Bằng cấp cao hơn hay tham vọng cao hơn: Cách tiếp cận mới đối với bằng tiến sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật và nhân văn ở Vương quốc Anh

Paulina Latorre là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trung tâm Quốc tế hóa Giáo dục Đại học, Đại học Công giáo Thánh Tâm Milan, Italia, và là chuyên gia quốc tế hóa tại một trường đại học ở Chile. Email: [email protected].

Christopher Smith là chủ tịch điều hành của Hội đồng Nghiên cứu Nghệ thuật và Nhân văn, một phần của viện Nghiên cứu và Đổi mới Vương quốc Anh (UKRI), đồng thời là giáo sư tại Đại học St Andrews, Scotland, Vương quốc Anh. Email: [email protected].

Tóm tắt: Trong nhiều năm qua, chương trình tiến sĩ nghệ thuật và nhân văn ở Vương quốc Anh chưa được đánh giá lại. Đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn kỹ càng hơn về giá trị mà bằng cấp quan trọng này mang lại, và làm thế nào để chúng ta có thể cho công chúng và xã hội thấy được giá trị, năng lượng và trí tưởng tượng mà các cử nhân nghệ thuật và nhân văn thể hiện trong công việc của họ, thông qua những thay đổi trong giám sát, kiểm tra và định nghĩa mục đích.

Đối với một bằng cấp được cho là rất uy tín, thì bằng tiến sĩ lại đáng chú ý do ít được xem xét một cách kỹ lưỡng. Nó đã thay đổi tương đối ít về kết quả đầu ra, hình thức và quy trình nhưng bối cảnh thì khác biệt rõ rệt. Bằng tiến sĩ hiện đại ở Vương quốc Anh thường được xác định niên đại vào những năm ngay sau thế chiến thứ nhất. Nó đến tương đối muộn trong danh mục giáo dục của chúng ta và là sự kết nối phức tạp của một quy trình 3 chu kỳ (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) thông qua tiến trình Bologna đã diễn ra vào cuối thế kỷ XX.

Chúng tôi từ lâu đã tranh luận, đặc biệt là khi giải thích cho những nỗ lực tuyển dụng, rằng bằng tiến sĩ là con đường dẫn đến nhiều sự nghiệp khác bên cạnh công việc học thuật. Điều này hoàn toàn là chính xác khi nhìn vào thực tế, các nghiên cứu sinh tiến sĩ thành công có thể theo đuổi nhiều hướng đi khác nhau. Vấn đề hóc búa hơn nhiều là bằng tiến sĩ có phải là bước đi cần thiết hay chỉ là lựa chọn có thêm ít giá trị.  Trong một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như nghiên cứu và phát triển (R&D) tại nhiều phòng thí nghiệm tư nhân, bằng tiến sĩ có liên quan thường là yêu cầu bắt buộc để tham gia. Tuy nhiên, đối với các lĩnh vực khác như công chức, giảng viên, xuất bản, kinh doanh, tổ chức nghiên cứu, thì bằng tiến sĩ lại không quá cần thiết.

Điều này đặt ra một số câu hỏi thú vị, đặc biệt đối với các tiến sĩ về nghệ thuật và nhân văn:

  • Có thể khẳng định chắc chắn rằng bằng tiến sĩ có thể trang bị các kỹ năng cần thiết cho các lĩnh vực ngoài học thuật và phù hợp với mục đích rộng lớn hơn mà chúng ta gán cho nó hay không?
  • Làm thế nào để chúng ta đánh giá giá trị của các kỹ năng được hình thành thông qua việc học tập các ngành khoa học nhân văn và nghệ thuật ở bậc cao học, trong trường hợp những kỹ năng này không thể đạt được thông qua giải pháp can thiệp thị trường lỗi thời của chính phủ?
  • Nên dành bao nhiêu ngân sách nhà nước cho những loại hình nghiên cứu tiến sĩ về lĩnh vực khoa học nhân văn và nghệ thuật?

Đây là những câu hỏi khó khăn, đặc biệt là khi giá trị của lĩnh vực khoa học nhân văn và nghệ thuật thường xuyên bị đặt câu hỏi trong các cuộc tranh luận công khai. Không ai trong chúng ta muốn giật một sợi chỉ có thể khiến cả tấm vải bị bung ra. Nhưng nếu cứ né tránh vấn đề, chúng ta có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội cho một cuộc tranh luận thực sự cần thiết về chương trình tiến sĩ khoa học nhân văn và nghệ thuật hiện nay.

Tiến sĩ nghệ thuật và nhân văn có phù hợp với mục đích không?

