Ishmael I. Munene là giáo sư khoa lãnh đạo giáo dục tại Đại học Bắc Arizona, Hoa Kỳ. E-mail: Ishmael.Munene@nau.edu.
Tóm tắt: Những cải cách tài chính đại học gần đây ở Kenya nhằm giảm thiểu tác động của chủ nghĩa tân tự do đối với tình hình tài chính của các trường đại học công lập. Cải cách đưa ra một cách tiếp cận mới về tài trợ công cho các trường đại học, khởi xướng mô hình nhiều giá và đề xuất chương trình hỗ trợ tài chính sinh viên gồm bốn nhóm đối tượng. Sự im lặng trong cải cách của chính phủ đối với việc hỗ trợ ngân sách cho đại học, những thách thức thực hiện, tái cấu trúc tổ chức đại học đặt ra câu hỏi về tính bền vững lâu dài của việc tài trợ cho đại học công lập.
Cải cách tài chính đại học gần đây ở Kenya là phản ứng trước cuộc khủng hoảng tài trợ cho đại học từ năm 2010. Chúng không chỉ nhằm giải quyết những thách thức về tăng trưởng toàn hệ thống, gia tăng sĩ số sinh viên và chất lượng giáo dục, mà còn cố gắng giải quyết các vấn đề về bình đẳng trong tài trợ cho sinh viên và năng lực tài chính của các trường đại học. Quan trọng hơn, cải cách cũng thể hiện cho sự thất bại của “thị trường hoá” như là một giải pháp khả thi thay thế cho tài trợ công đại học, như được kỳ vọng trong cuộc cải cách giữa những năm 1990. Những cải cách hiện nay báo trước sự thay đổi mô hình tài trợ cho giáo dục đại học, chúng vẫn không cho thấy khả năng giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến tính bền vững tài trợ giáo dục đại học trong bối cảnh tân tự do (neoliberalism).
Các nước châu Phi phải đối mặt với hậu quả của chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) trong giáo dục đại học từ những năm 1990 nhằm giải quyết thiếu hụt nghiêm trọng nguồn tài trợ công, bằng cách đại chúng hóa, thị trường hóa và tư nhân hóa các trường đại học. Mô hình được áp dụng ở nhiều quốc gia là sự kết hợp của nguồn lực tư nhân, doanh thu thị trường, và trợ cấp của chính phủ nhằm duy trì và kích thích sự mở rộng toàn hệ thống. Do đó, sinh viên và phụ huynh phải trả một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo, trường đại học phải tạo ra doanh thu, còn chính phủ thì tài trợ cho sinh viên khó khăn. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Kenya cho thấy những bài học quan trọng về những hạn chế của thị trường hoá và tư nhân hóa làm cơ sở giải quyết ngân sách cho đại học, và những thách thức của việc giải quyết vấn đề tài trợ đại học và công bằng trong khi vẫn duy trì các chính sách tư bản. Thảo luận về Kenya không chỉ có ý nghĩa cho bối cảnh châu Phi mà còn toàn cầu, vấn đề quan trọng muôn thuở vẫn là việc tìm cân bằng giữa tài trợ của chính phủ, đóng góp của tư nhân, doanh thu thị trường, và chất lượng giáo dục.
Các nước châu Phi phải đối mặt với hậu quả của chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) trong giáo dục đại học từ những năm 1990 nhằm giải quyết thiếu hụt nghiêm trọng nguồn tài trợ công, bằng cách đại chúng hóa, thị trường hóa và tư nhân hóa các trường đại học.
Những cải cách giữa thập niên 1990
Dựa trên các nguyên lý tân tự do, những cải cách ở Kenya đã chuyển đổi các trường đại học công lập thành các tổ chức thuộc sở hữu nhà nước, được tài trợ chủ yếu bởi tư nhân nhằm đáp ứng các chương trình điều chỉnh cơ cấu do Ngân hàng Thế giới và IMF bắt buộc đối với châu Phi. Chính phủ đưa ra các biện pháp chia sẻ chi phí, trong đó sinh viên chỉ trả mức học phí khiêm tốn, được trợ cấp cao là 106 USD mỗi năm và chương trình trợ cấp dành cho những người không có khả năng chi trả. Ngoài ra, sinh viên trả chi phí ăn ở trong campus. Tuy nhiên, chương trình cho vay do Ủy ban cho vay giáo dục đại học (Higher Education Loans Board – HELB) sẽ hỗ trợ tài chính cho những sinh viên khó khăn để trang trải chi phí chỗ ở. Những biện pháp này chỉ áp dụng cho sinh viên được chính phủ tài trợ — đủ điều kiện nhận học bổng chính phủ dựa trên kết quả trung học của họ. HELB là một tập đoàn nhà nước được chính phủ tài trợ hoàn toàn để cung cấp tài chính giáo dục đại học cho từng sinh viên.
