Chris R. Glass là Giáo sư thực hành tại Khoa Lãnh đạo Giáo dục và Giáo dục Đại học và là giảng viên trực thuộc Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. Email: chris.glass@bc.edu.
Tóm tắt: Tình hình địa chính trị đang định hình lại khoa học toàn cầu khi Hoa Kỳ tách khỏi Trung Quốc và liên kết với Ấn Độ. Di chuyển học giả từ Hàn Quốc đang phục hồi, trong khi di chuyển từ Brazil tiếp tục đi lên ổn định. Sau đại dịch, việc di chuyển học giả đến Hoa Kỳ vẫn ở mức độ như 15 năm trước. Khi các cường quốc mới nổi mở rộng quan hệ đối tác học thuật và hoạt động nghiên cứu, yêu cầu đặt ra với Hoa Kỳ cần phải thích ứng để duy trì vị trí dẫn đầu trong khoa học.
Báo cáo Open Doors 2023 về trao đổi giáo dục quốc tế không chỉ phản ánh tình hình di chuyển học giả hiện tại ở Hoa Kỳ mà còn phản ánh mối quan hệ phức tạp giữa căng thẳng địa chính trị, mối lo ngại về an ninh quốc gia và nhu cầu tiến hóa tự nhiên của việc hợp tác khoa học toàn cầu. Cốt lõi của nó là chiến lược xoay trục khỏi Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của Hoa Kỳ, dẫn đến chính sách thị thực chặt chẽ hơn và tăng cường giám sát đối với các học giả Trung Quốc. Quốc tế hóa, từng nhất trí được coi là một mục đích tích cực trong giáo dục đại học, giờ đây gặp nhiều sự đón nhận trái chiều hơn giữa các nhà hoạch định chính sách.
Dữ liệu cho thấy các xu hướng khác nhau trong việc di chuyển học thuật quốc tế đến Hoa Kỳ. Trong khi số sinh viên quốc tế nhập học tại các cơ sở giáo dục đại học của Hoa Kỳ đã tăng trở lại mức trước đại dịch, thì sự di chuyển học giả quốc tế vẫn dừng ở mức độ như 15 năm trước. Mặc dù số lượng học giả đã tăng 13% trong năm 2022-2023 tới 102.366 người, nhưng sự phục hồi này vẫn thấp hơn mức 106.123 học giả của năm 2007-2008 và tụt hậu 25% so với mức cao trước đại dịch là năm 2018-2019, một điểm uốn đảo ngược 20 năm mở rộng.
Hoa Kỳ, vốn là một nước dẫn đầu về khoa học toàn cầu, đang chứng kiến những thay đổi trong vị thế của mình do căng thẳng địa chính trị âm ỉ, các liên minh chiến lược mới và sự đa dạng hóa các mô hình di chuyển học thuật mang tính lịch sử. Đại dịch đã gây thêm nhiều biến động, ảnh hưởng đến việc đi lại, xử lý thị thực và tài trợ, cũng như làm tăng trưởng hợp tác ảo bên cạnh việc di chuyển vật lý. Những điều này sẽ ảnh hưởng đến xu hướng di chuyển học thuật lâu dài. Tuy nhiên, những thách thức đối với Hoa Kỳ cũng mang lại cơ hội mở rộng và đa dạng hóa khi các cường quốc mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ cùng nhiều nước khác đang định hình lại khoa học toàn cầu.
Dữ liệu cho thấy các xu hướng khác nhau trong việc di chuyển học thuật quốc tế đến Hoa Kỳ.
