Phân biệt chủng tộc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị: Giảng viên gốc Hoa ở Canada

Qiang Zha là Phó Giáo sư tại Khoa Giáo dục, Đại học York, Canada. Email: qzha@edu.yorku.ca.

Xiaojie Li là sinh viên mới tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Arizona. E-mail: xiaojieli@arizona.edu.

Bài viết này là một phiên bản ngắn của một bài báo đầy đủ trong Canadian Ethnic Studies.

Tóm tắt: Khảo sát của chúng tôi cho thấy rằng các giảng viên gốc Hoa tại các trường đại học Canada từng làm việc trong lĩnh vực hợp tác với Trung Quốc, đã phát huy được năng lực văn hóa và ngôn ngữ cũng như mạng lưới cá nhân, giờ đây bị cuốn vào các cuộc xung đột địa chính trị và thậm chí trở thành nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc một cách công khai hoặc ngầm ẩn, do các chính sách liên kết mối lo ngại về an ninh quốc gia với sự hợp tác nghiên cứu với Trung Quốc.

Căng thẳng ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã dẫn đến sự liên kết hoạt động nghiên cứu – hợp tác đại học với các mối lo ngại về an ninh quốc gia. Hoa Kỳ đã thực hiện các bước nghiêm túc để bảo vệ hoạt động nghiên cứu và sở hữu trí tuệ của mình khỏi hoạt động gián điệp tiềm ẩn của Trung Quốc. Một ví dụ nổi tiếng nhất là Sáng kiến Trung Quốc. Canada theo chân Hoa Kỳ và đưa ra các sáng kiến hoặc chiến lược tương tự. Vào tháng 7 năm 2021, Chính phủ Canada ban hành Hướng dẫn An ninh Quốc gia cho các đối tác nghiên cứu, yêu cầu bắt buộc đánh giá rủi ro an ninh quốc gia đối với các yêu cầu tài trợ từ các nhà nghiên cứu khoa học và kỹ thuật của trường đại học, nhằm mục đích “bảo vệ tài sản trí tuệ của Canada khỏi rơi vào tay các chính phủ độc tài”.  Đầu năm 2023, Chính phủ bắt đầu sàng lọc các yêu cầu tài trợ trong tất cả các lĩnh vực từ các trường đại học Canada đang có kế hoạch hợp tác với Trung Quốc, cũng như một số “quốc gia thù địch” khác trong các lĩnh vực nghiên cứu nhạy cảm. Đã có những lo ngại, chủ yếu được bày tỏ bởi các học giả gốc Hoa tại các trường đại học Canada, rằng việc đánh giá an ninh quốc gia bắt buộc như vậy đối với nguồn tài trợ nghiên cứu có thể dẫn đến “phân biệt chủng tộc các nhà nghiên cứu Trung Quốc, được liệt vào loại đặc vụ nước ngoài”, và do đó ảnh hưởng đến sự phát triển nghề nghiệp của họ.

Trong bối cảnh như vậy, chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát để nắm bắt một cách toàn diện và thực nghiệm nhận thức của các học giả gốc Hoa tại các trường đại học Canada về việc tham gia nghiên cứu với các học giả và sinh viên ở Trung Quốc, về hậu quả của việc hạn chế sự hợp tác và quan trọng hơn là bất kỳ tác động phân biệt chủng tộc nào đối với sự phát triển sự nghiệp.

Cuộc khảo sát này cho thấy một số kết quả đáng lo ngại, có thể tác động quan trọng lên chính sách đối với các trường đại học và cơ quan tài trợ nghiên cứu của Canada.

Học giả Trung Quốc và sự hợp tác với Trung Quốc được coi là quan trọng

Cả giảng viên gốc Trung Quốc (83,7%) và không phải người Trung Quốc (78,6%) đều đánh giá cao các học giả Trung Quốc, đồng tình đánh giá họ đóng góp đáng kể vào các chương trình nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực chuyên môn. Những lợi ích của hợp tác bao gồm, đầu tiên là mang lại những quan điểm đa dạng, ý tưởng mới và giao thoa văn hóa, tiếp theo có các kỹ thuật nghiên cứu mới, đạo đức nghiêm ngặt, nguồn dữ liệu từ bên ngoài Canada, các website giúp thu thập dữ liệu nghiên cứu cho tương lai, tăng cường xuất bản thông qua đồng tác giả, v.v… Với nhiều lợi ích như vậy, các giảng viên được khảo sát, cả người gốc Hoa và không phải người Trung Quốc, đều bày tỏ thái độ tích cực đối với việc hợp tác nghiên cứu với Trung Quốc. Hơn nữa, 70,1% giảng viên gốc Trung Quốc và 63,7% giảng viên không phải người Trung Quốc tin rằng cả hai nước đều được hưởng lợi như nhau từ hợp tác nghiên cứu.