Chúng ta không thể đơn giản cho rằng chương trình tiến sĩ khoa học nhân văn và nghệ thuật hoàn toàn phù hợp với mục đích đào tạo. Hình thức đào tạo đã trở nên đa dạng hơn do xu hướng gia tăng việc chấp nhận các nghiên cứu dựa trên thực hành nghệ thuật. Tuy nhiên, việc bó buộc thực hành nghệ thuật vào khuôn khổ chương trình tiến sĩ lại không thực sự phù hợp. Hơn nữa, một số chương trình tiến sĩ khoa học nhân văn và nghệ thuật có tính chất gần giống với các chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên nghiệp, nhưng điều này có lẽ không rõ ràng như trong lĩnh vực kinh doanh. Rất khó để xác định chính xác những gì chúng ta mong đợi một chương trình tiến sĩ mang lại, và chúng ta cần gắn điều này với tập kỹ năng rộng hơn mà một chương trình tiến sĩ được tái định hình có thể cung cấp.

Chương trình tiến sĩ truyền thống có thể tạo ra nhiều luận án, nhưng còn nhiều mô hình khác mà có thể can thiệp thẳng vào lĩnh vực công. Bằng tiến sĩ được xem như con đường dẫn đến đổi mới xã hội và can thiệp sáng tạo, không nhằm thay thế cho những đóng góp vững chắc cho nền học thuật hiện có, nhưng cũng không nhất thiết tách biệt khỏi nó. Mô hình này có thể đặt ra yêu cầu cao đối với các ứng viên, là một cách thể hiện những nhóm kỹ năng mà chương trình tiến sĩ bồi dưỡng và là một lập luận cho loại hình tài trợ tiềm năng.

Tài trợ công cho các nghiên cứu sinh tiến sĩ nghệ thuật và nhân văn

Chắc chắn, mỗi quốc gia có những cách thức khác nhau để tài trợ cho chương trình tiến sĩ. Tuy nhiên, chỉ có nguồn ngân sách công mới có thể tạo cơ hội cho tất cả mọi người. Hội đồng nghiên cứu nghệ thuật và nhân văn (Arts and Humanities Research Council – AHRC) chi tiêu tỷ lệ % ngân sách cho các chương trình tiến sĩ nhiều hơn bất kỳ hội đồng nghiên cứu nào khác ở Vương quốc Anh, mặc dù họ vẫn chỉ hỗ trợ khoảng 10% tổng số các chương trình tiến sĩ khoa học nhân văn và nghệ thuật trong toàn hệ thống.

Vào năm 2020-2021, Vương quốc Anh có khoảng 18 nghìn nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa học nhân văn và nghệ thuật. Điều này cho thấy cung vượt cầu, ngược lại với tình hình ở một số lĩnh vực khoa học, nơi các công việc yêu cầu bằng tiến sĩ còn nhiều hơn nguồn cung ứng nhân lực. Mặc dù vậy, sẽ rất có lợi nếu chúng ta yêu cầu mọi chương trình tiến sĩ được tài trợ công khai phải chứng minh được khả năng tạo ra tác động, tương tự như cách chúng ta mong đợi tác động được tích hợp sẵn trong nghiên cứu và nhiều lĩnh vực ứng dụng khác. Bằng cách định nghĩa rộng hơn và tích cực hơn về bộ kỹ năng tiềm năng của một tiến sĩ khoa học nhân văn và nghệ thuật, chúng ta có thể khẳng định rằng cần phải có nhiều nguồn tài trợ khác nhau.

Điều này cho thấy cung vượt cầu, ngược lại với tình hình ở một số lĩnh vực khoa học, nơi các công việc yêu cầu bằng tiến sĩ còn nhiều hơn nguồn cung ứng nhân lực.

Hai câu trả lời sau đây có thể gây ra tranh luận: thứ nhất, liệu nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa học nhân văn và nghệ thuật có thực sự gặp khó khăn trong việc điều chỉnh đề tài nghiên cứu của họ vào các mô hình sáng tạo hơn, nếu họ được khuyến khích và hỗ trợ? Mặt khác, nếu họ vẫn gặp khó khăn, liệu chúng ta có nên đánh giá lại các kỹ năng mà họ đang được trang bị trong chương trình đào tạo? Nếu khái niệm về chương trình tiến sĩ được tái định nghĩa, trở thành một môi trường và thời gian để đồng sáng tạo những đổi mới nghiêm ngặt và hiệu quả cho lĩnh vực công, thì nguồn tài trợ nào có thể sẵn có? Cuối cùng, việc định vị lại chương trình tiến sĩ theo hướng này có thể tạo ra những khác biệt gì đối với vị thế và khả năng tuyển dụng của các tiến sĩ khoa học nhân văn và nghệ thuật?

Thứ hai, nếu chúng ta đi đến việc đồng thuận cho rằng, chương trình tiến sĩ cần mở rộng cho các nghiên cứu sáng tạo và liên ngành hơn, nhưng mô hình hiện tại lại không phù hợp, thì liệu chúng ta có nên xem xét lại chính mô hình đó? Một chương trình đào tạo tiến sĩ tích hợp và tài trợ đầy đủ, kéo dài 5 hoặc 6 năm, bao gồm cả bằng thạc sĩ, có thể trông như thế nào? Trong trường hợp này, các mô hình đào tạo ở nước ngoài có thể cung cấp những gợi ý hữu ích.

