Thách thức của Nhật Bản trong việc giải quyết tình trạng suy giảm nhân khẩu

Akiyoshi Yonezawa là giáo sư và phó giám đốc, Đại học Tohoku, Nhật Bản. E-mail: [email protected].

Tóm tắt: Trước sự suy giảm liên tục về nhân khẩu, giáo dục đại học của Nhật Bản hiện đang cố gắng phát triển các hệ sinh thái mới cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực. Hệ thống giáo dục đại học nên có sự gắn bó với nhiều bên liên quan và cởi mở hơn trong các khía cạnh toàn cầu, quốc gia, địa phương với tầm nhìn dài hạn. Sự chuyển đổi như vậy trong cuộc đối thoại giữa giáo dục đại học và xã hội là một thách thức lớn, mặc dù đất nước này cũng không còn nhiều thời gian trước sự suy giảm nữa.

Vào tháng 7 năm 2023, chính phủ Nhật Bản dự báo sự suy giảm nhân khẩu học sẽ diễn ra trầm trọng hơn nữa, gây nên những tác động tiềm tàng lên lực lượng dân số trẻ và việc đăng ký học đại học đến năm 2050. Những dự báo này nhấn mạnh ba đặc điểm chính. Thứ nhất, sự suy giảm nhân khẩu học đang diễn ra nhanh chóng, phần lớn là do sự giảm sâu tỷ lệ sinh sau đại dịch COVID-19. Thứ hai, các ước tính chi tiết đã được công bố cho tất cả 47 khu vực, mặc dù ước tính của họ đã bỏ qua khả năng tập trung lượng lớn sinh viên ghi danh vào khu vực đô thị Tokyo. Cuối cùng, các dự báo bao gồm số lượng sinh viên quốc tế dự kiến trong các kịch bản của họ. Đây cũng là điều đầu tiên được nêu lên, trong khi tỷ lệ sinh viên quốc tế ước tính được đặt ở mức tương đối khiêm tốn từ 3% đến 8%.

Vào tháng 7 năm 2023, chính phủ Nhật Bản dự báo sự suy giảm nhân khẩu học sẽ diễn ra trầm trọng hơn nữa, gây nên những tác động tiềm tàng lên lực lượng dân số trẻ và việc đăng ký học đại học đến năm 2050.

Sự suy giảm dân số trẻ đặt ra một mối đe dọa đáng kể đối với giáo dục đại học ở Đông Á, nơi mà hầu hết mọi xã hội (Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan – ngoài Nhật Bản) đều phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp. Trong lịch sử, các nền kinh tế Đông Á đã duy trì khả năng cạnh tranh của mình thông qua các sinh viên và công nhân có động lực cao trong các hệ thống giáo dục đại học theo thứ bậc. Nguồn lực thường tập trung vào một nhóm các trường đại học nghiên cứu ưu tú. Tuy nhiên, sự suy giảm dân số trẻ, do nhu cầu đầu tư giáo dục cao cho mỗi trẻ em, có thể dẫn đến suy giảm chức năng lựa chọn sinh viên tại các trường đại học ưu tú và bán ưu tú, giảm hoặc đóng cửa các chương trình và trường đại học do quá cung và suy giảm nguồn nhân lực. Xu hướng này đặc biệt đáng lo ngại đối với Nhật Bản, nơi mà quá trình lão hóa dân số dài hạn đã gây ra thiệt hại đáng kể về kinh tế xã hội. Năm 2022, hai người trong độ tuổi 15–65 phải nuôi một người trên 65 tuổi, và tỷ lệ này càng tệ hơn khi đến năm 2045 sẽ giảm xuống còn 3:2.

Sự kém hiệu quả của các sáng kiến xuất sắc trong học tập

Gần đây tôi đã tiến hành phân tích toàn diện về chính sách giáo dục đại học của Nhật Bản trong 3 thập kỷ qua, tập trung vào tình trạng hoạt động kém hiệu quả của các sáng kiến xuất sắc trong học thuật. Các báo cáo chính thức của chính phủ nhấn mạnh sự tiến bộ vững chắc trong quốc tế hóa và cải cách quản lý trong giáo dục, nghiên cứu và dịch vụ xã hội tại các trường đại học hàng đầu. Tuy nhiên, các sáng kiến 2013 của chính phủ nhằm quảng bá các trường đại học đẳng cấp thế giới như biểu tượng cho cam kết của quốc gia đối với khoa học, công nghệ và đổi mới đã giảm so với mục tiêu của họ là đưa 10 trường đại học Nhật Bản vào top 100 của thế giới vào năm 2023. Theo Xếp hạng học thuật của các trường đại học thế giới (ARWU), đến năm 2022, chỉ có 2 trường đại học Nhật Bản lọt vào top 100, giảm so với 5 vào năm 2003 và 3 vào năm 2013. Năm yếu tố được xác định cho sự thiếu hụt này bao gồm:

  • Những nỗ lực cải cách trường đại học không đủ và việc tăng cường quản lý vi mô quan liêu.
  • Nguồn vốn cấp cho giáo dục đại học bị thiếu hụt do hạn chế về ngân sách và học phí thì đi ngang.
  • Xã hội già đi và nguồn nhân lực trong nước bị thu hẹp, càng trầm trọng hơn do những nỗ lực không đầy đủ trong việc tăng lượng nữ sinh và sinh viên quốc tế.
  • Hoạt động quốc tế hóa ngành giáo dục đại học và xã hội chậm lại do rào cản về ngôn ngữ và văn hóa.
  • Các hệ thống thưởng phạt chưa phát triển đối với các kỹ năng và kiến thức trong thị trường lao động quốc gia.

