Sự phức tạp của chính sách tuyển sinh đại học dựa trên chủng tộc ở Nam Phi

Chika Sehoole là giáo sư giáo dục đại học và là trưởng khoa giáo dục tại Đại học Pretoria, Nam Phi. E-mail: [email protected]. Samuel Kolawole Adeyemo là phó giáo sư tại khoa quản lý và chính sách giáo dục, Đại học Pretoria, Nam Phi. E-mail: s[email protected]. Rakgadi Phatlane là cán bộ quản lý khoa tại Đại học Pretoria, Nam Phi. E-mail: rakgadi.p[email protected].

Tóm tắt: Chủng tộc là một yếu tố then chốt trong khâu tuyển sinh của các trường đại học Nam Phi trong 30 năm qua. Chính sách tuyển sinh đại học được xây dựng xoay quanh chính sách hành động tích cực (loại chính sách nhằm tạo ra bình đẳng) đã bị nhiều chỉ trích từ giới học thuật. Một số học giả cho rằng chính sách này chủ yếu mang lại lợi ích cho sinh viên da đen, thách thức quyền tự chủ của đại học, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và tái nảy sinh một hình thức phân biệt chủng tộc mới. Quan điểm khác cho rằng việc tuyển sinh dựa trên chủng tộc, cụ thể là ưu tiên người da đen, sẽ làm giảm chất lượng và hạ thấp tiêu chuẩn. Bài báo này phân tích các góc nhìn khác nhau về chính sách tuyển sinh đại học dựa trên chủng tộc ở Nam Phi và đánh giá kết quả của chính sách này. Bài báo kêu gọi một cách tiếp cận toàn diện hơn cho tuyển sinh đại học, vượt ra ngoài yếu tố chủng tộc, đồng thời ủng hộ việc xem xét các yếu tố bất lợi khác của thí sinh.

Chủng tộc có vai trò quan trọng trong tuyển sinh đại học ở Nam Phi. Vào thời của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (apartheid), các trường đại học sử dụng chính sách tuyển sinh dựa trên chủng tộc để loại trừ phần lớn sinh viên da đen khỏi giáo dục đại học nói chung, nhất là các trường đại học dành cho người da trắng vốn có nhiều nguồn lực hơn. Dựa trên hiến pháp, vốn đề cao “phân biệt để đối xử công bằng” hay còn gọi là “hành động tích cực”, các trường đại học trong giai đoạn hậu apartheid đã phát triển các chính sách toàn diện dựa trên chủng tộc nhằm khắc phục những bất công nói trên. Chính phủ áp đặt chỉ tiêu sinh viên da đen vào các trường đại học, nhằm đa dạng hóa thành phần dân tộc trong các campus. Thực hiện các chính sách này không hề dễ dàng và gây tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng chính sách chủng tộc dẫn đến việc giảm chất lượng giáo dục và họ ủng hộ chính sách tuyển sinh dựa trên thành tích học tập. Một số khác lại cho rằng nếu không ép chỉ tiêu chủng tộc thì các trường đại học sẽ không thay đổi/cải cách. Bài báo này phân tích những quan điểm đối lập này.

Vì sao cần chính sách tuyển sinh đại học dựa trên chủng tộc?

