Anna-Lena Claeys-Kulik là Phó Giám đốc Điều phối chính sách và Dự báo tương lai tại Hiệp hội Đại học châu Âu (EUA). Email: anna.lena.kulik@eua.eu. X: @AnnaLenaKulik.
Thomas Jørgensen là Giám đốc Điều phối chính sách và Dự báo tương lai tại EUA. Email: thomas.jorgensen@eua.eu.
Tóm tắt: Bài viết khám phá những tương lai khả dĩ của hợp tác xuyên quốc gia giữa các trường đại học châu Âu, phác thảo các động lực thay đổi và 4 dự báo được phát triển trong bối cảnh dự án “Các trường đại học và Tương lai của châu Âu” (Universities and the Future of Europe – UniFE) của Hiệp hội đại học châu Âu. Bài viết sử dụng khả năng tiên đoán và tư duy tương lai kết hợp với việc ra quyết định chiến lược để tăng cường khả năng phục hồi của các trường đại học trong thời kỳ không chắc chắn và thay đổi nhanh chóng.
Chúng ta đang có cảm giác sống trong thời kỳ không chắc chắn với những thay đổi nhanh chóng ở nhiều cấp độ đang lan rộng. Chiến tranh, bất ổn kinh tế, trí tuệ nhân tạo, di cư và tị nạn, phân cực chính trị và suy thoái dân chủ, và trên hết là biến đổi khí hậu, thách thức về tính bền vững, đang thúc đẩy sự thay đổi của các trường đại học, đối với châu Âu và đối với thế giới.
Trong thời điểm như vậy, điều đặc biệt quan trọng là phải bước lùi lại một bước khỏi sự hối hả và nhộn nhịp hàng ngày để suy nghĩ về tương lai một cách chiến lược, sử dụng các công cụ khơi dậy trí tưởng tượng, giúp hình dung những tương lai khả dĩ, chuẩn bị cho những khả năng khác nhau và tăng cường khả năng phục hồi. Trong những thời điểm như vậy, các mô hình nhất định sẽ bị đem ra thử thách và chúng ta có thể cần phải tìm ra những cách thức mới để làm việc với hoàn cảnh thay đổi. Bằng cách này, chúng ta có thể tưởng tượng và xác định những câu chuyện về một tương lai vượt ra khỏi những cuộc khủng hoảng hiện tại.
Trong những năm qua, Hiệp hội đại học châu Âu (European University Association – EUA) đã thực hiện một bài test nhằm xem xét những tác động của các xu hướng dài hạn đối với các trường đại học châu Âu, cũng như hình dung những viễn cảnh có thể xảy ra dựa trên những xu hướng này. Các kết quả được chắt lọc trong báo cáo “Điều gì sẽ xảy ra nếu? Khám phá những tương lai khả dĩ của hợp tác xuyên quốc gia cho các trường đại học châu Âu” (“What If? Exploring Possible Futures of Transnational Cooperation for Europe’s Universities”). Báo cáo này đưa ra những ảnh hưởng có khả năng xảy ra đối với tương lai hợp tác đại học ở châu Âu trong thập kỷ tới và phân tích các thay đổi trong 6 khía cạnh: chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ, pháp lý và môi trường. Báo cáo cũng phác thảo bốn dự báo về tương lai khả dĩ cho các hợp tác đại học xuyên quốc gia.
Trọng tâm của vấn đề là hợp tác xuyên quốc gia. Đây từ lâu đã là một đặc điểm chính của giáo dục đại học châu Âu, bao gồm trao đổi sinh viên, các dự án quy mô nhỏ, hợp tác nghiên cứu và gần đây hơn là hợp tác chiến lược sâu rộng trong các liên minh xuyên quốc gia được thúc đẩy bởi Sáng kiến đại học châu Âu (European Universities Initiative). Hợp tác xuyên biên giới là một phần sức mạnh của lĩnh vực này và đang thúc đẩy phát triển và đổi mới. Tuy nhiên, nhiều cuộc khủng hoảng và xu hướng khác nhau đang tác động đến hợp tác đại học và khiến nó trở nên phức tạp hơn. Do đó, điều quan trọng là các trường đại học cần phải nhìn vào tương lai của hợp tác xuyên quốc gia và làm việc với các kịch bản khác nhau có thể xảy ra.
