Johannes Wetzinger
Johannes Wetzinger là Điều phối viên các dự án của EU và Giảng viên tại Đại học Khoa học Ứng dụng BFI Vienna, Áo. E-mail: johannes.wetzinger@fh-vie.ac.at.
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Dự án Xây dựng Năng lực Erasmus+ trong Giáo dục Đại học “Thúc đẩy các phương pháp tiếp cận sáng tạo và kỹ năng kinh doanh cho sinh viên thông qua việc tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở Trung Á” (TRIGGER) đã được tài trợ với sự hỗ trợ của Ủy ban châu Âu. Ấn phẩm này chỉ phản ánh quan điểm của tác giả và Ủy ban không chịu trách nhiệm cho bất kỳ việc sử dụng nào đối với thông tin trong đó. Số hiệu dự án: 617309-EPP-1-2020-1-SK-EPPKA2-CBHE-JP.
Kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, hệ thống giáo dục đại học của Tajikistan đã trải qua quá trình chuyển đổi với sự mở rộng về số lượng trường đại học cũng như sự gia tăng về số lượng sinh viên. Bên cạnh đó, Tajikistan đã có những bước tiến để phù hợp với một số xu hướng trong Khu vực Giáo dục Đại học châu Âu, mặc dù họ khó có khả năng trở thành thành viên của tổ chức này. Tuy nhiên, những khó khăn liên quan đến khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên tốt nghiệp và tình trạng di cư của giới trẻ là những trở ngại lớn đối với tương lai của hệ thống giáo dục đại học do nhà nước kiểm soát.
Tajikistan là một trường hợp thú vị để khám phá sự giao thoa giữa các ảnh hưởng trong nước và quốc tế đối với hệ thống giáo dục đại học ở các quốc gia hậu Xô Viết. Hệ thống giáo dục đại học của Tajikistan chịu ảnh hưởng bởi hàng loạt các yếu tố lịch sử, chính trị và kinh tế phức tạp. Các cơ sở giáo dục đại học chính thức đầu tiên ở quốc gia Trung Á này được thành lập trong thời kỳ Xô Viết, và giáo dục đại học gắn liền với nhu cầu của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, môi trường của hệ thống giáo dục đại học đã thay đổi hoàn toàn. Tajikistan đã trải qua một cuộc nội chiến (1992-1997) và một cuộc khủng hoảng kinh tế – những sự kiện này cũng tạo ra những hoàn cảnh khó khăn cho cả hệ thống cũng như cho các cơ sở giáo dục đại học tại đây. Đồng thời, việc Tajikistan trở thành một quốc gia độc lập mới cũng dẫn đến những yêu cầu mới đối với hệ thống giáo dục đại học. Bài viết sẽ trình bày những phát triển tiêu biểu của hệ thống giáo dục đại học Tajikistan trong thời kỳ hậu Xô Viết.
Mở rộng hệ thống giáo dục đại học
Đầu tiên, khi phân tích quỹ đạo phát triển của hệ thống giáo dục đại học Tajikistan, có thể thấy sự mở rộng và đa dạng hóa đáng kể trong lĩnh vực này. Theo dữ liệu do cơ quan thống kê quốc gia (TAJSTAT) cung cấp, trong năm học 1991 – 1992, có 13 cơ sở giáo dục đại học (Higher education institutions – HEIs) ở nước cộng hòa Trung Á này. Trong ba thập kỷ tiếp theo, đã có một sự mở rộng đáng kể và trong năm học 2021 – 2022, TAJSTAT đã ghi nhận 41 HEIs. Hơn nữa, các chương trình đào tạo cũng được sửa đổi, chẳng hạn như trong lĩnh vực kinh doanh và kinh tế. Tuy nhiên, một điểm khác biệt so với nhiều nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác là Tajikistan không có giáo dục đại học tư nhân. Với “Luật Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp” (1993), các HEIs tư nhân được phép tham gia thị trường nhưng một thập kỷ sau đó đã diễn ra sự chuyển dịch ra khỏi hệ thống giáo dục đại học tư nhân. Tóm lại, hệ thống giáo dục đại học hiện nay được đặc trưng bởi sự kiểm soát của các cơ quan nhà nước, một đặc điểm cũng được phản ánh trong các cơ chế quản trị ở cấp hệ thống và cấp cơ sở. Theo dữ liệu của TAJSTAT năm 2021 – 2022, ngôn ngữ giảng dạy chính tại các HEIs là tiếng Tajik (81,3%), tiếp theo là tiếng Nga (16,8%).