Khảo sát cho thấy 95,8% giảng viên gốc Trung Quốc và 92,5% giảng viên không phải người Trung Quốc cho biết họ tương tác với các đồng nghiệp đến từ Trung Quốc ít nhất mỗi năm một lần. Hơn nữa, 69,4% giảng viên gốc Trung Quốc và 58,1% giảng viên không phải người Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng tiếp tục làm việc với các học giả Trung Quốc, bất chấp tình hình địa chính trị đầy thách thức. Rõ ràng, hợp tác nghiên cứu Canada – Trung Quốc có ý nghĩa nhiều hơn đối với giảng viên gốc Trung Quốc: 66% trong số họ nhấn mạnh rằng cộng tác với các học giả ở Trung Quốc là quan trọng đối với nghiên cứu học thuật của họ, trong khi 40,6% giảng viên không phải người Trung Quốc chia sẻ quan điểm này.

Hạn chế hợp tác với Trung Quốc tác động tiêu cực đến giảng viên gốc Hoa

Phần lớn giảng viên gốc Trung Quốc (63,5%) đã tiến hành nghiên cứu cộng tác với các học giả ở Trung Quốc trong ba năm trước cuộc khảo sát, trong khi tỷ lệ giảng viên không phải người Trung Quốc tham gia vào sự hợp tác đó thấp hơn đáng kể (31,7%). Do đó, giảng viên Trung Quốc thể hiện thái độ tiêu cực hơn đối với Nguyên tắc An ninh Quốc gia so với các giảng viên không phải người Trung Quốc. Trong số các giảng viên không phải người Trung Quốc, 44,4% bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với Nguyên tắc và 42,6% tin rằng nỗ lực giám sát mang tính chất này có thể được biện minh. Tuy nhiên, chỉ có 20,0% và 18,2% giảng viên Trung Quốc có quan điểm tương tự. Ngoài ra, 41,8% giảng viên người Trung Quốc tin rằng hướng dẫn này quá mức và thổi phồng quá mức, trong khi chỉ có 22,2% giảng viên không phải người Trung Quốc chia sẻ quan điểm này.

Trong số các giảng viên đã hợp tác với Trung Quốc trong ba năm trước, một bộ phận đáng kể đã phải thích nghi và thực hiện những thay đổi trong hoàn cảnh. Đối với giảng viên gốc Trung Quốc, 21% điều chỉnh trọng tâm hoặc cách tiếp cận các dự án nghiên cứu của họ, 19,3% hạn chế giao tiếp với các cộng tác viên ở Trung Quốc, 10,9% quyết định không làm việc với các cộng tác viên ở Trung Quốc trong các dự án tương lai, 8,4% quyết định không để Trung Quốc tham gia vào các dự án trong tương lai và 7,6% thay đổi nguồn tài trợ. Giảng viên không phải người Trung Quốc cũng thực hiện những thay đổi tương tự, ngoại trừ tỷ lệ nhỏ hơn đáng kể đã hạn chế giao tiếp với các cộng tác viên ở Trung Quốc (4,3%) và không có thay đổi nào về nguồn tài trợ. Có lẽ, giảng viên gốc Hoa thường giao tiếp thường xuyên hơn với các đồng nghiệp ở Trung Quốc và nhận được vốn dự án từ các nguồn có thể liên quan đến Trung Quốc. Quan trọng hơn, một tỷ lệ đáng chú ý là giảng viên gốc Trung Quốc (11,3%) và giảng viên không phải người Trung Quốc (15,1%) đã kết thúc hoặc đình chỉ hợp tác nghiên cứu sớm hoặc đột ngột với các học giả ở Trung Quốc trong ba năm qua.

