Carly O’Connell là Chuyên viên Phân tích đối tác và truyền thông tại Quỹ Cứu trợ học giả của Viện Giáo dục Quốc tế, Hoa Kỳ. Email: coconnell@iie.org.
Kyle Long là Giáo sư Khoa Đào tạo lãnh đạo tại Đại học George Washington, Hoa Kỳ. Email: kylelong@gwu.edu.
Các quan điểm được trình bày trong bài viết này là của riêng các tác giả và không đại diện cho Viện Giáo dục quốc tế hoặc Quỹ Cứu trợ học giả IIE.
Tóm tắt: Bài viết này giới thiệu về khái niệm “trường đại học lưu vong” (“university in exile”) và đề cập đến nó trong bối cảnh chủ nghĩa độc tài đang gia tăng trên toàn thế giới. Các tác giả xem xét nguyên nhân và hậu quả của việc các trường đại học phải chọn hình thức “lưu vong”, thông qua việc xem xét 5 ví dụ cụ thể. Họ kết luận rằng, đối các trường đại học định hướng dân chủ, và có các mối quan hệ đối tác toàn cầu mạnh mẽ, sẽ có khả năng vừa phải chọn hình thức lưu vong để có thể tồn tại. Các tác giả đồng thời cũng đưa ra những lập luận cho rằng, những người muốn bảo vệ nền dân chủ trên toàn thế giới nên hỗ trợ các tổ chức này.
Vào tháng 8 năm 2021, khi Kabul thất thủ trước Taliban, các quản trị viên của Đại học Hoa Kỳ tại Afghanistan (American University of Afghanistan- AUAF) đã đốt tất cả các tài liệu nhạy cảm để bảo vệ đội ngũ giảng viên và sinh viên của mình. Taliban sẽ nhắm mục tiêu vào bất kỳ tổ chức hay các cá nhân có liên quan đến trường đại học tư nhân nếu họ được tài trợ bởi chính phủ Hoa Kỳ, vì điều này đồng nghĩa với việc họ ủng hộ cho quyền tự do ngôn luận, tư tưởng đa nguyên hay bình đẳng giới. May mắn thay, đó không phải là kết thúc của AUAF. Chính phủ Qatar đã mời các trường đại học mở cửa trở lại tại Doha, nơi hiện đang phục vụ cho chính các sinh viên Afghanistan một cách trực tiếp hay thông qua mô hình trực tuyến. AUAF đã tham gia với một đội ngũ nhỏ và đang tiếp tục phát triển các hoạt động dưới hình thức như một trường đại học lưu vong. Trong 20 năm qua, đã có ít nhất năm trường đại học ở các khu vực khác nhau trên thế giới phải chọn hình thức lưu vong như thế này.
Bằng cách nào mà các trường đại học như vậy lại có thể tồn tại ở nước ngoài trong khi có rất nhiều trường đại học bị đã ảnh hưởng bởi chiến tranh và xung đột, hoặc phải khuất phục trước các chế độ mới, hoặc buộc phải đóng cửa? Như thế nào là một trường đại học lưu vong? Chúng tôi định nghĩa một trường đại học lưu vong là một cơ sở giáo dục đại học (Higher education institution – HEI) bị buộc phải di dời về mặt vật lý, và sẽ tiếp tục các hoạt động học thuật ở nơi khác, nhưng vẫn duy trì cam kết mạnh mẽ với quốc gia hoặc cộng đồng văn hóa mà trường đang phục vụ. Chúng tôi hy vọng rằng bằng việc đóng góp vào sự hiểu biết về hiện tượng này, có thể đưa ra được những hướng dẫn cho các trường đại học khác nếu trường cũng đang đối mặt với những thách thức tương tự hay trong tương lai. Điều này cũng khuyến khích các can thiệp để giảm bớt tính chất nguy hiểm của việc lưu vong, tạo điều kiện cho những nghiên cứu sâu hơn về khía cạnh mới xuất hiện này của nền giáo dục đại học trong thế giới hiện đại.
