Kyle Long là Giảng viên thỉnh giảng Khoa Đào tạo lãnh đạo (Department of Educational Leadership) của Đại học George Washington, Washington DC, Hoa Kỳ. Địa chỉ email: kylelong@gwu.edu.
Melissa Danvers là Nghiên cứu sinh Chương trình Giáo dục quốc tế của Đại học George Washington. Địa chỉ email: mdanvers@gwu.edu.
Tóm tắt: Bài viết đưa ra nhận định về 2 xu hướng đang tác động tới các cơ sở đại học quốc tế của Hoa Kỳ: sự thu hẹp theo chủ nghĩa biệt lập và sự mở rộng theo chủ nghĩa tân tự do. Bài viết sử dụng dẫn chứng gần đây về việc đóng cửa cơ sở quốc tế của Đại học Texas A&M tại Qatar để làm rõ các xu hướng đối lập trong nước. Bài viết đưa ra lập luận rằng, trong bối cảnh chung, việc mở rộng cơ sở đại học quốc tế vẫn đang diễn ra thuận lợi, đồng thời cũng thừa nhận những xu hướng có phần đáng lo ngại hơn. Phân tích này còn nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự tham gia toàn cầu trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hợp tác quốc tế.
Trong nhiều thập kỷ, các hoạt động kinh tế, chính trị và nghiên cứu học thuật đã được sử dụng như những yếu tố thúc đẩy cho quá trình quốc tế hóa giáo dục ở bậc đại học. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tân tự do, sự sụp đổ của Liên Xô và sự phát triển của khoa học quốc tế đã thúc đẩy giáo dục xuyên biên giới. Thật vậy, việc tìm kiếm thị trường, liên minh chung cũng như liên kết tri thức mới đã dẫn tới sự bùng nổ của các cơ sở đại học quốc tế trên toàn thế giới, trong đó Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu. Theo Nhóm nghiên cứu giáo dục xuyên biên giới (Cross-Border Education Research Team – C-BERT), Hoa Kỳ là quốc gia đóng góp số lượng lớn nhất trong số 39 quốc gia, chiếm 30% trong tổng số 333 các cơ sở đại học quốc tế trên toàn thế giới. Tuy nhiên nó lại dẫn đến một phong trào chính trị đối lập diễn ra tại Hoa Kỳ, báo hiệu sự khởi đầu một xu thế mang tên “Chủ nghĩa biệt lập”. Sau khi dẫn đầu toàn cầu trong gần một thế kỷ, một số lượng lớn người Mỹ ngày càng muốn đất nước của mình chuyển hướng “quay vào trong”. Việc đóng cửa một số cơ sở đại học quốc tế gần đây không phải vì lý do kinh tế, mà rõ ràng là vì lý do chính trị. Điều này đã khiến các nhà quan sát tự hỏi, liệu đây có phải là dấu hiệu cảnh báo cho những điều tồi tệ sắp xảy ra? Đầu năm nay, Hội đồng quản trị của Đại học Texas A&M đã bỏ phiếu đóng cửa cơ sở đã hoạt động 20 năm ở Qatar cho dù nó vẫn đang được tài trợ đầy đủ. Hội đồng quản trị đã viện dẫn sự bất ổn leo thang ở khu vực Trung Đông là một trong những yếu tố chính góp phần cho quyết định này, tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng áp lực chính trị ngày càng tăng đối với một trường đại học đang bị cuốn vào cuộc chiến văn hóa, liệu điều này có thể lại diễn ra đối với các cơ sở đại học khác trên thế giới hay không?
Vị thế nổi bật của Hoa Kỳ trong bối cảnh toàn cầu về các cơ sở đại học quốc tế khiến trường hợp của Đại học Texas A&M trở thành một lăng kính hữu ích để xem xét tương lai của hiện tượng này một cách tổng quát hơn. Các nhà phê bình đã dự báo sự đóng cửa các cơ sở đại học quốc tế trong gần một thập kỷ trở lại đây. Nhưng những báo cáo về sự kết thúc xu hướng này đã bị phóng đại lên rất nhiều. Theo định nghĩa, cơ sở đại học quốc tế là nơi cung cấp cho sinh viên một nền tảng giáo dục, phương pháp luận và tiêu chuẩn điển hình của một nền giáo dục đại học từ một quốc gia này lên một quốc gia khác. Sẽ luôn có thị trường riêng cho hoạt động này. Tuy nhiên, chúng ta thấy các cơ sở giáo dục quốc tế của Hoa Kỳ lại đang bị mắc kẹt giữa cuộc giằng co của chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa tân tự do. Do đó, việc đóng cửa và mở cửa sẽ tiếp tục diễn ra trong khi cử tri Hoa Kỳ xác định xem họ muốn rút lui hay vẫn tham gia vào sự hòa nhập cùng thế giới. Trong khi đó, các thị trường mới nổi cũng như sự đổi mới trong giáo dục xuyên biên giới sẽ đáng để tiếp tục theo dõi.
Ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị
Các lực lượng muốn đưa các trường đại học quốc tế của Hoa Kỳ trở về nước chủ yếu đến từ phe cánh hữu.
Các lực lượng muốn đưa các trường đại học quốc tế của Hoa Kỳ trở về nước chủ yếu đến từ phe cánh hữu. Phe cánh tả cũng có vấn đề với các cơ sở mà họ coi là tiền đồn của chủ nghĩa đế quốc mới, duy trì cấu trúc quyền lực toàn cầu. Nhưng phong trào “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again – MAGA) đã thể hiện sự quan tâm lớn hơn đến việc hạn chế giáo dục đại học, mà họ lo ngại là chịu ảnh hưởng của nước ngoài. Dưới thời chính quyền Trump, Bộ Giáo dục đã điều tra 19 trường đại học, bao gồm cả Đại học Texas A&M vì không tuân thủ luật yêu cầu báo cáo các khoản đóng góp từ nước ngoài. Dưới thời chính quyền Biden, việc kiểm tra kỹ lưỡng các mối quan hệ tài chính nước ngoài của các trường đại học đã tiếp tục thông qua các chính quyền bang bảo thủ và các tổ chức tư vấn, nơi cũng trùng khớp với việc ủng hộ Israel. Vào cuối năm 2023, một nhóm bảo thủ ủng hộ Israel cáo buộc rằng sự hỗ trợ của Quỹ Qatar cho cơ sở của Đại học Texas A&M ở Qatar (Texas A&M’s Campus in Qatar – TAMUQ) đã cho phép quốc gia vùng Vịnh có ảnh hưởng quá mức đối với nghiên cứu do liên bang tài trợ và do đó gây ra rủi ro an ninh quốc gia. Hội đồng quản trị của trường đại học đã bỏ phiếu đóng cửa TAMUQ bốn tháng sau đó.
Vụ việc TAMUQ đã thu hút sự chú ý đáng kể nhưng không phải là một sự kiện cá biệt. Do việc mở rộng luật tiểu bang hạn chế sự tham gia của các tổ chức công với “các quốc gia đáng quan ngại”, Đại học Quốc tế Florida đã từ bỏ trường đại học liên kết quốc tế mà họ điều hành với Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) và chấm dứt nhiều chương trình cấp bằng kép với các đối tác Trung Quốc khác. Các trường hợp này cho thấy môi trường hiện tại có thể đầy rẫy những cạm bẫy chính trị đối với các dự án hợp tác quốc tế, ít nhất là từ các tổ chức có trụ sở tại các bang nơi cơ quan lập pháp và văn phòng thống đốc bị chi phối bởi những người theo chủ nghĩa biệt lập. Việc duy trì quan hệ đối tác xuyên quốc gia trong bối cảnh này hiện nay đòi hỏi phải phối hợp nỗ lực với các nhà lãnh đạo chính trị và dư luận của bang thông qua các nỗ lực vận động hành lang tốn kém và dài hạn. Trước những khó khăn ngày càng tăng này và viễn cảnh về một chính quyền Trump nhiệm kỳ thứ hai, điều này sẽ tiếp tục khuyến khích những người theo chủ nghĩa biệt lập, các quyết định thu hẹp quy mô có thể tỏ ra là đúng đắn.