Tất cả những yếu tố này đều có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Ví dụ, việc quốc tế hóa xảy ra chậm hơn do ảnh hưởng bởi bộ máy quan liêu, thiếu vốn, già hóa và hệ thống khen thưởng kém phát triển. Đồng thời, lực lượng dân số trẻ đang suy giảm và thiếu nguồn nhân lực gây nên việc ít cạnh tranh hơn trong giáo dục đại học làm giảm cơ hội việc làm cho sinh viên trong nước. Một xã hội già cỗi có xu hướng bảo thủ hơn và miễn cưỡng thay đổi. Có nguy cơ cao về một chu kỳ luẩn quẩn dẫn đến sự suy giảm hoặc thảm họa trong hệ thống giáo dục đại học và xã hội nói chung của Nhật Bản, đặc biệt là ở nông thôn. Các cuộc thảo luận chính sách gần đây về sự thay đổi nhân khẩu học trong giáo dục đại học cho thấy ý thức chung về khủng hoảng giữa các bên liên quan trong giáo dục đại học, chính phủ và các ngành công nghiệp.

2 hệ sinh thái thay đổi tương lai

Chính phủ hiện đang cố gắng phát triển 2 hệ sinh thái để giúp xã hội Nhật Bản thích ứng với nền kinh tế tri thức toàn cầu: hệ sinh thái tri thức nhằm tạo ra các giá trị tri thức thông qua khoa học, công nghệ và đổi mới; và hệ sinh thái phát triển nguồn nhân lực nhằm nuôi dưỡng những người lao động tri thức có tay nghề cao có khả năng hội nhập vào các nguồn nhân lực toàn cầu hóa và kích hoạt nền kinh tế quốc gia. Ý tưởng về một hệ sinh thái giới thiệu việc phát triển một chu kỳ đạo đức bền vững bằng cách huy động sự tham gia của nhiều loại bên liên quan, chẳng hạn như chính phủ, ngành, trường đại học và học giả ở cấp toàn cầu, quốc gia và địa phương.

Trong trường hợp của Nhật Bản, ý tưởng về hệ sinh thái tri thức đã được chấp nhận rộng rãi trong 10 năm qua, phù hợp với chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó chú ý đến chức năng nghiên cứu của các trường đại học hàng đầu và sự hợp tác của họ với ngành công nghiệp. Gần đây, chính phủ đã bắt đầu nhấn mạnh nhu cầu cần có sự tham gia của nhiều bên trong phát triển nguồn nhân lực. Toàn cầu hóa và suy giảm dân số đã làm tăng sự đa dạng hóa và phân chia giữa thanh niên và gia đình của họ. Hiện tại, chính phủ và xã hội Nhật Bản nhận ra nhu cầu phối hợp tích cực giữa nhiều bên liên quan khi nói đến giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Một lần nữa, giáo dục đại học là một thành phần quan trọng để hiện thực hóa vòng tròn đạo đức của hệ sinh thái này để phát triển nguồn nhân lực.

Để xây dựng một hệ sinh thái tri thức, chính phủ đã phát động một quỹ quốc gia dựa trên khoản trái phiếu trị giá khoảng 70 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với hàng loạt sáng kiến học thuật xuất sắc bị phân mảnh trong 20 năm qua. Kế hoạch là sử dụng quỹ này để hỗ trợ một số lượng rất hạn chế các trường đại học hàng đầu – có thể là 2 hoặc 3 – trong vòng 25 năm. Các trường đại học này dự kiến sẽ phát triển nguồn lực riêng của mình và đạt được quyền tự chủ tài chính. Chính phủ cũng đang hỗ trợ một loạt các hoạt động nghiên cứu để duy trì và phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia cho khoa học, công nghệ và đổi mới.

Với hệ sinh thái phát triển nguồn nhân lực, hiện chính phủ đặt mục tiêu tăng số lượng du học sinh từ 300 nghìn vào năm 2019 (trước đại dịch COVID-19) lên 400 nghìn vào năm 2033 và số lượng du học sinh Nhật Bản từ 222 nghìn lên 500 nghìn cùng kỳ. Ngoài ra, chính phủ đang tích cực hỗ trợ mở rộng các chương trình liên quan đến STEM như khoa học thông tin và công nghệ xanh, đặc biệt là thu hút thêm nữ sinh viên.

Xây dựng 2 hệ sinh thái và đạt được các mục tiêu chính sách này chắc chắn sẽ là một thách thức đáng kể. Sự kết nối giữa chính phủ và các trường đại học cần chuyển đổi từ mối quan hệ ngừoi ủy nhiệm-người thừa hành chủ chốt theo đánh giá hiệu suất chu kỳ ngắn trong quản lý công mới, sang gắn kết nhiều bên liên quan với các cuộc đối thoại dài hạn, để cùng phát triển trong cả giáo dục đại học và xã hội nói chung. Cần phải thay đổi thái độ của nhiều bên liên quan trong việc hướng tới xây dựng thêm các cộng đồng liên văn hóa cởi mở, toàn cầu, hướng đến công dân toàn cầu hơn trong cả giáo dục đại học và xã hội. Chặng đường sắp tới còn rất dài, nhưng đất nước này thực sự không còn thời gian, dưới áp lực nghiêm trọng, lâu dài của sự suy giảm nhân chủng.