Sae Shimauchi và Akiyoshi Yonezawa
Sae Shimauchi là Phó Giáo sư tại Trung tâm Quốc tế của Tokyo Metropolitan University, Nhật Bản. E-mail: sae@tmu.ac.jp.
Akiyoshi Yonezawa là Giáo sư và Phó Giám đốc Văn phòng Chiến lược Quốc tế của Đại học Tohoku, Sendai, Nhật Bản. E-mail: akiyoshi.yonezawa.a4@tohoku.ac.jp.
Các chương trình khai phóng quốc tế ở Nhật Bản và Hàn Quốc đang đối mặt với thách thức trong việc kết hợp nền giáo dục lấy cảm hứng từ phương Tây vào bản sắc dân tộc với nền tảng ngôn ngữ phi tiếng Anh. Bất chấp xu hướng toàn cầu của họ, hình ảnh quốc gia vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình bản chất nội sinh của động lực giáo dục khai phóng bằng tiếng Anh ở Nhật Bản và Hàn Quốc ở cả quy mô tổ chức và cá nhân.
Trong bối cảnh bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng, cả người sử dụng lao động và sinh viên đều yêu cầu giáo dục đại học phải liên kết trực tiếp với kiến thức và kỹ năng liên quan đến công việc để đảm bảo khả năng có việc làm. Tại Hoa Kỳ, các trường khai phóng đôi khi bị chỉ trích vì bản chất tinh hoa của chúng. Tuy nhiên, ở Đông Á, giáo dục khai phóng, đặc biệt là được giảng dạy bằng tiếng Anh, gần đây đã trở nên nổi bật, với mức độ chấp nhận khác nhau ở từng quốc gia. Ý nghĩa xã hội, ý nghĩa tư tưởng và các vấn đề liên quan đến giáo dục khai phóng bằng tiếng Anh ở Đông Á là gì? Có sự đa dạng lớn trong các ý tưởng và hình thức giáo dục khai phóng ở Đông Á, và một số hoàn toàn khác với phương thức này ở Bắc Mỹ, đặc biệt là ở Trung Quốc. Nhật Bản và Hàn Quốc có những đặc điểm riêng trong sự phát triển giáo dục khai phóng với tư cách là những quốc gia không nói tiếng Anh, tiên tiến về kinh tế với mối quan hệ ngoại giao lâu dài và chặt chẽ với Hoa Kỳ. Trong ba thập kỷ qua, cả hai quốc gia đều đã tích cực áp dụng giáo dục khai phóng với phương tiện giảng dạy bằng tiếng Anh, trong khi các chương trình này vẫn còn khá nhỏ bé so với bản sắc ngôn ngữ dân tộc mạnh mẽ. Chúng đại diện cho cách các cơ sở giáo dục đại học và chính phủ ứng phó với dòng chảy kiến thức toàn cầu và sự thống trị của tiếng Anh trong thế giới học thuật, nhưng sự chấp nhận và phát triển của chúng khá khác nhau, tùy theo bối cảnh quốc gia tương ứng của họ.
“Khai phóng Quốc tế” ở Hàn Quốc và Nhật Bản
Được xem xét trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục đại học, giáo dục khai phóng đương đại thúc đẩy các kỹ năng và kiến thức toàn diện, chuẩn bị cho người học trở thành công dân toàn cầu với tư duy và kỹ năng cần thiết để ứng phó với một xã hội phức tạp, đa dạng và thay đổi nhanh chóng. Hầu hết các “trường khai phóng quốc tế” ở Nhật Bản và Hàn Quốc đều được mô phỏng theo các trường khai phóng Bắc Mỹ, kết hợp triết lý và lịch sử của họ.