Vấn đề thứ hai trong hệ thống giáo dục đại học của Tajikistan liên quan đến số lượng sinh viên nhập học. Con số này đã tăng hơn gấp 3 lần kể từ khi độc lập. Theo TAJSTAT, trong năm học 1991 – 1992, cả nước có 69.300 sinh viên. Sau giai đoạn tăng trưởng cao trong những năm 2000, có 239.500 sinh viên đã theo học tại Tajikistan trong năm học 2021 – 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập học đại học (Gross Enrollment Ratio – GER) vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia hậu Xô Viết khác. Viện Thống kê UNESCO đã công bố kết quả báo cáo tỷ lệ GER là 31,1% đối với Tajikistan vào năm 2017 (năm gần đây nhất có thể thu thập được dữ liệu). Ngoài ra, trong những năm gần đây, các HEIs đã phải vật lộn với những khó khăn ngày càng tăng trong việc tuyển sinh. Theo các phương tiện truyền thông địa phương, số lượng sinh viên nhập học vẫn thấp hơn so với kỳ vọng trong các năm học 2022 – 2023 và 2023 – 2024. Sự phát triển này được giải thích là do số lượng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông giảm sút, tình trạng di cư của người trẻ tuổi từ Tajikistan gia tăng và các quy định thay đổi liên quan đến nghĩa vụ quân sự.
Hướng tới Tiến trình Bologna?
Việc sinh viên tốt nghiệp đại học chuyển tiếp sang thị trường lao động vẫn là một thách thức ở Tajikistan. Các nghiên cứu đã chỉ ra nhiều yếu tố cơ bản, chẳng hạn như sự không phù hợp về kỹ năng giữa trình độ của sinh viên tốt nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động; những trở ngại liên quan đến chương trình đào tạo (ví dụ: nội dung chương trình giảng dạy, phương pháp sư phạm, nguồn lực sẵn có tại các HEIs) và các điều kiện khó khăn trên thị trường lao động (ví dụ: thiếu việc làm phù hợp, lương thấp). Do đó, nhiều sinh viên tốt nghiệp không thể tìm được việc làm trong lĩnh vực thuộc chuyên môn của mình. Những điều kiện khó khăn này đã thúc đẩy tình trạng di cư và chảy máu chất xám. Sự không phù hợp về kỹ năng liên quan cũng được xác định trong trong dự án Xây dựng Năng lực Erasmus+ trong Giáo dục Đại học TRIGGER (2021 – 2024). Dự án tập trung vào các biện pháp thiết thực để hỗ trợ giáo dục tinh thần kinh doanh và khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên tốt nghiệp ở khu vực Trung Á, với sự tham gia của các HEIs từ các khu vực khác nhau ở Tajikistan cũng như Kazakhstan và Uzbekistan.
