Chính sách thu hút sinh viên quốc tế của Nhật Bản và Hàn Quốc sau đại dịch COVID-19

Yukiko Ishikura là phó giáo sư tại Trung tâm Giáo dục và Trao đổi Quốc tế, Đại học Osaka, Nhật Bản. Email: [email protected]. Yon-Soo Tak là giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Thành công của Sinh viên, Đại học Osaka, Nhật Bản. Email: [email protected]. Công trình này được hỗ trợ bởi JSPS KAKENHI (số hiệu 23K02525).

Tóm tắt: Các cơ sở giáo dục đại học ở Nhật Bản và Hàn Quốc đã nỗ lực thu hút một lượng sinh viên quốc tế nhất định. Mặc dù cả 2 quốc gia đều gần đạt được mục tiêu (hoặc đã đạt được), đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến dòng chảy di chuyển của sinh viên. Gần đây, 3 năm sau đại dịch, chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc đã công bố các chính sách mới để thu hút lại sinh viên quốc tế. Nghiên cứu này khảo sát cách thức Nhật Bản và Hàn Quốc đang nỗ lực để đạt được mục tiêu này.

Việc thu hút sinh viên quốc tế là một trong những nỗ lực quan trọng của các trường đại học trên toàn thế giới nhằm quốc tế hóa giáo dục. Trong khi các quốc gia nói tiếng Anh như Australia, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ từ lâu đã là điểm đến hàng đầu của sinh viên quốc tế, thì các quốc gia không nói tiếng Anh như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang nỗ lực tăng sức cạnh tranh quốc tế và thu hút sinh viên quốc tế thông qua các sáng kiến của chính phủ. Nhật Bản đặt mục tiêu thu hút 300 nghìn sinh viên quốc tế vào năm 2020, và Hàn Quốc đặt mục tiêu đạt 200 nghìn sinh viên vào năm 2023. Cả hai quốc gia đều đã đạt được mục tiêu của mình. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến tình trạng di chuyển của sinh viên quốc tế bị đình trệ và thay đổi. Mặc dù vậy, đại dịch cũng mang lại những cơ hội đột phá cho thị trường sinh viên quốc tế. Do đó, giai đoạn hậu đại dịch là thời điểm then chốt để các trường đại học xem xét lại các phương thức tuyển dụng và thu hút sinh viên quốc tế. Nghiên cứu này sẽ khám phá cách Nhật Bản và Hàn Quốc đang nỗ lực thu hút lại sinh viên quốc tế thông qua các sáng kiến của chính phủ trong giai đoạn hậu đại dịch.

Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc đóng vai trò then chốt trong việc quốc tế hóa giáo dục đại học của 2 nước. Cả 2 quốc gia này đều đang phải đối mặt với tình trạng giảm mạnh tỷ lệ sinh (1,26 ở Nhật Bản và 0,78 ở Hàn Quốc tính đến năm 2022), dẫn đến việc giảm số lượng sinh viên đại học. Do đó, các cơ sở giáo dục đại học quy mô nhỏ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, gặp khó khăn trong việc tuyển đủ sinh viên theo chỉ tiêu và có nguy cơ phải đóng cửa. Tại Nhật Bản, 53,3% các trường đại học tư thục đang gặp khó khăn trong việc tuyển đủ sinh viên theo chỉ tiêu vào năm 2023. Ở Hàn Quốc, 20 trường đại học đã đóng cửa cơ sở kể từ năm 2000, trong đó 19 trường nằm ở các vùng nông thôn bên ngoài Seoul. Chính vì vậy, thu hút sinh viên quốc tế là một trong những sáng kiến quan trọng của chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm đa dạng hóa nguồn tuyển sinh.

Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc đóng vai trò then chốt trong việc quốc tế hóa giáo dục đại học của 2 nước.