Đi sâu hơn nữa, việc giám sát và đánh giá luận án tiến sĩ vẫn tương đối không thay đổi. Mặc dù việc áp dụng hình thức đồng giám sát (dual supervision) thống nhất ở Vương quốc Anh được hoan nghênh, nhưng việc triển khai nó trên các loại hình tổ chức khác nhau từ trước đến nay luôn gặp khó khăn. Liệu chúng ta có nên khuyến khích hình thức này nhiều hơn không? Một hình thức đánh giá khác có tạo ra con đường thành công mới mẻ không? Liệu chúng ta có nên hướng tới mục tiêu xây dựng các hội đồng giám sát luận án tiến sĩ có năng lực và được kết nối với quá trình thi cuối kỳ không? Hiện tại, luận án tiến sĩ là văn bằng học thuật duy nhất tại Anh còn lại được trao dựa trên phỏng vấn với hai người trong phòng kín. Tại sao việc thi cuối kỳ của chúng ta không được công khai giống như ở các nước châu Âu khác, củng cố quan niệm rằng kết quả luận án tiến sĩ là tri thức đại chúng?

Làm mới lại định hướng đào tạo sau đại học ngành khoa học nhân văn và nghệ thuật

Chắn chắn rằng, chúng ta cần duy trì và hỗ trợ các chương trình đào tạo bậc cao trong lĩnh vực khoa học nhân văn và nghệ thuật. Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ dựa vào giá trị nội tại của ngành hoặc sự tài trợ của nhà nước để biện minh cho chi phí, hoặc che giấu nó dưới một danh mục rộng lớn hơn. Điều quan trọng là chúng ta phải chứng minh được rằng: hình thức và mô hình đào tạo tiến sĩ khoa học nhân văn và nghệ thuật có thể mang lại giá trị và tính xây dựng tương đương với các chương trình tiến sĩ trong lĩnh vực kỹ thuật hoặc khoa học đời sống.

Chúng ta có thể củng cố lập luận hơn, đặc biệt là nếu nỗ lực nhiều hơn để chỉ ra sự rộng lớn của các ngành liên quan đến thế giới tư duy và tưởng tượng của chúng ta. Ngành nào tương đương với ngành dược và khoa học đời sống trong lĩnh vực khoa học nhân văn và nghệ thuật? Liệu chúng ta có thể đào sâu và giải thích thêm về các chương trình tiến sĩ tổng hợp (Portfolio PhDs), các thí nghiệm nghiên cứu dù không liên tục nhưng được xuất bản và thực hiện thông qua nhiều dự án, có thể tạo ra sản phẩm tương đương với luận án tiến sĩ? Hoặc đi sâu hơn nữa về các chương trình tiến sĩ về chính sách và đổi mới xã hội, đặc biệt là các chương trình được đồng sáng tạo với cộng đồng? Làm thế nào để chúng ta tích hợp tiến sĩ khoa học nhân văn và nghệ thuật một cách phù hợp vào mối liên hệ đang phát triển giữa địa điểm, tính tái tạo và cơ hội? Các mô hình cho chương trình tiến sĩ theo nhóm là gì? Chúng ta nên khám phá những đổi mới nào trong việc tài trợ? Làm thế nào để chúng ta chuyển từ việc nộp phí sang tạo ra giá trị? Liệu bằng tiến sĩ khoa học nhân văn và nghệ thuật thực sự là một bước đi hữu ích trên con đường hướng tới các trường đại học, mà ở nơi đó, họ thực sự gắn bó với cộng đồng? Làm thế nào để chúng ta có thể tái định nghĩa những phòng thí nghiệm nơi chương trình tiến sĩ khoa học nhân văn và nghệ thuật có thể được thực hiện – không chỉ dành cho số ít được tài trợ, mà dành cho một nhóm người rộng lớn và đa dạng hơn nhiều?

Hội đồng Nghiên cứu Nghệ thuật và Nhân văn AHRC sẽ tiếp tục hỗ trợ các chương trình tiến sĩ hợp tác, thúc đẩy phân bổ rộng rãi nguồn tài trợ không phân biệt ngành học cho các học bổng trên khắp Vương quốc Anh, và cung cấp tài trợ cạnh tranh cho các trung tâm nghiên cứu xuất sắc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm. Hàng nghìn luận án tiến sĩ không được đọc đến không phải là câu trả lời. Một dự án thực sự đầy tham vọng nhằm hồi sinh khái niệm về nghiên cứu sinh sau đại học khoa học nhân văn và nghệ thuật có thể mang tính đột phá, không chỉ ở Vương quốc Anh mà còn ở những nơi khác.