Yếu tố kinh tế
Các lực lượng muốn đẩy nhiều trường đại học Hoa Kỳ ra nước ngoài chủ yếu đến từ trật tự kinh tế đã được thiết lập và mô hình kinh doanh giáo dục đại học truyền thống. Các trường đại học Hoa Kỳ vẫn thống trị bảng xếp hạng toàn cầu, và sự phục hồi sau đại dịch của Hoa Kỳ là điểm đến hàng đầu cho sinh viên quốc tế cho thấy các cơ sở giáo dục của nước này vẫn có sức hấp dẫn lớn. Trong khi đó, các thị trường mới cho các cơ sở đại học quốc tế tiếp tục mở ra. Ấn Độ, Hy Lạp và Ả Rập Saudi gần đây đều đã thông qua luật cho phép mở các cơ sở đại học quốc tế. Philippines cũng có thể sớm như vậy. Đáng chú ý là các diễn ngôn chính trị trong nước ở những quốc gia này, coi các cơ sở giáo dục quốc tế là mối đe dọa đối với an ninh, văn hóa và bản sắc quốc gia. Do đó, những hạn chế nặng nề đã xuất hiện ở một số địa điểm làm giảm tốc độ tăng trưởng ngay lập tức. Ví dụ, ở Ấn Độ cho đến nay mới chỉ có hai trường đại học của Úc là Đại học Deakin và Đại học Wollongong.
Tuy nhiên, miễn là các khoản tài trợ công thấp và nhu cầu toàn cầu cao, sẽ có các nhà cung cấp giáo dục đại học Bắc Mỹ ở nước ngoài. Và thực tế gần đây xác nhận rằng các tổ chức Hoa Kỳ vẫn tìm cách mở các cơ sở mới ở nước ngoài: Đại học Y Baylor đã đồng ý thành lập một trường y tại các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Đại học bang Arizona dự định xây dựng một cơ sở tại Ả Rập Saudi, Đại học Georgetown đang cân nhắc mở một trường ở Indonesia, và Đại học Temple – từ lâu đã là một trụ cột ở Tokyo, đang tiến hành mở thêm một địa điểm thứ hai của Nhật Bản tại Kyoto. Mặc dù chúng ta không nên mong đợi các trường đại học công lập Florida hoặc Texas sẽ mạo hiểm đưa ra nước ngoài các mô hình giáo dục trong thời gian tới, nhưng các trường đại học ở các bang khác đang cho thấy vấn đề đầy thách thức này mang lại cơ hội cho sự đổi mới. Các cơ sở nhỏ hơn “MicroCampus” của Đại học Arizona, cung cấp cho các tổ chức đối tác các chương trình cấp bằng tại chỗ, có thể sẵn sàng mở rộng tại các thị trường mới nổi như Ấn Độ, nơi đặc biệt quan tâm đến giáo dục Hoa Kỳ. Ấn Độ gần đây đã vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia gửi sinh viên sang Hoa Kỳ với số lượng lớn nhất và các MicroCampus có thể tiếp cận họ hiệu quả hơn so với các cơ sở đại học quốc tế chính thức bị ràng buộc bởi luật pháp. Đại học bang Arizona, có mô hình đầy hứa hẹn riêng, trong đó công ty con vì lợi nhuận của trường đại học là Cintana Education cung cấp chương trình chìa khóa trao tay cho các tổ chức độc lập để giúp họ khởi nghiệp nhanh hơn. Đây là mô hình đã giúp Đại học Mỹ ở Kiev đã có thể đi vào hoạt động vào năm ngoái, ngay cả khi đang có chiến tranh.
Nhìn về tương lai
Chủ nghĩa biệt lập đang trỗi dậy đã làm mất ổn định mối quan hệ bổ sung trước đây giữa các mục tiêu kinh tế và chính trị, đưa những lực lượng cạnh tranh này vào xung đột trực tiếp: Chủ nghĩa tân tự do đang thúc đẩy các nhà cung cấp tìm kiếm thị trường mới, trong khi thái độ biệt lập đang kéo họ trở lại bờ. Trong bối cảnh chính trị nhạy cảm này, các trường đại học, đặc biệt là các đại học công phải chuẩn bị cho những thách thức mới khiến việc duy trì quan hệ đối tác giáo dục đại học toàn cầu trở nên khó khăn hơn đáng kể. Đồng thời, lĩnh vực giáo dục đại học có thể sẽ chứng kiến sự tăng trưởng và gián đoạn đồng thời, vì mỗi lần mở hoặc đóng cửa một cơ sở quốc tế không có khả năng đại diện cho một xu hướng rộng lớn hơn, nên những người quan sát tìm kiếm manh mối nên có cái nhìn rộng và dài hơn cả cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.