Nhà xuất bản, chỉ mục trích dẫn và một nền kinh tế nghiên cứu toàn cầu không bình đẳng

David Mills là phó giáo sư Khoa Giáo dục, Đại học Oxford, Vương quốc Anh. Ông là phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học Toàn cầu Oxford (CGHE). E-mail: [email protected]. Bài này là phiên bản đã chỉnh sửa của bài phát biểu quan trọng, được gửi tại Hội nghị Trung tâm Giáo dục Đại học Toàn cầu năm 2023. Một bài viết dài hơn về cùng chủ đề cũng có trên trang web CGHE http://www.researchcghe.org/publications/working-paper/an-index-a-publisher-and-an-unequal-global-research-economy/

Tóm tắt: Nguồn gốc của bất bình đẳng trong hệ thống truyền thông khoa học toàn cầu ngày nay bắt nguồn từ hậu quả của Thế chiến thứ II. Nguồn tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ dành cho nghiên cứu cơ bản đã tạo ra vô số các bài báo khoa học, mở ra cơ hội cho các nhà xuất bản thương mại. Các công cụ quản lý thông tin mới đã được tạo ra, bao gồm cả chỉ mục trích dẫn khoa học đầu tiên. Cơ sở hạ tầng xuất bản thương mại đã trở thành nền tảng cho toàn cầu hóa giáo dục và nghiên cứu đại học. Một tương lai công bằng hơn phụ thuộc vào một mô hình sở hữu và kiểm soát khác.

Ngày nay, hầu hết các hoạt động truyền thông khoa học đều được thực hiện thông qua cơ sở hạ tầng xuất bản và dữ liệu thuộc sở hữu của các nhà xuất bản thương mại và của các công ty phân tích dữ liệu. Tại sao điều này lại là vấn đề đối với các trường đại học trên thế giới? Bởi vì chính phủ và nguồn tài trợ nghiên cứu chi trả cho việc đặt mua tạp chí, dịch vụ dữ liệu và phí xử lý tác giả, và những chi phí này đang ngày càng tăng. Để hiểu được vai trò của các trường đại học trong việc định hình hệ thống này, ta phải quay trở lại tìm hiểu tham vọng kinh doanh của Robert Maxwell và Eugene Garfield. Cả hai đều thành lập các công ty vào đầu những năm 1950, nhằm định hình lại việc xuất bản học thuật và sự lưu thông toàn cầu của kiến thức khoa học. Mặc dù cả hai là đối thủ kinh doanh gay gắt, nhưng vận may của họ vẫn gắn bó với nhau.

Ngày nay, hầu hết các hoạt động truyền thông khoa học đều được thực hiện thông qua cơ sở hạ tầng xuất bản và dữ liệu thuộc sở hữu của các nhà xuất bản thương mại và của các công ty phân tích dữ liệu.

Sau kết thúc của Thế chiến thứ II đã chứng kiến một sự gia tăng mạnh mẽ về nguồn tài trợ của chính phủ dành cho nghiên cứu. Maxwell, một người tị nạn chiến tranh đến từ Tiệp Khắc, đã chiến đấu cho quân đội Anh và sau đó được tuyển dụng làm sĩ quan tình báo quân sự ở Berlin. Tận dụng tối đa hiểu biết về kinh doanh của mình, ông đã giúp nhà xuất bản Springer của Đức khởi động lại, vận chuyển một lô hàng tạp chí đến Anh một cách bí mật. Năm 1951, ông mua bản quyền phân phối 6 tạp chí khoa học và 2 bộ sách giáo khoa ở Vương quốc Anh, đánh dấu sự ra mắt của Pergamon Press. Trong vòng một thập kỷ, Pergamon đã phân phối 59 tạp chí khoa học và nhanh chóng mở rộng hơn nữa. Maxwell đã tìm kiếm các nhà khoa học nổi tiếng và chiếm được lòng tin của họ, giúp họ ra mắt các tạp chí uy tín trong các lĩnh vực khoa học mới nổi. Tăng gấp đôi quy mô của công ty sau mỗi vài năm, Maxwell nhận ra việc xuất bản khoa học có thể mang lại lợi nhuận như thế nào và dường như không có giới hạn nào đối với khả năng mở rộng. Trong khi một số người còn hoài nghi về việc thương mại hóa việc xuất bản, các biên tập viên học thuật của Maxwell đã tận dụng tối đa quyền tự do biên tập và hiệu quả kỹ thuật mà Pergamon đã hứa, đẩy nhanh chu kỳ xuất bản, thu hút nhiều bài gửi và đăng ký hơn bao giờ hết. Họ bị lôi cuốn bởi phí biên tập hào phóng, những bữa tiệc xa hoa và phụ cấp đi lại. Đổi lại, những biên tập viên này vẫn trung thành với Maxwell và đảm bảo giúp ông quay trở lại Pergamon sau 5 năm kể từ khi ông mất quyền kiểm soát trong một cuộc chiến tiếp quản. Mặc dù sau đó danh tiếng của Maxwell bị tổn hại do việc ông sử dụng gian lận quỹ hưu trí của tờ báo Mirror, thì Pergamon đã mãi mãi viết lại các quy tắc xuất bản khoa học, biến nó trở thành một doanh nghiệp có lợi nhuận toàn cầu.