Chính sách dành sinh viên quốc tế tại Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra “Kế hoạch 300 nghìn sinh viên quốc tế” vào năm 2008 với mục tiêu đạt được con số này vào năm 2020. Và Nhật Bản đã đạt được chỉ tiêu này vào năm 2019, trước một năm so với kế hoạch. Tuy nhiên, số lượng sinh viên đã giảm xuống khoảng 230 nghìn vào năm 2022 do đại dịch COVID-19. Do đó, vào tháng 6 năm 2022, chính phủ đã tuyên bố mục tiêu cho các cơ sở giáo dục đại học Nhật Bản phục hồi từ sự sụt giảm mạnh này và quay trở lại mức sinh viên như trước đại dịch vào năm 2027.

Sau tuyên bố này, vào ngày 27 tháng 4 năm 2023, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra chính sách quốc tế hóa mới có tên “J-MIRAI” (Japan-Mobility and Internationalization: Re-engaging and Accelerating Initiative for Future Generations – Sáng kiến Tái tham gia và Tăng tốc Quốc tế hóa cho Các thế hệ Tương lai). J-MIRAI có 2 mục tiêu chính để đạt được vào năm 2033: thu hút 400 nghìn sinh viên quốc tế đến Nhật Bản để học tập (380 nghìn người theo học tại các trường đại học và trường dạy tiếng Nhật, 20 nghìn người theo học tại các trường trung học) và cử 500 nghìn sinh viên Nhật Bản ra nước ngoài (150 nghìn người theo học chương trình cấp bằng hoặc các chương trình tín chỉ dài hạn, 230 nghìn người tham gia các chương trình trung hạn và ngắn hạn ở bậc đại học, 110 nghìn người tham gia các chương trình ngắn hạn dưới 3 tháng và 10 nghìn người tham gia các chương trình hơn 3 tháng ở bậc trung học).

Các sáng kiến trước cũ trước đây của đất nước tập trung vào giáo dục đại học, tuy nhiên những sáng kiến mới lại đang đặt ra các mục tiêu cụ thể (chỉ tiêu) cho từng cấp học, bắt đầu từ giáo dục trung học. Hơn nữa, thông qua sáng kiến này, chính phủ mong muốn chuyển hướng suy nghĩ: từ đơn thuần là tăng số lượng sinh viên quốc tế đến và đi học, sang nâng cao cả chất lượng và số lượng của sinh viên, giảng dạy và học tập, cũng như phát triển các dịch vụ học thuật và cơ sở hạ tầng hỗ trợ. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp, giáo dục và chính phủ cần phối hợp chặt chẽ để thiết lập quá trình chuyển đổi liền mạch cho sinh viên từ môi trường học thuật sang môi trường làm việc chuyên nghiệp tại Nhật Bản. Điều này sẽ giúp nâng cao tỷ lệ tuyển dụng sau khi ra trường của sinh viên quốc tế tại Nhật Bản từ 48% vào năm 2018 lên 60% vào năm 2033.

Chính sách sinh viên quốc tế tại Hàn Quốc

Vào năm 2012, chính phủ Hàn Quốc đã khởi động “Dự án Du học Hàn Quốc 2020” với mục tiêu thu hút sinh viên quốc tế đến năm 2020. Mục tiêu sau đó được kéo dài đến năm 2023. Tính đến tháng 6 năm 2023, Hàn Quốc đã thành công thu hút 207,125 sinh viên và đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, số lượng sinh viên quốc tế đến Hàn Quốc đã giảm do đại dịch. Vào cuối tháng 8 năm 2023, chính phủ Hàn Quốc đã công bố chính sách sinh viên quốc tế mới – “Dự án Du học Hàn Quốc 300 nghìn” – nhằm thúc đẩy hơn nữa sáng kiến quốc tế hóa giáo dục và nâng cao số lượng sinh viên quốc tế lên 300 nghìn vào năm 2027.

Chương trình chính sách mới này nhằm mục đích gia tăng số lượng sinh viên quốc tế, hỗ trợ sinh viên có kỹ năng định cư tại Hàn Quốc sau khi tốt nghiệp bậc đại học, và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học. Để đạt được những mục tiêu này, chính phủ Hàn Quốc sẽ mở rộng chương trình học bổng quốc gia, hay Học bổng Toàn cầu, ưu tiên cho sinh viên theo học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) tại các trường ngoài khu vực Seoul. Bên cạnh đó, chính phủ cũng nới lỏng các yêu cầu về ngôn ngữ và thị thực để du học tại Hàn Quốc, tăng cường các khóa học bằng tiếng Anh, đồng thời cung cấp con đường dễ dàng và nhanh chóng hơn để xin thường trú dành cho sinh viên có bằng cấp cao trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ cụ thể.

