Susanne Jaudzims là Nhà nghiên cứu cấp cao và là người đứng đầu dự án InWiDeHo tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục Đại học Đức (DZHW), Quản trị khu vực nghiên cứu trong Giáo dục Đại học và Khoa học, Hannover, Đức. Email: jaudzims@dzhw.eu.
Axel Oberschelp là Nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục Đại học Đức (DZHW), Quản trị khu vực nghiên cứu trong Giáo dục Đại học và Khoa học, Hannover, Đức. Email: oberschelp@dzhw.eu.
Bài viết này dựa trên báo cáo khảo sát được cung cấp miễn phí trực tuyến.
Tóm tắt: Đức là một trong những nước chủ nhà quan trọng đối với sinh viên và học giả di chuyển quốc tế. Tuy nhiên, so với sinh viên và giảng viên, số giáo sư quốc tế không đủ để thể hiện đúng mức độ cần thiết. Dự án nghiên cứu “Học giả quốc tế tại các trường đại học Đức: Từ postdoc đến giáo sư” đã chỉ ra những trở ngại mà học giả quốc tế phải đối mặt trong quá trình chuyển từ postdoc sang chức danh giáo sư tại các trường đại học Đức.
Đức đóng vai trò là nước chủ nhà quan trọng cho các học giả quốc tế và được coi là điểm đến về khoa học có sức hấp dẫn lớn trên quy mô toàn cầu. Điều này thể hiện rõ ở sự hiện diện đáng kể của các học giả nước ngoài đang làm postdoc hoặc làm chuyên gia sau khi có bằng tiến sĩ tại các trường đại học Đức.
Tuy nhiên, so với 19% người nước ngoài làm việc trong giới học thuật ở Đức thì tỷ lệ giáo sư quốc tế thấp (10%) là điều đáng chú ý. Điều này cho thấy có những trở ngại ngăn cản các học giả quốc tế đạt được chức danh giáo sư tại các trường đại học Đức.
Trong dự án nghiên cứu “Học giả quốc tế tại các trường đại học Đức: Từ postdoc đến giáo sư” (InWiDeHo), 21 nhà khoa học trẻ từ mọi khu vực trên thế giới đã được phỏng vấn, trong đó 33% từ châu Âu và Trung Á, 19% từ Đông Á và Thái Bình Dương, 14% từ Trung Đông và Bắc Phi, 10% từ Bắc Mỹ, Mỹ La-tinh và Caribe cũng như Nam Á và 5% từ châu Phi cận Sahara. 43% người được khảo sát có chuyên môn về khoa học tự nhiên, 33% về kinh tế và khoa học xã hội và 24% về kỹ thuật.
Hỗ trợ về mặt thể chế
Sự hỗ trợ từ trường đại học rất được coi trọng và hầu hết được đánh giá tích cực. Tuy nhiên, cũng thấy có tiềm năng cải tiến và tối ưu hóa.
Kỹ năng tiếng Đức không đủ là một trong những trở ngại chính đối với các học giả quốc tế. Các dịch vụ do trường cung cấp đóng vai trò chính trong việc tiếp thu ngôn ngữ cần thiết. Tuy nhiên, điều này thường không đáp ứng được yêu cầu riêng của các nhà khoa học nước ngoài. Do đó, nên mở rộng việc cung cấp các khóa học ngôn ngữ, chú trọng vào những yêu cầu cụ thể của những người làm nghiên cứu sau tiến sĩ và các giáo sư người nước ngoài. Ngoài việc tập trung vào ngôn ngữ hàng ngày, cần chú trọng hơn đến ngôn ngữ học thuật cũng như các khía cạnh hành chính và tự quản.
Hơn nữa, có những khoảng trống đáng kể trong việc thực hiện sáng kiến thân thiện với gia đình, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ cặp đôi (dual-career service) mà cả hai đều có sự nghiệp riêng. Rõ ràng là những nhà khoa học đang đăng ký làm giáo sư hoặc đang giữ chức giáo sư đều quan tâm đến dịch vụ dành cho các cặp đôi. Nên mở rộng các biện pháp hỗ trợ, chẳng hạn như thông tin và tư vấn tốt hơn, có nhiều trung tâm dịch vụ cho các cặp đôi hơn.
Định hướng quốc tế
Trong nhiều lĩnh vực của đời sống đại học hàng ngày, định hướng quốc tế của các trường đại học Đức vẫn còn khá yếu. Ngoài nghiên cứu, việc áp dụng đa ngôn ngữ như một thực tiễn có tính liên văn hóa còn tương đối hạn chế. Điều này đặc biệt rõ trong giảng dạy và tự quản lý về mặt học thuật. Điều này cũng làm giảm đi triển vọng của những học giả quốc tế yếu tiếng Đức trong thủ tục bổ nhiệm.
Trong nhiều lĩnh vực của đời sống đại học hàng ngày, định hướng quốc tế của các trường đại học Đức vẫn còn khá yếu.