Một chỉ mục có thể tạo ra sự khác biệt gì?

Sự mở rộng nhanh chóng của việc sản xuất kiến thức khoa học, một phần là do tham vọng thương mại của Pergamon và Elsevier thúc đẩy, đã tạo ra một vấn đề mới: quản lý sự gia tăng đồng thời của luồng thông tin. Eugene Garfield, người tự phong mình là “nhà khoa học thông tin”, đã đưa ra những giải pháp có ảnh hưởng. Giải pháp đầu tiên của ông có tên là Current Contents, một dịch vụ đăng ký dựa trên việc sao chụp và đối chiếu các trang nội dung tạp chí, giúp mọi người cập nhật những nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực của họ. Thành công về mặt thương mại của nó đã khiến ông thành lập “Viện Thông tin Khoa học” (ISI). Với sự giúp đỡ tài trợ của Không quân Hoa Kỳ, vào năm 1963, ông đã đưa ra Science Citation Index SCI (Chỉ mục trích dẫn khoa học) đầu tiên, một cơ sở dữ liệu gồm tất cả các trích dẫn từ 560 tạp chí khoa học mà ông xác định là “cốt lõi” quan trọng nhất. 70% trong số các tạp chí này được xuất bản ở Hoa Kỳ hoặc Vương quốc Anh và gần như tất cả số còn lại là từ châu Âu. Đó là quan điểm lấy Hoa Kỳ làm trung tâm về xuất bản khoa học toàn cầu, bị chi phối bởi các nhà xuất bản thương mại và thu nhập đăng ký của họ. Chỉ 7% số tạp chí được lập chỉ mục được xuất bản ở Đức, bất chấp việc nước này trước chiến tranh còn thống trị về mặt khoa học. Không có tạp chí châu Phi nào được lập chỉ mục và chỉ có hai tạp chí đến từ Trung Quốc. Chỉ mục đã tăng trưởng rất nhanh chóng. Đến năm 1968, nó đã bao gồm 2000 tạp chí, con số này lại tăng gấp đôi vào năm 1979, nhưng chỉ mục vẫn ngả hẳn về địa lý học thuật của nền kinh tế xuất bản Âu-Mỹ.

Chỉ mục này đã bắt đầu xác định kiến thức học thuật “có uy tín”. Việc được đưa vào là rất quan trọng và các nhà xuất bản thương mại được đặt ở vị trí tốt nhất để đáp ứng các ngưỡng kỹ thuật và trả phí đăng ký cần thiết. Giống như Maxwell, Garfield rất giỏi trong lĩnh vực quan hệ công chúng và tiếp thị, thúc đẩy việc bán SCI và các dịch vụ ISI khác trên toàn thế giới, kể cả ở Liên Xô. Những nỗ lực đặt câu hỏi về mức độ bao phủ của chỉ mục, chẳng hạn như bằng chứng thống kê về sự phân biệt đối xử của SCI đối với các tạp chí “thế giới thứ ba”, đã dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ của Garfield.

