Khủng hoảng nợ vay củasinh viên ở Hoa Kỳ và tác động kinh tế lâu dài

King Alexander là giáo sư và hiệu trưởng của bốn trường đại học công lập lớn ở Hoa Kỳ trong hơn hai thập kỷ, và hiện là giáo sư quản lý giáo dục tại Đại học Florida Gulf Coast, giảng viên cao cấp tại Trung tâm Chính sách Giáo dục của Đại học Alabama và là giảng viên của Viện Nghiên cứu Giáo dục Đại học Cornell, Hoa Kỳ. Email: [email protected]. Bài viết này dựa trên hội thảo quốc tế trực tuyến tại Trung tâm Giáo dục Đại học Toàn cầu ở Đại học Oxford, ngày 3 tháng 10 năm 2023 và bài bình luận ý kiến trên Tạp chí Tài chính Giáo dục Mùa hè năm 2023.

Tóm tắt: Tình trạng nợ vay vốn sinh viên đã trở thành một trong những vấn đề quan trọng nhất trong giáo dục đại học ở Hoa Kỳ. Vấn đề này ảnh hưởng đến gần 45 triệu người Mỹ và gây ra những hậu quả kinh tế lâu dài, mới bắt đầu cảm nhận được trên toàn bộ nền kinh tế đất nước. Bài viết này đề cập đến sự tiến triển của vấn đề quốc gia này và thảo luận về hậu quả kinh tế của cuộc khủng hoảng nợ vay vốn sinh viên.

Để hiểu rõ hơn về cuộc khủng hoàng nợ vay vốn sinh viên 1,8 ngàn tỷ USD ở Hoa Kỳ – có ảnh hưởng đến gần 45 triệu sinh viên đang học và đã tốt nghiệp đại học, người nộp thuế cần nhận thức được mức độ phức tạp của vấn đề, chứ không chỉ đổ lỗi cho những người vay vốn sinh viên này. Trong 50 năm qua, các nhà hoạch định chính sách đã tạo ra một chương trình tài trợ liên bang nhằm giảm nỗ lực tài trợ của chính quyền các bang và cổ vũ việc tài trợ dựa vào học phí trong giáo dục đại học. Như Arthur Hauptman đã chỉ ra vào năm 2011, “lý lẽ thông thường cho thấy rằng các khoản vay dành cho sinh viên ngày càng sẵn có với lãi suất hợp lý đã giúp cho nhiều trường dễ dàng tăng học phí hơn, cũng giống như việc khấu trừ lãi suất thế chấp góp phần làm tăng giá nhà ở”. Tòa án Tối cao Hoa Kỳ còn làm cho vấn đề này thêm phức tạp khi bác bỏ kế hoạch xóa nợ cho sinh viên của Tổng thống Biden – một kế hoạch có thể xóa các khoản nợ vay vốn sinh viên cho gần 23 triệu người. Kể từ khi có phán quyết, Tổng thống Biden đã công bố những kế hoạch có quy mô giảm đi nhiều và chỉ giải quyết được một phần nhỏ của vấn đề quốc gia này.

Những người chỉ trích kế hoạch xóa nợ của Tổng thống Biden, bao gồm các chính trị gia bảo thủ, các tổ chức tư nhân cung cấp dịch vụ vay vốn sinh viên và các công ty lớn đang quản lý các khoản vay thương mại từ quỹ hỗ trợ tài chính của liên bang, cho rằng vì sinh viên tự nguyện nhận các khoản vay nên chỉ họ mới có nghĩa vụ phải trả chúng. Một tuyên bố nữa của những người chỉ trích chương trình xóa nợ liên bang của Biden là chi phí 430 tỷ USD sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn nhiều do tăng trưởng thâm hụt tăng. Một cáo buộc tương tự đã được đưa ra nhưng chưa bao giờ thành hiện thực vào thời điểm bắt đầu Đạo luật An sinh Xã hội năm 1935 và Dự luật G.I. năm 1944. Đây là một cách nhìn đơn giản về vấn đề phức tạp này, bao gồm các quyết định tài trợ của chính quyền bang và nguồn vốn cho vay dồi dào của liên bang, và đã khuyến khích nhiều trường cao đẳng và đại học áp dụng các mô hình doanh thu dựa vào học phí nhiều hơn.

