Lee Rensimer là giảng viên tại Viện Giáo dục, University College London, Vương quốc Anh. E-mail: l.rensimer@ucl.ac.uk. Tristan McCowan là giáo sư Giáo dục quốc tế tại Viện Giáo dục, University College London, Vương quốc Anh. Email: t.mccowan@ucl.ac.uk.
Tóm tắt: Giáo dục đại học đã xuất hiện trở lại như một trụ cột chính để thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) và giải quyết các thách thức toàn cầu, tuy nhiên, hỗ trợ quốc tế cho hệ thống giáo dục đại học và sinh viên ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp vẫn bị hiểu lầm và không có nhiều tài liệu đề cập đến. Với sự gia tăng rõ rệt nguồn tài trợ chưa được báo cáo từ các nhà tài trợ mới nổi, tự tài trợ và các hình thức tài trợ cho nghiên cứu liên quan đến SDG, chúng tôi cho rằng đã đến lúc phải xem xét lại về những gì được coi là viện trợ quốc tế cho giáo dục đại học.
Những thập kỷ gần đây đã chứng kiến tầm quan trọng ngày càng tăng của giáo dục đại học trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững SDG và giải quyết những thách thức toàn cầu dai dẳng. Không giống như giáo dục cơ bản, các trường đại học có chức năng thể chế rộng lớn hơn: dạy và học, nghiên cứu cơ bản, đổi mới và gắn kết cộng đồng, bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ khác như bệnh viện, đào tạo và tư vấn chuyên nghiệp, cung cấp nhiều loại hàng hóa công và tư nhân trực tiếp hoặc gián tiếp đóng góp cho SDG. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục đại học ở hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp liên tục bị thiếu đầu tư, đặc biệt là do các thỏa thuận điều chỉnh cơ cấu và đấu tranh để giữ được đào tạo tiến sĩ, cản trở việc thực hiện nhiều chức năng đa dạng của giáo dục đại học. Trong khi tầm quan trọng của giáo dục đại học có thể được nhìn thấy trong các cuộc thảo luận ngày càng phát triển của các cơ quan đa phương quan trọng trong hai thập kỷ qua, nguồn tài trợ cho giáo dục đại học đến từ các cơ quan này và các nhà tài trợ song phương đã giảm trong tổng hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) kể từ năm 2002, bất chấp viện trợ cho giáo dục đại học về mặt tuyệt đối vẫn gia tăng đều đặn. Phần lớn viện trợ này cũng hướng đến các quốc gia có hệ thống giáo dục đại học phát triển hơn là những quốc gia có cơ sở hạ tầng bấp bênh nhất, và nhắm mục tiêu rộng rãi đến các cá nhân thông qua học bổng và đào tạo quốc tế tại các tổ chức và hệ thống.
Do tầm quan trọng của giáo dục đại học và số lượng học bổng tương đối lớn về viện trợ cho giáo dục cơ bản, nghiên cứu, do đó sự hiểu biết của chúng ta về viện trợ cho giáo dục đại học còn hạn chế một cách đáng ngạc nhiên. Những tài liệu khan hiếm về viện trợ quốc tế cho giáo dục đại học đã đưa ra những phân tích về các chương trình cụ thể, những bình luận phê phán về vai trò của các tổ chức quốc tế và một số đánh giá về hiệu quả và tác động của viện trợ. Năm ngoái chứng kiến sự xuất bản ấn phẩm hàng đầu của Viện Giáo dục Đại học Quốc tế của UNESCO tại châu Mỹ Latinh và Caribe, nhằm cố gắng nắm bắt nguồn viện trợ toàn cầu cho giáo dục đại học. Nó xác định các xu hướng quan trọng và xác nhận những xu hướng của các nghiên cứu trước đây: ví dụ viện trợ cho giáo dục đại học bị phân mảnh, hướng tới các nước có thu nhập trung bình và đối với nhiều nhà tài trợ, nó tập trung chủ yếu vào học bổng quốc tế cho các cá nhân. Tuy nhiên, đối với chúng tôi, mấu chốt của vấn đề chính là dữ liệu được sử dụng để thực hiện hầu hết các nghiên cứu về viện trợ là Hệ thống Báo cáo Vay nợ của OECD. Những dữ liệu này, như chúng tôi đã tranh luận trong một bài báo gần đây, chỉ tạo thành một phần nhỏ của bức tranh viện trợ, và tệ hơn, thể hiện một bức tranh có khả năng gây hiểu lầm. Một phần vấn đề với dữ liệu của OECD là giá trị nội tại của nó, vì các cơ quan tài trợ tự báo cáo các hoạt động viện trợ của họ theo những cách không nhất quán. Vấn đề lớn hơn – và cần phải xem xét lại những gì được coi là viện trợ cho giáo dục đại học – là có nhiều thay đổi trong bối cảnh viện trợ trong những thập kỷ gần đây.
