Chuyển đổi chính trị sinh viên ở châu Phi

Thierry M. Luescher

Thierry M. Luescher là Trưởng nhóm chiến lược về Giáo dục công bằng tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Nhân văn, và là Giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Nghiên cứu phê bình về chuyển đổi Giáo dục Đại học, Đại học Nelson Mandela, Port Elizabeth, Nam Phi. E-mail: tluescher@hsrc.ac.za.

Bài viết này dựa trên Luescher, T. M. (2024). Chính trị Sinh viên ở châu Phi trong tThế kỷ Hai Mươi Mốt. Trong M. Klemenčič (Ed.). Sổ tay Bloomsbury về Chính trị và Đại diện Sinh viên trong Giáo dục Đại học (tr. 116-128). Luân Đôn: Bloomsbury Academic. https://www.bloomsburycollections.com/encyclopedia-chapter?docid=b-9781350376007&tocid=b-9781350376007-chapter19.

Vì giáo dục đại học ở châu Phi đang mở rộng nhanh chóng, nên hoạt động chính trị sinh viên phải đối mặt với những thực tiễn mới và trải qua những thay đổi sâu sắc. Có thể quan sát thấy điều này trong sự thay đổi đặc điểm chính trị của các hội đồng và tổ chức sinh viên, thay đổi vai trò đại diện sinh viên trong việc quản trị các trường đại học châu Phi, thay đổi công nghệ tạo điều kiện cho sự thay đổi trong các phương thức hoạt động chính trị của sinh viên và một diễn ngôn chính trị sinh viên mới về giáo dục đại học ở châu Phi và Nam bán cầu.

Hoạt động chính trị sinh viên ở châu Phi đã trải qua những biến đổi đáng kể trong thế kỷ XXI. Diễn biến đáng chú ý nhất thúc đẩy những thay đổi này là sự mở rộng ồ ạt và nhanh chóng của giáo dục đại học trên khắp châu Phi, đặc biệt là ở vùng châu Phi cận Sahara. Sự mở rộng này đã dẫn đến việc đại chúng hóa giáo dục đại học ở cấp độ thể chế và hệ thống tại nhiều quốc gia, đi kèm theo việc tư nhân hóa và phân hóa rộng rãi của giáo dục đại học.

Do đó, các hội sinh viên không chỉ tăng về số lượng mà còn trở nên đa dạng và phân mảnh hơn, với khả năng tiếp cận lớn hơn cho các nhóm vốn bị thiệt thòi như phụ nữ, thanh niên nông thôn và thanh niên từ những nền tảng kinh tế xã hội thấp hơn. Sự gia tăng này dẫn tới một số thách thức, bao gồm áp lực lên cơ sở hạ tầng và nhân viên, hạn chế về tài nguyên và nhu cầu điều chỉnh về văn hóa và học thuật để đáp ứng tính đa dạng lớn hơn.

Hoạt động chính trị sinh viên ở châu Phi đã phải đối mặt với tất cả những thay đổi này, đòi hỏi sự đầu tư lớn cho hoạt động chính trị sinh viên để giải quyết những bất bình đẳng cũ và mới. Các vấn đề chính bao gồm khả năng tiếp cận giáo dục đại học, tài trợ và hỗ trợ tài chính cho sinh viên, nhà ở, giảng dạy và học tập, và văn hóa trường học. Do đó, việc tự tổ chức và quyền chủ động của sinh viên đã thay đổi đáng kể.

Để phân tích hoạt động chính trị sinh viên ở châu Phi, chúng tôi đã sử dụng một khung khái niệm ban đầu được phát triển bởi Philip G. Altbach trong nghiên cứu của ông về phong trào sinh viên trong thế kỷ XX. Trong khi đó, nền tảng thực nghiệm của phân tích này đến từ hai bài đánh giá tài liệu học thuật có tính hệ thống về chính trị sinh viên ở châu Phi mà tôi đã thực hiện vào năm 2005 và 2022. Hai đánh giá này cung cấp chất liệu để tổng hợp các điểm liên tục và gián đoạn rõ ràng trong chính trị sinh viên trên khắp châu Phi trong thế kỷ XXI.

Thay đổi môi trường chính trị quốc gia và phát triển kinh tế xã hội

Vào đầu thiên niên kỷ, hoạt động chính trị sinh viên châu Phi đã đụng độ với những sự phát triển bắt nguồn từ “giải phóng châu Phi lần thứ hai”: tự do hóa chính trị, đa đảng, tăng trưởng kinh tế và những thay đổi xã hội ở quy mô lớn. Ngoài ra, những tiến bộ công nghệ toàn cầu, chẳng hạn như Internet và điện thoại di động, đã cho phép các xã hội châu Phi nhảy vọt vào kỷ nguyên kỹ thuật số. Hai thập kỷ qua cũng chứng kiến sự tăng trưởng bao trùm, đô thị hóa và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu thành thị, tất cả đều có tác động đáng kể đến giáo dục đại học.