Hiệu ứng Domino

Cốt lõi của vấn đề này là hàng thập kỷ giảm đầu tư của chính quyền bang, dẫn đến học phí và lệ phí liên tục tăng lên với sự hỗ trợ hệ thống của chính phủ liên bang thông qua các chương trình cho vay cấp liên bang trị giá hơn 100 tỷ USD. Khi các khoản vay liên bang mở rộng, tình trạng giảm vốn đầu tư của bang càng sâu hơn khi nhiều trường đại học và cao đẳng công lập đã chuyển từ việc phụ thuộc tài chính vào chính quyền bang sang các mô hình doanh thu dựa vào học phí nhiều hơn. Kết quả là khoản đầu tư vào giáo dục đại học công hiện nay của chính quyền bang, tính theo chỉ số “nỗ lực thuế” hay “năng lực tài chính” của bang, ít hơn khoảng 50% theo so với năm 1980. Ngoài ra, một nửa số bang chi tiêu bằng đô la thực tế cho các tổ chức công ít hơn so với năm 1991, trong khi số lượng tuyển sinh tăng gần 20% trong cùng kỳ.

Các trường đại học và cao đẳng công lập không phải là những tổ chức duy nhất được gián tiếp khuyến khích phụ thuộc nhiều hơn vào học phí và lệ phí. Phản ứng lại sự lớn mạnh của các chương trình cho vay hiện có này của liên bang, các tổ chức giáo dục đại học trong khu vực độc lập, bao gồm cả các trường đại học và cao đẳng tư thục phi lợi nhuận và các trường vì lợi nhuận, cũng đã nhiễm thói nghiện tài chính đối với các chương trình cho vay của liên bang. Chỉ đến bây người ta mới bắt đầu hiểu rõ tác động không cân xứng của những trào lưu này đối với nhóm dân số có thu nhập thấp và không được đại diện đúng mức.

Nợ vay vốn sinh viên ngày càng tăng sẽ ngăn cản những người trẻ tuổi tiết kiệm để nghỉ hưu và để vượt qua các cuộc khủng hoảng tài chính, khiến họ ngày càng phụ thuộc vào các chương trình xã hội và các cơ quan chính phủ

Hậu quả kinh tế dài hạn

Hậu quả kinh tế của vấn đề phức tạp này đã bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước trong lĩnh vực kinh doanh nhỏ, nhà ở, ô tô và hầu hết các thị trường tiêu dùng khác. Năm 2019, Ngân hàng Dự trữ Liên bang đã ban hành một báo cáo nhấn mạnh sự sụt giảm tỷ lệ sở hữu nhà trên toàn quốc và đặc biệt là ở những người Mỹ trẻ tuổi ở độ tuổi 20 và 30: tỷ lệ sở hữu nhà của những người này giảm gần gấp đôi so với dân số nói chung trong giai đoạn 2005 – 2014. Cục Dự trữ Liên bang cũng báo cáo khoản nợ sinh viên chiếm gần 1/4 tổng mức giảm và ngăn cản 400 ngàn thanh niên mua nhà trong thời gian đó. Báo cáo cũng lưu ý rằng sự gia tăng nợ giáo dục làm tăng khả năng vỡ nợ của người đi vay, làm ảnh hưởng xấu đến điểm tín dụng và khả năng đăng ký thế chấp của họ.

