu song phương, do vị thế đang ngày càng được nâng cao của Ấn Độ trên trường quốc tế cũng như nhu cầu nỗ lực hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu. Một số khoản tài trợ của chính phủ ở Úc, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh được cung cấp chung với các cơ quan tài trợ của Ấn Độ, với một số yêu cầu phải có đối tác Ấn Độ. Tương tự, các tổ chức toàn cầu tài trợ cho nghiên cứu đã tăng cường đầu tư và tập trung vào Ấn Độ. Các trung tâm quốc tế hoạt động như một phương tiện để xác định và tận dụng những cơ hội này cho trường đại học gốc của họ.
Các yếu tố của nước sở tại ảnh hưởng đến trung tâm quốc tế
Một số yếu tố khiến Ấn Độ trở thành điểm đến hấp dẫn của các trung tâm quốc tế.
Đầu tiên, Ấn Độ ngày càng có nhiều chính sách thúc đẩy các trường đại học quốc tế hóa và nâng cao vị thế của họ trong bảng xếp hạng toàn cầu. Chính phủ đã đưa ra một số kế hoạch hỗ trợ các chuyến thăm của giảng viên nước ngoài và tiến hành các nghiên cứu hợp tác với các trường đại học nước ngoài. Các trường đại học và giảng viên ở Ấn Độ hiện đang tích cực tìm kiếm sự hợp tác với các trường đại học nước ngoài được tạo điều kiện thuận lợi bởi các trung tâm quốc tế.
Điều kiện thứ hai liên quan đến con đường, sự nghiệp của sinh viên tốt nghiệp ở Ấn Độ. Có một sự thiếu hụt cho các vị trí định hướng nghiên cứu cho sinh viên tốt nghiệp có bằng thạc sĩ và tiến sĩ, đặc biệt là trong các ngành khoa học xã hội. Các trung tâm quốc tế hoạt động như một “điểm dừng chân” hoàn hảo cho những sinh viên này để tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu, phát triển mạng lưới và chuyển tiếp sang các chương trình tiến sĩ hoặc sau tiến sĩ tại các trường đại học nước ngoài.
Thứ ba, có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, đủ tiêu chuẩn, điều mà các trường đại học nước ngoài tìm kiếm để lãnh đạo và quản lý các trung tâm hay dự án. Các nhân viên trung tâm hỗ trợ xử lý các thách thức trong hoạt động, chẳng hạn như xử lý các khoản tài trợ nghiên cứu, rào cản ngôn ngữ và tuân thủ các vấn đề pháp lý, còn trường đại học mẹ duy trì sự giám sát trong khi các học giả của họ vẫn tập trung vào các hoạt động trí óc.
Tương lai của trung tâm quốc tế tại Ấn Độ
Các trung tâm quốc tế đã trở thành một phương thức nổi bật để các trường đại học ở các nước đang phát triển khu vực Nam bán cầu hội nhập quốc tế thông qua các hoạt động nghiên cứu, tiếp cận cộng đồng và vận động chính sách. Các trung tâm ở Ấn Độ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng dấu ấn trí tuệ của trường đại học mẹ và đồng sáng tạo ra các giải pháp thông qua hợp tác và quan hệ đối tác.
Quy định năm 2023 cho phép các trường đại học nước ngoài thành lập cơ sở tại Ấn Độ có ý nghĩa đối với các trung tâm quốc tế. Nhiều trường đại học nước ngoài ở Ấn Độ có thể tạo ra một môi trường thuận lợi cho các trung tâm bằng cách mở ra các cơ hội hợp tác và tăng khả năng cạnh tranh. Với sự nhấn mạnh vào nghiên cứu và tiếp cận cộng đồng, các trung tâm quốc tế có thể tạo ra một vị thế khác biệt. Trong khi các cơ sở chi nhánh có thể tập trung vào giảng dạy và xây dựng năng lực ở các quốc gia sở tại bằng cách thuê giảng viên trong nước, thì các trung tâm quốc tế có thể tập trung vào nghiên cứu và tiếp cận cộng đồng thông qua chuyên môn của giảng viên và cựu sinh viên của trường đại học mẹ.
Đối với các trường đại học đã có trung tâm quốc tế tại Ấn Độ, quy định này mang đến cơ hội mở rộng bằng cách thành lập cơ sở chi nhánh – một bước tiến tự nhiên của các trung tâm này. Một cơ sở chi nhánh có thể giúp giải quyết một số thách thức của trung tâm quốc tế, đặc biệt là về tính hợp pháp và khả năng tài chính bền vững.