Nhìn chung, ban quản lý các trường đại học vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các nhà khoa học nước ngoài. Do đó, đa ngôn ngữ với tư cách là một thực tiễn văn hóa cần được thiết lập mạnh mẽ hơn trong tất cả các lĩnh vực liên quan, đặc biệt là trong giảng dạy, tự quản học thuật, trong thủ tục bổ nhiệm và trong các phương tiện hỗ trợ nghiên cứu, từ đó tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho các nhà nghiên cứu quốc tế. Hơn nữa, các trường đại học cần đóng vai trò chủ động hơn trong việc thúc đẩy phát triển chiến lược bổ nhiệm giáo sư quốc tế.
Môi trường sống ngoài đại học
Ngoài môi trường đại học, nhiều trở ngại có thể ngăn cản học giả quốc tế cư trú dài hạn tại Đức. Việc xin giấy phép cư trú để được sống và làm việc ở Đức là một trở ngại rất lớn, đặc biệt đối với những người ngoài Liên minh châu Âu. Ngoài ra, các nhà khoa học được phỏng vấn còn nêu bật những sự bất cập cả trong đa ngôn ngữ lẫn việc định hướng dịch vụ tại các văn phòng nhập cư. Hơn nữa, sự hiện diện của tư tưởng bài ngoại thường là yếu tố ngăn cản ý tưởng định cư lâu dài ở Đức.
Để giảm bớt những khó khăn cụ thể mà các nhà khoa học nước ngoài phải đối mặt do thực hiện các hợp đồng thông thường có thời hạn cố định trong hệ thống học thuật Đức, các nhà hoạch định chính sách và các trường đại học cần xây dựng và triển khai các quy định chuyển tiếp phù hợp. Ngoài ra, có thể nâng cao khả năng đa ngôn ngữ của nhân viên văn phòng nhập cư, cải thiện tính minh bạch và tốc độ xử lý các mối quan ngại của học giả quốc tế.
Hơn nữa, xã hội nói chung và các trường đại học nói riêng nên nuôi dưỡng một nền văn hóa chào đón hơn, điều này sẽ góp phần tác động tích cực đến ý định ở lại của các học giả quốc tế.
Sức hấp dẫn của Đức với tư cách là một địa điểm khoa học
Sức hấp dẫn của Đức được đánh giá cao về mặt hỗ trợ của các nhà khoa học cấp thấp và nguồn tài trợ nghiên cứu sẵn có. Tuy nhiên, do điều kiện khung pháp lý và cơ hội việc làm hạn chế nên những người trả lời khảo sát tỏ ra thận trọng về triển vọng nghề nghiệp lâu dài. Theo quan điểm của các nhà khoa học được phỏng vấn, con đường sự nghiệp để trở thành giáo sư thường không rõ ràng. Ví dụ, việc tốn quá nhiều thời gian để đạt học vị cao cấp, vốn là cách thức cổ điển để trở thành giáo sư trong giới nói tiếng Đức, lại hầu như không được biết đến trong hệ thống giáo dục đại học đặc trưng của các nước nói tiếng Anh và trong bối cảnh quốc tế rộng lớn hơn. Ngoài ra, nhiệm vụ giáo sư ở Đức với khối lượng giảng dạy cao và nghĩa vụ tham gia vào việc tự quản lý học thuật không phù hợp với thông lệ quốc tế và cũng không linh hoạt cho lắm.
Các học giả quốc tế thường không biết về những đặc điểm cụ thể của hệ thống nghiên cứu và giáo dục đại học Đức khi họ bắt đầu lưu trú, đó là lý do tại sao có lẽ cần cải thiện nguồn thông tin về nghề nghiệp học thuật ở Đức. Lộ trình học tập và cơ hội nghề nghiệp cũng cần được điều chỉnh phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ, nhiều vị trí làm việc có khả năng vào biên chế hơn như một cách thay thế cho quy trình đạt học vị cao cấp và khối lượng giảng dạy linh hoạt hơn có thể làm tăng sức hấp dẫn của Đức đối với các học giả quốc tế.
Kết luận
Đức vốn đã là một địa điểm khoa học hấp dẫn và một thị trường lao động thú vị đối với các nhà khoa học quốc tế trẻ tuổi có mong muốn trở thành giáo sư. Tuy nhiên, sức hấp dẫn này có thể tăng thêm nếu rào cản trong môi trường phi đại học được dỡ bỏ và các biện pháp hỗ trợ của trường đại học được điều chỉnh tốt hơn cho nhóm đối tượng này. Cuối cùng, cần cân nhắc việc điều chỉnh con đường sự nghiệp học thuật ở Đức để phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này có thể có nghĩa là cung cấp nhiều vị trí làm việc có khả năng vào biên chế hơn để thay thế cho quy trình đạt học vị cao cấp và làm cho các cam kết giảng dạy trở nên dễ thích ứng hơn.