Trong bối cảnh trật tự thế giới ngày càng trở nên biến động, một trật tự ngày càng trở nên thù địch với các thể chế dân chủ, các nhà lãnh đạo chính trị đang tìm cách kiểm soát giáo dục đại học một cách khắt khe hơn. Hiện tượng lưu vong của các trường đại học đang diễn ra trong bối cảnh địa chính trị rộng lớn như hiện nay. Trong số các trường hợp chúng tôi đã xem xét, hai trường hợp đến từ các quốc gia hậu Xô Viết đang quay trở lại chế độ độc tài sau một thời kỳ tương đối tự do, một trường hợp khác đến từ một quốc gia bị nước láng giềng tấn công và hai trường hợp còn xuất hiện từ các quốc gia có chính phủ bị lật đổ bởi các nhóm quân sự nội bộ.
Những trường đại học lưu vong
Đại học Nhân văn châu Âu (European Humanities University – EHU) và Đại học Trung Âu (Central European University – CEU) là các tổ chức đại học tư nhân được thành lập tại Belarus và Tiệp Khắc (sau đó được chuyển đến Hungary) vào đầu những năm 1990. Mục đích của họ là định hướng thế hệ tiếp theo hướng tới các giá trị châu Âu, chủ nghĩa tự do và dân chủ ngay sau khi Liên Xô sụp đổ. Tuy nhiên, vào năm 2004, khi Belarus thu hồi giấy phép của EHU với lý do là ban lãnh đạo trường đại học từ chối sự kiểm soát của chính phủ. Tương tự, Hungary đã trục xuất CEU vào năm 2018 theo cách thức tương tự. Ngay sau đó, chính phủ Litva đã mời EHU mở cửa trở lại tại Vilnius, nơi nhiều sinh viên Belarus có thể đi qua biên giới để theo học. CEU đã chuyển đến Vienna, Áo trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nơi mà trường có thể mở rộng các chương trình giảng dạy, bao gồm các chương trình đại học giúp thành lập Mạng lưới đại học xã hội mở (Open Society University Network) để thúc đẩy một xã hội cởi mở, giúp tiếp cận nền giáo dục nhân văn và khoa học xã hội mới. Cả hai trường đại học đã nhận được hỗ trợ tài chính cũng như hậu cần từ các tổ chức quốc tế, Liên minh châu Âu và nhà từ thiện George Soros, những điều có thể giúp họ vượt qua những thách thức của việc di dời.
Gần đó, tại Ukraine, việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 đã dẫn đến việc các lực lượng dân quân ly khai, thân Nga chiếm đóng các trường đại học và cơ sở hạ tầng khác ở các khu vực phía đông Donetsk và Luhansk. Đại học Quốc gia Donetsk (Donetsk National University) là trường đại học đầu tiên trong số 18 cơ sở giáo dục đã phải di dời vào sâu trong lãnh thổ Ukraine, với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục Ukraine. Trường được đổi tên thành Đại học Quốc gia Vasyl Stus Donetsk (Vasyl Stus National University of Donetsk) để tôn vinh nguồn gốc của mình, đồng thời tránh nhầm lẫn với cơ sở cũ hiện do Nga kiểm soát. Với cơ hội mới này, Đại học Quốc gia Vasyl Stus đã cam kết phổ biến thông tin về cuộc tấn công của Nga, ủng hộ chủ quyền của Ukraine và nhấn mạnh vai trò của giáo dục đại học trong việc thúc đẩy hòa bình thế giới.