Giáo dục khai phóng quốc tế ở Nhật Bản và Hàn Quốc được mở rộng bởi thực tế nó không chỉ là khai phóng mà là “khai phóng quốc tế”, được giảng dạy bằng tiếng Anh. Trên thực tế, điều này có nghĩa là khó khăn trong việc học bằng tiếng Anh có thể được khắc phục bằng mức độ chuyên môn hóa tương đối nông. Về mặt tư tưởng, khái niệm khai phóng và giáo dục toàn diện con người phù hợp với khái niệm phát triển nguồn nhân lực quốc gia, vốn nhấn mạnh các kỹ năng chung. Các chương trình giáo dục khai phóng quốc tế được cung cấp bởi ít hơn 10% tổng số các trường đại học ở cả hai quốc gia trên. Điểm chung của Nhật Bản và Hàn Quốc – cả hai đều có hệ thống giáo dục đại học đa dạng và phân cấp – là việc cung cấp các trường khai phóng quốc tế phổ biến ở các cơ sở tinh hoa. Giáo dục khai phóng quốc tế ở những quốc gia này đã đặt ra những thách thức cơ bản đối với bản chất của mối quan hệ sinh viên – giảng viên và cách thức tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảng dạy trên lớp. Những điều này trái ngược với các hình thức giảng dạy truyền thống và bối cảnh giới trong các trường đại học tinh hoa và bán tinh hoa, đặc trưng bởi cách giảng dạy một chiều của các giáo sư, mối quan hệ thứ bậc nghiêm ngặt giữa giảng viên và sinh viên, và sự mất cân bằng giới tính do căng thẳng về tính đồng nhất văn hóa. Nếu xem xét kỹ lưỡng, chúng ta cũng có thể quan sát thấy sự khác biệt của các trường khai phóng quốc tế giữa 2 quốc gia này.
Ở Hàn Quốc, “khai phóng” không được coi là môn học cạnh tranh cho sự phát triển nghề nghiệp của sinh viên, và chuyên ngành kép về các khóa học thực hành như kinh tế hoặc khoa học máy tính phổ biến nhất tại các trường khai phóng quốc tế. Sinh viên Hàn Quốc thích phát triển các kỹ năng và kiến thức chuyên môn của mình và thường tham gia các khóa học giảng dạy bằng tiếng Anh do các khoa khác cung cấp; các trường quốc tế cũng khuyến khích sinh viên của họ làm như vậy. Sức hấp dẫn của các chương trình quốc tế thường nằm ở việc đạt được kỹ năng tiếng Anh hơn là các nghiên cứu khai phóng và liên ngành. “Cơn sốt tiếng Anh” đã ăn sâu vào Hàn Quốc, với cơ cấu kinh tế phụ thuộc vào thương mại và sự chênh lệch giữa các công ty toàn cầu và địa phương, đồng thời cũng liên quan chặt chẽ đến việc tập trung vào thi cử và tái tạo giai cấp xã hội. Du học tại Hoa Kỳ và các quốc gia nói tiếng Anh khác và lấy bằng cấp tại đây mang lại giá trị quan trọng cho cả ngành công nghiệp và học thuật ở Hàn Quốc, và việc cung cấp khai phóng quốc tế phù hợp với mô hình đó.