Những người ủng hộ chính sách tuyển sinh đại học dựa trên chủng tộc viện dẫn hiến pháp, vốn quy định sự cần thiết hành động mạnh mẽ trong bối cảnh “phân biệt chủng tộc không chính thức có căn nguyên lâu đời”. Nam Phi khi giành được độc lập vào năm 1994 kế thừa một hệ thống giáo dục đại học phân mảnh, không công bằng và bị chia rẽ theo chủng tộc với tỷ lệ nhập học chỉ là 17% (tổng số sinh viên đăng ký chia cho tổng dân số trong độ tuổi từ 18 đến 24). Sự bất công của hệ thống giáo dục được thể hiện rõ qua tỷ lệ theo học đại học theo nhóm dân tộc: chỉ có 9% sinh viên là người da đen, mặc dù người da đen chiếm 80% dân số Nam Phi. Sinh viên da màu chiếm 13%, sinh viên gốc Ấn chiếm 40% tổng số sinh viên, trong khi phần lớn sinh viên (70%) là người da trắng (mặc dù họ chỉ chiếm 10% dân số). Chính phủ mới cho rằng cách duy nhất để khắc phục những bất công này là sử dụng hình thức tuyển sinh dựa trên chủng tộc đối với những người đáp ứng các yêu cầu học thuật để vào đại học. Tại nhiều trường đại học vốn dành cho người da trắng trước đây, chỉ tiêu tuyển sinh ưu tiên cho các nhóm dân tộc trong một số chương trình đào tạo nhằm cải thiện tỷ lệ nhập học vào các chương trình trước đây họ bị loại trừ. Cách tiếp cận này bị những người phản đối chính sách tuyển sinh dựa trên chủng tộc coi là không công bằng. Họ cho rằng nó sẽ dẫn đến giảm chất lượng và tiêu chuẩn.

Những người ủng hộ chính sách tuyển sinh đại học dựa trên chủng tộc viện dẫn hiến pháp, vốn quy định sự cần thiết hành động mạnh mẽ trong bối cảnh “phân biệt chủng tộc không chính thức có căn nguyên lâu đời”.

Vì sao cần chính sách tuyển sinh đại học dựa trên thành tích học tập để đảm bảo chất lượng và tự chủ?

Chính sách tuyển sinh dựa trên thành tích học tập hướng đến mục tiêu chất lượng, quyền tự chủ của đại học và tránh can thiệp vào hoạt động của trường. Nói cách khác, các trường đại học có nghĩa vụ đạo đức chỉ tuyển sinh viên có đủ tiêu chuẩn học thuật bất kể chủng tộc.

Một số trường đại học hàng đầu, vốn dành cho người da trắng, phải chịu áp lực “áp dụng hay không áp dụng” chính sách tuyển sinh dựa trên chủng tộc. Các trường này thu hút những sinh viên giỏi nhất cả nước nhờ uy tín của họ, do đó cần loại bỏ chủng tộc như một tiêu chí để ưu tiên cho thành tích học tập. Một quan điểm cho rằng cách duy nhất để chuyển đổi các trường đại học này là loại bỏ rào cản về chủng tộc do chế độ apartheid tạo ra. Ngược lại, cũng có lo ngại rằng một số trường đại học sẽ không chuyển đổi nếu không sử dụng chính sách ưu tiên theo chủng tộc. Những lập luận mâu thuẫn này đặt ra nghi vấn về quyền tự chủ của các trường đại học và các chính sách nội bộ liên quan đến chất lượng và tuyển sinh. Mặc dù một số trường đại học tuyên bố đã chuyển đổi, tuy nhiên không có bằng chứng cho thấy hiệu lực thực thi của chính sách này ở một số trường khác.

Ủng hộ bãi bỏ chính sách tuyển sinh dựa trên chủng tộc, chuyển sang xét theo tình trạng kinh tế và khó khăn

Ủy ban Điều tra của Đại học Cape Town đề xuất sửa đổi chính sách tuyển sinh, sử dụng các yếu tố thay thế để đánh giá khó khăn của thí sinh. Điều này bao gồm kết hợp điểm học tập với các yếu tố như: trường đã theo học, trình độ học vấn của cha mẹ và ông bà, v.v…, nhưng không xét đến chủng tộc.

Quan điểm này cho thấy một sự chuyển hướng trong cuộc tranh luận về tuyển sinh đại học, vượt ra ngoài khuôn khổ của chủng tộc. Chủng tộc là một tiêu chí để xác định sự ưu tiên đang ngày càng trở nên không hữu ích do sự phát triển của tầng lớp trung lưu da đen kể từ năm 1994. Nhóm này có thu nhập tốt, có đủ khả năng cho con em theo học các trường tốt và do đó không còn được coi là đối tượng cần được bù đắp bởi chính sách tuyển sinh ưu tiên.