Di chuyển khởi động lại, căng thẳng vẫn còn
Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc vẫn là ba quốc gia dẫn đầu gửi học giả đến Hoa Kỳ. Brazil, xếp thứ tư, có mức tăng trưởng trung bình hàng năm lớn nhất về số lượng học giả đến Hoa Kỳ trong hai thập kỷ qua. Các lĩnh vực STEM duy trì vị trí vững chắc về di chuyển học giả quốc tế, chiếm 78% số học giả quốc tế tại Hoa Kỳ. Báo cáo năm nay cho thấy sự tăng trưởng ổn định trong lĩnh vực vật lý và khoa học đời sống, chiếm một nửa số học giả STEM ở Hoa Kỳ, phản ánh tính cấp bách của việc giải quyết các thách thức về sức khỏe và môi trường toàn cầu. Dữ liệu phản ánh những thay đổi địa chính trị rộng lớn hơn, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và việc đánh giá lại chiến lược quan hệ với Trung Quốc, việc Hoa Kỳ liên kết chiến lược với Ấn Độ và sự đa dạng hóa của các mô hình di chuyển.
Căng thẳng Mỹ – Trung
Số lượng học giả Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã tăng trưởng đáng kể từ năm 2000-2001 đến năm 2020-2021, đạt đỉnh điểm là 46.256. Tuy nhiên, căng thẳng leo thang giữa hai nước, do tranh chấp thương mại, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh ngày càng gay gắt trong công nghệ và giáo dục đại học, đã dẫn đến chính sách thị thực Hoa Kỳ chặt chẽ hơn đối với các học giả Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và quan trọng về mặt chiến lược như trí tuệ nhân tạo. Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ đã thực hiện các chính sách thị thực nghiêm ngặt hơn đối với các học giả Trung Quốc.
Những thay đổi chính sách và luận điệu chính trị đã lên đến đỉnh điểm khi số lượng học giả Trung Quốc giảm mạnh xuống còn 19.556 trong năm học 2022-2023, đánh dấu mức giảm 59% so với năm 2018-2019. Sự sụt giảm mạnh này là dấu hiệu cho thấy các sáng kiến rộng lớn hơn của Hoa Kỳ nhằm giảm thiểu ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia. Sáng kiến Trung Quốc 2018 đã dẫn đến sự sụt giảm số lượng bài báo khoa học chung giữa hai nước, từ 62.904 vào năm 2020 xuống còn 58.546 vào năm 2022 và một tỷ lệ đáng kể các nhà khoa học Mỹ đã cắt đứt quan hệ với các cộng tác viên Trung Quốc do Sáng kiến Trung Quốc này. Để đối phó với những thay đổi chính sách của Hoa Kỳ, Trung Quốc đã thực hiện chiến lược khuyến khích học giả ở nước ngoài trở về nước, sử dụng kiến thức của mình để nâng cao sự phát triển quốc gia – một chiến lược thường được gọi là “chảy máu chất xám ngược”.
Liên minh chiến lược Mỹ – Ấn
Ấn Độ cho thấy sự tăng trưởng đáng kể trong việc gửi học giả đến Hoa Kỳ, với con số kỷ lục là 16.608 trong giai đoạn 2022-2023, cùng với 268.923 – con số cao nhất từ trước tới nay – sinh viên đến từ Ấn Độ và vai trò của họ với tư cách là đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ. Các công bố khoa học của nước này đã nhảy vọt, tăng trưởng hàng năm 11,4% trong giai đoạn từ 2003 đến 2022, đưa Ấn Độ trở thành nước sản xuất bài báo khoa học đứng thứ ba thế giới về số lượng, vượt qua Vương quốc Anh, Đức và Nhật Bản.
Trái ngược hoàn toàn với chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, mối quan hệ học thuật phát triển nhanh chóng của Ấn Độ với Hoa Kỳ là ví dụ cho sáng kiến Mỹ – Ấn về Công nghệ quan trọng và mới nổi (iCET – initiative on Critical and Emerging Technology) nhằm mục đích tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp và tổ chức học thuật. Hơn nữa, Indo-US Global Challenges Institute – một hợp tác giữa Hiệp hội các trường Đại học Hoa Kỳ (AAU) và Hội đồng các Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT Council), tập trung vào những quan hệ đối tác nghiên cứu có tác động lớn trong các lĩnh vực chính như công nghệ bán dẫn, năng lượng bền vững, chuẩn bị cho đại dịch và các lĩnh vực khoa học quan trọng khác.
