Đẩy mạnh tầm ảnh hưởng trong khu vực: Nỗ lực của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Qatar

Edmund Adam và Neil Adam

Edmund Adam là Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Khoa Giáo dục, Đại học York, Canada. Email: eadam@yorku.ca.  

Neil Adam là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Khoa Kinh tế, Đại học Toronto, Canada. Email: neil.adam@mail.utoronto.ca.

Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đang tăng cường tập trung vào các trung tâm giáo dục quốc tế để thúc đẩy vai trò lãnh đạo khu vực và thể hiện sức mạnh mềm ở Trung Đông và Bắc Phi (MENA). Nhận thấy bối cảnh địa chính trị thuận lợi, hai quốc gia này đang đặt mục tiêu tăng cường tầm ảnh hưởng thông qua giáo dục. Tuy nhiên, khả năng hỗ trợ cho mục tiêu lãnh đạo khu vực của các trung tâm giáo dục có thể bị giảm sút do sự bảo thủ trong thiết kế tổ chức và các rủi ro về tính bền vững.

Các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council – GCC) – Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) – đang trải qua những thay đổi to lớn. Đi cùng với sự thay đổi này là cách các quốc gia này nhìn nhận vai trò của quốc tế hóa trong giáo dục đại học. Điều này thể hiện rõ nét nhất qua những tuyên bố về các trung tâm giáo dục quốc tế ở Qatar và UAE. Nghiên cứu gần đây của chúng tôi, dựa trên các tài liệu chính sách và dữ liệu văn bản từ hai quốc gia này, cho thấy một sự chuyển dịch trọng tâm. Trước đây, các trung tâm giáo dục được xem là nơi xây dựng năng lực, nhưng giờ đây, chúng được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao vị thế của Qatar và UAE trong khu vực, đồng thời giúp hai nước thể hiện sức mạnh mềm trên trường quốc tế.

Những sự thay đổi chính

Phân tích của chúng tôi đã phát hiện ra bốn chủ đề liên quan đến các trung tâm giáo dục: 1) nền kinh tế tri thức, 2) phát triển quốc gia, 3) thị trường giáo dục và 4) lãnh đạo khu vực. Ba chủ đề đầu tiên đã được nhiều nghiên cứu trước đây về các trung tâm giáo dục ở Qatar và UAE đề cập đến. Các trung tâm này được xem như đối trọng với các trường đại học phương Tây, thu hút sinh viên quốc tế bằng chất lượng đào tạo và uy tín. Nhờ chiến lược quảng bá rộng rãi, các trung tâm này đã tạo ra một thị trường giáo dục hấp dẫn. Bên cạnh đó, với vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học quốc gia, chúng giúp giảm chi phí du học cho sinh viên. Tuy nhiên, mục tiêu chính của các trung tâm này vẫn là ươm mầm tri thức, đào tạo nhân tài, và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần chuyển đổi nền kinh tế từ dựa vào dầu mỏ sang dựa vào tri thức, hướng tới phát triển bền vững.

Tuy nhiên, chủ đề thứ tư – lãnh đạo khu vực – là một chủ đề mới nổi, nhận được sự quan tâm ngày càng tăng trong những năm gần đây. Điều này cũng dễ hiểu bởi cả Qatar và UAE đều nhấn mạnh mục tiêu trở thành trung tâm tri thức của khu vực trong các chiến lược phát triển dài hạn của mình (ví dụ: Tầm nhìn Quốc gia Qatar 2030, Chương trình nghị sự kinh tế Dubai D33). Đáng chú ý là hầu hết các nước GCC đều có kế hoạch phát triển tương tự (ví dụ: Tầm nhìn Ả Rập Xê Út 2030, Tầm nhìn Kuwait 2035), tập trung vào đa dạng hóa nền kinh tế. Giáo dục đại học được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự gắn kết kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, không quốc gia nào trong số đó ưu tiên vai trò lãnh đạo khu vực thông qua giáo dục như Qatar và UAE. Theo đánh giá của chúng tôi, động lực thúc đẩy hai nước này theo đuổi mục tiêu này xuất phát từ bối cảnh địa chính trị thuận lợi, khuyến khích họ tập trung vào việc trở thành trung tâm sản xuất và khai thác tri thức của khu vực.

Bối cảnh khu vực

Một yếu tố quan trọng để hiểu cách hai quốc gia này nhìn nhận các trung tâm giáo dục (và giáo dục đại học nói chung) là sự thay đổi các ưu tiên chiến lược trong GCC theo hướng tập trung vào phát triển bền vững. Nhận thức được rằng sự thịnh vượng từ dầu mỏ có thể không bền vững trong bối cảnh thế giới đang chuyển dịch sang nền kinh tế tri thức, các chính phủ trong khu vực đang nỗ lực hết sức để đa dạng hóa nền kinh tế. Điều này càng nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục đại học trong việc đạt được mục tiêu phát triển đó.