Những cải cách này đã mở đầu cho quá trình tư nhân hóa và thị trường hóa trong giáo dục đại học. Các đại học công được phép tiếp nhận sinh viên do tư nhân tài trợ (gọi là ‘mô-đun II’), họ thanh toán toàn bộ chi phí đào tạo đại học, tạo thêm nguồn thu cho các đại học. Họ cũng được yêu cầu tham gia vào các hoạt động kinh doanh để bổ sung nguồn tài trợ của nhà nước. Ngoài ra, các trường đại học tư được cấp phép nhằm mở rộng cơ hội giáo dục đại học. Những can thiệp này đã mang lại sự tăng trưởng đáng kể cho hệ thống. Năm 2000 chỉ có 18 trường đại học (6 công lập, 12 tư thục), tăng lên 60 trường vào năm 2010 (22 công, 38 tư) và 69 trường vào năm 2023 (39 công, 30 tư). Về tuyển sinh, có 45.412 sinh viên (38.413 trường công, 6999 trường tư) vào năm 2000 so với 182.253 năm 2010 (150.926 trường công, 31.327 trường tư). Số lượng sinh viên hiện tại là 563 ngàn (426.965 trường công, 85.946 trường tư).
Những chính sách tân tự do này cũng gây ra những hậu quả không mong muốn về ngân sách cho các đại học công. Mức tăng trưởng doanh thu dự kiến từ các hoạt động kinh doanh không như kỳ vọng, và mặc dù ban đầu mức tăng trưởng số lượng sinh viên được tư nhân bảo trợ rất ấn tượng nhưng sau đó lại giảm mạnh, khiến các trường đại học công lập rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính. Hơn nữa, để bảo vệ chất lượng giáo dục đại học, vào năm 2015, nhà nước đã cấm hoạt động các cơ sở vệ tinh đại học công lập và sáp nhập sinh viên được chính phủ tài trợ với sinh viên được tư nhân tài trợ để đảm bảo tính nhất quán chất lượng đào tạo — các biện pháp này làm hạn chế cơ hội cho mô-đun II tạo doanh thu. Hơn nữa, khi tài trợ cho các trường đại học và sinh viên công lập, chính phủ định giá các chương trình học thuật như nhau, bất kể chi phí thực hiện. Trước những cải cách hiện nay, tổng nợ của các trường đại học công lập đã vượt quá 110 triệu USD, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các trường này. Hỗ trợ của chính phủ tiếp tục giảm; chẳng hạn, trong năm tài chính 2019–2020, nguồn tài trợ của nhà nước đã bị cắt giảm 300 triệu USD.
Mô hình tài trợ giáo dục đại học mới
Theo mô hình này, các đại học công lập không còn được chính phủ tài trợ trực tiếp mà nhận tài trợ từ Quỹ Đại học mới được thành lập, một cơ quan của chính phủ được ủy thác phát triển các tiêu chí và phân bổ tài trợ giáo dục đại học, đồng thời giải ngân tất cả nguồn tài trợ của chính phủ. Quỹ cũng định giá các chương trình học thuật dựa trên chi phí thực hiện dự kiến, từ đó xác định các khoản vay dưới dạng hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Đối với việc tài trợ cho sinh viên, kiểm tra khả năng tài chính và phân sinh viên thành bốn loại với mức hỗ trợ tài chính khác nhau, bao gồm học bổng chính phủ, các khoản vay và đóng góp của hộ gia đình. Các loại gồm: dễ bị tổn thương (học bổng 82%, vay 18%), cực kỳ túng thiếu (học bổng 70%, vay 30%), nghèo khó (học bổng 53%, vay 40% và đóng góp của gia đình 7%) và ít túng thiếu hơn (38% học bổng, khoản vay 55% và đóng góp của gia đình 7%). Hỗ trợ tài chính được cung cấp thông qua HELB. Hiện có hai nguồn tài trợ cho giáo dục đại học ở Kenya: Quỹ Đại học cung cấp tài chính cho các trường đại học công lập, và HELB tài trợ cho sinh viên, bao gồm cả sinh viên đại học tư.
Những cải cách này gây ra quan ngại nghiêm trọng. Họ không đề cập việc tăng cường tài trợ của chính phủ để đáp ứng nhu cầu định suất của đại học công lập, vốn là nguyên nhân chính của thách thức tài chính hiện tại. Mọi cách thức phân loại học sinh luôn là thách thức ở một đất nước mà hầu hết các hộ gia đình phải vật lộn để kiếm sống và làm việc trong khu vực lao động tự do, thu nhập bấp bênh. Vậy làm thế nào để xác định được những người dễ bị tổn thương, những người cực kỳ thiếu thốn, thiếu thốn và ít thiếu thốn hơn? Phân biệt giá thông qua chênh lệch học phí dựa trên chi phí chương trình không nhận ra rằng chi phí cung cấp một chương trình có thể khác nhau do vị trí của trường. Đáng chú ý, các trường đại học tư ở cùng một địa điểm có các mô hình định giá khác nhau cho các chương trình tương tự, do đó họ cho nhiều lựa chọn hơn ở các trường công. Quả thực, vấn đề sinh viên được chính phủ tài trợ đăng ký vào đại học tư chưa được giải quyết thỏa đáng.
Kết luận
Tái cơ cấu tài trợ cho giáo dục đại học chỉ bằng cách nhắm đến sự công bằng của sinh viên và điều chỉnh giá để phản ánh chi phí chương trình là không đủ để giải quyết những thách thức của tài trợ cho đại học do chủ nghĩa tân tự do tạo ra. Những cải cách toàn diện cần bao gồm cả vấn đề tài trợ của chính phủ, ngân sách đại học, và tối ưu hóa nhân sự. Việc mở rộng toàn hệ thống một cách bền vững mà không cần đến các biện pháp chính trị, kiểm soát chất lượng và sử dụng hợp lý nguồn lực tư nhân hứa hẹn sẽ cung cấp một giải pháp khả thi cho vấn đề này.