Mỹ – Hàn Quốc: Sự phục hồi nhanh chóng
Số lượng học giả của Hàn Quốc tăng lên 6.646 trong năm học 2022-2023. Mặc dù kém xa so với mức đỉnh 9.975 trong năm 2008-2009, việc di chuyển giữa hai nước đã thể hiện khả năng phục hồi đáng kể. Sự phục hồi về số lượng học giả của Hàn Quốc không chỉ đơn thuần là phục hồi sau những gián đoạn do đại dịch gây ra, nó thể hiện việc điều chỉnh lại chiến lược của các liên minh học thuật trong một thế giới mà Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng mất lòng tin với nhau, và các cường quốc Âu – Mỹ đang tranh chấp thống trị. Nó cũng phản ánh sự đầu tư mạnh mẽ của Hàn Quốc vào nghiên cứu và phát triển, giúp đưa quốc gia này trở thành quốc gia dẫn đầu về đổi mới toàn cầu, đặc biệt là về công nghệ và kỹ thuật.
Mỹ – Brazil: Sự thăng tiến
Dữ liệu năm nay cũng minh họa tính đa dạng hóa của các mô hình di chuyển, ngoài xu hướng truyền thống là từ Đông sang Tây. Brazil đã vững vàng leo lên những vị trí hàng đầu là quốc gia xuất xứ của các học giả và nằm trong số 4 quốc gia xuất xứ dẫn đầu trong năm học 2022-2023, đưa nhiều học giả đến Hoa Kỳ hơn cả Canada, Đức và Nhật Bản. Sự gia tăng này phù hợp với những nỗ lực tập trung của Brazil trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Đất nước này đã đầu tư đáng kể vào nghiên cứu khoa học, phát triển cơ sở hạ tầng và khuyến khích hợp tác quốc tế.
Địa chính trị mới của sự di chuyển học thuật
Khi Hoa Kỳ áp dụng lập trường có tính hướng nội hơn, các quốc gia khác sẵn sàng can dự vào, có tiềm năng làm thay đổi các tâm điểm tạo ra tri thức và hợp tác. Quá trình chuyển đổi này có thể báo trước một bối cảnh khoa học đa cực hơn, được thúc đẩy bởi các mối quan hệ đối tác và liên minh toàn cầu đa dạng. Những thay đổi như vậy trong bối cảnh toàn cầu đặt ra các thách thức cho Hoa Kỳ trong việc duy trì vị thế là điểm đến hàng đầu cho những tài năng học thuật quốc tế. Điều cơ bản của sự chuyển đổi này là việc Hoa Kỳ chuyển hướng chiến lược ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, dẫn đến các quy định nghiêm ngặt hơn về thị thực và sự giám sát chặt chẽ hơn đối với các học giả Trung Quốc.
Tương lai của sự di chuyển học giả ở Hoa Kỳ và vai trò của Hoa Kỳ trong trao đổi khoa học toàn cầu sẽ phụ thuộc vào mức độ thích ứng của quốc gia này với bối cảnh địa chính trị mới của sự di chuyển học thuật. Để thích ứng, Hoa Kỳ phải giải quyết những rào cản chính cản trở sự di chuyển học giả quốc tế. Việc này bao gồm kéo dài thời hạn thị thực, tạo ra những con đường rõ ràng hơn để có visa thường trú cho các học giả STEM và tăng cường tài trợ nghiên cứu cho các dự án hợp tác và chương trình trao đổi. Hiệu quả của sự phản ứng lại của Hoa Kỳ sẽ quyết định liệu nước này có tiếp tục là điểm đến hàng đầu cho các tài năng nghiên cứu và hợp tác khoa học hay không.