Trong ba năm qua, tỷ lệ người thuê nhà thuộc thế hệ Millennial từ bỏ quyền sở hữu nhà đã tăng 65,7%. Mối nguy hiểm có thể thấy trước trong thị trường nhà ở là chúng ta đang tạo ra một thế hệ người đi thuê chứ không phải người mua. Cuối cùng, tỷ lệ sở hữu nhà giảm liên tục sẽ làm giảm đáng kể doanh thu của chính những ngân hàng và công ty đầu tư đã vận động chống lại chương trình xóa nợ vay vốn sinh viên của chính quyền Biden.

Một tác động kinh tế lâu dài khác của khoản nợ khổng lồ của sinh viên là sự suy giảm khả năng chi tiêu tiêu dùng của những người mắc nợ vay vốn sinh viên. Theo Sáng kiến Dữ liệu Giáo dục, người ta ước tính rằng mỗi khi nợ trên thu nhập của một sinh viên đã hoặc chưa tốt nghiệp tăng 1% thì mức tiêu thụ tiêu dùng của họ sẽ giảm tới 3,7%. Ngoài ra, trong một cuộc khảo sát của LendingTree năm 2018, cứ mười người đi vay thì có một người cho biết họ không thể trả tiền mua một chiếc ô tô mới do khoản nợ sinh viên của họ. Ngoài thị trường tiêu dùng ô tô và sở hữu nhà, tất cả các lĩnh vực như quần áo, sửa chữa nhà cửa, giải trí, du lịch và hàng tạp hóa đều bắt đầu hiểu rằng cuối cùng thì gánh nặng mà khoản nợ vay vốn sinh viên đáng kể đang đè lên thế hệ người tiêu dùng Mỹ tiếp theo sẽ có ý nghĩa gì đối với lợi nhuận sau thuế của họ.

Có lẽ hậu quả kinh tế tai hại nhất đối với quốc gia là ở các thị trường kinh doanh nhỏ. Theo báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang tại Philadelphia năm 2015, nợ vay vốn sinh viên tăng khoảng 3,3% dẫn đến giảm 14,4% trong việc hình thành các công ty và doanh nghiệp nhỏ ở mỗi quận của Pennsylvania.

Hơn nữa, nợ vay vốn sinh viên ngày càng tăng sẽ ngăn cản những người trẻ tuổi tiết kiệm để nghỉ hưu và để vượt qua các cuộc khủng hoảng tài chính, khiến họ ngày càng phụ thuộc vào các chương trình xã hội và các cơ quan chính phủ. Về mặt nhân khẩu học, sự gia tăng nợ sinh viên đã trì hoãn việc kết hôn và lập gia đình, điều này ngày càng trở thành vấn đề được quốc gia quan tâm. Những tác động kinh tế và xã hội này không phải là ngắn hạn mà còn tác động không cân xứng đến những người vay vốn sinh viên là người da đen, gốc Tây Ban Nha và nữ giới.

Cuối cùng, những người trẻ ở Hoa Kỳ đang quản lý khoản nợ vay vốn sinh viên lớn có rất ít lựa chọn ngoại trừ việc chi tiêu ít hơn, vì nợ vay vốn sinh viên là khoản nợ duy nhất mà việc nộp đơn xin phá sản không phải là một lựa chọn theo luật. Theo Robert Reich, “luật phá sản cho phép các công ty tái tổ chức một cách suôn sẻ, chứ không phải cho các sinh viên tốt nghiệp đại học nặng gánh vì khoản vay vốn sinh viên”.

Theo cảnh báo từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell, “khi tình trạng này tiếp diễn và khi các khoản vay vốn sinh viên tiếp tục tăng trưởng và ngày càng lớn hơn, thì nó hoàn toàn có thể kìm hãm nền kinh tế”. Nếu những cải cách quan trọng và việc cân chỉnh lại không được quan tâm, vấn đề mà sinh viên tốt nghiệp đại học đang phải đối mặt ngày nay sẽ gây ra những hậu quả kinh tế cho mọi doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và người dân Hoa Kỳ.