Bốn tương lai khả dĩ và đầy trí tưởng tượng cho hợp tác đại học
Báo cáo chỉ ra các tình huống cụ thể: Điều gì sẽ xảy ra nếu văn phòng quốc tế đóng cửa bởi lý do chính trị dân tộc chủ nghĩa đã khiến nó trở nên không còn phù hợp? Hoặc ngược lại, hiệu trưởng một trường đại học có thể giải quyết vấn đề về lượng sinh viên quốc tế ngày càng tăng trong bối cảnh số lượng sinh viên trong nước giảm do suy giảm nhanh chóng về nhân khẩu học như thế nào?
Báo cáo phác thảo bốn dự báo để mô tả những tương lai có thể xảy ra cho hợp tác xuyên quốc gia giữa các trường đại học châu Âu: phát triển, ràng buộc, sụp đổ và thay đổi. Phân tích này được lấy cảm hứng từ phương pháp luận của Institute for the Future ở Palo Alto, California.
Phát triển
Hợp tác quốc tế tiếp tục phát triển như một lĩnh vực hoạt động chính của các trường đại học. Một xu hướng dài hạn quan trọng ở đây là sự suy giảm nhân khẩu học ở châu Âu và các chiến lược chính trị để có thể sử dụng dân nhập cư giúp duy trì sự tồn tại của cộng đồng địa phương. Các trường đại học phát triển mạnh nhờ dòng sinh viên quốc tế, tuy nhiên vấn đề giao tiếp với một cộng đồng lớn lại yêu cầu sự tế nhị, vì không phải ai cũng cảm thấy thoải mái với dòng người nước ngoài đổ về.
Sự chia rẽ địa chính trị thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách châu Âu hạn chế quan hệ quốc tế đang được mở rộng của các trường đại học.
Ràng buộc
Sự chia rẽ địa chính trị thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách châu Âu hạn chế quan hệ quốc tế đang được mở rộng của các trường đại học. Liên minh châu Âu đã mở rộng về phía đông và trở thành một cường quốc toàn cầu, vì vậy họ sử dụng hợp tác học thuật như một “củ cà rốt” cũng như một “cây gậy’ để thúc đẩy lợi ích quốc tế của mình. Các trường đại học ở đây cố gắng theo đuổi các chương trình nghị sự chính trị để có thể nắm bắt cơ hội và hạn chế rủi ro.
Sụp đổ
Trong kịch bản này, một chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc đã buộc các trường đại học phải “bảo tồn thành phần văn hóa lịch sử của lãnh thổ” và hạn chế hợp tác quốc tế. Hơn nữa, một thảm họa môi trường đã khiến chi phí đi lại bằng đường hàng không trở nên đắt đỏ đến mức không thể chi trả được. Trong điều kiện này, hợp tác xuyên quốc gia sẽ không còn là một hoạt động chiến lược nữa.
Chuyển đổi
Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đang phải đối phó với áp lực địa chính trị, kinh tế và nhân khẩu học bằng cách tập hợp, kêu gọi các năng lực và nguồn lực. Các liên minh đại học phát triển thành các siêu đại học trong một thị trường giáo dục đại học duy nhất trong một Liên minh châu Âu mở rộng. Điều này tạo ra sự phân công lao động trong một hệ thống hai cấp, trong đó các trường đại học quốc gia nhỏ hơn phục vụ cộng đồng địa phương và không được tiếp cận các quỹ nghiên cứu của EU.
Dự báo được sử dụng như một công cụ phản ánh
Những dự báo này không nhằm mục đích dự đoán chính xác hay đưa ra các khuyến nghị mang tính quy phạm. Chúng là những công cụ để phản ánh và khơi gợi tư duy sáng tạo, được suy luận từ các thay đổi và nhằm mục đích truyền cảm hứng cho các cuộc thảo luận. Tất cả các trường đại học châu Âu sẽ được hưởng lợi từ việc đưa tư duy về tương lai và phương pháp luận về tầm nhìn chiến lược vào kế hoạch của họ.