Đúng như Robert Merton dự đoán, các thước đo của chỉ mục đã trở thành mục tiêu. Các trường đại học, học giả và nhà xuất bản bắt đầu sử dụng chỉ mục này để cạnh tranh. Dữ liệu trích dẫn cho phép người dùng xếp hạng các nhà nghiên cứu dựa trên các trích dẫn và tạp chí của họ theo “chỉ số tác động” của họ. Garfield đã tạo ra các công cụ để chơi trò chơi mang tính học thuật và mang lại hiệu quả cho tổ chức.

Trong nhiều năm, chỉ mục này được trợ cấp bởi thu nhập từ Current Contents. Một cáo phó đã mô tả Garfield, người đã qua đời vào năm 2017, là “người có tầm nhìn xa” hơn là “người giữ sổ sách”. Với việc số hóa, tiềm năng thương mại đầy đủ của nó đã được hiện thực hóa. Bảng xếp hạng đại học toàn cầu đầu tiên vào đầu những năm 2000 đã sử dụng dữ liệu trích dẫn SCI để đánh giá học thuật. Số lượng ngày càng nhiều siêu dữ liệu tạp chí (chẳng hạn như các trích dẫn) chính là nguồn doanh thu chính cho các công ty như Elsevier, công ty đã thành lập chỉ mục đối thủ (Scopus) vào năm 2004. Năm 2011, Thompson đã bán hoạt động kinh doanh ban đầu của Garfield với giá 3,5 tỷ USD cho Clarivate.

Tương lai sẽ ra sao?

Đã 70 năm kể từ khi Maxwell thành lập Pergamon, việc xuất bản tạp chí học thuật đã trở thành một ngành mang lại lợi nhuận toàn cầu. Càng ngày, phân tích dữ liệu càng mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với xuất bản tạp chí. Ngày nay, danh tiếng và địa vị học thuật được đo lường bằng xếp hạng tạp chí, “các chỉ số tác động” và “chỉ mục H”. Sức mạnh của các chỉ mục trích dẫn đã được khuếch đại nhờ số hóa và đầu tư tài chính, chắc chắn sẽ ưu tiên các mạng lưới học thuật và lợi ích thương mại của Âu-Mỹ.

Bất chấp những lời kêu gọi phi thực dân hóa truy cập mở và thúc đẩy cái mà các nhà xuất bản độc lập gọi là đa dạng thư mục, hai chỉ mục trích dẫn thương mại đã phủ bóng đen lên hoạt động xuất bản hàn lâm ở phía Nam toàn cầu. Các tạp chí khu vực và không nói tiếng Anh hầu như vô hình khi bị loại trừ khỏi các chỉ mục trích dẫn này, củng cố sự phân tầng của các khu vực địa lý học thuật và làm suy yếu hệ sinh thái kiến thức khu vực lâu đời. Các tạp chí không được lập chỉ mục thường xuyên phải đối mặt với những câu hỏi về tính hợp pháp của chúng trên hầu hết các nước không nói tiếng Anh.

Những người ủng hộ truy cập mở “kim cương” (không thu phí) ở châu Âu hình dung ra một hệ thống nghiên cứu toàn cầu công bằng hơn được xây dựng trên cơ sở hạ tầng xuất bản và tiêu chuẩn kỹ thuật do cộng đồng sở hữu. Tuy nhiên, mô hình xuất bản truy cập mở “kim cương” miễn phí cho tác giả và người đọc cần một sự đầu tư đáng kể và hỗ trợ bằng hiện vật. Nếu tầm nhìn này vượt ra ngoài các trường đại học châu Âu có nguồn lực tốt, các chính phủ và hệ thống giáo dục đại học trên toàn cầu sẽ cần phải tài trợ cho cơ sở hạ tầng nghiên cứu cần thiết. Có rất nhiều việc cần phải làm để có thể phá bỏ thế giới do Maxwell và Garfield tạo ra.