Cũng tương tự như Nhật Bản, sinh viên quốc tế tại Hàn Quốc có xu hướng rời khỏi đất nước sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Hàn Quốc, 62% sinh viên quốc tế về nước sau khi lấy bằng tiến sĩ tại Hàn Quốc. Chính vì vậy, Hàn Quốc đặt mục tiêu giảm thiểu tình trạng chảy máu chất xám thông qua việc thực hiện chính sách sinh viên quốc tế mới này.

Những thách thức và mối quan tâm

Đại dịch đã mang lại cho cả chính phủ và các cơ sở giáo dục đại học cơ hội để đánh giá lại quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học, đồng thời phát triển các cách tiếp cận và chiến lược mới. Giờ đây, khi sự di chuyển của sinh viên quốc tế đã quay trở lại mức trước đại dịch, Nhật Bản và Hàn Quốc sẵn sàng quay trở lại thị trường sinh viên quốc tế, trong bối cảnh thị trường đã có nhiều thay đổi với những sáng kiến mới mẻ. Rút kinh nghiệm từ các chính sách sinh viên quốc tế trước đây và bài học trong quá khứ, họ đã sẵn sàng tham gia vào thị trường sinh viên quốc tế mới với các mục tiêu rõ ràng.

Từ xưa tới nay, các chính sách quốc tế hóa giáo dục đại học thường ưu tiên số lượng, chẳng hạn như số lượng sinh viên quốc tế, hơn chất lượng. Các sáng kiến mới này hướng đến mục tiêu cân bằng cả hai yếu tố về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những lo ngại về chất lượng giáo dục và trình độ sinh viên, đặc biệt là do các chính sách đặt mục tiêu đạt được số lượng sinh viên quốc tế nhất định trong một năm cụ thể.

Quốc tế hóa từng chỉ là chiến lược dành riêng cho các cơ sở giáo dục đại học. Giờ đây, nó đã trở thành mối quan tâm thiết yếu của toàn bộ các quốc gia. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều mong muốn thu hút sinh viên quốc tế tài năng đến với các cơ sở giáo dục đại học của mình và hy vọng giữ chân họ sau khi tốt nghiệp, để họ ở lại sinh sống và làm việc trong biên giới của mình. Để thực hiện hiệu quả các chính sách sinh viên quốc tế mới này, điều cần thiết phải hiểu rằng các cơ sở giáo dục đại học không thể hoạt động riêng lẻ với tư cách là động lực duy nhất của quốc tế hóa. Một cách tiếp cận hợp tác giữa doanh nghiệp, trường học và chính phủ là rất quan trọng. Để đảm bảo quá trình chuyển đổi liền mạch từ môi trường học thuật sang môi trường kinh doanh, sự hỗ trợ dành cho sinh viên quốc tế từ cả hai lĩnh vực là điều cần thiết.

Các nỗ lực quốc tế hóa của các cơ sở giáo dục đại học ở thành thị và nông thôn đang cho thấy một sự chênh lệch đáng kể. Các trường đại học ở thành thị thường thu hút được nhiều sinh viên trong nước và quốc tế hơn so với các trường ở nông thôn. Do hậu quả đó, các cơ sở giáo dục đại học ở thành thị và nông thôn cần phát triển các chiến lược quốc tế hóa riêng biệt để giải quyết những thách thức cụ thể của họ.

Nhật Bản và Hàn Quốc đang đối mặt với những thách thức tương tự và có chung các mục tiêu trong chính sách sinh viên quốc tế. Hai nước cần chuyển đổi từ việc cạnh tranh thu hút sinh viên quốc tế sang hợp tác để thu hút họ đến khu vực Đông Á. Họ có thể học hỏi từ kinh nghiệm của nhau và cùng nhau thu hút sinh viên quốc tế đến khu vực này.