Do tầm quan trọng của giáo dục đại học và số lượng học bổng tương đối lớn về viện trợ cho giáo dục cơ bản, nghiên cứu, do đó sự hiểu biết của chúng ta về viện trợ cho giáo dục đại học còn hạn chế một cách đáng ngạc nhiên.
Tác nhân tài trợ mới
Một phần của bối cảnh đang thay đổi này là sự xuất hiện của các nhà tài trợ mới tham gia hỗ trợ quốc tế cho giáo dục đại học, bao gồm các quỹ từ thiện tư nhân và các nước công nghiệp hóa gần đây. Tài chính phát triển tư nhân cho giáo dục đại học đang tăng lên đều đặn, dẫn đầu là Mastercard, Open Societies, Carnegie và Conrad Hilton Foundations, cùng nhiều tổ chức khác. Dòng chảy từ thiện từ các tác nhân này tập trung vào việc tăng cường khả năng tiếp cận và chất lượng giáo dục đại học ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp thông qua học bổng trong nước, hỗ trợ tài chính và các hoạt động nâng cao chương trình. Viện trợ song phương từ BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và các nền kinh tế mới nổi khác cũng đang gia tăng, đánh dấu sự chuyển đổi của họ từ người nhận viện trợ sang nhà tài trợ. Trong một số trường hợp, các quốc gia vẫn duy trì làm cả người viện trợ và nhận viện trợ giáo dục đại học. Tương tự với viện trợ đến từ các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập và các quốc gia khác ngoài OECD, sự hỗ trợ của họ cho giáo dục đại học chủ yếu là học bổng quốc tế và sinh hoạt phí để học tập tại quốc gia tài trợ. Tính địa chính trị của các dòng vốn này thể hiện rõ ràng trong việc lựa chọn chiến lược đối tác tiếp nhận, giống như trường hợp của các nhà tài trợ truyền thống lâu đời.
