Tài trợ cho giáo dục đại học trong thời kỳ khủng hoảng quốc tế: Ngoại lệ của Úc

Bruce Chapman là giáo sư Trường Kinh doanh và Kinh tế, Đại học Quốc gia Australia. Email: Bruce.Chapman@anu.edu.au.

Tóm tắt: Hệ thống vay vốn sinh viên của hầu hết các nước gần đây đang gặp khủng hoảng. Nhiều cựu sinh viên phải đối mặt với những khó khăn không thể vượt qua trong việc trả nợ, dẫn đến tình trạng vỡ nợ và có thể hủy hoại tương lai tài chính cá nhân của họ. Tình hình này trở nên rất rõ trong đại dịch COVID-19. Nó cho thấy vai trò quan trọng của việc bảo hiểm với những khó khăn trả nợ và vỡ nợ, rất cần cho các hệ thống vay vốn sinh viên phụ thuộc vào thu nhập (ICL), kiểu như hệ thống được dùng ở Úc.

Hệ thống vay vốn sinh viên ở hầu hết các nước hiện đang khủng hoảng hoặc ít nhất phải đối mặt với những khó khăn trầm trọng là điều ít ai nghi ngờ. Những vấn đề lớn trong việc thu xếp tài chính cho giáo dục đại học đã được bộc lộ qua sự rối loạn có tính ngắn hạn của thị trường lao động do hoạt động kinh doanh bị đóng cửa liên quan đến đại dịch COVID-19. Nguyên nhân của vấn đề này hiện ít nhất đã được làm rõ đối với Úc, một trong số ít quốc gia mà ở đó việc vay vốn sinh viên đã giữ được an toàn. không bị tổn thương bởi khía cạnh kinh tế của đại dịch.

Điểm mấu chốt là hệ thống cho vay vốn sinh viên ở Úc, được khởi xướng từ năm 1989, là thỏa thuận tài chính đầu tiên ở cấp quốc gia dành cho giáo dục đại học nhằm thu nợ sinh viên trên cơ sở trả nợ tùy thuộc vào thu nhập của cá nhân trong tương lai. Động cơ thúc đẩy việc này xuất phát từ nhận thức cần phải có bảo hiểm cho người vay trước những tình huống bất ngờ nhưng không thể tránh khỏi, liên quan đến các điều kiện bất lợi không lường trước được của thị trường lao động sau khi tốt nghiệp, để đảm bảo rằng rủi ro vay vốn được giảm thiểu đáng kể trong quá trình tài trợ cho giáo dục đại học. Rõ ràng đây là một đặc điểm rất tích cực trong mô hình của Úc, sau này được áp dụng đầy đủ ở New Zealand (1991), Vương quốc Anh (1998) và Hungary (2002), được áp dụng một phần ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Colombia, và hiện đang được xem xét rất chặt chẽ ở nhiều khu vực pháp lý khác.

Cần hiểu tại sao một hình thức vay vốn sinh viên cụ thể lại bảo vệ người vay

Điều quan trọng phải hiểu rằng có hai cách tiếp cận khá khác biệt đối với các khoản vay dành cho sinh viên và chúng được xác định bởi các quy tắc trả nợ. Cách tiếp cận phổ biến nhất trên phạm vi quốc tế được gọi là “các khoản vay trả nợ theo thời gian” (Time-Based Repayment Loans – TBRL), trong đó, giống như thế chấp, cần có một dòng trả nợ nhất định trong một khoảng thời gian nhất định (chẳng hạn 10 năm đối với các khoản vay Stafford được áp dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ hoặc 8 năm đối với hệ thống cho vay FIES ở Brazil).

Cách tiếp cận khác, đã âm thầm làm thay đổi chính sách tài trợ giáo dục đại học quốc tế trong ba thập kỷ qua, được gọi là “khoản vay phụ thuộc vào thu nhập” (Income-Contingent Loan – ICL), trong đó việc hoàn trả chỉ phụ thuộc vào thu nhập trong tương lai của người đi vay. Sự khác biệt cơ bản giữa hai loại hệ thống cho vay là ICL bảo vệ người đi vay khỏi những khó khăn và vỡ nợ khi trả nợ. Nghĩa là, nếu con nợ ICL không có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian cụ thể thì sẽ không có hậu quả bất lợi nào, chẳng hạn như phải tìm tiền từ nơi khác hoặc thậm chí vi phạm nghĩa vụ trả nợ vay.

Để minh họa cách thức hoạt động của phương pháp này, hãy lưu ý rằng với ICL của Úc và Anh, không cần phải trả nợ vay cho đến khi thu nhập hàng năm của con nợ vượt quá khoảng 52 ngàn AUD và 28 ngàn GBP tương ứng (cả hai đều khoảng 35 ngàn USD). Tỷ lệ thu nợ tăng khi thu nhập tăng, gần giống với cách đặc trưng của việc thu thuế thu nhập lũy tiến và ở hầu hết các quốc gia, ICL đi kèm với trợ cấp lãi suất.

TBRL không có sự bảo vệ như vậy đối với người đi vay, điều đó có nghĩa là việc người mắc nợ phải chật vật để trả nợ khi hoàn cảnh tài chính khó khăn là chuyện bình thường ở nhiều quốc gia. Điều này dẫn đến một tỷ lệ lớn các cựu sinh viên không trả được nợ. Không trả được nợ vay sinh viên là một vấn đề rất nghiêm trọng đối với người đi vay vì nó gây tổn hại đến danh tiếng tín dụng, làm hạn chế nghiêm trọng khả năng tiếp cận các khoản vay thương mại thông thường của cá nhân, chẳng hạn như để mua nhà. Nghiên cứu của Hoa Kỳ cho thấy rằng một số người đi vay tiềm năng không chấp nhận vay theo cách TBRL vì quá rủi ro và hậu quả bất lợi của việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ.