Mặt khác, Nhật Bản đã có thể tự cung cấp nguồn sản xuất tri thức. Kể từ cuộc Duy tân Minh Trị năm 1868, Nhật Bản đã phát triển truyền thống học thuật của mình bằng cách nhập khẩu và bắt kịp kiến thức, khoa học phương Tây thông qua việc dịch sang tiếng Nhật. Những bản dịch này đã cho phép nhiều học giả Nhật Bản tiếp cận các nghiên cứu tiên tiến từ nước ngoài bằng ngôn ngữ bản địa. Dân số đông đảo với hơn 120 triệu người nói tiếng Nhật của đất nước đã giúp duy trì một hệ thống học thuật bằng tiếng Nhật. Đồng thời, nhu cầu về tiếng Anh ở Nhật Bản không cao như ở Hàn Quốc, và sự quan tâm đến tiếng Anh và quốc tế hóa vẫn là đặc quyền của giới tinh hoa và một số ít người theo chủ nghĩa thế giới trong một cộng đồng học thuật cực kỳ mất cân bằng, nơi phần lớn bao gồm nhiều sinh viên hướng nội và dành cả cuộc đời của họ ở Nhật Bản. Kết quả là, những sinh viên có khát vọng quốc tế đăng ký vào các trường khai phóng quốc tế tại các trường đại học Nhật Bản có xu hướng nghiên cứu nhiều ngành học thuật mà không có chuyên môn rõ ràng liên quan trực tiếp đến chuyên môn nghề nghiệp cụ thể. Các công ty Nhật Bản thường tuyển dụng sinh viên dựa trên tính cách và cam kết hơn là kỹ năng chuyên môn, vì vậy sinh viên Nhật Bản không làm việc chăm chỉ để đạt được những “thông số kỹ thuật” ví dụ như chuyên môn, trình độ và kỹ năng ngôn ngữ như sinh viên Hàn Quốc. Các công ty hàng đầu ở Nhật Bản đang tăng cường tuyển dụng để thu hẹp khoảng cách giữa thế giới kinh doanh toàn cầu (dựa trên tiếng Anh) và cộng đồng kinh doanh Nhật Bản (bằng ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản), ở một mức độ nào đó, điều này vẫn bảo tồn truyền thống thăng tiến nghề nghiệp nội bộ với đào tạo nội địa. Học tập trong một chương trình khai phóng quốc tế thường được thị trường đánh giá cao về mặt phát triển các kỹ năng chung.
Vẻ ngoài toàn cầu, nhưng kết nối quốc gia được bảo tồn
Các trường khai phóng quốc tế, giảng dạy bằng tiếng Anh nhưng được thiết kế và cung cấp bởi các sáng kiến của các nước chủ nhà Đông Á, hướng đến phương Tây và “châu Á tinh hoa” là thị trường chính cho sinh viên quốc tế.
Tuy nhiên, hai câu hỏi sau đây được đặt ra: Tại sao sinh viên quốc tế tìm kiếm các trường khai phóng bằng tiếng Anh ở Nhật Bản và Hàn Quốc thay vì ở các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ? Tại sao Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc hỗ trợ và thúc đẩy việc cung cấp giáo dục khai phóng quốc tế bằng tiếng Anh cho sinh viên quốc tế? Câu trả lời là các trường quốc tế cũng đóng vai trò là nơi để sinh viên quốc tế tìm hiểu về Nhật Bản và Hàn Quốc hoặc theo đuổi các nghiên cứu liên quan đến Nhật Bản và Hàn Quốc trong bối cảnh quốc gia tương ứng của họ.
Các trường khai phóng ở Nhật Bản và Hàn Quốc có thể mang tính chất xuyên quốc gia, quốc tế, toàn cầu, hoặc thậm chí bao hàm tất cả các yếu tố trên; tuy nhiên, về cơ bản chúng cũng mang tính dân tộc chủ nghĩa và lấy quốc gia làm trung tâm. Sức hấp dẫn đặc biệt của Nhật Bản hoặc Hàn Quốc đối với các trường khai phóng chỉ có thể được thể hiện trong bối cảnh của chính những quốc gia này. Các trường khai phóng được phiên dịch thành kiến thức toàn cầu được trình bày cho những người học. Điều này có nghĩa là việc cung cấp các nghiên cứu về Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, cho phép sinh viên nghiên cứu về Nhật Bản và Hàn Quốc bằng tiếng Anh bên cạnh các kỹ năng ngôn ngữ Nhật Bản và Hàn Quốc. Các chương trình như vậy cũng nhằm mục đích phát triển nguồn nhân lực của quốc gia bằng cách trang bị cho sinh viên trong nước kỹ năng tiếng Anh và các kỹ năng chuyển giao khác, đồng thời giúp họ có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. Quốc tế hóa giáo dục đại học ở Nhật Bản và Hàn Quốc, dường như đang đi theo xu hướng quốc tế hóa và xuyên quốc gia, phù hợp với định hướng quốc gia nhằm tìm cách nuôi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động vì lợi ích của đất nước mình, cũng như những người yêu thích Nhật Bản và người nước ngoài ủng hộ Hàn Quốc với định hướng quốc tế.