Khi tính hợp pháp của các hệ thống chính trị quốc gia tăng lên, vai trò của sinh viên như một lực lượng đối lập ngoài Nghị viện đã giảm đi, tích hợp những sinh viên có đầu óc chính trị vào các hệ thống đa đảng quốc gia. Sự tích hợp này đã có tác động mâu thuẫn đến chính trị sinh viên châu Phi.

Mở rộng và cơ cấu tổ chức giáo dục đại học

Sự mở rộng nhanh chóng và đại chúng hóa giáo dục đại học ở châu Phi đã đi kèm việc tư nhân hóa, với sự phát triển của các nhà cung cấp giáo dục đại học tư nhân và sự gia tăng tuyển sinh “tư nhân” (tự túc kinh phí) trong các tổ chức công lập. Một bối cảnh hỗn tạp hơn về thể chế đã xuất hiện: Bên cạnh các trường đại học quốc gia danh tiếng trước đây, các trường cao đẳng tư nhân (dạy nghề và tôn giáo), các cơ sở chi nhánh của các trường đại học quốc tế, và các trường cao đẳng và bách khoa công lập mới mọc lên như nấm. Sự không đồng nhất này có những ảnh hưởng khác nhau đến chính trị sinh viên, thường dẫn đến sự phân mảnh trong các hội sinh viên và cơ cấu đại diện sinh viên, và làm dịu bớt hoạt động chính trị, đặc biệt là tại các trường tư.

Chuyển đổi và phân mảnh dân số sinh viên

Do đó, việc mở rộng tuyển sinh đã có cả tác động tích cực và tiêu cực. Mặc dù giải quyết các bất bình đẳng như khoảng cách về giới và tăng khả năng tiếp cận cho thanh niên nghèo và nông thôn, nhưng điều đó cũng dẫn đến việc trải nghiệm sinh viên bị chia rẽ, đặc biệt là giữa sinh viên được chính phủ tài trợ và sinh viên tự túc. Sự phân mảnh này đã ảnh hưởng đến sự đại diện của sinh viên và các hoạt động chính trị, với các trường như Đại học Makerere ở Uganda đang chứng kiến sự phân chia cấu trúc trong chế độ sinh viên tự quản lý. Trong trường hợp này của Nam Phi, người ta cho rằng “chủ nghĩa phúc lợi” hiện là một yếu tố quan trọng trong chính trị sinh viên, cả về khía cạnh yêu cầu mà sinh viên đưa ra, lẫn khía cạnh tiếp cận khách hàng mà lãnh đạo các trường đại học đang áp dụng để dập tắt các cuộc biểu tình.

Đặc điểm chính trị của chế độ sinh viên tự quản lý và tổ chức sinh viên

Phù hợp với dự đoán của Irungu Munene vào đầu thiên niên kỷ, chính trị sinh viên châu Phi đã thay đổi trong hai thập kỷ qua theo ba cách chính: 1) Sự tái lập vai trò của phong trào sinh viên trong chính trị quốc gia, 2) Tăng cường đại diện sinh viên được thể chế hóa, và 3) Vai trò trung tâm của các đảng phái chính trị quốc gia. Các nhà lãnh đạo sinh viên đã tự đặt mình vào chính trị đa đảng với mục tiêu tìm kiếm nguồn lực, mạng lưới và triển vọng nghề nghiệp, trong khi các đảng phái chính trị tìm đến các nhà lãnh đạo sinh viên để lấy uy tín và tuyển dụng một thế hệ chính trị gia mới. Ảnh hưởng của các đảng phái chính trị quốc gia đối với các nhà lãnh đạo sinh viên đã tạo ra nhiều thách thức cho các trường đại học và chính phủ, và thường gây ra tình trạng chia rẽ trong khuôn viên trường đại học, mà không liên quan gì đến giáo dục đại học.