Quan điểm này cũng được thể hiện trong tiêu chí xét duyệt của Chương trình Hỗ trợ Tài chính Sinh viên do Chính phủ tài trợ. Ngoài tiêu chí học thuật, chương trình này sử dụng tiêu chí tài chính thay vì chủng tộc, hướng tới những sinh viên đến từ các hộ gia đình có thu nhập hàng năm không quá 350 ngàn Rand Nam Phi (tương đương khoảng 1842 USD). Những sinh viên thuộc các hộ gia đình nhận trợ cấp an sinh xã hội của Chính phủ sẽ tự động đủ điều kiện nhận tài trợ.

Đánh giá tiếp cận và thành công

Câu hỏi đặt ra là liệu chính sách tuyển sinh đại học dựa trên chủng tộc có mang lại thành công cho những người được hưởng lợi từ chính sách này hay không. Thống kê cho thấy một bức tranh ảm đạm: việc tiếp cận giáo dục đại học không phải lúc nào cũng dẫn đến thành công. Các nghiên cứu trong hai thập kỷ qua chỉ ra chưa đến một phần ba sinh viên hoàn thành chương trình học đúng hạn – chỉ có một trong ba sinh viên tốt nghiệp trong vòng bốn năm. Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ bỏ học lên đến 52%, điều này làm suy yếu những thành quả về tiếp cận giáo dục đại học của Nam Phi sau thời kỳ apartheid. Tỷ lệ tốt nghiệp của Nam Phi là 15%, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Lý do bỏ học bao gồm các vấn đề về tài chính, trình độ đầu vào yếu của sinh viên, hỗ trợ học tập kém và áp lực phải hỗ trợ tài chính cho gia đình.

Cần thiết thay đổi chính sách tuyển sinh

Có những quan ngại cần thay đổi chính sách tuyển sinh đại học dựa trên chủng tộc. Sự thay đổi gần đây về thành phần sinh viên của đất nước (người châu Phi da đen chiếm 79,5% trong tổng số 1,068 triệu sinh viên của cả nước vào năm 2021) là một diễn biến tích cực, nhưng về lâu dài có thể loại trừ các nhóm dân tộc khác. Các tài liệu cho thấy chính sách hành động tích cực đánh giá thấp khả năng cạnh tranh công bằng của sinh viên da đen xuất sắc. Phần lớn trong số họ có cảm giác “mâu thuẫn nhận thức” vì được vào đại học dựa trên chủng tộc. Các nhóm “bị thiệt thòi” cảm thấy được ưu ái không cần thiết và muốn cạnh tranh mà không cần đến yếu tố chủng tộc. Quan điểm này thể hiện mạnh mẽ trong các sinh viên da đen xuất sắc, và thành tích của họ không được đánh giá do năng lực mà được cho là do chính sách ưu tiên. Có lo ngại rằng chính sách hành động tích cực đang đối xử không công bằng với sinh viên da trắng thiệt thòi và mang ưu đãi cho sinh viên da đen giàu có đã được hưởng lợi từ các cơ hội kinh tế trong 30 năm qua. Vấn đề này cho thấy cần xây dựng các chính sách tuyển sinh đại học không dựa trên tiêu chí chủng tộc.

Kết luận

Các thảo luận nêu bật sự cần thiết cách tiếp cận cân bằng đối với các chính sách tuyển sinh đại học tùy thuộc vào từng quốc gia. Ở Nam Phi, chủng tộc vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến việc tuyển sinh đại học, tuy nhiên, có thể cân bằng với các yếu tố bất lợi khác để có cách tiếp cận toàn diện hơn trong việc xây dựng và áp dụng các chính sách tuyển sinh đại học. Việc sử dụng chính sách tuyển sinh dựa trên chủng tộc để khắc phục những bất công trong quá khứ, đảm bảo chất lượng và tính bền vững của giáo dục đại học vẫn còn nhiều tranh cãi.