Giảng viên gốc Hoa cảm thấy bị nhắm mục tiêu và phân biệt chủng tộc

Vì Trung Quốc ngầm là mục tiêu trong hoạt động đánh giá rủi ro nghiên cứu, nên kết quả khảo sát này cho thấy một bộ phận đáng chú ý giảng viên Trung Quốc cảm thấy bị chính phủ Canada (19,2%), các tổ chức trong nước của họ (15,5%) và các đồng nghiệp của họ phân biệt chủng tộc (18,7%). Những con số này cao hơn đáng kể so với tỷ lệ phần trăm tương ứng được thể hiện bởi các giảng viên không phải người Trung Quốc, ở mức 4,8%, 8,3% và 7%. Ngoài ra, 31,9% giảng viên Trung Quốc cho biết đã trải qua những thách thức trong phát triển chuyên môn do chủng tộc, quốc tịch hoặc quốc gia xuất xứ của họ và 19,6% gặp khó khăn trong việc đảm bảo tài trợ cho một dự án nghiên cứu vì những lý do tương tự. Để so sánh, 17,5% và 8,8% giảng viên không phải người Trung Quốc gặp phải những thách thức tương tự về phát triển chuyên môn và tài trợ nghiên cứu do những yếu tố như vậy.

Hơn nữa, trong số các giảng viên đã trải qua việc đánh giá rủi ro nghiên cứu, 40% giảng viên gốc Trung Quốc cho biết họ cảm thấy sợ hãi và/ hoặc lo lắng rằng họ đang bị Chính phủ Canada giám sát, trong khi chỉ có 11,1% giảng viên không phải người Trung Quốc chia sẻ sợ hãi hoặc lo lắng. Ở cấp độ trường, 20% giảng viên gốc Trung Quốc và 1,9% giảng viên không phải người Trung Quốc bày tỏ sự sợ hãi và/ hoặc lo lắng đáng kể khi bị cơ sở giáo dục của họ giám sát. Có thể cho rằng, quan điểm phân biệt chủng tộc có thể sẽ trở thành yếu tố thúc đẩy tình trạng di cư toàn cầu. Trong số những giảng viên không phải là công dân Canada, 30,6% giảng viên gốc Hoa cho biết họ đang cân nhắc rời Canada do căng thẳng địa chính trị và cảm nhận phân biệt chủng tộc, trong khi chỉ có 4,2% giảng viên không phải người Trung Quốc bày tỏ ý định tương tự. Đáng chú ý, trong số các giảng viên gốc Hoa, một tỷ lệ lớn hơn (35%) trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật cho biết họ sẽ xem xét việc dời đi.

40% giảng viên gốc Trung Quốc cho biết họ cảm thấy sợ hãi và/ hoặc lo lắng rằng họ đang bị Chính phủ Canada giám sát. 

Suy nghĩ kết luận

Giống như Hoa Kỳ, Canada ngày càng gắn kết sự hợp tác nghiên cứu với Trung Quốc vào chương trình nghị sự an ninh quốc gia. Cuộc khảo sát này phát hiện theo thực nghiệm một mô hình của Canada song song với mô hình được thể hiện trong cuộc khảo sát năm 2021 với các nhà khoa học Hoa Kỳ gốc Hoa: đa số tuyệt đối tán thành giá trị của giới học thuật Trung Quốc và sự hợp tác với Trung Quốc (hơn 80% ở Canada so với hơn 90% ở Hoa Kỳ), đại đa số cho biết tác động tiêu cực của việc hạn chế hợp tác với Trung Quốc (gần 80% ở Canada so với hơn 90% ở Hoa Kỳ) và một phần đáng kể phải trải qua những thách thức trong việc phát triển nghề nghiệp do nguồn gốc Trung Quốc của họ (hơn 30% ở Canada so với gần 40% ở Hoa Kỳ). Những yếu tố như vậy sẽ có tác động ngầm hoặc tường minh đối với sự dịch chuyển nhân tài: một tỷ lệ đáng chú ý cho thấy họ có ý định hoặc kế hoạch tái định cư ở nơi khác (khoảng 30% số người không phải là công dân được khảo sát ở Canada so với hơn 40% ở Hoa Kỳ).