Đại học Hoa Kỳ tại Afghanistan (American University of Afghanistan) cũng đã bị chiếm đóng về mặt vật lý, trong trường hợp này là bởi quân nổi dậy Taliban vào năm 2021. Ngoài sự hỗ trợ từ chính phủ Qatar và Hoa Kỳ, phương pháp học tập trực tuyến đã được thúc đẩy bởi đại dịch đã giúp duy trì sự gắn kết với sinh viên và nhân viên toàn cầu của trường. Quan hệ đối tác với trường Đại học Bard (Bard College) ở New York đã giúp đảm bảo bằng cấp của trường vẫn có giá trị và được quốc tế công nhận. Năm 2021 cũng chứng kiến một cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar gây nguy hiểm cho cộng đồng học thuật của đất nước này. Với lịch sử lâu dài về sự tham gia của sinh viên vào các cuộc biểu tình dân sự khiến các học giả trở thành những người không được hoan nghênh đối với các nhà lãnh đạo quân sự của đất nước này. Sau cuộc đảo chính cuối cùng, Đại học Parami (Parami University), một trường đại học tư thục phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2017, đã quyết định chuyển hoàn toàn sang hình thức trực tuyến để bảo vệ an toàn và duy trì các giá trị về sự đa dạng và tư duy phản biện. Bard College và Mạng lưới Đại học xã hội mở (Open Society University Network) đã góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi này.
Bảo tồn lý tưởng dân chủ
Những ví dụ trên đã cho thấy một yếu tố quan trọng dẫn đến việc đẩy nhanh sự di dời của một trường đại học chính là định hướng dân chủ tự do trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng. Tuy nhiên, việc có một sứ mệnh kiên định, thúc đẩy tự do học thuật và mối liên hệ mạnh mẽ với các đối tác quốc tế cũng là những yếu tố cho phép các tổ chức di chuyển thành công đến một địa điểm mới khi không thể ở lại được nữa.
Các trường đại học lưu vong không những chỉ duy trì sự liên thông của quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Chúng còn giữ hy vọng về tương lai cho những người có bản sắc dân tộc riêng nhưng phù hợp với các giá trị dân chủ.
Các trường đại học lưu vong không những chỉ duy trì sự liên thông của quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Chúng còn giữ hy vọng về tương lai cho những người có bản sắc dân tộc riêng nhưng phù hợp với các giá trị dân chủ. Các trường hợp lưu vong của các trường đại học đã gia tăng trong 20 năm qua và chúng ta có thể đưa ra dự đoán rằng hiện tượng này sẽ tiếp tục diễn ra. Do đó, điều cấp bách nhất lúc này là các nước đồng minh của nền dân chủ trên toàn thế giới phải chủ động phát triển các chiến lược ứng phó. Mạng lưới Đại học Xã hội Mở – Open Society University Network đã nổi lên như một tổ chức chủ chốt. Tuy nhiên, những người bảo vệ nền dân chủ khác trong chính phủ, giới học thuật và tổ chức phi lợi nhuận nên tìm cách xem xét các câu hỏi quan trọng như: Làm thế nào các can thiệp ngoại giao có thể giảm thiểu các vấn đề cực đoan như vậy? Chính phủ nên đóng vai trò gì trong việc củng cố nền dân chủ ở các quốc gia khác? Và các trường đại học lưu vong nên định hướng bản thân để có thể quay trở lại quê hương của họ với hy vọng quay trở lại đúng nghĩa?
Các trường đại học lưu vong mang lại giá trị cho cả cộng đồng gốc và cộng đồng tiếp nhận. Ví dụ, AUAF cho phép sinh viên Afghanistan tiếp tục học tập an toàn, dù ở Qatar, từ xa từ Afghanistan (một cách bí mật), hay bất cứ nơi nào khác trong cộng đồng người Afghanistan toàn cầu. AUAF bảo tồn mạng lưới các trí thức Afghanistan và kết nối họ với những người ủng hộ trên toàn thế giới. Nó đặt nền móng cho sự trở lại Afghanistan trong tương lai. Nếu ngày đó đến, AUAF sẽ sẵn sàng đóng góp vào việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng giáo dục của quốc gia. Trong khi đó, AUAF mang đến cho Qatar những quan điểm đa dạng và những bộ óc thông minh. Đổi lại, sự hào phóng của Qatar trong việc cung cấp nơi ở cho AUAF đã nâng cao hình ảnh của quốc gia này trong mắt đại bộ phận nền dân chủ trên thế giới. Hỗ trợ các trường đại học bị áp lực buộc phải lưu vong là một cách quan trọng để cộng đồng giáo dục đại học toàn cầu chống lại chủ nghĩa độc tài đang ngày càng gia tăng.