Địa chính trị thúc đẩy động lực lãnh đạo

Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng và triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA), các trung tâm giáo dục và quốc tế hóa nổi lên như những vũ khí cạnh tranh giữa Qatar và UAE. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng thành công của dự án đầy tham vọng trở thành “trung tâm tri thức khu vực”.

Mặc dù nhiều bất ổn trong khu vực MENA có thể gây ảnh hưởng đến các tổ chức giáo dục, sáu quốc gia GCC vẫn là những khu vực ổn định nhất. Theo Ngân hàng Thế giới và Economist Intelligence Unit, các nước GCC tiếp tục cho thấy những dấu hiệu tích cực với tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực. Điều này có nghĩa là, dòng vốn đầu tư sẽ tiếp tục đổ vào các lĩnh vực phi năng lượng như giáo dục, phù hợp với chiến lược đa dạng hóa nền kinh tế của các quốc gia này. Thứ hai, nhu cầu về giáo dục đại học ở GCC có thể sẽ tăng lên do tăng trưởng dân số và số lượng sinh viên từ các nước láng giềng gặp bất ổn chính trị. Điển hình là gần đây, nhiều sinh viên từ Sudan và Ukraine đã tìm kiếm cơ hội học tập tại Qatar và UAE. Hai quốc gia này đã chủ động thay đổi chính sách để giúp các trường đại học đáp ứng những nhu cầu nêu trên.

Một diễn biến địa chính trị khác là Ả Rập Xê Út, Qatar và UAE (và các nước GCC khác) đang tìm cách tận dụng cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ, định vị mình là trung tâm trong kế hoạch hậu cần của hai cường quốc này. Họ vừa tăng cường quan hệ với Trung Quốc bằng cách trở thành các điểm nút quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, vừa ký kết Hành lang Kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – Châu Âu (The India – Middle East – Europe Economic Corridor – IMEC) do Hoa Kỳ dẫn đầu, kết nối Liên minh Châu Âu và Ấn Độ thông qua khu vực GCC. Nếu không bị gián đoạn, IMEC sẽ củng cố vai trò lãnh đạo của các nước GCC, biến họ thành trung tâm kết nối khu vực. Điều này sẽ giúp họ thu hút nhân tài từ Trung Quốc, Ấn Độ, và cả khu vực MENA. Câu hỏi đặt ra là tại sao Ả Rập Xê Út, quốc gia có hệ thống giáo dục đại học lớn nhất, lại không theo đuổi vai trò lãnh đạo như Qatar và UAE? Mặc dù Ả Rập Xê Út có đủ nguồn lực để làm điều này, nhưng họ lại chậm thay đổi các quy định về bảo trợ sinh viên và các vấn đề liên quan như chỗ ở, việc làm bán thời gian và sau đại học. Ngoài ra, thương hiệu của các trường đại học phương Tây tại Qatar và UAE cũng là một yếu tố thu hút sinh viên quốc tế. Chính những yếu tố này đã mang lại cho Qatar và UAE lợi thế cạnh tranh trong việc tuyển dụng sinh viên.

Những thách thức phía trước

Chúng tôi cho rằng mục tiêu lãnh đạo khu vực về giáo dục sẽ phải đối mặt với hai thách thức chính. Thứ nhất là thách thức về mặt tổ chức. Cụ thể, hầu hết các chương trình đào tạo hiện nay, đặc biệt là ở bậc đại học, đều tập trung vào các lĩnh vực truyền thống. Điều này khiến sinh viên quan tâm đến các lĩnh vực mới nổi khó có thể đáp ứng được nhu cầu học tập của mình. Mặc dù vấn đề này nằm ngoài phạm vi của bài báo, nhưng việc thiếu tập trung vào tính liên ngành có thể làm giảm khả năng dẫn dắt và giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực, vốn thường mang tính chất liên ngành. Thách thức thứ hai là tính bền vững. Do các trung tâm giáo dục chủ yếu bao gồm các trường đại học nước ngoài nên mô hình này dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động chính trị. Quyết định gần đây của Đại học Texas A&M về việc đóng cửa cơ sở tại Qatar là một ví dụ điển hình. Vì vậy, Qatar và UAE cần phải xem xét kỹ lưỡng không chỉ về thiết kế tổ chức của các trung tâm giáo dục mà còn về tính bền vững trong quá trình theo đuổi mục tiêu lãnh đạo khu vực.