Điểm khác biệt giữa các dòng vốn này với dòng vốn của các nhà tài trợ truyền thống là tính minh bạch và hình thức của chúng. Trong khi các nhà tài trợ song phương trong OECD được yêu cầu báo cáo các hoạt động viện trợ của họ theo khuôn khổ minh bạch, các nhà tài trợ mới có thể chọn tham gia (vì lợi ích địa chính trị của sự minh bạch và hợp tác) nhưng không có nghĩa vụ phải làm như vậy. Tương tự, các quỹ từ thiện cũng làm như vậy khi có đủ năng lực, khiến cho OECD chỉ có thể nhìn thấy và đo đếm được đóng góp từ các tổ chức tư nhân lớn nhất. Với việc cả hai nhóm nhà tài trợ đều tăng cường hỗ trợ cho giáo dục đại học, khoảng cách giữa bộ dữ liệu của OECD và thực tế ngày càng tăng, làm suy yếu nghiêm trọng nguồn dữ liệu duy nhất và được sử dụng nhiều nhất về viện trợ quốc tế. Vấn đề còn phức tạp hơn nữa là việc phân loại viện trợ có phần cứng nhắc và lỗi thời của bộ dữ liệu, không tương thích với một số sắc thái của hợp tác Nam-Nam (giữa các nước phía Nam với nhau) và đầu tư nước ngoài Đông-Nam (giữa các nước phía Đông và phía Nam). Một số dòng chảy từ các nhà tài trợ mới, bao gồm các gói cho vay phức tạp từ Trung Quốc đến châu Phi hoặc các sáng kiến giáo dục đại học xuyên quốc gia giữa Brazil và Lusophone South, bất chấp sự phân loại truyền thống. Hầu hết các dòng chảy này không xuất hiện trong dữ liệu của OECD, và do đó phải được ghép lại với nhau thông qua nghiên cứu tài liệu điều tra (của các tổ chức như AidData.org), tạo ra một bức tranh chắp vá về các dòng tài chính phù hợp một cách lỏng lẻo với cách hiểu của chúng ta về “viện trợ”.
Các hình thức viện trợ mới
Tuy nhiên, ngược lại, tính minh bạch trong hoạt động được các nhà tài trợ truyền thống báo cáo cho OECD không nhất thiết đồng nghĩa với sự hỗ trợ thực chất. Phần lớn viện trợ giáo dục đại học từ nhiều nhà tài trợ lớn nhất của OECD, bao gồm Đức, Pháp, Nhật Bản, Áo và Vương quốc Anh, là dành cho các chương trình học bổng quốc tế của riêng họ nhằm tài trợ hiệu quả cho các trường đại học và nền kinh tế của họ. Tài trợ nghiên cứu giáo dục đại học cũng ngày càng được coi là viện trợ và được tính vào các cam kết ODA quốc gia, sử dụng các phương tiện phức tạp như Quỹ Nghiên cứu Thách thức Toàn cầu của Vương quốc Anh và Quỹ Newton để thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các trường đại học và nhà nghiên cứu của Anh và quốc tế. Giống như học bổng, phần lớn nguồn tài trợ này là để tự phục vụ, duy trì ở trong nước và thúc đẩy nghiên cứu trong nước bằng tiền viện trợ.
Trong khi các nhà tài trợ phân loại học bổng là viện trợ cho giáo dục đại học, nghiên cứu do ODA tài trợ thường được phân loại khác nhau theo lĩnh vực mục tiêu. Tuy nhiên, hình thức tài trợ nghiên cứu này thường liên quan đến đào tạo hoặc nâng cao năng lực cho các học giả và trường đại học ở Nam bán cầu, hoạt động như một hình thức hỗ trợ gián tiếp cho giáo dục đại học. Vì số tiền khổng lồ này không được phản ánh trong các chỉ số thông thường về viện trợ giáo dục đại học, chúng tôi lập luận rằng khoản viện trợ thông qua giáo dục đại học này cũng quan trọng không kém giúp ta hiểu được bức tranh lớn hơn về dòng viện trợ cho giáo dục đại học.
Những phát triển như vậy đặt ra những câu hỏi cần thiết và quan trọng về những gì được coi là viện trợ và chính xác ai đang được hỗ trợ. Trong thực tiễn rộng hơn về viện trợ quốc tế, đây chắc chắn không phải là những lời phê bình mới. Tuy nhiên, những gì chúng cho phép là mảnh đất màu mỡ để xem xét lại cách chúng ta phân loại và định lượng viện trợ cho giáo dục đại học, có tính đến tác động của nó đối với năng lực của các hệ thống giáo dục đại học và giới học thuật. Làm thế nào điều này được hiện thực hóa trong thực tế là một thách thức hoàn toàn khác, nhưng trước đó ta cần thiết phải xem xét lại dữ liệu có sẵn và những thiếu sót quan trọng của nó.