Để thực hiện điều này, việc trước tiên là phải kiểm tra dữ liệu và bằng chứng; có những xu hướng lớn và rõ ràng có khả năng làm đảo lộn các hoạt động của trường đại học. Tuy nhiên, cần phải xác định chính xác về những gì là sự thật và những gì là diễn giải: Sự suy giảm nhân khẩu học là sự thật, nhưng các thuật ngữ như “chủ nghĩa dân túy” (“populism”) mang tính quy chuẩn và cần được định nghĩa chính xác hơn để được áp dụng mang tính xây dựng vào các dự báo. Cần phải có sự chặt chẽ để đưa ra các dự báo và kịch bản đúng đắn. Chúng cần phải dựa trên bằng chứng về các xu hướng mới nổi, nhưng phải đủ táo bạo để khơi dậy các cuộc thảo luận và gợi lên những hiểu biết mới. Việc xem xét các xu hướng nên tỉnh táo và thực tế, nhưng không đồng nghĩa với việc ngăn cản tư duy sáng tạo, dẫn đến những giả định táo bạo, được nắm giữ nhẹ nhàng.
Phương pháp Backcasting: Từ tầm nhìn đến chiến lược
Bước thứ hai, các dự báo và kịch bản có thể được phân tích để xem xét tác động của chúng đối với các trường đại học. Từ đó, có thể xây dựng một bức tranh về tương lai mong muốn hay một tầm nhìn. Sau đó, có thể bắt đầu phương pháp Backcasting để xác định những việc cần làm trong hiện tại nhằm định hình tương lai theo hướng tích cực. Việc xây dựng các dự báo cho tương lai nên làm sâu sắc thêm các thử nghiệm này và hình dung ra những kết quả và cũng như những hành động thiết thực mới. Đây là nơi các phương pháp phát huy giá trị của chúng: để đưa các bên tham gia ra khỏi vùng an toàn của họ và giúp họ xây dựng các tầm nhìn và hành động mới.
Phát triển chính sách: Từ tiên đoán đến hành động
Để đạt được tác động lâu dài, khả năng dự báo tương lai cần phải đi đôi với việc ra quyết định chiến lược, cả trong các trường đại học và ở cấp độ chính sách. Đây là lý do tại sao kết hợp với báo cáo về dự báo tương lai, EUA đã công bố các thông điệp chính sách kêu gọi một hợp đồng xã hội mới giữa châu Âu và các trường đại học của khu vực. Tại đây, Hiệp hội đưa ra cách các trường đại học và các nhà hoạch định chính sách có thể hợp tác để định hình một châu Âu mới mạnh mẽ, cởi mở và có khả năng thích ứng với tương lai: Chỉ ra tầm quan trọng của việc quản trị nghiên cứu và giáo dục đại học ở cấp độ châu Âu, nhưng trước hết là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các trường đại học đóng góp cho xã hội bằng tiếng nói và giá trị riêng của mình, mà không bị công cụ hóa bởi các chương trình nghị sự chính sách bên ngoài.
Một điểm nhận được nhiều sự chú ý nhất trong “hợp đồng mới” (“renewed contract”) là lời kêu gọi “đại học đánh giá” (“university check”), để các quy định của Liên minh châu Âu, ví dụ như trong lĩnh vực kỹ thuật số, không có tác động tiêu cực ngoài ý muốn đối với các trường đại học. Sự chú ý đến các vấn đề cụ thể này có thể là một dấu hiệu cho thấy các tổ chức giáo dục đại học được hội nhập vào xã hội nhiều hơn so với trước đây, với kết quả là các quy định bên ngoài trường đại học sẽ có tác động ngay lập tức: Các quy tắc về quyền riêng tư có ảnh hưởng đến hoạt động dữ liệu sinh viên và quy định về các nền tảng trực tuyến về kho lưu trữ cho khoa học mở và giáo dục mở. Đây là một biên giới mới cho tương lai của các trường đại học.