Việc sử dụng yếu tố chủng tộc trong tuyển sinh ở Hoa Kỳ chưa kết thúc, trừ phi cấm điều đó

Raquel Muñiz, JD, PhD là trợ lý giáo sư tại Trường Giáo dục & Phát triển Con người Lynch của Boston College, và Trường Luật, Hoa Kỳ. E-mail: [email protected].

Andrés Castro Samayoa, Tiến sĩ, là phó giáo sư tại Trường Giáo dục & Phát triển Con người Lynch của Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: [email protected].

Tóm tắt: Sau vụ tổ chức Students for Fair Admissions kiện Harvard (2023), mọi người có thể nghĩ rằng yếu tố chủng tộc bị loại bỏ khỏi quy trình tuyển sinh đại học. Cách giải thích này là một sự hiểu lầm về thực tế pháp lý mới ở Hoa Kỳ. Chúng tôi đưa ra hai nguồn hy vọng vạch ra con đường phía trước cho các nhà lãnh đạo giáo dục, phụ huynh và học sinh.

Mọi người ở trong và ngoài Hoa Kỳ có thể nghĩ rằng hiện nay yếu tố chủng tộc đã bị loại bỏ khỏi quy trình tuyển sinh tại các trường cao đẳng và đại học. Các hiệu trưởng trường đại học, các tiêu đề báo chí và các chuyên gia chính trị đều đưa ra phán quyết rằng các chính sách tuyển sinh tại Đại học Harvard và Đại học Bắc Carolina vi phạm những nguyên tắc của Tu chính án thứ mười bốn, như là cái chết không có gì đáng ngạc nhiên của các chính sách nâng đỡ dưới tay một Tòa án Tối cao Hoa Kỳ có khuynh hướng bảo thủ…

Bối cảnh lịch sử và quốc gia

Việc tin rằng chủng tộc của người nộp đơn không còn là một phần của quá trình tuyển sinh đại học là một cách hiểu sai về thực tế pháp lý mới ở Hoa Kỳ. Hơn nữa, đó là sự hiểu lầm về thực tiễn các chính sách tuyển sinh có ý thức về chủng tộc, mà bản chất là một biện pháp khắc phục có chủ ý nhằm giải quyết tình trạng phân biệt chủng tộc trong nhiều thập kỷ. Việc sử dụng chủng tộc trong tuyển sinh đại học đã lan sang cả nền giáo dục đại học Hoa Kỳ bởi án lệ của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ trong quyết định mang tính bước ngoặt của họ năm 1954 trong vụ Brown kiện Hội đồng Giáo dục. Vụ việc này đã khẳng định rằng các trường học phân biệt chủng tộc vốn là không bình đẳng và vi phạm điều khoản bảo vệ bình đẳng trong Tu chính án thứ mười bốn của Hiến pháp Hoa Kỳ.

Những nỗ lực nhằm hòa nhập các trường học theo chủng tộc đã bị xói mòn thông qua các vụ kiện liên tiếp làm mất đi mục đích và tinh thần ban đầu của vụ Brown kiện Hội đồng Giáo dục, đẩy việc sử dụng chủng tộc trong tuyển sinh đại học vào một khung hẹp – chỉ được sử dụng để thúc đẩy các quan niệm rộng rãi về tính đa dạng, yêu cầu các tổ chức đào tạo phấn đấu theo cách tiếp cận “trung lập về chủng tộc” và để phụ nữ da trắng là những người được hưởng lợi lớn nhất từ các chính sách nâng đỡ. Bất chấp sự xói mòn, các học giả thấy ra rằng việc cố ý sử dụng chủng tộc trong tuyển sinh là phương pháp hiệu quả nhất để thúc đẩy sự đa dạng chủng tộc trong tuyển sinh đại học, và những nỗ lực khác, chẳng hạn như xổ số hoặc thay thế việc sử dụng chủng tộc bằng tình trạng kinh tế xã hội, đều không hiệu quả.