Hơn nữa, vi phạm nghĩa vụ trả nợ vay sinh viên là một vấn đề lớn đối với người cho vay, thường là chính phủ, bởi vì một khi một con nợ chính thức được tuyên bố là vỡ nợ rồi thì sẽ không có dòng trả nợ nào nữa. Do đó, phần doanh thu bị mất do nợ chưa thanh toán sẽ trở thành phần chi tiêu của chính phủ, và vì vậy sẽ hạn chế triển vọng về mức hỗ trợ tài chính của khu vực công dành cho giáo dục đại học trong tương lai.

Những so sánh mang tính quốc tế về việc vay vốn sinh viên nêu trên còn có những chiều hướng mới và tai hại hơn nhiều do cuộc khủng hoảng COVID-19, chưa từng được dự đoán hoặc hiểu rõ trước đại dịch. Hàng chục triệu sinh viên mới tốt nghiệp ở nhiều quốc gia không thể nhanh chóng tìm được việc làm do hậu quả suy thoái của đại dịch. Những cựu sinh viên đại học đó, vì vay vốn theo kiểu TBRL (như ở Brazil, Canada, Chile, Colombia, Brazil, Malaysia, Thái Lan và Hoa Kỳ) đã bị rối loạn lo âu trầm trọng vì không có khả năng trả nợ.

Cuộc khủng hoảng sau đó đã dẫn đến những can thiệp lớn vào việc vay vốn sinh viên, đáng chú ý nhất là kế hoạch của Tổng thống Biden công bố vào tháng 8 năm 2022 về việc xóa các khoản vay vốn sinh viên trị giá gần 5 tỷ USD, còn các quốc gia khác kéo dài thời hạn trả nợ TBRL. Những biện pháp can thiệp này cực kỳ tốn kém đối với người nộp thuế và không cần thiết ở những quốc gia có ICL như Úc.

Hơn nữa, vi phạm nghĩa vụ trả nợ vay sinh viên là một vấn đề lớn đối với người cho vay, thường là chính phủ, bởi vì một khi một con nợ chính thức được tuyên bố là vỡ nợ rồi thì sẽ không có dòng trả nợ nào nữa

Kinh nghiệm vay vốn sinh viên ở Úc trong đại dịch và sau đó

Không giống như tình huống với TBRL, các chính phủ có sử dụng ICL, như Úc, Hungary, New Zealand và Vương quốc Anh, không cần phải thực hiện hành động khẩn cấp để bảo vệ những người mắc nợ vay học đại học khỏi bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng ngắn hạn liên quan đến đại dịch. Đó là nhờ các hệ thống ICL đã gắn vào đó những lợi ích bảo hiểm tự động để bảo vệ người vay khỏi khó khăn trong việc trả nợ và vỡ nợ. Những người nợ ICL không bắt buộc phải trả nợ trong thời gian họ không có khả năng thực hiện việc đó.

Cuối những năm 1980, khi thiết kế hệ thống vay vốn sinh viên ở Úc, người ta đã nhận thấy rằng lợi ích bảo hiểm ICL có tầm quan trọng rất lớn đối với những hoàn cảnh cá nhân bất lợi, chẳng hạn như khi bị bệnh hoặc phải chăm sóc các thành viên mất năng lực trong gia đình. Tuy vậy người ta cũng không lường trước được rằng còn có những lợi ích ngầm bảo vệ cho toàn bộ nhóm người đi vay khỏi sự gián đoạn thị trường lao động trên diện rộng. Đại dịch COVID-19 đã làm sáng tỏ điều này một cách rất rõ ràng.

Quan trọng là nhận thức được tầm quan trọng của các biện pháp bảo vệ này của ICL và có thể củng cố nhận thức đó khi đề cập tới triển vọng và hậu quả của việc người đi vay không trả được các khoản vay sinh viên. Như đã lưu ý ở trên, việc vỡ nợ gây ra chi phí rất lớn cho cả bên đi vay (thông qua tác động bất lợi đối với việc tiếp cận tín dụng sau này) và bên cho vay (vì một khi vỡ nợ sẽ có rất ít triển vọng trả nợ trong tương lai). Tỷ lệ vỡ nợ có thể cực kỳ cao, lên tới 40-50% tổng số sinh viên vay tiền ở một số quốc gia, và thậm chí lên tới 20% ở những quốc gia có tỷ lệ trả nợ sinh viên tương đối cao, như Hoa Kỳ chẳng hạn. Hiện có hơn 12 triệu cựu sinh viên đại học ở Hoa Kỳ bị coi là những người không trả được nợ và do đó triển vọng vay mượn của họ trong tương lai bị tổn hại nghiêm trọng.

Ở Úc không có người vỡ nợ khoản vay sinh viên và do đó không có con nợ nào bị hoen ố về mặt danh tiếng, bởi vì hệ thống ICL tự động cung cấp sự bảo vệ cần thiết để hỗ trợ những người có nhu cầu tài chính trong tương lai. Do đó, mặc dù tình trạng cho vay sinh viên hiện tại ở Úc, cũng như mọi chính sách đã có từ 35 năm nay, có thể cần được cải thiện, nhưng cơ bản trong kinh nghiệm về việc trả nợ, không xảy ra điều gì gần giống như những cuộc khủng hoảng đang hiển hiện và rất tốn kém ở hầu hết các quốc gia không có cơ chế ICL tài trợ cho giáo dục đại học.