Vai trò của đại diện sinh viên trong quản trị đại học

Hơn nữa, sự xuất hiện của các trường đại học định hướng thị trường không làm giảm phong trào sinh viên mà đã thay đổi bản chất của nó. Một mặt, chính trị sinh viên mang tính đảng phái hơn và hòa nhập vào hệ thống chính trị quốc gia. Mặt khác, diễn ngôn mới của những người theo chủ nghĩa tiêu dùng trong giáo dục đại học ở châu Phi đã cổ vũ một bản sắc sinh viên mang tính cá nhân và kinh doanh hơn. Tác động của diễn ngôn tiêu dùng đối với chính trị sinh viên có thể được hiểu bằng cách đặt quan niệm sinh viên như “khách hàng” trong giáo dục đại học cạnh các quan niệm trước đây như “công dân”, “thành viên của cộng đồng học thuật” hoặc “các bên liên quan”. Do đó, sự tham gia của sinh viên với tư cách là khách hàng vào chính trị quốc gia rõ ràng không có ý nghĩa. Trong khi đó, sinh viên với tư cách là khách hàng sẽ dễ dàng hơn để được đưa vào những lĩnh vực mà ở đó đại diện sinh viên có thể dẫn đến thông tin tốt hơn cho các nhà quản lý để cải thiện hiệu quả hoạt động của tổ chức (ví dụ: trong các quy trình đảm bảo chất lượng). Do đó, ngoài hoạt động sinh viên truyền thống, định hướng công bằng xã hội, một hình thức hoạt động kinh doanh mới đã xuất hiện, trong đó mỗi hoạt động ứng phó khác nhau với bối cảnh giáo dục đại học đang thay đổi.

Công nghệ, các phương thức phản đối và cơ quan chính trị của sinh viên

Một đặc điểm khác biệt của chính trị sinh viên châu Phi gần đây là việc áp dụng các phương pháp phản đối có sử dụng đến công nghệ. Các phong trào như Rhodes Must Fall và #FeesMustFall ở Nam Phi là ví dụ điển hình về cách sinh viên sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội để tăng cường đáng kể hoạt động chính trị của mình. Động lực trực tuyến – ngoại tuyến mới đã tạo điều kiện cho tính xuyên suốt trong chính trị sinh viên châu Phi, một điều chưa từng thấy kể từ các phong trào chống thực dân và phân biệt chủng tộc của thế kỷ XX. Nó đã dẫn đến các yêu cầu “phải phá bỏ” vang dội rộng rãi trên khắp châu Phi và hơn thế nữa, đến các tổ chức như Đại học Oxford và Đại học Harvard.

Thay đổi diễn ngôn chính trị sinh viên

Diễn ngôn chính trị mới của sinh viên châu Phi phát sinh trực tiếp từ những thay đổi quy mô lớn được mô tả ở trên và trải nghiệm đa dạng của sinh viên về sự không công bằng, bạo lực và bất công. Ở Nam Phi, “chủ nghĩa phá bỏ” trở thành tên gọi cho hệ tư tưởng chính trị sinh viên mới dựa trên chủ nghĩa Liên Phi, chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến của người da đen và Phong trào Ý thức Đen. Những đóng góp mà diễn ngôn chính trị sinh viên về “chủ nghĩa phá bỏ” đã mang lại cho giáo dục đại học có thể nắm bắt được trong hai khái niệm: tính giao thoa và phi thực dân hóa. Nó tập trung sự chú ý của sinh viên vào sự bất công về giới, chủng tộc, giai cấp, không gian, ngôn ngữ và nhận thức luận đang hiện diện trong trường đại học và xã hội hậu thuộc địa – và do đó tập trung sự kháng cự về mặt thực tiễn và lý thuyết. Các ví dụ “phi thực dân hóa chưa hoàn thành” của châu Phi trong giáo dục đại học là sự tiếp tục xem nhẹ những nhận thức luận của châu Phi và các hệ thống kiến thức bản địa, và các ngôn ngữ châu Phi trong giáo dục đại học.

Kết luận

Mặc dù vẫn còn tồn tại khoảng cách giới, sự chia rẽ theo khu vực dân tộc và các hoạt động hạn chế đối với các vấn đề rộng lớn hơn như biến đổi khí hậu và nghèo đói, hoạt động chính trị sinh viên châu Phi vẫn đang và sẽ là một lực lượng mạnh mẽ trong thế kỷ XXI. Có những nền văn hóa chính trị mạnh mẽ, truyền thống và tổ chức trong các hội sinh viên của châu Phi có khả năng thích ứng và vận động cho những mục tiêu quan trọng ngay cả trong bối cảnh gián đoạn như đại dịch COVID-19. Sự kiên cường và sức sáng tạo của chính trị sinh viên châu Phi tiếp tục định hình giáo dục đại học và sự chuyển đổi xã hội trên khắp lục địa và xa hơn nữa.