Cuối cùng, hệ thống giáo dục đại học của Tajikistan chịu ảnh hưởng của Tiến trình Bologna và Khu vực Giáo dục Đại học châu Âu (European Higher Education Area EHEA) được Liên minh châu Âu thúc đẩy. Mặc dù Tajikistan không phải là thành viên của Tiến trình Bologna và EHEA, nhưng nước này đã tuyên bố một định hướng châu Âu trong chính sách giáo dục đại học của mình. Nước này đã thực hiện các cải cách cơ cấu theo hướng hệ thống ba bậc: cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ cũng như áp dụng Hệ thống chuyển đổi và tích lũy tín chỉ châu Âu (European Credit Transfer and Accumulation System – ECTS). Chiến lược Phát triển Giáo dục Quốc gia của nước Cộng hòa Tajikistan cho giai đoạn đến năm 2030 nhằm mục đích thúc đẩy “hội nhập vào môi trường giáo dục đại học châu Âu” và đề cập đến Tiến trình Bologna nhiều lần. Tài liệu chính sách năm 2020 quy định rằng “chính phủ nước Cộng hòa Tajikistan hiện đang tích cực theo đuổi việc tham gia Tuyên bố Bologna”. Liên minh châu Âu đã hỗ trợ các cải cách giáo dục đại học có liên quan ở Tajikistan thông qua các chương trình tài trợ như Tempus và Xây dựng Năng lực Erasmus+ trong Giáo dục Đại học, dẫn đến sự hợp tác giữa các HEIs từ Liên minh châu Âu và Tajikistan. Tuy nhiên, việc áp dụng các nguyên tắc Bologna ở Tajikistan vẫn diễn ra không đồng đều và triển vọng trở thành thành viên EHEA còn khá mơ hồ.
Câu hỏi cho tương lai
Tóm lại, tổng quan ngắn gọn này cho thấy hệ thống giáo dục đại học của Tajikistan đã chịu ảnh hưởng bởi một tập hợp các yếu tố trong nước và quốc tế. Trường hợp của nước cộng hòa Trung Á này thể hiện một điều rằng, hệ thống giáo dục đại học không thể được xem xét tách biệt khỏi môi trường của nó. Những phát triển gần đây cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng cho tương lai của hệ thống giáo dục đại học. Ví dụ, trong vấn đề đối nội, vẫn còn phải xem xét hệ thống giáo dục đại học do nhà nước kiểm soát sẽ có thể đối phó như thế nào với áp lực ngày càng gia tăng của việc tuyển sinh, chảy máu chất xám và những khó khăn trong mối quan hệ giữa giáo dục đại học và thế giới việc làm. Về mặt đối ngoại, câu hỏi đặt ra là liệu Tajikistan có tiếp tục theo đuổi chính sách xích lại gần Tiến trình Bologna và EHEA hay không. Nga – theo truyền thống là một điểm tham chiếu quan trọng cho hệ thống giáo dục đại học của Tajikistan – đã bị đình chỉ khỏi EHEA vào năm 2022 sau cuộc xung đột với Ukraine và tuyên bố ý định rời khỏi Tiến trình Bologna. Theo thời gian, điều này cũng có thể làm giảm sự quan tâm của Tajikistan đối với Tiến trình Bologna.
Hơn nữa, các giá trị của EHEA ví dụ như tự do học thuật và quyền tự chủ của cơ sở bị hạn chế ở Tajikistan, như được báo cáo trong Chỉ số Tự do Học thuật (Academic Freedom Index) năm 2023. Điều này cho thấy những hạn chế của định hướng đã tuyên bố đối với Tiến trình Bologna và tác động của chính trị trong nước đối với hệ thống giáo dục đại học. Ở cấp độ quốc tế, Tajikistan tìm cách tăng cường quan hệ với các cường quốc như Nga và Trung Quốc – các khu vực nằm ngoài ngoài EHEA, tức là với các quốc gia đang đặt mục tiêu tăng cường ảnh hưởng của họ ở Trung Á và đang cạnh tranh với các tác nhân quốc tế khác, chẳng hạn như Liên minh châu Âu. Sự cạnh tranh quốc tế gia tăng giữa các cường quốc trong những năm gần đây đã làm trầm trọng thêm tình trạng chính trị hóa của hợp tác giáo dục đại học.