Việc tin rằng chủng tộc của người nộp đơn không còn là một phần của quá trình tuyển sinh đại học là một cách hiểu sai về thực tế pháp lý mới ở Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, những nhà hoạt động bảo thủ vui mừng trước phán quyết gần đây của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ lại dựa vào hiểu biết hời hợt của công chúng, cụ thể về việc tuyển sinh có ý thức chủng tộc – và rộng hơn là về các chính sách nâng đỡ – để truyền bá ý tưởng sai lầm rằng việc sử dụng chủng tộc trong tuyển sinh hiện nay là hoàn toàn vi hiến. Cách tiếp cận này cũng gây ra hiệu ứng lan truyền nguy hiểm trong một loạt hoạt động giáo dục ngoài việc tuyển sinh đại học chọn lọc, bắt đầu ngay sau khi tòa án ban hành quyết định, chẳng hạn như hướng dẫn của tổng chưởng lý Missouri đối với các trường công trong bang “ngừng ngay việc sử dụng các tiêu chuẩn dựa vào chủng tộc để đưa ra quyết định về những việc như nhận học, học bổng, chương trình và việc làm”.

Tuyên bố “chính sách nâng đỡ đã kết thúc” ở Hoa Kỳ phản bội sự thực là trên thực tế vẫn có những con đường phía trước đảm bảo cho bản sắc chủng tộc của sinh viên không bị xóa khỏi quy trình tuyển sinh của các trường đại học cũng như những nỗ lực rộng lớn hơn của các tổ chức nhằm đạt được sự bình đẳng và đa dạng chủng tộc ở Hoa Kỳ.

Chúng tôi đưa ra hai nguồn hy vọng vạch ra con đường phía trước cho các nhà lãnh đạo giáo dục, phụ huynh và học sinh hiểu rõ hơn về những điều khoản ràng buộc mới sẽ được đặt ra theo quyết định của tòa án.

Ý kiến của tòa án còn hạn hẹp

Một cách giải thích mở rộng và có căn cứ về phán quyết của tòa án là bản thân phán quyết đó có phạm vi rất hẹp. Ngay từ đầu, tòa án đã trình bày vấn đề này như là một vấn đề chỉ liên quan đến tuyển sinh bằng cách dựa vào việc sử dụng từ người nộp đơn nhiều lần trong suốt ý kiến của mình và liên tục thảo luận quan điểm của tòa rằng tuyển sinh đại học là một việc có tổng bằng 0. Ý kiến đa số tập trung xuyên suốt vào vấn đề hạn hẹp này, chỉ có điều không nêu rõ đây chính là vấn đề liên quan đến tuyển sinh.

Điều này mở ra cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học ít bị ảnh hưởng trực tiếp bởi phán quyết này đối với những chính sách khác có ý thức về chủng tộc trong giáo dục đại học hơn. Các nỗ lực như các chương trình tuyển dụng nhằm tăng cường sự đa dạng chủng tộc trong nguồn ứng viên của các cơ sở đào tạo và các biện pháp can thiệp khác vào chương trình để hỗ trợ sinh viên da màu khi theo học đại học vẫn không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những nỗ lực khác này sẽ đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải phân bổ và sử dụng các nguồn lực đáng kể.

Chủng tộc vẫn có thể được xem xét khi tuyển sinh

Tòa án lưu ý rõ rằng “không có gì cấm các trường đại học thảo luận với người nộp đơn về việc chủng tộc ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của người nộp đơn, miễn là cuộc thảo luận đó gắn liền với phẩm chất tính cách hoặc khả năng độc đáo mà người nộp đơn có thể đóng góp cho trường đại học”. Nghĩa là, các cơ sở giáo dục đại học vẫn có thể xem xét chủng tộc trong tuyển sinh trong những tình huống hạn chế, khi chủng tộc được thảo luận như một phần của các yếu tố “mù màu” khác được định hình (một cách nghịch lý) bởi chủng tộc của người nộp đơn. Như tòa án lưu ý, điều này có thể bao gồm việc người nộp đơn mô tả sự phân biệt chủng tộc đã khiến họ rèn luyện sự can đảm và quyết tâm như thế nào hoặc là văn hóa hay di sản của người nộp đơn đã giúp họ phát triển kỹ năng lãnh đạo như thế nào. Nói cách khác, các tổ chức đào tạo vẫn có thể xem xét chủng tộc miễn là việc xem xét đó gắn liền với một số đặc điểm “mù màu” (mặc dù được truyền từ đó). Điều mà tòa án cấm là việc sử dụng chủng tộc một cách công khai.

Hiệu ứng lan truyền ớn lạnh

Tuy nhiên, phán quyết này có những tác động ngược chiều nhằm chống lại những nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng chủng tộc trong bối cảnh pháp lý mới. Thông tin sai lệch về phán quyết và phạm vi của phán quyết đã bắt đầu nhan nhản và có thể dẫn đến sự nhầm lẫn về những gì luật pháp cho phép và cấm đoán. Nhìn rộng hơn, nghiên cứu đã chỉ ra rằng luật pháp có thể có tác động đáng sợ đến mức các nhà lãnh đạo giáo dục – những người nhận thấy môi trường pháp lý thù địch – sẽ tự kiểm duyệt để tránh bị kiện tụng hoặc trả thù, ngay cả khi luật pháp cho phép họ hành động theo những cách khẳng định sự công bằng.

Hơn nữa, quan trọng là phải ngữ cảnh hóa phán quyết này trong một bối cảnh chính trị xã hội rộng lớn hơn. Quyền giáo dục ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới tiếp tục bị chính trị hóa và bị thu hồi thông qua tòa án và pháp luật. Các phong trào bảo thủ thù địch sẽ tiếp tục tìm kiếm những biện pháp thoái lui nữa và hủy hoại sự tiến bộ đối với những học sinh bị thiệt thòi về mặt chủng tộc. Các chính sách giáo dục đại học có xét đến vấn đề chủng tộc có thể sẽ gặp phải phản ứng dữ dội.

Ý kiến kết luận

Trong khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ tiếp tục đi theo con đường nguy hiểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi để sau này dỡ bỏ các quyền đối với những người đã bị áp bức trong lịch sử, đúng với bản chất của tòa — và đại diện cho phong trào bảo thủ đương thời — thì Chánh án Roberts và ý kiến đa số của ông lại bám vào ngôn ngữ dân quyền, từng được sử dụng để nâng cao quyền của người da đen và các cộng đồng bị áp bức khác trong lịch sử,  nhằm xóa bỏ chính những quyền này. Ý kiến đa số của tòa án đã nhầm lẫn khi quy định “mù màu” vào cách hiểu về luật bảo vệ bình đẳng. Những cách giải thích này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các vấn đề bình đẳng theo pháp luật trong các vụ việc tương lai.

Như Thẩm phán Sonia Sotomayor đã nêu trong phần phản đối của mình, không có gì để ăn mừng về một phán quyết sai lầm “dựa vào ảo tưởng rằng bất bình đẳng chủng tộc là vấn đề của một thế hệ khác”. Bằng chứng thực nghiệm chặt chẽ được trích dẫn qua các ý kiến bất đồng từ ba thẩm phán theo chủ nghĩa tự do của tòa án khẳng định một cách rõ ràng rằng bất bình đẳng chủng tộc tiếp tục gây khó khăn cho quốc gia. Tuy nhiên, sự hiểu biết chung của chúng ta về những phương án hiện có để ứng phó với tình trạng hạn chế tiến bộ là rất quan trọng, để ta khỏi nản lòng khi tiếp tục đi trên con đường dài hướng tới công lý chủng tộc.